Lại rộ lên việc chụp ảnh khoe thân; bên sen, trong hồ nước, với áo yếm, làn da và cơ thể phụ nữ.
Đã có quá nhiều ý kiến nhặng xị. Những đắng đót, cay chua, tức giận, hả hê và buồn tủi; từ cái nhìn của dân Hà thành chính gốc chê người ngụ cư, nhiếp ảnh gia làm thuê chụp xong, lấy tiền rồi hồn nhiên thổ lộ nỗi niềm khó nói, những lập luận bảo vệ quyền phản biện vòng vo đúng sai, thẩm mỹ mí đạo đức, luân thường, tom góp cả truyền thống vào với ngổn ngang hiện đại, dạy đời làm sao tròn vành đủ chữ cho tới thấu tận tâm can gái trẻ, đàn bà lu loa. lườm nguýt tị nạnh xen lẫn chửi bới, cạnh khóe nhau nghe hay như hát…
Tôi không phản đối, cũng không đồng tình với trào lưu này nhưng chúng ta hãy nhìn sự việc một cách công bằng nhất. Có lẽ ngay từ xa xưa cổ đại, nổi bật nhất là văn hóa thời Phục hưng, vẻ đẹp của phụ nữ đã được tôn vinh bộc lộ, minh chứng là những bức tượng, bức tranh vẫn còn đến ngày nay. Ở Việt Nam điều này cũng rất rõ, có thể nhìn thấy các dấu tích giao hoan trên Thạp đồng Đào Thịnh được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia,…Những gì mà các bạn trẻ đang làm hiện nay chỉ là một chiết xuất, một sự kế thừa ít nhiều phiên bản khác đi.
Việc nhìn ngắm cơ thể phụ nữ cơ chừng trở thành nét văn hóa phổ biến toàn nhân loại, nhất là ở xã hội hiện đại thì hiện tượng bình phẩm dáng vẻ bên ngoài liên quan đến cơ thể phụ nữ xuất hiện ở mọi bối cảnh lẫn tình huống riêng, chung, thậm chí không hiếm thấy ở ngay các cuộc gặp ngoại giao, mang tính chính trị nghiêm túc.
Ngoài biểu hiện của quyền lực khi chỉ trỏ, bình phẩm ngầm ẩn hoặc trực tiếp (bởi vì người nhìn vào kẻ khác là người có quyền lực: chef, bố mẹ, bác sĩ…), câu chuyện đậm chất văn hóa đời thường này còn ít nhiều mặc định ở người nữ như đặc trưng giới, kiểu với chị em thì cả thế giới hóa ra như một cuộc trình diễn lộng lẫy, phô bày cực kỳ hấp dẫn (trang trọng và dễ thấy rõ ràng là các cuộc thi hoa hậu); vì thế, vẻ ngoài là điều quan trọng nhất. Với đàn ông, phụ nữ được mong đợi là phải xinh đẹp. Phụ nữ cũng bị đối xử hết sức khác biệt tùy vào cách chúng ta nhìn ngắm họ.
Để giải thích câu chuyện đời thường này, thiển nghĩ, cần tìm hiểu 3 vấn đề: Văn hóa ca tụng tuổi trẻ và đề cao năm tháng hưởng thụ trường thọ ở đời, nhu cầu thu hút sức chú ý, và sự thiếu hụt về tâm linh. Sự trẻ trung và tuổi thanh xuân của con người có giới hạn nhất định nên ai cũng muốn lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất. Không chỉ có giới trẻ, hãy đặt câu hỏi tại sao những phụ nữ trung niên vẫn hay tới spa hàng tuần và chăm chỉ luyện tập yoga, đến các dịch vụ thẩm mỹ không ngừng? Đấy là minh chứng rõ nhất cho việc tự ý thức về vẻ đẹp của bản thân mình. Dễ thấy ra ngay là do sự khác nhau về gu thẩm mĩ, về môi trường sống, và về phông trải nghiệm.
Bạn sẽ thật sung sướng nếu như một bức hình của mình đăng lên được tới hàng trăm lượt Like, đó chính là động lực thôi thúc bạn đầu tư thời gian lẫn tâm trí để lên kế hoạch, chiến lược chuẩn bị rồi tung ảnh sao cho hiệu quả, nhấp nhả với lắm tư thế để làm mới phong cách của mình. Tần suất này tăng lên sẽ dễ dẫn đến “nghiện”.
Nếu một ngày, lượng Like của bạn giảm đi, bạn sẽ tự thấy mình thiếu hụt trong cuộc sống, tự thấy mình bị bỏ rơi, và điều tất yếu bạn sẽ phải tìm cách thay đổi, không còn gì khác, đó chính là cơ thể bạn, phô ra những gì đẹp nhất của mình.
Việc chụp ảnh khoe thân liên quan chặt chẽ với quan niệm về sự tự tôn (self-esteem).
Thực tiễn hành nghề, tác nghiệm cho tôi cảm nhận khá đau đớn khi chứng kiến không ít bạn gái trẻ hoặc những người phụ nữ thành đạt, giỏi giang, mạnh mẽ, sáng tạo và tài năng đến cần trợ giúp do có xu hướng nhìn nhận họ đang sống một cuộc đời không ra gì (bởi bản thân không xinh đẹp cho lắm hoặc chưa thấy hài lòng, tự thỏa mãn). Tôi được nghe nhiều câu chuyện dài tinh tế xen lẫn phức tạp về mối quan hệ trong công việc, gia đình, yêu đương giúp hiểu thêm sâu sắc cách thức xã hội vận hành và khiến người phụ nữ suy tư, cảm nhận, chịu trách nhiệm và hành động như thế nào. Khi các nữ thân chủ của tôi nhận ra kiểu lối họ đang chia sẻ thì họ cũng có xu hướng lưu ý đến khía cạnh guốc trượt của khái niệm tự tôn, tin tưởng vào bản thân; như một thứ chén đắng phải ngậm ngùi uống vào để đạt được một cuộc sống tốt đẹp hơn vậy.
Ngày nay, truyền thông với sức mạnh của mình đã khai thác quá mức cơ thể của người phụ nữ. Đến dự một sự kiện (event), người ta chỉ chú ý đến nữ ca sĩ kia hôm nay mặc gì, bộ đồ ấy hở lộ như nào những điểm nhạy cảm, … điều đó vô hình chung đã đánh giá thấp giá trị của người phụ nữ.
Mặt khác truyển thông làm cho những câu chuyện điển hình như bạn nữ sinh ở Bình Dương nhanh chóng và dễ dàng lây lan hơn. Đồng thời tạo nên tâm lí đám đông, tò mò muốn biết về chuyện người khác mà thiếu đi sự khoan dung trong cách nhìn nhận, chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận sự đa dạng về cuộc sống, và trên hết, nhìn nhận ai đó đơn giản như một con người. Từ định kiến sẽ rất nhanh chóng dẫn đến phân biệt đối xử.
Không cứ gì trong nước, truyền thông ngoại quốc cũng tranh thủ khai thác hình thể phụ nữ ngay trong các chương trình truyền hình thể thao cuối tuần. Chưa cần nói chuyện không ít các bình luận bên dưới vô số bài viết đăng tải trên mạng thể hiện sự thô lỗ hoặc đầy kích dục thì với bài viết giới thiệu nữ khoa học gia này, bạn sinh viên nọ thì cũng phải chêm nếm, thậm chí, đa phần chú trọng đề cập phần ngoại diện, vẻ đẹp hình thể thay cho việc nhắm vào thành tích, sự nghiệp của nhân vật.
Khi một cậu trai trẻ hoặc người đàn ông lịch lãm nhận được lời khen ngợi về hình thể thì thường họ chấp nhận hoặc cười xòa rồi thôi; đó không phải là câu chuyện quá bận tâm. Song với phụ nữ thì không thế. Qua thời gian, vẻ đẹp của một người phụ nữ được xem là tiêu chí nhìn nhận về sự đáng giá của bản thân; đó là lý do tại sao hầu hết phụ nữ dành nhiều thời gian và tiền bạc để chi phí, đầu tư vào tóc tai, trang điểm và ăn mặc. Nếu phụ nữ không xinh đẹp, họ có thể trở thành đối tượng bị châm chọc, phẩm bình và bị xúc phạm phẩm giá.
Nhân tiện, tôi thích ý tưởng đọc được của ai đó hiện không nhớ tên rằng mình có thể không tán đồng với một phụ nữ song chỉ trích, phẩm bình ngoại hình của cô ấy- trái ngược với ý tưởng và hành động của cô ấy- không phải là sự thiện ý, đặc ân của bất kỳ ai. Xúc phạm đến hình thể của phụ nữ thể hiện cho sự thiếu vắng hiểu biết, chứng tỏ không có khả năng suy nghĩ ở mức độ sâu sắc. Mình có thể chê bai cô ấy xấu xí, song người khác lại dễ nghĩ mình là kẻ ngu ngốc… Chúng ta đích thị thấu biết rằng phụ nữ đạt được sự bình đẳng thực sự khi đàn ông thôi nói về cách thức phụ nữ trông như nào và lắng nghe những gì chị em chia sẻ.
Sẽ hồ đồ nếu nói người trẻ thiếu ý thức, họ chỉ coi thường nguy cơ hoặc/ và đánh giá thấp hậu quả sẽ xảy ra mà thôi. Như vụ việc ở Bình Dương xuất phát từ ý nghĩ muốn lưu lại những khoảnh khắc thăng hoa của tình yêu mà các bạn ấy đã quên đi sự phiền nhiễu sẽ đến bất cứ lúc nào.
Vụ việc của nữ sinh ở Bình Dương có thể phản ánh cho niềm tin về một tình yêu lãng mạn, rằng tự thân tình yêu thôi là đủ đầy rồi và cảm xúc lứa đôi thuộc trạng thái bất biến, không thể thay đổi.
Đối với các bạn gái trẻ muốn nâng cao, cải thiện sự tự tôn và tin tưởng vào bản thân, có thể lưu tâm đến đôi điều khá đơn giản như sau. Hãy nhìn vào tất cả sức mạnh, ưu điểm và tài năng mà bạn có. Viết xuống, nói to chúng lên. Đặt bản thân vào trung tâm của câu chuyện đời mình; bạn là nhân vật chính, người mình thực sự yêu thích và tò mò muốn biết về.
Câu chuyện chụp ảnh khoe thân nơi đầm sen hồ Tây lần nữa khẳng định, vẻ đẹp hình thể chỉ là vẻ đẹp thâm trầm của làn da mà thôi. Không có gì sai trái khi người ta tổ chức kỷ niệm, thực hiện điều gì đấy để đánh dấu khoảnh khắc đẹp đẽ, đáng nhớ trong đời. Song chắc chắn đó không phải là toàn bộ bài học kỹ năng lẫn giá trị ưu tiên định dạng ý nghĩa cần nắm bắt nhằm tránh hậu họa đáng tiếc xảy đến.
Khó chối bỏ sự thật, các câu chuyện liên quan đến việc khoe thân gây ồn ào bình phẩm còn là dấu chỉ cho tác động, ảnh hưởng nhiều chiều của việc sử dụng ngôn ngữ cũng như mặc định vai trò mà người phụ nữ đảm nhận (“làm đẹp cho đời”).