“Ly hôn sau 40 năm chung sống, nên chăng?”: gợi ý các đề mục suy tư về tác nghiệp, hành nghề tham vấn tâm lý

Người phụ nữ ấy chắc nỗ lực rất nhiều sau chừng ấy thời gian, và rốt ráo chung cuộc đã không thành tựu mỹ mãn như mong đợi nên giờ đây, bà nghĩ tới giải pháp ly hôn, muốn tách biệt đời mình khỏi cuộc sống của chồng vì “không thể chịu đựng được tính gia trưởng của ông ấy”.

Cách tiếp cận của tư vấn viên Ban Mai phụ trách chuyên mục trên tờ VietNamNet gợi cho ta bài học làm nghề thú vị, đáng bàn thảo:

 … Ở quãng thời gian đi hết gần nửa đời người, cái tuổi hôn nhân chín muồi như chị, chắc hẳn càng cần cân nhắc được mất nhiều hơn, phải lẽ, thời gian còn lại trên thế gian khá ngắn ngủi và nó rằng buộc trong mối quan hệ phức tạp hơn thời trẻ.

Bản thân chị, đã vượt qua nhiều sóng gió của cuộc hôn nhân, nhưng vết sẹo mà người chồng để lại trong lòng chị vẫn chưa nguôi ngoai, nó lúc nào cũng có thể phát tác. Điều này đưa chị tới với quyết định có nên ly hôn hay không.

Về kinh nghiệm sống, kinh nghiệm trong hôn nhân lẫn tuổi đời, hẳn chưa bằng chị, nhưng cũng xin mạo muội đưa cho chị một lời khuyên để tham khảo: thay vì chọn giải pháp ly hôn, chị hãy thử giải pháp kiên quyết ly thân để thay đổi cuộc sống, điều kiện sống. Có thể là thuê một căn nhà nhỏ để có một cuộc sống hoàn toàn độc lập… Biết đâu, khi không có chị một thời gian, ông chồng sẽ giật mình nhận ra có nhiều thứ mất. Lúc này, chị cũng cần nói chuyện với các con, để các con hiểu và ủng hộ chị…

Do quan niệm rằng mình “kinh nghiệm sống, kinh nghiệm trong hôn nhân lẫn tuổi đời, hẳn chưa bằng chị” nên mục tiêu làm việc của tư vấn viên có vẻ chỉ xoay quanh việc an ủi và đưa lời khuyên thử ly thân như giải pháp khả thi mà thôi… Chúng ta đọc thấy sự cảm thông với thân chủ do quãng thời gian kéo dài dằng dặc mấy chục năm kết hôn và chia sẻ nỗi niềm chịu đựng vì “…gia trưởng chính là một trong số những điều kìm hãm sự phát triển của xã hội, kéo lùi sự phấn đấu, vươn lên của phụ nữ. Tuy nhiên, trên thực tế, ở Việt Nam ta khi không may lấy phải một người chồng gia trưởng, dù phải trả giá đắt nhưng nhiều chị em phụ nữ vẫn chấp nhận sống chung để cho con cái có chỗ dựa êm ấm của gia đình.”

Bên trong các cách tiếp cận sẵn có, nghiên cứu cho thấy biến thể rất ý nghĩa giữa các cá nhân nhà tham vấn. Kỳ thực, bằng chứng khẳng định rằng các năng lực của cá nhân các nhà tham vấn có thể là yếu tố quan yếu trong việc xác quyết thành tựu hơn là định hướng trị liệu! Vì thế, có thể chẳng hề rõ ràng câu trả lời cho vấn đề có các định hướng trị liệu tốt hay tồi, song chắc chắn là có các nhà trị liệu tốt và nhà trị liệu tồi. Mối liên kết chốt ở đây là chính xác tại sao điều này lại vậy, chỉ ra chính xác những yếu tố kiểu gì giải thích cho biến thể trong các kết quả cá nhân là hết sức khó khăn. Bằng chứng nghiên cứu không thể khiến thân chủ hiểu biết một cách đúng đắn tại sao một nhà trị liệu có thể là tốt hoặc tồi cho họ, so với các nhà trị liệu khác. Buồn thay, chẳng có bằng chứng rằng bất kỳ các dạng bằng cấp, chứng chỉ hành nghề, số năm tháng trải nghiệm tác nghiệp của nhà tham vấn hoặc thời gian được huấn luyện, đào tạo có liên quan sâu sắc với thành tựu trị liệu.

Trong khi phẩm chất quan hệ mà một thân chủ thiết lập với một nhà tham vấn cụ thể nào đó chắc chắn đứng đầu danh sách các yếu tố đáng xem xét khi bước vào tham vấn, sự xứng hợp giữa các khung tham chiếu của cá nhân thân chủ và một kiểu dạng tham vấn đặc thù cũng vẫn rất quan trọng. Sự xứng hợp (hay không) này có thể ảnh hưởng ghê gớm tới cách thức thân chủ cảm thấy về tiến trình và quan hệ, hậu quả liên quan tới cách thức khiến thân chủ dễ dàng tiến bộ. Gần như các nghiên cứu thực nghiệm tán đồng rằng các thân chủ hưởng lợi nhiều hơn khi họ cam kết dấn thân hợp tác bên trong cách tiếp cận  trị liệu được đưa ra trong môi trường tham vấn đặc thù của họ, và một số nghiên cứu còn khẳng định các biến thuộc thân chủ chiếm hàm lượng tầm 40% sự thay đổi mang tính trị liệu, hơn bất kỳ các yếu tố nào khác. Một thân chủ nghi hoặc không rõ mô hình nhận thức có biểu đạt đúng đắn trải nghiệm của họ sẽ ít tìm thấy lợi lạc từ trị liệu nhận thức hoặc nhận thức- hành vi, trong khi một thân chủ thích nhà tham vấn đưa cho họ thật nhiều lời khuyên và hướng dẫn e chừng chẳng mấy thích hợp từ cách tiếp cận tham vấn con người- trọng tâm. Nôm na ví von, dù có khả năng việc mang giày đi bộ 5 cây số gây ra ít nhiều đau đớn lớn nhỏ hoặc bất tiện ra sao thì quyền lựa chọn giày có thể làm dễ dàng hơn để đi bộ thoải mái, thưởng thức cảnh vật dọc đường, và còn năng lượng khi kết thúc hành trình. Tương tự, nhiều kiểu giày sẽ dùng cho một cuộc đi bộ, song một số giày sẽ dễ gây tạo nên một sự cản trở thực sự. Dành thời gian xem xét các kiểu dạng tham vấn và tâm lý trị liệu trước khi khởi động cuộc hành trình trị liệu sẽ là quãng thời gian đáng giá.

Lần nữa, cần nhấn mạnh rằng về vấn đề tính hiệu quả của cá nhân nhà tham vấn thì có lẽ bài học quan trọng nhất rút ra từ nghiên cứu là các thân chủ sẽ thiết lập trong tâm trí họ dựa trên trải nghiệm họ có với nhà tham vấn, hơn là phụ thuộc hoàn toàn vào chứng thực như bằng cấp, năm tháng hành nghề, hoặc hiểu biết về kế hoạch thực hiện chuyên sâu của nhà tham vấn. Nhớ rằng phẩm chất quan hệ thân chủ có thể thiết lập với nhà tham vấn chắc chắn đứng đầu danh sách các yếu tố ảnh hưởng tới thành tựu trị liệu…

Đáp ứng mà các nhà tham vấn tỏ ra đích thị thực dụng, tiến hành làm những gì được việc, rõ ràng hết sức đáng tin cậy. Song ngay ở đây, điều khó khăn là nhìn nhận bằng cách nào một nhà tham vấn liệu có thể thực sự tiến hành làm những gì được việc mà không gặp một số khoảng cách về các trụ chống căn bản thuộc lý thuyết trong bất kỳ cách tiếp cận nào nói chung hoặc kỹ thuật thực hiện vốn ưa thích với một thân chủ cụ thể. Chắc thích hợp hơn cho thân chủ nếu bất kỳ đề nghị từ nhà tham vấn rằng mỗi cách tiếp cận cụ thể nào đó sẽ hữu ích dựa trên nền tảng của một vài quan điểm am hiểu tại sao nó được việc: đề nghị của nhà tham vấn về một cách thức làm việc đặc thù không nên được mặc định, nó nên là sự cân nhắc cẩn thận và thể hiện sự am hiểu sâu xa. Nói khác, sự thật có thể là người ta nên “tiến hành làm điều được việc” song thực hiện nó đòi hỏi một số nỗ lực hiểu biết và đánh giá cơ sở lý thuyết nằm bên dưới.

… Cách tiếp cận Con người- trọng tâm (person-centred) nhìn thân chủ là người có uy quyền xứng đáng nhất về trải nghiệm của riêng họ, và rằng thân chủ là sinh thể đủ đầy năng lực hoàn mãn tiềm năng phát triển của bản thân. Nó tuy thế, ý thức rằng thành tựu được tiềm năng đòi hỏi một số thuộc tính đặc biệt và dưới một số điều kiện khắc nghiệt, các cá nhân không hề trưởng thành ổn thỏa và phát triển theo các cách thức mà lẽ ra họ có thể là. Đáng lưu tâm, khi các cá nhân bị chối từ sự chấp nhận và tưởng thưởng tích cực từ những người khác, hoặc khi sự tôn trọng tích cực là có điều kiện đòi hỏi cá nhân hành xử theo những phương thức này kia, thân chủ có thể bắt đầu đánh mất việc tiếp chạm vào những gì là trải nghiệm riêng tư mang ý nghĩa như nào đối với họ, và xu hướng nguyên khởi hướng tới trưởng thành theo một chiều kích nhất quán với ý nghĩa đó có thể bị đàn áp, kiềm chế.

Một lý do cho điều này xảy đến là các cá nhân thường đối phó với việc chấp nhận có điều kiện đưa ra cho họ thông qua việc dần tích hợp các điều kiện này vào các quan điểm họ tự nhìn nhận về chính bản thân mình. Họ có thể thiết lập một quan điểm về bản thân gồm những lối nhìn nhận chính mình như là, “Tôi thuộc loại người không bao giờ đi muộn”, hoặc “Tôi thuộc loại người luôn luôn tôn trọng người khác”, hoặc “Tôi thuộc loại người luôn luôn giữ gìn nhà cửa sạch sẽ”. Bởi vì nhu cầu căn bản để được tôn trọng tích cực từ những người khác, dễ dàng hơn nên ‘là’ loại người này, rồi ra tất nhận được sự tôn trọng tích cực, thay vì ‘là’ gì khác và gặp nguy cơ mất đi sự tôn trọng tích cực. Theo thời gian, cảm nhận nội tâm về bản dạng riêng có cũng như các lượng giá về trải nghiệm và thuộc tính giá trị của bản thân có thể bị đặt để lại bởi các tiêu chí đa phần, thậm chí hoàn toàn, do áp lực từ người khác tạo ra. Tức là, thân chủ dịch chuyển các ý nghĩa và đánh giá của bản thân theo với các ý nghĩa và đánh giá của những người khác.

Sự quấy nhiễu tâm lý xuất hiện khi ‘quan niệm bản thân’ (self-concept) của các cá nhân bắt đầu va đập ngay lập tức với trải nghiệm riêng tư; tỷ dụ, khi có bằng chứng về các cảm nhận hoặc đánh giá của riêng bản thân va đập với những gì ‘quan niệm bản thân’ bảo ‘phải, nên, hẳn là như thế’. Đau lòng ở chỗ, quấy nhiễu và phiền não cứ có cơ tiếp tục kéo dài khi cá nhân phụ thuộc vào những sự đánh giá tích cực một cách có điều kiện của người khác để họ cảm nhận về giá trị bản thân, và càng kéo dài khi cá nhân dựa cậy một quan niệm bản thân đã được thiết kế đa phần nhằm đoạt lấy các đánh giá tích cực đó. Các trải nghiệm thách thức quan niệm bản thân dễ nghiêng theo hướng bị bóp méo hoặc thậm chí bị chối bỏ hoàn toàn ngõ hầu mới bảo bọc được nó.

Cách tiếp cận Con người- trọng tâm duy trì ba điều kiện căn cốt cung cấp một bầu khí đảm bảo cho sự trưởng thành và sự thay đổi mang tính trị liệu diễn ra. Chúng trái ngược khá thẳng thắn với các điều kiện được cho là chịu trách nhiệm với sự quấy nhiễu, phiền não tâm lý đã nêu trên. Các điều kiện căn cốt đó là:

  1. Tôn trọng tích cực vô điều kiện (Unconditional positive regard)
  2. Hiểu biết thấu cảm (Empathic understanding)
  3. Thích đáng (Congruence)

Cái đầu tiên- tôn trọng tích cực vô điều kiện- nghĩa là nhà tham vấn chấp nhận thân chủ vô điều kiện và không đánh giá. Thân chủ được tự do khám phá tất cả các suy tư lẫn cảm xúc, tích cực hay tiêu cực, mà không cảm thấy nguy hiểm của sự bị loại bỏ hoặc chỉ trích. Sâu xa, thân chủ tự do khám phá và biểu đạt mà không buộc phải làm điều gì đặc biệt hoặc thỏa mãn bất kỳ các tiêu chuẩn hành vi nhất định nào để ‘đoạt lấy, đạt được’ sự tôn trọng tích cực từ nhà tham vấn. Cái thứ hai- hiểu biết thấu cảm- nghĩa là nhà tham vấn thấu hiểu hết sức chính xác các suy tư và cảm xúc của thân chủ, và các ý nghĩa theo cách riêng của thân chủ. Khi nhà tham vấn tri nhận thế giới giống như quan điểm của thân chủ, nó minh họa không chỉ quan điểm đó có giá trị mà còn chứng tỏ rằng thân chủ được chấp nhận. Cái thứ ba- thích đáng- nghĩa là nhà tham vấn đích thực, đáng tin và chân thành. Nhà tham vấn không biểu lộ như một chuyên viên xa cách mà hiện diện đích thực và trong suốt cùng với thân chủ. Không có bầu khí uy quyền hay giấu kín kiến thức đủ đầy, và thân chủ không buộc phải suy xét xem nhà tham vấn đích thị là như nào.

Kết hợp nhau, ba điều kiện căn cốt vừa nêu được cho là giúp thân chủ phát triển và triển nở theo cách riêng của họ, để vững mạnh lên và mở rộng hơn bản dạng cá nhân rồi trở thành con người họ ‘thực sự’ độc lập hoàn toàn với những áp lực từ những người khác về hành động, suy tư theo các cách riêng biệt.

Thân chủ mang một thôi thúc mãnh liệt hướng tới chiều kích muốn khám phá các cảm xúc và chính bản thân mình, là người đề cao trách nhiệm cá nhân có thể đặc biệt bị hấp dẫn với cách tiếp cận Con người- trọng tâm. Những ai thích nhà tham vấn đưa cho mình lời khuyên bao quát, muốn nhà tham vấn chẩn đoán các vấn đề của họ, hoặc phân tích trạng thái tâm lý mình sẽ dễ cảm thấy cách tiếp cận Con người- trọng tâm kém hữu ích. Thân chủ thích nhấn mạnh các thói quen tâm lý riêng tư hoặc các mẫu hình tư duy đặc thù có thể tìm thấy ở cách tiếp cận Con người- trọng tâm đôi chút lợi lạc, vì các phong cách trị liệu cá nhân của nhà tham vấn theo trường phái Con người- trọng tâm rất đa dạng nên một số thân chủ sẽ cảm thấy phù hợp hơn để dấn thân rất trực tiếp với các kiểu dạng lợi lạc có liên quan này.

… Tất cả những gì trình bày khái lược dễ khiến không ít người trong cuộc cảm thấy tiếp chạm tuyến tính với quan điểm hành nghề, tác nghiệp của riêng họ. Với một số, nghiên cứu khoa học gì gì chẩng liên quan cho lắm, và thậm chí nếu vài ba lợi lạc nào đó từ một cách tiếp cận đã được thực nghiệm chứng nhận thì họ cũng sẽ thích duy trì định hướng trị liệu tinh tuyền lâu nay của riêng mình và cách thức riêng biệt họ xử lý cá nhân với các thân chủ. Một cách đón nhận bất chấp độ căng thẳng ra sao với quan điểm này là câu hỏi đặt ra với bất kỳ nhà tham vấn nào: điều gì chứng tỏ cho anh/ chị biết rằng mình đang tiếp cận với một thân chủ theo cách sai lạc rồi? Do thân chủ nói với anh/ chị? Một nghiên cứu khoa học nào đó? Thân chủ nói với anh/ chị nhiều lần? Có nhiều nghiên cứu khoa học bảo thế? Đặt câu hỏi thay thế khác hẳn: điều gì sẽ thuyết phục anh/ chị rằng thân chủ được nhiều lợi lạc hơn từ cách làm khác so với những gì anh/ chị đang tiến hành?

Các câu hỏi trên chắc chắn sẽ được mỗi một nhà tham vấn/ trị liệu tâm lý trả lời hoàn toàn khác nhau. Nên chi, một phổ các lựa chọn có thể nghĩ tới: chỉ cần an ủi, dựa trên mỗi kinh nghiệm cá nhân hoặc đưa ra lời khuyên bao quát là thử ly thân xem sao, hay dành thời gian tập trung chỉ ra những gì người phụ nữ ấy nên ưu tiên quan tâm trong tình thế hiện tại và điều bà mong đợi trong những năm tháng thu vàng sắp đến, cùng bàn bạc với bà về tiến trình và mọi điều có thể xảy đến khi lựa chọn ly hôn (hoặc không ly hôn), về nhân cách có vấn đề của ông chồng có thể tác động cụ thể ra sao đến suy tư lẫn cảm nhận lâu nay của thân chủ hoặc/ và khả năng gây rắc rối như thế nào cho chính bản thân cùng với các thành viên gia đình khác khi bà lựa chọn ly hôn, v.v…

Rõ ràng, nắm lấy lựa chọn nào không thuần túy chỉ là câu chuyện ngẫu hứng bất chợt, phụ thuộc duy mỗi độ tuổi hay trải nghiệm sống mà còn đòi hỏi ít nhiều am tường chuyên môn đích thực cũng như thấu hiểu sâu sắc nền tảng, lý do tại sao mình lại tiến hành, thực hiện điều mình tin là được việc và hiệu quả như thế.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top