Lá thư trả lời vừa tròn 4 năm

Con là đứa vừa nãy gọi điện cho thầy ạ, con cảm thấy có lúc thì muốn mình thật là đông bạn bè tụ tập, có lúc lại chỉ muốn một mình, chỉ một mình, như con đã nói. Nhiều khi đi học về tự nhiên con thấy buồn rồi khóc mà chả hiểu tại sao mình lại buồn nữa, con sợ con bị mắc phải chứng tự kỉ hay trầm cảm gi ạ, với tâm trạng thất thường ảnh hưởng đến việc học của con lắm ạ, chứ con cũng ko để ý lắm người khác nghĩ sao về mình. Con nói một chuyện này cho thầy, có thể nghe ảo tưởng, nhưng có một giai đoạn con toàn mơ bị người khác rượt đuổi, lúc đó con sợ phải ngủ luôn, rồi có lần mẹ con dẫn đi xem bói, ng ta nói con bị người âm theo, nên nhiều khi con cứ mơ hồ sự tồn tại của mình, cứ hư hư thực thực. Mà con sống nội tâm, ít chia sẻ với ai, vì con không tin tưởng ai, con còn sợ khi tin tưởng ai họ phản bội mình, mình sẽ đeo mang thêm nhiều tổn thương, con cũng không muốn tha thứ cho một số người có hành động dù vô tình hay hữu ý, làm tổn thương con, dù con biết mình cũng muốn dc tha thứ chứ nói gì là người khác nhưng con ko làm được, nói chung trong con luôn tồn tại sự nghi ngờ. Con thấy mình rất dễ buồn và suy nghĩ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, con muốn sống vô tư như các bạn con mà sao khó quá thầy ạ?
————————–

Theo thư con mô tả thì có vẻ mọi thứ đã và đang diễn ra trong đời con như minh họa cho trạng thái đổi thay khá dễ hiểu của tuổi mới lớn vậy.

Tỷ dụ, chúng ta mơ tầm 7 giấc mỗi đêm song chỉ nhớ các giấc mơ nào đánh thức mình thôi. Các giấc mơ mang tính tổn thương cảm xúc, như kiểu con mô tả, là thông thường hồi thơ ấu. Giấc mơ hay phản ánh tâm trạng chúng ta: kẻ lo âu thì bị săn đuổi, người trầm uất mơ chết chóc, v.v… Giấc mơ cũng bao gồm các trải nghiệm về tuần vừa qua, kiểu các giấc mơ lựa chọn ghi nhớ vài điều mới xảy ra. Nếu một giấc mơ đủ đáng sợ, nó trở thành ký ức thường trực chứa đựng cảm xúc tạo nên giấc mơ, trong các ví dụ nêu trên là sự kinh hoảng, lo âu, sợ chết, v.v… Các ký ức chứa đựng cảm xúc lâu dài thế được gọi là ‘ký ức cảm xúc’.

Mọi người có một tập hợp các ký ức tốt và các ký ức xấu. Đấy là lý do tại sao chúng ta mỉm cười khi nhìn thấy một người bạn hoặc nghe một bản nhạc ưa thích, hoặc tại sao chúng ta tức giận ngay và luôn khi bị nhắc tới một sự kiện khó chịu trong đời. Hồi tưởng ký ức cũng kéo về các cảm xúc liên quan thời điểm đó.

Việc học hành hiện tại của con tạo ra tình huống tương tự cho ký ức cảm xúc thời thơ bé. Kết quả, bây giờ con giữ tâm thế đề phòng và cảnh giác cao độ với bất kỳ tình huống nào mà có thể tương tự với ác mộng thời thơ bé, là cảm nhận về *déja vu* ngỡ như từng thấy, biết trước í: kiểu lần đầu tiên nghe một bản nhạc và đoán tên bài hát. Não mình nhìn vào một bối cảnh rồi đoán ký ức nào khít với nó nhất, trong trường hợp này là ác mộng con gặp phải.

Bởi vì ký ức quá kích hoạt đến thế, đấy dễ là dấu chỉ rằng con đang trải qua một căng thẳng tinh thần (stress) trên mức trung bình vào giai đoạn hiện tại. Nếu chuyện ngủ nghỉ, ăn uống, tập trung hoặc năng lượng của con cũng gặp chuyện thì có thể là con đang trải qua một rối loạn lo âu hoặc trầm cảm. Khi trầm cảm chẳng hạn, não mình dùng ký ức cảm xúc để giày vò bản thân. Nếu con thấy mình đang trải qua các triệu chứng, dấu hiệu của trầm cảm hoặc lo âu thì thầy khuyến cáo con nên đến gặp chuyên gia tham vấn, trị liệu tâm lý để xem xét cụ thể tình hình như nào thử nhé.

Về vụ khóc lóc. Con biết không, đôi khi nhà trị liệu tâm lý già đầu vẫn có thể vẫn cứ âm thầm rơi lệ thê thảm trong tiến trình làm việc đó (đùa chút). Cơ mà ở đây, thầy muốn chỉ ra ngay là việc con khóc thì thuộc một dạng khẳng định, quyết đoán đó con: nhận ra mình cần cải thiện một điều gì đó và muốn tiến hành bước đi đúng đắn để chỉnh sửa, khít khớp nó. Học hành và giao tiếp bạn bè đôi khi thật mệt mỏi. Nếu con nhìn lại một ngày, chắc con sẽ thấy mình quyết đoán nhiều lần song đó chẳng phải là sự quyết đoán có thể đang khiến con rối rắm. Hầu hết các tình huống xã hội đòi hỏi sự quyết đoán là thường thôi (‘đây là bài kiểm tra toán của tôi’ hoặc ‘tôi không thích đi chơi game tối thứ Bảy’). Mọi người thường gặp rắc rối hơn nhiều với các tình huống quyết đoán vốn chứa đựng các cảm xúc mãnh liệt. Như con đã mô tả, khi một tình huống mang chứa cảm xúc khởi lên, cơ thể mình phóng thích adrenaline và các hóa chất khác góp phần hình thành cảm nhận ‘chiến hay biến’ (đương đầu hoặc bỏ chạy). Trạng thái phóng thích các hóa chất xúc cảm thế thường đưa một tình huống quyết đoán trở thành một tình huống xung hấn, nó cũng có thể là sự ngập tràn ghê gớm và tạo nên một sự quá tải về mặt cảm xúc khiến nảy sinh sự khóc lóc, ràn rụa nước mắt, run tay, lạnh tay, căng cơ, và chân giật giật…

Những nguyên nhân lớn nhất của các vấn đề tương tự có thể là:

– Thiếu kinh nghiệm xã hội. Đây là điều rất thông thường ở tuổi mới lớn. Các bạn ở lứa tuổi ấy có các phản ứng đậm tính cảm xúc ghê gớm, hết sức vi tế do thay đổi hormone và dậy thì; ít kinh nghiệm giải quyết các tình huống xã hội phức tạp đòi hỏi rất nhiều xác quyết cảm xúc mạnh mẽ mà tạm chưa kiểm soát được. Theo năm tháng, người lớn phát triển các kỹ năng xã hội tạo sự quyết đoán, thậm chí ngay trong các tình huống cảm xúc, với nhiều khả năng kiểm soát hơn. Nói công bằng, không phải người lớn nào cũng giỏi giang trong kỹ năng kiểm soát sự quyết đoán, dứt khoát về mặt cảm xúc đâu con, bởi thực tế chắc con từng thấy ở chốn công cộng vẫn có các cô chú, anh chị nổi cơn tam bành đó thôi. Trong vụ này, con có thể tuần tự luyện tập để dần quyết đoán hơn mỗi ngày. Đưa ra ý kiến, quan điểm của cá nhân con là dạng quyết đoán mà con có thể thực hành ngay đó.
– Lần nữa, như đã nêu, ký ức cảm xúc thường tạo nên tình huống mà con kể. Não bộ chúng ta nhớ các tình huống cảm xúc và ghi lại cả tình huống *và* các cảm xúc mình cảm thấy tại thời điểm đó. Nếu mình từng bị chó cắn, lần tới gặp một chú thì mình dễ cảm thấy tê hãi (cảm xúc) và nhớ lại lần bị táp trước đây (tình huống). Nếu ba má mình hoặc ai đó khác đã có phản ứng xung hấn khi mình bày tỏ ý kiến thì mình có thể dần bị tổn thương khi muốn biểu đạt chính bản thân mình. Việc con khóc và cảm thấy cảm xúc mơ hồ, khó chịu, nặng nề thì đích thị ký ức của con sợ hãi hậu quả mà con từng biết ít nhiều trong quá khứ. Thầy từng làm việc với một chị trẻ tuổi hay nhăn mặt lại mỗi khi chị ấy biểu đạt cảm xúc. Rồi chúng tôi phát hiện là mẹ chị ấy có thói quen bị thôi thúc không kiềm chế được nên hay tát tới tấp chị í mỗi khi không hài lòng với lời đáp trả của con gái. Vẻ mặt nhăn nhó lạ lùng là ‘ký ức cảm xúc’ của trạng thái bị tát lặp đi lặp lại và não bộ của cô gái trẻ sẵn sàng cho một cái tát khác mỗi khi cô gái biểu đạt cảm xúc bản thân, ngay cả với người lạ.
– Lòng tự tin không cao có thể cũng làm nảy sinh phản ứng như con kể. Có thể con cảm thấy ý kiến mình cơ chừng không đáng giá hoặc không đúng đắn. Nếu con từng bị chỉ trích vì phát biểu của mình trước đây (lần nữa, ký ức cảm xúc đó) thì con dễ chần chừ khi bộc lộ bản thân. Con có thể tìm kiếm sách vở để cải thiện lòng tự tin và cảm thấy bản thân có giá trị. Con cũng có thể khởi sự bộc lộ bản thân từ các tình huống không gây đe dọa chút chi cho tới tăng dần lên các tình huống chứa đựng cảm xúc mãnh liệt trong khi biểu đạt. Ở tuổi con, còn nhiều thời gian và cơ hội để thực tập vụ này mà nhỉ.
– Một mức độ stress cao có thể khiến cho việc biểu đạt cảm xúc trở nên trục trặc, khó khăn; nếu đúng đây là trường hợp của con thì hãy làm sao để giảm thiểu stress (đỡ căng thẳng, thấy thư thái) đồng thời cải thiện, tăng lên sự tự tin. Nếu cần, con có thể nhờ trợ giúp của chuyên viên tư vấn học đường hoặc đến trung tâm tham vấn tâm lý phù hợp.

Ghi nhớ rằng có một phản ứng mang tính cảm xúc khi mình biểu đạt bản thân là điều rất bình thường. Nếu được kiểm soát và sử dụng đúng đắn, nó tạo ra ‘lửa’ trong cách nói năng, kịch tích trong hành động, chất ‘mãnh liệt’ của lối biểu đạt đậm tính nghệ sĩ, và sự quả quyết trong hứa hẹn nữa đó con. Cầu chúc yên an.–

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top