Chuyện học của người lớn tuổi, tính cá nhân, và sự phát triển xã hội

Vươn lên đón mặt trời, an nhiên sống với đời

Những ồn ào chứng tỏ và tranh cãi lại qua trong vụ nên đặt tên đường hay không, như cách vinh danh hai vị giáo sĩ phương Tây đã có công lớn với sự hình thành chữ quốc ngữ, khiến lòng người quan sát xốn xang quyết ý: ‘chi bằng học’ (Phan Châu Trinh).

Cái lợi lạc lớn nhất cộng đồng người Việt được hưởng từ cuộc nói năng đông đảo và hơi kéo dài mấy ngày nay trên mạng facebook đúng là nó nhắc nhở về nghịch lý của việc học hỏi: trở thành cá nhân giữa đời thường xa xót. Khởi từ trải nghiệm sống nên học, và xã hội nào mà chẳng tồn tại kẻ đang học. Do vậy, thật may mắn và đáng mừng vui xiết bao khi các con dân đủ mọi lứa tuổi, trình độ, tầng lớp bị/ được thu hút vào sự vụ mà quyền phủ quyết phụ thuộc cơ quan quản lý nhà nước, dù là cấp thành phố trực thuộc trung ương (Danang trước đây là nhượng địa thời thuộc Pháp).

Không hề tự dưng, vô cớ, rảnh rỗi hay hết sức quá thao thức, nhiệt thành, bức xúc; thư từ, khuyến nghị, trách nhiệm, nghĩa vụ, tinh thần công dân, tính chính trực, lẽ công bằng, cơ hội biểu tỏ tiếng nói, một dịp xiển dương tôn giáo, luyện tập kỹ năng tranh luận, thực hành các quyền được pháp luật bảo hộ, thể hiện kiến thức, bảo vệ sự thật, xới lật những gì có vẻ chưa xong xuôi, ngã ngũ, v.v… Phe nhóm, đội, hội, quốc nội, nước ngoài, giáo sư tiến sĩ, nhà nghiên cứu, kẻ mộ đạo, hiếu học, ưa tham gia đám đông, ghét cái gì đè nén, lòng chưa thôi lo lắng nọ kia, diễn đàn học thuật, status chửi rủa, dạy khôn, mắng mỏ, khẩu chiến, gọi điện thoá mạ, gõ phím cay cú, chịu khó chia sẻ bài vở sưu tầm, tích luỹ bấy lâu, v.v…. Lượng, chất thực hư ra sao không cần vội vàng xét đoán. Phong trào dẫu nhỡ tào lao chi sự, muộn nở sớm tàn đi nữa thì cũng thành tựu muôn vàn độc sáng khó bỏ quên ngay: dân khí, dân trí, dân tình. Chẳng đến độ phục sinh triệt để thì mong sớm chiều hợp duyên e rồi tới hồi thái lai, tươi đẹp bởi nhà, người có vẻ cố gắng quy tụ, truyền thông.

Những ai trưởng thành, đã lớn ắt dần dần thức nhận ít nhiều giá trị của việc học hỏi suốt đời. Các vị làm giáo dục của nước nhà hẳn buộc phải thay đổi quan điểm khi nào, bằng cách sao, và ở nơi nao thì người ta bắt đầu học hỏi. Không còn duy trì thêm mãi việc học chỉ khu trú và thu rút vào trong học khu, nhà trường, tức bối cảnh của các thiết chế giáo dục chính thống mà giờ đây bối cảnh lan ra toàn xã hội, gồm gia đình, dòng tộc, nơi công sở, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng… Việc học là đòi hỏi của cả đời đặng cho ta hiểu biết bản sắc cá nhân, mục đích cùng ý nghĩa sống dọc dài theo năm tháng, và thích ứng với việc ghi nhận rồi tiếp cận những nghịch lý xã hội ngày nay.

Những gì liên quan đến tiếng nói, chữ viết, hồn nước, dân tộc tính, tinh thần đồng bào,… vô hình trung, hoà trộn trong tính phức tạp của trải nghiệm học tập, góp phần vén lộ cách văn hoá, giới, sắc tộc, và các yếu tố xã hội khác nữa định dạng bản sắc cá nhân và khả năng vận hành các mối quan hệ: nền tảng của hết thảy, mọi thứ học hỏi. Dĩ nhiên, ẩn lộ, phơi giấu cũng khá dễ nhận ra một cái gì phản ứng uất ức, nổi xung, trút giận, xâm kích, chọc ngoáy, la làng, châm chích, bất mãn… với những gì hiện hành, nhất là đại diện giới lãnh đạo, ban ngành cùng chính sách quản trị tiếp tục gây nên tùm lum hậu hoạ tệ hại, khôn lường.

Chính những phái sinh vượt ra ngoài câu chuyện ý tưởng, ngữ ngôn bề mặt mà chạm mó sâu xa vào tất tật khía cạnh kinh tế- chính trị- văn hoá- xã hội khiến ai quan tâm sẽ phải kiên nhẫn đợi chờ thành quả của sự vun bồi nghiêm cẩn của tư duy phản biện cùng hành động phản tư trong một xã hội vốn coi trọng, đề cao bằng cấp, học vị, tuổi tên hư danh, giả tạo để từ đó, những ai đầu tư cho việc học hỏi suốt đời sẽ đích thị say sưa thực hành rồi triển nở tốt lành tựa một lựa chọn khôn ngoan vì biết lượng giá lại năng lực sáng tạo, thành người.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top