Thay đổi để hoà hợp và hiểu biết lẫn nhau

Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda của Ấn Độ tại Hanoi vừa trình chiếu bộ phim Queen (2013) giữa lúc ngoài giời mưa bão ầm ào. Khá háo hức sắp xếp đi xem vì thấy trang IMDb chấm 8.2/10 với số lượng bầu chọn 55.855.

Đạo diễn và kịch bản khéo quá, từ cách chọn chi tiết cho chí lời thoại, phục trang, cảnh quay lẫn ý tứ hàm ẩn tinh tế hay hiển lộ rõ ràng. Diễn viên thì đúng chất Bollywood, khó nghĩ họ thuộc nền điện ảnh Hoa Kỳ hoặc xứ sở nào khác. Và chắc khán giả Việt biết thừa mặc định rằng phim Ấn lúc nào chả kèm nhạc réo rắt.

Dẫu quen thuộc ít nhiều thế rồi, kết hợp tất cả lại hoá ra hết sức hiệu quả, đầy ấn tượng, và đáng giá.

Trên cái nền tập tục cưới xin truyền thống cùng câu chuyện yêu đương của người trẻ hiện đại, bộ phim xử lý cách riêng đặng khởi tạo nhẹ nhàng cảm nhận tính người rất chung, tưởng phá cách và không cố bảo toàn bản sắc dân tộc sẽ mất mát thì rốt ráo, đấy là cách giữ gìn do thấu biết một cái gì lớn lao luôn bao chứa, bảo bọc, thừa đủ không gian cho phát triển, tiến bộ, bền vững, nhân bản.

Bộ phim tài liệu ngắn về danh nhân Mahatma Gandhi dạo đầu buổi chiếu thật ngắn và thật bắt nối tài tình phần phim chính ngay sau đó: sự lớn lao của một cá nhân nằm ở năng lực thay đổi nhằm hoà hợp và hiểu biết lẫn nhau.

Ngoài lề riêng tư chút. Tôi cũng kịp hoàn thành ổn thoả và hoan hỉ buổi trao đổi tại Nhà xuất bản Tri Thức nhân giới thiệu cuốn sách hơn 800 trang đặng diễn giải cho trạng thái siêu việt (transcendence), tính thiêng (sacred), và sự thế tục (secularity) của hiện tượng tâm linh (spirituality) trong đời sống hiện đại ngày nay.

Tiện thể, cùng với buổi trao đổi trước đây, nếu thuận duyên thì tầm trung tuần tháng 12 tới sẽ hoàn thành bộ ba xoay quanh khổ đau (suffering), nhận diện và con đường giải thoát sẽ ưu tiên tập trung vào cái từ e chừng đã chẳng còn xa lạ mà được phổ cập, tương đối bình dân: thiền tập tỉnh thức (mindfulness meditation); dự tính đặt tiêu đề gợi hứng “‘Về thu xếp lại, ngày qua nếp ngày’: thiền tập tỉnh thức giữa tứ bề lui tới…”.

2 thoughts on “Thay đổi để hoà hợp và hiểu biết lẫn nhau”

  1. Bên lề một chút, em vẫn chờ đợi cuốn sách mang nhan đề “Nghỉ ngơi trên từng hơi thở” của thầy mà không biết đến chừng nào mới được cầm trên tay.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top