Lại nói về rối loạn trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên theo cách bạn thích

 

Gợi hứng từ cách tiếp cận vấn đề, đặt tên và đoạn kết trong bài viết của nữ bác sĩ Nhi khoa, tôi thử lại nói về rối loạn trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên theo cách bạn thích.

Tổ chức WHO lưu tâm đứa bé trầm cảm ấy, bởi đó cũng là dạng vấn đề liên quan đến sức khỏe trẻ em và vị thành niên vốn được giới chuyên môn hành nghề ưu tiên nghiên cứu từ lâu.

Theo thông lệ mô hình y khoa và tâm bệnh học, thuật ngữ “trầm cảm” (depression) có thể được dùng để chỉ một dãy rộng các hành vi, đặc tính và triệu chứng; việc sử dụng thuật ngữ rộng và không chính xác này tạo nên vấn đề trong chuyện tài liệu văn bản, kết quả là nhiều nghiên cứu dùng cùng thuật ngữ căn bản để mô tả nhiều khía cạnh hết sức khác biệt thuộc chức năng hành vi và cảm xúc. Ba cách dùng thông dụng của thuật ngữ ‘trầm cảm’ từng được Cantwell (1990) ghi nhận: trầm cảm như một triệu chứng, như một hội chứng, và bên trong bối cảnh của một rối loạn mang tính chất trầm cảm (Merrell, 2003).

Cụ thể, khi xét như một triệu chứng (symptom) thì trầm cảm thể hiện trạng thái khó chịu: cảm thấy bất hạnh hoặc buồn bã, như thể ‘bị rơi bịch xuống đất’, cảm thấy khốn khổ hoặc âu sầu. Các trạng thái chủ quan này chỉ là một phần bé nhỏ của hội chứng hoặc rối loạn trầm cảm. Các triệu chứng trầm cảm thường hay diễn ra xuyên suốt đời người ta, thoáng qua và không thuộc rối loạn hay vấn đề quá nghiêm trọng. Cũng có khả năng là các triệu chứng trầm cảm tồn tại như thành phần của các rối loạn khác. Chỉ riêng các triệu chứng trầm cảm thường không đủ tiêu chuẩn để lượng giá là mắc trầm cảm.

Thuật ngữ hội chứng (syndrome) dùng mô tả điều gì đó sâu xa hơn là một trạng thái bất mãn, khó chịu. Thuật ngữ này hay được hiểu là nhằm cho thấy sự cùng xuất hiện các triệu chứng cảm xúc và hành vi và không hề mang tính tình cờ, ngẫu nhiên. Cantwell (1990) lưu ý rằng một hội chứng trầm cảm thì thường không chỉ gồm các chuyển đổi tâm trạng mà còn biểu tỏ những biến chuyển góp vào trong chức năng tâm- vận động, thể hiện ý thức, và động cơ. Các thay đổi phụ thêm này thường xảy đến với chiều hướng tiêu cực, làm giảm thiểu năng lực vận hành của người trải nghiệm chúng. Trầm cảm như một hội chứng thì ít thấy hơn trầm cảm như một triệu chứng; nó có thể là do một số stress lối sống, đồng thời xuất hiện với các vấn đề bệnh lý y khoa khác, hoặc xảy đến kết hợp với các rối loạn tâm lý và tâm thần như là các rối loạn hành vi hay gây gổ, tâm thần phân liệt, và các rối loạn lo âu. Trầm cảm như một hội chứng cũng xảy đến như vấn đề căn cốt, không có bệnh kèm sẵn rồi. Các hội chứng trầm cảm cũng dễ là thành phần của các rối loạn trầm cảm.

Sự phân biệt các hội chứng trầm cảm và rối loạn trầm cảm không rõ ràng được như giữa triệu chứng và hội chứng trầm cảm. Dù các hội chứng trầm cảm đặc trưng thuộc rối loạn trầm cảm (depressive disorder), song người ta khi nói một rối loạn trầm cảm là hàm ý sự tồn tại hội chứng trầm cảm rồi, dù cũng nên biết rằng nói hội chứng trầm cảm xảy đến trong một khoảng thời gian có nguyên nhân bởi một mức độ trục trặc chức năng nhất định và có thành tựu đặc thù như quãng thời gian và sự đáp ứng trong điều trị trầm cảm. Cách diễn đạt rối loạn trầm cảm thường hay thấy trong bối cảnh hệ thống phân loại DSM; và ở đây cần nhấn mạnh rằng hệ thống các tiêu chí đánh giá như DSM khi dùng đánh giá các rối loạn trầm cảm có thể tỏ ra không thực sự hiệu quả và hữu dụng ở các độ tuổi khác nhau (Carlson & Garber, 1986).

Tóm tắt nhanh về bệnh nguyên (etiology) trầm cảm ở trẻ em theo Compas (1997), Miller, Bimbaum, & Durbin (1990), và Schwartz và cs. (1998) cho thấy, sự kết nối của một vài biến số tâm lý chủ yếu như ảnh hưởng từ bố mẹ, các biến cố đời sống, và mẫu hình tương tác ở gia đình có liên quan với việc trẻ em mắc trầm cảm. Một quan hệ được phát hiện tồn tại giữa những gì hay được gọi là “mất mát’ và trầm cảm ở trẻ em, nhất là sự mất mát bố mẹ hoặc sự tách biệt khỏi gia đình. Trẻ em có bố mẹ mắc trầm cảm thường cho thấy nguy cơ cao của việc tiến triển trầm cảm và các rối loạn tâm lý khác; các tỷ lệ stress của bố mẹ và xung đột gia đình trầm trọng cũng được phát hiện là có liên quan với việc trẻ em mắc trầm cảm; một số bằng chứng do sự kiện mang tính tiêu cực xảy đến bên ngoài bối cảnh gia đình như trường họ và trục trặc quan hệ với bạn bè cũng được quy cho việc trẻ em mắc trầm cảm.

Trẻ em mắc trầm cảm có thể làm nảy nở thêm các kiểu nhận thức kém cỏi hoặc gây trục trặc chức năng nhận thức và đi kèm thiếu hụt các kỹ năng đối phó. Mô hình học hỏi tuyệt vọng (learned helplessness), được Seligman đề xuất đầu tiên (1974) đặt để một số dạng thức trầm cảm có thể xảy đến dưới các điều kiện học hỏi mà trẻ không nhận thức được mối liên hệ giữa hành động của chúng với hậu quả từ đó. Lewinsohn (1974) đề nghị mô hình ảnh hưởng rất lớn rằng sự đổ gãy của các sự kiện khoái sướng và củng cố có thể báo hiệu trước việc một người bị mắc trầm cảm, một ý tưởng đáng xem xét khi tiến hành lượng giá trẻ em với các đặc trưng môi trường và hành vi. Ngoài ra, tâm- sinh học cũng cho thấy một số dạng thức trầm cảm ở trẻ em có liên quan với các biến số sinh học như các khu vực tương quan của di truyền gia đình và hóa chất trong não bộ (Schwart et al., 1998).

Trầm cảm được ghi nhận rộng rãi là vấn đề thường gặp ở trẻ em và vị thành niên, trái với quan điểm trước đây rằng trẻ không thể bị trầm cảm vì thiếu trưởng thành trong nhân cách (Harrington, 2005). Tuy thế, viễn tượng này không được chia sẻ bởi tất cả các nhà lâm sàng: Timimi (2004) tán đồng không có bằng chứng thuyết phục để phân biệt rõ ràng giữa trầm cảm và buồn rầu ở trẻ. Bởi vì không có các triệu chứng đặc thù thường dùng chẩn đoán trầm cảm ở trẻ, bất định về tần suất thực sự trẻ mắc trầm cảm trước giai đoạn dậy thì.

Lượng giá trầm cảm như một rối loạn ở trẻ em và vị thành niên đòi hỏi sự quan tâm, kỹ năng, và lưu ý rất đặc biệt. Chẩn đoán trầm cảm ỏ trẻ em là phức tạp. Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa các cảm xúc như buồn rầu và tức giận (Bamberg 2001) và trong việc nhận ra quãng thời gian diễn tiến vấn đề, vì thế chúng không giỏi mô tả cách chúng trải nghiệm bao lâu các cảm xúc đặc thù ấy. Khi dùng các định nghĩa người lớn áp vào con trẻ, trầm cảm trước đây chẩn đoán mà không có sự hiện diện của các triệu chứng trầm cảm cơ bản ở người trưởng thành. Các triệu chứng trầm cảm khó phát hiện ở trẻ em vì chúng có thể bị khoác dưới các hiện tượng như ám sợ (phobia), hành vi phạm pháp (delinquencies), đái dầm (enuresis) và các triệu chứng thực thể khác (Glaser 1967, Bschor 2002). Cơn đau bụng được xem là triệu chứng tiềm năng hoặc cùng xuất hiện với trầm cảm (Dowrick et al. 2005). Tuy thế, như Goodman & Scott (2005) khẳng định, trầm cảm không nên được chẩn đoán trừ khi có sự xuất hiện các triệu chứng cảm xúc. Quyết định một người trẻ mắc hay không rối loạn trầm cảm hay đơn giản chỉ đang trải nghiệm các triệu chứng trầm cảm là một thách thức.

Một khó khăn của chẩn đoán trầm cảm ở trẻ nhỏ và người mới lớn là các cảm xúc, hành vi và tình cảm hàng ngày có thể được diễn dịch như dấu hiệu của ‘bênh tật hoặc đau ốm’ (disease/ illness). Việc y khoa hóa (medicalisation) hành vi và cảm xúc trẻ em đã được thảo luận rộng rãi đó đây (Blum 2007, Conrad 2007, Timimi 2007); tuy thế, điều căn bản là chí ít, chúng ta nhận ra các quan điểm khác nhau về việc xác định và chẩn đoán trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên.

Trầm cảm trước đây quen được nhìn như vấn đề nội sinh (xảy ra từ bên trong, có nguyên nhân sinh học) hoặc phản ứng (kết nối giữa các sự kiện bên ngoài gây stress với một sự tổn thương dẫn tới trầm cảm). Kể từ DSM- III, trầm cảm được phân loại như một dãy liên tuc từ trầm cảm nhẹ đến trầm cảm điển hình; quan điểm y khoa hóa các cảm xúc hàng ngày này tạo nên cả loạt thách thức cho người trẻ mà các thế hệ trước chưa từng trải nghiệm. Trầm cảm được xem là chưa được nhìn nhận thấu đáo trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và các triệu chứng trầm cảm bị bỏ qua (Weller & Weiller 2000).

Tuy thế, nếu trầm cảm bị chẩn đoán quá mức thì sự phát triển của các trẻ và vị thành niên này có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là sự phục hồi của chúng. Horwitz & Wakefield (2007) phân tích sự gia tăng trong chẩn đoán trầm cảm xuyên suốt mọi lứa tuổi và đề nghị rằng sự buồn rầu thông thường có thể bị lẫn lộn với trầm cảm; rằng các trải nghiệm bình thường của mất mát và bất hạnh đã bị diễn dịch lại như là bệnh tật; họ khẳng định ảnh hưởng mạnh mẽ của các tiêu chí chẩn đoán trong DSM- IV về trầm cảm đã trở nên quá mức. Horwitz & Wakefield (2007) nhìn thấy một loạt các yếu tố ảnh hưởng tới quan điểm của chúng ta về trầm cảm từ một loại bệnh khá hiếm hoi 30 năm qua trở thành thứ hết sức thường gặp. Bối cảnh sự buồn bã của người ta thường bị lờ đi khi xem xét ai đó có bị mắc trầm cảm hay không. Bối cảnh là quan trọng bởi vì không có nó, các yếu tố khác gây ảnh hưởng tới tâm trạng người ta như mất mát, không được ngó ngàng tới. Hai tác giả vừa nêu khẳng định các tiêu chí DSM-IV trong khi tỏ ra hữu dụng trong thực hành lâm sàng lại quen được dùng như khung tham chiếu để chẩn đoán trầm cảm trong cộng đồng; điều này dẫn đến việc thừa nhận hoặc ước tính quá mức trầm cảm ở cả trẻ em và tuổi mới lớn. Khẳng định này quan trọng bởi vì trẻ em và tuổi mới lớn rốt ráo nhận lấy điều trị y khoa cho một thứ được xem là bệnh (perceived illness) mà có thể thực tế là một vấn đề hiện sinh, một vấn đề thuộc tồn tại người. Thay vì y khoa hóa các vấn đề như thế, người trẻ cần được tạo cơ hội để vượt qua và quản lý phiền não của chúng (Claveirole & Gaughan, 2011).

Liên quan tới việc biểu đạt một cơn dịch trầm cảm ở trẻ và tuổi mới lớn. Costello và cs. (2006) tổng thuật bằng chứng và khẳng định rằng trong khi các nhà lâm sàng đang gia tăng ghi nhận về trầm cảm thì tỷ lệ đích thị vẫn duy trì tương tự 30 năm trước đây. Điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên 1999 ở Anh quốc (Ford et al. 2004) thấy tỷ lệ dịch tễ khoảng 0,9% cho mọi loại trầm cảm và 0,6% cho trầm cảm điển hình ở trẻ em trong độ tuổi 5- 15. Hàng loạt nghiên cứu cho thấy tỷ lệ dịch tễ dao động 4- 6% ở người trẻ (Kessler et al. 2001), trong khi một nghiên cứu học sinh trung học cơ sở ở Edinburgh có tỷ lệ 8,4% (Moor et al. 2007). Trẻ gặp khó khăn trong học tập có tỷ lệ mắc trầm cảm cao hơn (Emerson & Hatton 2007, Tonge & Einfeld 2003, Tonge 2007), dù một số nghiên cứu phát hiện thấy khác biệt nhỏ ở dạng trầm cảm điển hình giữa trẻ gặp khó khăn trong học tập và trẻ không mắc nó (Stevenson & Rommey 1984). Khả năng các tiêu chí của ICD-10 và DSM-IV nhằm định dạng các khó khăn tâm lý ở trẻ em và tuổi mới lớn cần được đặt thành vấn đề về độ tin cậy quá mức vào việc truyền thông bằng lời; điều này đặc biệt khổ sở với trẻ em và tuổi mới lớn gặp khó khăn trong học tập.

Khi lượng giá một người trẻ, điều quan trọng là cần xem xét thông tin từ các nguồn khác nhau, vì trẻ thường hành xử phụ thuộc vào bối cảnh. Bố mẹ chắc chắn là nguồn thông tin đáng giá: họ có thể giải thích tại sao họ tin có vấn đề và tại sao lúc này. Khi phỏng vấn trẻ, hiểu biết về sự phát triển của trẻ em, nhất là về sự phát triển ngôn ngữ, cảm xúc và nhận thức là căn bản vì trẻ có hiểu biết khác nhau và cách khác nhau trong miêu tả mọi thứ phụ thuộc vào tuổi của chúng. Lưu ý các ảnh hưởng hoặc lời giải thích khác, và có cách tiếp cận tổng thể. Khi điều tra được thực hiện trong bối cảnh có những sự kiện môi trường khác nhau, trẻ em có thể khu biệt các cảm xúc cơ bản như buồn rầu hoặc cáu gắt; tuy thế, khi vắng mặt một bối cảnh, trẻ có thể chối bỏ các cảm xúc cơ bản như buồn rầu và tức giận (Bamberg 2001, Martin et al. 2010). Bố mẹ có thể hiểu biết ít ỏi về thế giới nội tâm của con em mình; một nghiên cứu của Puura et al. (1998) cho thấy trong khi bố mẹ và thầy cô giáo sẵn sàng nhìn nhận các triệu chứng trầm cảm ở trẻ em, họ nói chung không giống nhau trong việc tìm kiếm trợ giúp cho đứa trẻ. Một nghiên cứu ở bốn trường trung học cơ sở ở Edinburgh phát hiện, các thầy cô giáo không ngang nhau trong việc nhận ra trầm cảm ở trẻ nhằm đón nhận đào tạo chuyên biệt việc nhận diện trầm cảm (Moor et al. 2007).

Các cuộc phỏng vấn thường dùng để lượng giá và có thể là có cấu trúc, bán cấu trúc hoặc không; một số phương pháp lượng giá khác bao gồm bảng hỏi, như Beck Depression Inventory (Beck et al. 1961), thang đo Child Assessment Scale (Hodges et al. 1982), v.v… Các bảng hỏi và bảng kiểm tuy hữu ích song không nên là toàn bộ phương pháp lượng giá, đứa trẻ hoặc tuổi mới lớn nên luôn luôn được phỏng vấn hoặc quan sát. Các cách tiếp cận trị liệu trò chơi (play therapy) là kỹ thuật quan trọng khi làm việc với trẻ nhỏ; các cách tiếp cận sáng tạo trong lượng giá sử dụng các kỹ thuật như nội tâm hóa vấn đề hoặc cho trầm cảm một cái tên có thể tỏ ra hữu dụng. Nylund & Ceske (1997) mô tả cách tiếp cận kể chuyện để hiểu trầm cảm ở bé gái mới lớn, một số trẻ và thiếu nữ đáp ứng khá tốt với cách này.

Những lĩnh vực phức tạp trong chức năng của trẻ và tuổi mới lớn cần được cân nhắc. Một số triệu chứng trầm cảm như xuống tinh thần, thu mình hoặc mất khẩu vị rất nên được đánh giá ngay; những thay đổi trong cách nói năng hoặc hành xử cũng nên được lưu tâm. Tuy thế, có nhiều sự kiện và trải nghiệm khiến trẻ cảm thấy buồn rầu. Điều quan trọng là người lớn đừng vội vàng kết luận theo cách giải thích y khoa với các sự kiện đời sống mang tới sự buồn rầu cho trẻ. Lượng giá các vấn đề cảm xúc ở trẻ gặp khó khăn trong học tập là một thách thức thực sự.

Nguy cơ tự sát hoặc nỗ lực tự sát tăng lên ở trẻ khi chúng lớn thêm lên; có một sự liên hệ rõ ràng giữa trầm cảm và tự sát, với một phát hiện tổng thuật là 49% và 64% ở người mới lớn đã có ý định tự sát đồng thời cũng mắc trầm cảm rồi (Gould et al. 2003). Mối quan tâm vấn đề tự sát ở trẻ dưới 12 tuổi đang tăng lên (Tishler et al. 2007). Mặc dù các ý nghĩ tự sát là rất thông thường ở tuổi mới lớn, không nên đánh giá thấp trẻ em vì một số trẻ có các ý nghĩ tự sát và hành động dựa trên các ý nghi này. Không rõ ràng ở độ tuổi nào thì trẻ có thể hiểu được hậu quả các hành động của bản thân, ví dụ các hành động của chúng có thể dẫn đến cái chết và cái chết là gì.

Tiện đây, cùng với các tiêu chí chẩn đoán trong DSM-IV-TR (APA 2000), cũng cần nói thêm về một số cập nhật và thay đổi quan trọng ở DSM- 5 (2013) liên quan rối loạn trầm cảm điển hình (hoặc trầm cảm lâm sàng); với việc xuất hiện hai rối loạn mới là Rối loạn Khó Điều Chỉnh Tâm trạng Gây gổ (Disruptive Mood Dysregulation Disorder, DMDD) và Rối loạn Khó ở Tiền Kinh nguyệt (Premenstrual Dysphoric Disorder, PDD). Loạn tính khí (Dysthymia) đã ra đi, thay vào là cái gọi là “rối loạn trầm cảm trường diễn” (persistent depressive disorder). Điều kiện mới bao gồm cả rối loạn trầm cảm lâm sàng mãn tính và rối loạn loạn tính khí trước đây. Theo đó, rối loạn DMDD chẳng hạn, là điều kiện mới giới thiệu ở DSM-5 nhằm nhấn mạnh các triệu chứng vốn được gán nhãn là “rối loạn lưỡng cực thời thơ ấu” (chilhood bipolar disorder); rối loạn mới này có thể được dùng để chẩn đoán trẻ tới 18 tuổi có biểu hiện cáu gắt kéo dài và tần suất các giai đoạn có biểu hiện hành vi cực đoan, mất kiểm soát.

Về các triệu chứng trầm cảm ở trẻ và tuổi mới lớn, có 2 ngoại lệ trong chẩn đoán cần lưu ý: tâm trạng trầm uất có thể là tâm trạng cáu gắt, khó chịu (irritable mood) và việc giảm cân có thể là dấu chỉ thất bại cho việc trẻ muốn đạt được cân nặng mong đợi phù hợp với sự phát triển thể lý của chúng. ICD-10 và DSM- 5 phân loại các rối loạn trầm cảm hết sức khác biệt nên cần xem xét cả hai để bản thân người tác nghiệp quen thuộc với những khác biệt ấy.

Tuổi mới lớn có thể biểu hiện một số hoặc hầu hết các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm, song cũng cho thấy sự khác biệt với trầm cảm ở người trưởng thành. Với tuổi mới lớn, tính tình cáu gắt và trạng thái thu mình về mặt xã hội rất nổi trội, mát hứng thú trong các hoạt động thì ít gặp hơn, nỗi đau đớn thân xác như một chỉ báo cho trầm cảm thì khá thường thấy như các ý nghĩ tự sát (Dowrick et al. 2005, Weller et al. 2006). Tự làm hại bản thân có thể là cách người trẻ cố quản lý các cảm xúc trầm cảm.

Có khác biệt trong dấu hiệu trầm cảm ỏ trẻ trước và sau giai đoạn dậy thì. Trẻ có thể biểu tỏ nhiều phàn nàn thực thể hơn, tính tình cáu kinh, lo âu bị xa cách, khóc lóc, không muốn đi học và đau bụng (Goodman & Scott 2005, Weller et al. 2006). Người trẻ trải nghiệm nhiều hơn sự bơ vơ và tuyệt vọng, tội lỗi, mất khoái cảm (thiếu vắng niềm vui thích bất cứ điều gì), ngủ quá mức (hypersomnia) và dùng bia rượu, ma túy để kiểm soát các trạng thái trầm cảm (Goodman & Scott 2005, Weller et al. 2006, Wu et al. 2006). Các ảo giác cũng có thể xuất hiện trong trầm cảm nặng (Cepeda 2000).

Giai đoạn mắc trầm cảm điển hình là vấn đề nghiêm trọng với trẻ em và tuổi mới lớn, và nếu tái phát thì có gây nên những ảnh hưởng ghê gớm với sự phát triển của người trẻ; có thể tiếp tục trải nghiệm các giai đoạn trầm cảm suốt tuổi trưởng thành. Trầm cảm liên quan với việc tăng tỷ lệ lạm dụng chất và ảnh hưởng tới các chức năng cá nhân, xã hội, nghề nghiệp và học hành (Fergusson & Woodward 2002). Trầm cảm ở người trẻ thường khởi từ tiền sử mắc rối loạn lo âu hồi nhỏ, hoặc loạn tính khí (Chavira 2004, Weisman et al. 2005). Loạn tính khí như sơ bộ đề cập bên trên, là tâm trạng đặc trưng bởi các cảm xúc trầm uất, mất hứng thú và khoái lạc, kéo dài hơn 2 năm song không đủ tiêu chí chẩn đoán rối loạn trầm cảm điển hình. Các cảm xúc về sự vô giá trị, đồ vứt đi có xuất hiện vào giữa giai đoạn thơ ấu, tội lỗi thì được thấy muộn hơn (Goodman & Scott 2005). Các ý nghĩ và hành vi tự làm hại bản thân thường xảy ra tầm 12- 14 tuổi song có thể phát hiện sớm hơn ở trẻ sống trong môi trường nhìn thấy những người khác tự hành hạ bản thân họ. Ollendick và cs. (2005) cho rằng các triệu chứng trầm cảm là bình thường ở trẻ em bất luận đích thị trầm cảm hay xảy đến ít nhiều mà thôi.

Nguy cơ mắc trầm cảm ở trẻ em nếu được định dạng thì rất có khả năng làm giảm thiểu trầm cảm thông qua việc phòng ngừa. Trách nhiệm của mọi người trong việc nâng cao sức khỏe tâm trí ở trẻ em và tuổi mới lớn, và việc chuyển dịch lĩnh vực của nhà chuyên môn sang công việc của mọi người là điểm then chốt của tiến trình này. Có rất nhiều công việc hàng ngày có thể làm để nâng cao sức khỏe tâm trí. Bố mẹ và trường học có thể đóng vai trò chính trong việc cải thiện chất lượng thực phẩm, dinh dưỡng và chế độ ăn uống lành mạnh. Các chiến lược chống bạo lực học đường và dẫn dắt bởi học sinh chứng tỏ thành tựu đáng khích lệ. Trẻ thể hiện sự sáng tạo và trực giác khi giải quyết vấn đề bên trong môi trường vui chơi và lớp học, vf vậy chúng ta nên xáp vào trí tuệ cảm xúc của chúng và cung cấp các cấu trúc hỗ trợ chúng. Bố mẹ có thể đưa ra các cơ hội khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động sau giờ học ở trường nhằm nâng cao sức khỏe tâm trí. Hansson và cs. (2008) sử dụng khái niệm môi trường chia sẻ và không chia sẻ; làm thế nào để mấy khái niệm này hữu ích trong việc lượng giá trầm cảm đây? Liệu mình có thể định hình các yếu tố môi trường chia sẻ và không chia sẻ làm các yếu tố phục hồi và các yếu tố gây tổn thương?

Rooney và cs. (2006) cho thấy các triệu chứng trầm cảm đã thuyên giảm và tăng lên các kiểu tư duy tích cực một cách trực tiếp sau khi các chương trình can thiệp triển khai; tuy thế, những thuyên giảm này không bền vững theo thời gian. Collins & Dozois (2008) xem lại các chương trình phòng ngừa trầm cảm và phát hiện thấy các yếu tố trong chương trình tạo nên sự khác biệt là việc cải thiện các kỹ năng nhận thức, các cách tiếp cận liên nhân cách, và sự dấn thân hòa nhập của bố mẹ vào các chương trình.

(bài tới sẽ đề cập phần cuối, đi sâu trình bày các biện pháp can thiệp và trị liệu trầm cảm ở trẻ em và tuổi mới lớn)

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top