Khi bố mẹ và giáo viên trầm cảm…

Chỉ bởi vì lớn tuổi hơn và khôn ngoan hơn không đồng nghĩa là người ta đúng. Điều này đang ngày càng được khẳng định đầy bi hài với hậu quả gây nặng nề cho toàn xã hội khi tiếp tục xuất hiện các vụ việc bố mẹ ép buộc, tạo căng thẳng khủng khiếp và đòi hỏi con cái thái quá, nhất là hiện tượng thầy, cô giáo bạo hành trẻ nhỏ, phát ngôn gây thù oán mà nạn nhân là học sinh phải gánh chịu,…

Những câu chuyện đau lòng và tệ hại như thế phản ánh phong cách làm cha mẹ, kiểu quản lý hành vi (giảng dạy), các chiến lược đối phó cùng tác động của sức khoẻ tâm trí lên khả năng thầy cô giáo thể hiện phù hợp với vị thế riêng có; tỷ dụ, sự mệt mỏi kinh niên, kiệt sức, niềm tin cùng khả năng dự tính cần sự trợ giúp…

Làm người ở Việt Nam đã khổ, làm bố mẹ và thầy cô giáo ở Việt Nam càng khổ gấp bội. Tôi không rõ có báo cáo nào nêu số liệu bao nhiêu phần trăm ông bố bà mẹ và thầy cô giáo trải qua một số trục trặc, dạng thức rối loạn tâm thần nọ kia khi sinh con đẻ cái, trở thành người đứng trên bục giảng.

Với thực trạng bị chê bôi và vết nhơ kéo dài mà nền giáo dục lâu nay chịu đựng, chọn tiêu đề bài viết thế cho an toàn và tránh con mắt tò mò, vì nhẽ ra giới chức giáo dục Việt Nam các cấp phải ưu tiên từ lâu và không ngừng tạo mọi điều kiện gìn giữ trạng thái thân- tâm an lạc (well-being) của thầy cô giáo, bởi sinh viên sư phạm hẳn không thể là kẻ mù chữ song rất cần ‘tri tạo kiến văn’ (literacy) về sức khoẻ tâm trí vốn là thứ phải đạt được nhờ giáo dục bài bản từ đầu đồng thời là kỹ năng sống thiết yếu, và vì thế, đáp ứng ổn thoả với đòi hỏi phức tạp liên quan tới sức khoẻ tâm trí trong xã hội ngày nay.

Liều véo von vĩ mô tí xíu vậy, giờ thì quay về giới thiệu ngay và luôn đề tài liên quan.

Vâng, nghiên cứu chỉ ra rằng bố mẹ mắc các triệu chứng trầm cảm thì rất dễ thành những vị phụ huynh phản ứng thái quá, xúc phạm, ứng xử có vấn đề với con cái. Nhóm nghiên cứu phát hiện thấy, trong khi các bà mẹ mắc triệu chứng trầm cảm hay phản ứng thái quá với hành vi của con trẻ mà từ đó có thể dẫn đến bé gặp trục trặc trong cảm xúc và ứng xử thì các ông bố mắc trầm cảm cũng rứa luôn, có điều không dự báo vấn đề ở trẻ.

Kiểu nuôi dạy thái quá bao gồm thể hiện sự tức giận, tàn nhẫn, và bực bội khi đáp ứng với các yêu cầu của trẻ. Kết quả nghiên cứu khuyến cáo, bố mẹ rất dễ bị tổn thương khi mắc các triệu chứng trầm cảm, ngay cả khi chúng rất nhẹ (tức không đáp ứng tiêu chí chẩn đoán trầm cảm điển hình); ngoài ra, sự hài lòng của bố mẹ với mức độ hỗ trợ xã hội không có tác động chi tới các triệu chứng trầm cảm và việc nuôi dạy con quá mức cả, tuy nhiên, sự hài lòng từ hỗ trợ của chồng/ vợ thì lại có ảnh hưởng.

Gợi ý không chỉ các bố mẹ mắc trầm cảm mà vợ/ chồng họ cũng nên biết cách tự chăm sóc bản thân để nhận sự trợ giúp phù hợp và có thể tạo nên một môi trường nuôi dạy con cái nồng ấm, nhạy cảm e áp dụng được cho các thầy, cô giáo nữa.

Thật vậy, trầm cảm ở thầy, cô giáo Mầm Non có liên quan tới các vấn đề hành vi, từ xung hấn tới buồn bã, ở các cháu được thầy, cô giáo chăm sóc. Nghiên cứu này xác định yếu tố quy về mối liên quan này: bầu không khí đáng thương trong bối cảnh nuôi dạy trẻ nhỏ tồn tại như kết quả của các triệu chứng trầm cảm nơi thầy, cô giáo. Đáng lưu ý, ‘giáo viên’ ở đây trỏ cho những ai hướng dẫn trên lớp cũng như cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ tại nhà.

Theo nghiên cứu trước đây thì các vấn đề hành vi ở trẻ nhỏ, ở đây là trẻ 3 tuổi, tạo nên những trục trặc về sau gồm kết quả học tập giảm sút và thiếu hụt  các kỹ năng xã hội; nghiên cứu vừa dẫn thì bao gồm các hành vi như hung hăng, tức giận, mất khả năng kiểm soát cũng như hành vi nội tâm hoá như trầm uất, lo âu, buồn bã, và thu mình.

Để cân bằng, như lời tạm kết, một chương trình can thiệp học đường nhằm nâng cao sự tương tác nồng ấm và quan tâm giữa một giáo viên và trẻ nhỏ có thể làm giảm thiểu sự căng thẳng tinh thần của trẻ ở lớp học. Nghiên cứu chuyển tải thông điệp rõ ràng rằng mối quan hệ tích cực giữa thầy cô giáo và học sinh là rất quan trọng; những gì giáo viên tiến hành ở lớp học, cách họ ứng xử, tính quả quyết và sự hỗ trợ của họ thảy đều tác động mạnh mẽ tới trẻ nhỏ và sức khoẻ của chúng.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top