Cùng nhau chung đụng phận này

Kêu gọi ‘đừng thương người’ không những bất nhẫn mà còn đích thị thể hiện thái độ đáp ứng thiếu trách nhiệm cũng như ít nhiều xiển dương cho lựa chọn vô cảm: chối bỏ nhu cầu yêu thương của chính mình và của những người xung quanh. Cần thể hiện đúng đắn và thấm lòng từ bi đối với người ăn xin, vì ‘ăn mày là ai; ăn mày là ta… đói cơm rách áo hóa ra ăn mày”.

Tùy hoàn cảnh sống và trải nghiệm cá nhân, đa phần chúng ta ái ngại, thường né tránh một số đối tượng nào đó chí ít vì bản thân cảm thấy tuyệt vọng hoặc chẳng biết phải làm gì mới phải. Trong tâm trạng chân thật, đều khá dễ nảy sinh cảm giác không thoải mái lắm khi đối diện, nhìn thấy và/ hoặc ứng xử với người ăn xin.

Gọi ai đó là ‘ăn xin’ để trỏ người xin tiền hoặc thức ăn nhằm đảm bảo nhu cầu sống còn. Trong các thành phố lớn, ở nơi công cộng, người ăn xin thường sống vạ vật đầu đường xó chợ, góc phố, trước cửa nhà đóng chặt về đêm.

Thực tế, dù biết họ thật đáng xót thương, song chúng ta lại không biết cách tốt nhất để thể hiện lòng từ bi sâu xa trước cảnh ngộ của đồng loại. Chúng ta nên đối xử như nào đối với người ăn xin và những ai trải qua đời sống lang thang, không chốn nương thân?

Dưới đây là vài ba chỉ dẫn cơ bản mong được lưu tâm.

1. Chào hỏi

Tuy khó thừa nhận song sự thật là hầu hết chúng ta thậm chí không nhìn người ăn xin như một con người. Chúng ta đã bị điều kiện hóa về thái độ thiếu tôn trọng và chẳng thèm quan tâm tới người ăn xin tình cờ bắt gặp đến độ mà các chất hóa sinh trong não bộ chúng ta không hề đáp ứng với họ như một con người đích thực.

Đây đó, bạo lực hướng tới người ăn xin và kẻ vô gia cư tiếp tục âm thầm gia tăng. Sau khi đã đặt câu hỏi chất vấn bản thân với thái độ khiêm cung một cách nghiêm trang thì thử tiếp xúc mắt đơn giản rồi mỉm cười với một người đang vạ vật trên đường. Nhờ nỗ lực tiến hành cử chỉ thân thiện như thế, chúng ta sẽ nhận ra rằng lý do để lòng mình nảy sinh cảm giác khó chịu lúc bắt gặp người ăn xin và kẻ vô gia cư là vì họ nhắc nhở chúng ta về những đặc quyền và lắm thứ lợi lạc mình đang được thụ hưởng. Mình không phải ngủ ngoài đường, không phải ngửa tay xin tiền ai đó để mua được bữa ăn ấm bụng.

Vấn đề là đặc ân mình được thụ hưởng không quan trọng hơn nhân tính ở người ăn xin. Nhìn vào mắt họ, gật đầu chào, mỉm cười ý nhị, chúc một ngày may mắn và làm bất kỳ điều chi đối với một đồng loại.

2. Trao tặng (nếu mình có thể)

Người ta đi ăn xin vì có lý do. Bất luận họ đã hành xử ra sao trước đây, hiện tại họ không đáp ứng nổi các nhu cầu sống căn bản như ăn, mặc, chỗ ngủ…

Trong khi truyền thông đưa tin về một số câu chuyện giả danh, lợi dụng lòng tốt để trục lợi cá nhân, thậm chí hình thành cả ‘công nghệ ăn mày’ thì đấy chỉ là mảng xám không đại diện cho đa số người đang chịu đựng bệnh tật, đói rét ở ngoài kia, trên đường phố. Đừng để một thiểu số kẻ dối trá lừa bịp ngăn chặn chúng ta trao tặng biểu hiện thương yêu cho rất nhiều người đang rất cần trợ giúp hàng ngày.

Nhiều người ngần ngại cho tiền vì sợ người ăn xin sẽ dùng vào việc ăn chơi, hút chích, bài bạc,… Nỗi sợ ấy là thái quá vì theo một nghiên cứu công bố tại San Francisco (Hoa Kỳ) vào tháng 3.2013, 94% người được hỏi cho biết họ dùng số tiền xin được cho việc mua thức ăn; chưa tới một nửa số người được hỏi tiêu vào ma túy hoặc rượu bia. Khi trao tiền hoặc thức ăn trực tiếp cho những người này, chúng ta đang trao quyền cho họ để đưa ra lựa chọn, và mình phải tin tưởng rằng tự họ đưa ra được lựa chọn tốt nhất trong hoàn cảnh sống khốn cùng như thế.

Có rất nhiều nhu yếu phẩm và dịch vụ khác mà người ăn xin và kẻ vô gia cư cần đến, dù các tổ chức và cơ quan chức năng đã trợ giúp không ít. Nếu mình vẫn không muốn cho tiền thì thử hỏi trực tiếp họ cần gì để xem mình có thể đáp ứng được không…

3. Dấn thân hoạt động từ thiện

Vậy là mình đã vượt qua não trạng hạ thấp nhân phẩm con người, và cũng đem lại cho một số người cảm giác được an ủi và no ấm trong ngắn hạn. Vậy làm sao dấn bước sâu xa hơn nữa?

Làm từ thiện. Tham gia các tổ chức ở ngay địa phương đang sinh sống để ngăn chặn và làm tiêu trừ hiện tượng ăn xin là cách thể hiện lớn lao cả cho cộng đồng nói chung cũng như với bản thân người ăn xin. Hỏi các tổ chức khi nào và điều họ cần; vận dụng tài nghệ xoay sở và kỹ năng riêng có của bản thân để trợ giúp các tổ chức này. Với từng vị trí và công việc, hãy tham gia giáo dục cộng đồng về các nguyên nhân dẫn đến ăn xin cũng như không ngừng nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để làm trong sạch và lành mạnh hóa môi trường xã hội.

… Đọc loat bài cùng chủ đề lòng lại tự nhủ lòng: tay nâng bát cơm, nhớ công của bao người sẻ chia, giúp đỡ không ngừng để cho mình cơ hội sống qua cơn khốn khó mỗi ngày. Và vì muốn thành đạo nghiệp nên mới thọ nhận thức ăn này.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top