Bác sĩ ơi, giá mà…: chút liên tưởng đến việc thực hành dựa trên bằng chứng

Gạo nếp lứt rang vị café

Đang nghĩ tới nó ít nhiều thì bắt gặp đúng ngay bài báo cung cấp dưỡng chất cho suy tư cất cánh thêm chút.

Theo 2 lãnh đạo khoa Nội tim mạch, sáng 26.6, khi bệnh nhân Trang khó thở, bác sĩ đã tiêm cho bệnh nhân này liều thuốc lợi tiểu và đến gần trưa thì bệnh nhân này tử vong. “Tiêm thuốc lợi tiểu nhằm giúp bệnh nhân đi tiểu được để làm cho gan nhỏ lại. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của bệnh nhân là do phù phổi cấp, chứ không phải do sốc thuốc như phản ánh của người nhà” – bà Yến nói.

Cũng theo bà Yến và ông Đông, sở dĩ trước đó bác sĩ Thị nói với người nhà bệnh nhân Trang rằng bệnh nhân này sắp được xuất viện là vì “nhiều khi không nói thật với người nhà được”. Bà Yến và ông Đông nói đây là “nghệ thuật của bác sĩ”, nhằm để “bệnh nhân có mất thì mất ở nhà chứ không mất ở bệnh viện”.

Lãnh đạo của khoa Nội tim mạch cũng cho biết, người nhà của bệnh nhân Trang trước đó đã đề nghị bác sĩ mổ thay van tim cho bệnh nhân này. Bệnh viện cũng đã xét mổ cho bệnh nhân nhưng chưa thực hiện được do bệnh nhân phải được điều trị đến khi hết suy tim rồi mới mổ được.

Cụm từ tôi quan tâm là “nhiều khi không nói thật với người nhà được“, chuyện ấy thuộc “nghệ thuật của bác sĩ“.

Bên dưới mỗi nỗi niềm sinh tử đều luôn ẩn chứa nguyên do xa gần đi kèm câu chuyện cụ thể. Dẫu thực hư ra sao chưa rõ, song có vẻ lương năng dễ mách bảo người hành nghề trợ giúp cứu người về lời thề tác nghiệp, rằng họ không nên hứa hẹn điều không thể hoặc sẽ khó giữ lời trọn vẹn được. Điều này thậm chí có thể áp vào mọi bác sĩ, rằng chỉ nói về sự kiện đúng như nó là; bác sĩ cần cảm thông, sẻ chia song bác sĩ cũng cần sự thật và thông tin để tạo nên các lựa chọn đúng đắn. Đánh giá cao tinh thần lạc quan lẫn phẩm chất thân thiện bằng hữu, song chung cuộc, nó cho chúng ta hy vọng giả tạo dễ dẫn mình vượt quá xa niềm đau nỗi khổ cả về mặt thể lý và tâm thần cho chính bệnh nhân cũng như người thân, gia đình.

Tôi thoáng nhớ lại vài ba lễ hội Macchabée tri ân những người hiến xác mình từng được tham dự từ thập niên trước, gắn với kỷ niệm tìm hiểu nhà xác thuộc đại học Y Huế.

Một điều cũng liên quan sát sườn là việc nhận bản cam kết, tán đồng với cách điều trị và cho phép tiến hành phẫu thuật. Bao nhiêu bác sĩ dành thời gian giải thích thấu đáo cách điều trị có thể tác động cụ thể tới đời sống bệnh nhân bằng một thứ ngôn ngữ dễ hiểu; dành thời gian cho suy tư, trù tính và sẵn sàng trả lời các câu hỏi một cách nghiêm cẩn và tuyệt không định kiến.

Bác sĩ ơi, giá mà… Ngay cả quan niệm hiện tồn rằng y khoa là nghệ thuật hơn là khoa học thì nếu bác sĩ muốn bệnh nhân giữ một vai trò chủ động hơn trong công tác chăm sóc y tế, cách có thể làm là giải thích tại sao mình đang tiến hành những điều này. Bác sĩ khá dễ giả định tính chuyên môn sâu hiếm hoi vì mình biết hơn ai hết. Song không phải ta luôn biết nhiều hơn. Tỉnh giác, dõi theo mỗi ngày mình là ai và những gì mình thuộc về, đi kèm với thái độ cảm thông giữ chức năng phương tiện và cứu cánh của nghề nghiệp.

… Các góp ý và mong đợi như thế tất chạm tới nền y khoa dựa vào bằng chứng (evidence- based medicine). EBM dùng các thống kê; đại khái, các thống kê này là những tỷ lệ thành công cũng như mức tin cậy có thể đặt vào các tỷ lệ thành công này, nhiều lợi lạc so với giả dược (placebo), v.v… Đối lập với chuyện dựa vào ký ức của bác sĩ “mình từng làm điều này trước đây và dường như nó ổn”, hoặc tồi hơn, “người ta nói điều này được việc”.

EBM khá tường minh, song nhìn lại, không dễ dàng để thực hiện. Cơ thể con người, các lối hỏng hóc của nó, và những mối tương tác của nó với y khoa hiển nhiên là quá chừng phức tạp. Tiêu chuẩn vàng của bằng chứng có thể sẽ là kiểu “Chúng ta thấy thật chính xác các triệu chứng này, và chỉ các triệu chứng này, nhiều lần, và khả năng kiểm soát cực kỳ nghiêm ngặt người nhận điều trị, bao khắp vượt khỏi các khả năng riêng biệt khác”. Điều này khó khăn thực hành hơn so với nắm bắt lý thuyết; có nhiều khó khăn khác nảy sinh nữa. Một bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ gặp vô số tình huống mà không tìm thấy bằng chứng sát hợp, và bằng chứng tương tự gần sát nhất lại có thể dẫn dắt khác biệt rất sai lầm.

EBM thật tuyệt khi nó tỏ ra hiệu quả, tác động lớn lao làm giảm thiểu các kiểu dạng định kiến mà bác sĩ thể hiện trong công việc: trí nhớ chọn lọc, niềm tin sai lạc, đào tạo không sát đúng, v.v… Các bác sĩ tốt ngày nay hay dùng EBM và thải loại ra các bước tiến hành chỉ dựa mỗi trên giai thoại; khi bất khả, họ vẫn còn có sự tự đánh giá tốt nhất bởi vì trong trường hợp người ta đang đau đớn thì đòi hỏi mọi giá bác sĩ cần hành động.

… Lời cuối. Chút liên tưởng đến việc giới thiệu sơ khởi khái niệm áp dụng thực hành dựa trên bằng chứng trong lĩnh vực tham vấn/ tâm lý trị liệu.

Khởi từ y khoa, việc thực hành dựa trên bằng chứng (evidence- based practice) lan sang các ngành nghề trợ giúp khác như tâm lý học và công tác xã hội.

Các lý do để lựa chọn EBP bao gồm đạo đức, luật pháp, lâm sàng, giáo dục, và kinh tế đi kèm với ba triết lý khoa học là thực chứng (positivism, niềm tin thuộc một thực tế tâm trí- độc lập), cấu trúc luận (constructivism, niềm tin trong nhiều cách thức thấu biết khác biệt mà giá trị ở cả nghiên cứu định tính và định lượng) và chủ nghĩa hiện thực phê phán (critical realism, phù hợp hơn cho tiến trình mang tính tiến hóa của EBP).

Thế nào là một người thực hành EBP? Đặt để lợi lạc của thân chủ lên trên hết, người làm EBP chấp nhận một tiến trình học hỏi suốt đời bao gồm việc nêu không ngừng các câu hỏi chuyên biệt liên quan đến tầm quan trọng thực tiễn trực tiếp hướng tới thân chủ, kiếm tìm một cách khách quan và thật hiệu quả cho bằng chứng hiện tại tốt nhất liên quan với từng vấn đề, và hành động phù hợp dưới sự dẫn dắt của bằng chứng.

Theo cấu tạo, có 5 giai đoạn căn bản trên tiến trình thực hiện EBP.

  1. Tạo ra các vấn đề có thể trả lời được
  2. Truy tìm bằng chứng
  3. Xác định bằng chứng
  4. Thích ứng và áp dụng bằng chứng
  5. Lượng giá các kết quả.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top