Giữa đớn đau vì mất mát, nhận ra giận dữ và thất vọng

Chắc rồi tin tức cậu học sinh lớp 10 rời xa nhà, xuống thành phố đi học ở trường tư Nguyễn Khuyến vừa lựa chọn tự tử gần đây sẽ được thay thế bằng tin tức một người trẻ nào đó lại kết thúc sớm đời mình.

Lâu nay, câu chuyện trẻ vị thành niên, mới lớn tự sát chưa bao giờ thôi gây thắc mắc, và ‘tại sao’ thường trở thành tâm điểm dò tìm, mong đợi trả lời thoả đáng. Trước một sinh mạng tuyệt tận, chúng ta ít nhiều đều bị tác động, ảnh hưởng.

Khi nghĩ tới kẻ nay đà khuất bóng, các phẩm tính nhân văn khiến chúng ta khởi sinh lòng từ bi; song khi chú mục xác định nguyên nhân gây nên cái chết, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thấy tức giận.

Đôi khi không tức giận chi thì hoá ra đồ vô tri vô dụng, song hồ như chúng ta khó thấy rằng cơn giận chẳng mấy chốc kiểm soát chúng ta. Cần cẩn thận với sự bùng phát đột ngột. Nếu đó là sự trả đũa nhắm vào tội phạm mà không khiến những sinh linh bé nhỏ khác mang vạ, tốt; vì chẳng trả đũa gì cũng có thể sai, và nó thường bị hiểu nhầm. Và một trong những cách thể hiện bất bạo động hữu ích là vun bồi tư duy đúng đắn và có cái nhìn chắc thật, toàn diện.

Nghe xem tin tức bạo lực và chết chóc, nhiều cảm xúc xáo trộn khủng khiếp, lắm lúc thật ước gì trơ khấc, bất động đặng khỏi đau đớn, tổn thương. Song lần nữa, nếu nhìn sâu vào tâm trí mình, lối trỏ lại chỉ về hướng giận dữ. Thực tế, xảy ra điều đó cũng là bình thường, dù kỳ cùng thì không nên để cảm nhận ấy giữ mãi mức độ tức giận…

Nhân mất mát vừa qua, thử xem kiến thức tâm lý học cơ bản cho chúng ta hiểu biết gì?

Trạng thái cảm xúc bao gồm mẫu hình chứa các phản ứng nhận thức, sinh lý, và hành vi đối với các sự kiện xảy ra; nói khác, cảm xúc liên quan chặt chẽ với động cơ: chúng ta phản ứng một cách cảm xúc với các thôi thúc và mục tiêu ưng cái bụng, bị đe doạ hoặc hụt hẫng… Cảm xúc trỏ các cảm giác chứa đựng sự đánh giá chủ quan, các tiến trình sinh lý, và niềm tin nắm giữ lâu nay.

Trong khi đó, tâm trạng thì là trạng thái khuếch tán cảm xúc kéo dài mà nó quấy nhiễu ghê gớm cả suy tư lẫn các hành vi, ứng xử.

Còn stress được hiểu là mẫu hình gồm các đáp ứng mang tính hành vi và sinh lý đối với các sự kiện mà năng lực người ta phù hợp hoặc quá tải.

Nôm na, khả năng phục hồi là phẩm tính sáng giá mà ai đó bị đời đánh bầm dập, lên bờ xuống ruộng te tua xơ mướp chẳng hạn vẫn đủ sức chịu đựng, quay về ‘lợi hại hơn xưa’. Thay vì bị thất bại đè bẹp hoặc cạn kiệt giải pháp, người sở hữu khả năng phục hồi tốt có thể tìm ra cách ‘rũ bùn đứng dậy sáng loà’. Một số yếu tố đảm bảo sự phục hồi hiện thực là thái độ tích cực, lạc quan, khả năng điều chỉnh cảm xúc, và cả khả năng nhìn thất bại dưới dạng giúp mình phát hiện các khiếm khuyết cần bổ sung, thay đổi…

Làm kẻ mới lớn đồng nghĩa là tâm tính khó yên ả, cảm xúc đôi hồi bất chợt, náo động khó hiểu, áp lực học tập, lòng tự tin, kinh nghiệm sống…  Tự sát đứng hàng thứ ba sau việc bị giết hại và tai nạn với độ tuổi từ 15 tới 24.

Dưới góc nhìn tâm bệnh học, tự sát ở tuổi mới lớn là hiện tượng phức tạp, và quyết không bao giờ vì một lý do duy nhất. Đấy là cách tiếp cận đòi hỏi tăng cường phòng ngừa với các yếu tố bảo vệ, xét yếu tố nguy cơ thì lo lắng xuất hiện khả năng tự làm hại và quyên sinh,  chẳng hạn dễ nảy sinh dự tính tự sát với người nữ, điểm học tập thấp, nghèo hèn, và không sống hoặc chỉ sống cùng với bố/ mẹ (Yeojin et al, 2017); hay người ta thấy các yếu tố sẽ dễ khiến người trẻ Thái Lan tự sát: (1) bị quát mắng thậm tệ và nguyền rủa chết đi bởi thành viên gia đình; (2) không thoả ước mong hoặc bạn trai chẳng lưu tâm trong lần đầu yêu đương; (3) mang thai ngoài ý muốn, và (4) mắc rối loạn tâm thần khiến cảm xúc bùng nổ và các xung năng bộc phát chẳng khống chế nổi (Supattra et al, 2015).

Phân tích số liệu của WHO về tỷ lệ tự sát của nhóm tuổi 15-19 trên toàn thế giới, từ 1990- 2009, cho thấy (Kain et al, 2016), lý do ở các nước phương Tây con số tự sát giảm có thể liên quan tới những cải thiện trong sức khoẻ nói chung; các quốc gia Nam Mỹ tăng thì khả năng là do khủng hoảng kinh tế và tác động của nó tới các gốc gác văn hoá đa dạng, một phần cũng bởi sự tiến bộ trong việc vào sổ bộ sinh, tử…

Hẳn là, ngay cả khi không đói ăn khát uống thì não bộ và hệ thần kinh của trẻ lớn lên trong thế giới nhiều ưu đãi và sung sướng về vật chất có thể phải chịu đựng loại căng thẳng ghê gớm chẳng kém: liên quan nhiều tới tâm lý hơn là áp lực vật chất, và chúng phải đương đầu với sự thất bại thay cho nỗi lo sợ suy kiệt cơ thể…

Với tư cách là những nhà quản lý và giáo viên, chúng ta không thể chấm dứt sự căng thẳng tinh thần trong đời sống học sinh- sinh viên, song chí ít chúng ta có thể tránh thêm stress vào nữa.

Cách hiệu dụng để thực thi điều này vốn là lời tuyên thệ dùng cho những ai hành nghề trợ giúp: Trước tiên Đừng Gây Hại (Do No Harm).

Vậy chúng ta hãy ưu tiên chăm lo bản thân chu đáo, chịu trách nhiệm về tâm trí mình để tự do cho phép chúng ta dùng tâm trí thật đích đáng, và sẵn sàng học hỏi nhiều hơn đặng cảm thấy phúc lành của trạng thái hiện diện, tình bằng hữu, khả năng thực hành, và sự giải thoát.

1 thought on “Giữa đớn đau vì mất mát, nhận ra giận dữ và thất vọng”

  1. nguyễn văn sinh

    Tôi tình cờ đọc được bài ” NGƯỜI GIÁC NGỘ ” trên trang facebook Tâm lý Học Tội Phạm. Tôi rất ngạc nhiên về 1 trang web và 1 bài viết có vẽ không liên quan. Tuy nhiên có một điều mà tôi tốn thời gian nhiều là làm sao giải quyết sinh tử khổ đau, làm sao để thấy và sống với SỰ THẬT. Mong được sự hướng dẩn của bạn để biết cách trở thành NGƯỜI GIÁC NGỘ. Thật tình tôi không biết trong thời buổi khoa học này có ai giác ngộ như bài viết của bạn không. Rất mong sự hồi đáp. Chân thành cảm ơn bạn

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top