Thưởng thức âm nhạc khi tiếp nhận ỡm ờ

Chiều qua, tôi tranh thủ đến Nhà Hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) để nghe ban nhạc Ấn Độ mang tên Pranava Naadham biểu diễn tầm một tiếng đồng hồ theo phong cách hoà trộn Carnatic mà mấy ngày gần đây nhóm đã có mặt ở Vĩnh Phúc, Yên Bái

Vì Hội Hữu nghị thành phố mời nên trước khi phía bạn thể hiện thì chủ nhà mở màn bằng văn nghệ chào mừng, giao lưu. Đấy là tiết mục múa trên nền nhạc bài Việt Nam Quê Hương Tôi (Đỗ Nhuận), và ca khúc kèm múa phụ hoạ ‘Welcome to Danang’ (Nguyễn Phước Vũ Bảo); cả hai đều do vũ đoàn tên là Nhật Huy trình bày.

Tôi thấy mình lơ ngơ ở đó, giữa số khán giả không đông lắm và đa phần lớn tuổi, ngồi hờ hững kèm đôi mắt nhắm với âm nhạc, ca từ, và vũ điệu Danang- Vietnam. Giai điệu thoả mãn và những uốn éo đơn giản về mặt hình thể của các cô gái trẻ trung chẳng còn đủ sức lôi cuốn, hấp dẫn nữa; thậm chí, tôi đã nghe nhầm ‘Bà Nà sao lạnh ghê’ thành ‘Bà Nà sao lạ ghê’, cứ như thể vì điểm du lịch này vốn thiết kế kiểu cách, lai căng…

Thành thật, tôi chịu khó nghe và ưng ý hơn với phần trình diễn của nhóm nhạc tới từ xứ sở của tôn giáo và tâm linh huyền bí. Dù chưa chiếm trọn vẹn tâm tình mình, song họ đã cho tôi cơ hội hiểu thêm chút về sự khác biệt giữa âm nhạc và tính nhạc. Và thực tế, tôi kịp vừa nhìn ngó, lắng nghe vừa đặt cho bản thân những câu hỏi quen thuộc, rằng ngôn ngữ chúng ta lớn lên và âm nhạc đã nghe hồi nhỏ liệu ảnh hưởng như nào đến cách mình nghe nhạc lúc trưởng thành rồi nhỉ; liệu có sự khác biệt trong khả năng mình học hỏi rồi thưởng thức âm nhạc mình không quen thuộc lắm không? Và suy đoán câu trả lời đòi hỏi xem xét các nghiên cứu liên văn hoá.

Hẳn quan trọng là biết phân biệt khái niệm ‘âm nhạc’ và ‘tính nhạc’; với tính nhạc được hiểu hiểu là đặc điểm tự nhiên phát triển thoải mái dựa trên và bị hạn chế bởi hệ thống nhận thức, trong khi âm nhạc thì như cấu trúc xã hội và văn hoá nảy sinh từ tính nhạc đó. Các cơ chế nhận thức căn bản để ghi nhận, thực hiện và đánh giá âm nhạc là gì. Phân biệt ‘tính nhạc’ do vậy đâu có dễ.

Hầu hết mọi người yêu thích âm nhạc, chí ít vì nó giúp chúng ta biểu đạt cảm xúc đôi khi khó nói thành lời. Âm nhạc lôi cuốn, đánh bật, gây cảm hứng, cảm thấy nối kết; phản ánh chúng ta là ai và trải nghiệm của chúng ta về thế giới. Nhạc mang tính tâm linh, thần bí rất phong phú về biến tấu và da diết giai điệu như của đất nước Ấn Độ quả chạm vào lòng chúng ta theo cách thật đặc biệt.

Âm nhạc thì thiên về cảm xúc, đam mê, phi lý, và đậm chất nữ tính (C. Jung gọi là ‘anima’ ở đàn ông); và dĩ nhiên, tôi còn nhớ rằng chính S. Freud mang nỗi ám sợ âm nhạc như ông tự bạch từ 1914 (Oliver Sacks, 2008). Song chuyện này thì khá mệt mỏi khi đêm đã khuya…

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top