Kẻ cũng ngộ, vì kẻ không hề sở hữu bộ áo hay chiếc dù chi lại được đưa cho cái ô (to đùng) che mưa. Đang hồi bão giông, nước tuôn xối xả, phố xá dâng ngập đủ cản bánh xe lăn thì ngồi bus tới bến cũng phải bước xuống lội bộ…
Mấy đoạn trong phố cổ trông thêm phần chịu đựng ngoài hàng rào khung sắt dựng lên ngăn thành khu vực dạo chơi cuối tuần. Giờ Hanoi tạnh ráo, trên tầng cao, thương cho sự bất toàn chứa mang vẻ đẹp trái ngang. Đời sống chúng sinh vốn thế, giãy giụa với vô vàn trói buộc, hoang đàng, tù túng, bung phá… Cái quán ăn bố trí bàn sát dọc theo lối đi bán cả đồ chay lẫn mặn sao chán nản và vạ vật; hàng café với ghế ngồi nệm ấm vẫn cứ lộ rõ bơ vơ, lạc lõng… Nhớ đọc tin một ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ của Hoa Kỳ muốn trở thành ‘zen president’; ông í cho rằng tổng thể thì Hoa Kỳ là một xã hội rất thương đau (very traumatized society), và vị ấy mong mỏi dùng tỉnh thức (mindfulnesss) đặng chữa lành cho cả cộng đồng, xã hội, hành tinh. Tròn 100 năm trước (1919), Hồ Chí Minh nêu yêu sách đòi lợi quyền cho dân An Nam với thực dân Pháp cũng biểu tỏ chủ nghĩa thế tục (secularism) tương tự ở khía cạnh chính trị: ‘Trăm điều phải có thần linh pháp quyền’; nhắc luôn, còn có kiểu bộc lộ chủ nghĩa thế tục thuộc triết học, và văn hoá- xã hội nữa.
Tiếng còi xe ngân rú vọng lên góp dồn sự xô bồ, ồn ã. Trơ quen, mất cảm giác hụt hẫng, bực bội, hoặc cáu gắt; thay cho tiếng máy bay vút qua mái nhà là ô tô di chuyển dưới lòng đường; thiên văn, địa lý thấu biết, bao tuốt (!). Cần tìm kiếm các công cụ phù hợp để đánh thức chính bản thân mình rồi lớn lên tương xứng. Mắc kẹt chi thì vẫn đủ sức tranh thủ liếc nhìn, phát hiện cách liên hệ mới mẻ với kẻ thù gần gũi: tham- sân- si.
Ô che mưa đêm, thềm nhà ngả lưng ghé nghỉ. Êm đềm.