Về mmnf

Sáng hôm qua trên đường đi tắm biển về, thấy một cô gái chạy xe máy ngang qua mặt, biển 74 (Quảng Trị nhỉ?); áo đỏ cô ấy mặc có dòng chữ Anh ngữ sau lưng có vẻ nghĩa lý gì mà cốt làm ra tiền chứ không quyết kiếm tìm bạn bè. Giời, hình như thương hiệu áo xống này nổi tiếng thế giới song cái chi chi về tới quê nhà tình thương mến thương e khó còn nguyên. Ý tôi không trỏ chút mô tê giá cả cùng độ thật giả liên quan nữ khách trên phố, chỉ là thói quen nghĩ ngợi nên quá dễ nhớ ngay tới khái niệm ấn tượng nằm lòng của nhà nghiên cứu xứ Nghệ, Phan Ngọc, với cuốn sách từng đọc say sưa từ thời xa lăng lắc; theo đó, ông cho rằng thực chất văn hoá Việt Nam là *bricolage*, do dân tộc này luôn chống lại sự đồng hoá nên là bậc thầy về nghệ thuật ‘bricolage’ quen lọ mọ, sửa chữa, chắp vá, có điều khác với Nhật họ biểu hiện một sự thâm nhập về mặt kỹ thuật còn cách bricolage của ta vẫn dựa trên chất liệu dân dã, biện pháp thủ công.

Tới gần trưa chưa xong, lượn lờ chỗ đó chỗ đây lại còn rộn cả mắt cụm từ giăng bảng bày bán bên vỉa hè ‘Love is Blind’(Yêu là đui [mù]); té ra là túi thời trang (đựng mỹ phẩm) bóng lộn mà không thấm (!). Đến lúc này thì không khó tưởng tượng kịch bản đại khái, người bán hàng nọ kia đang cố chăm chắm tích luỹ đặng xây nhà, đổi đời, chuyển dời gia đình về thành thị chẳng hạn, chắc sẽ gắng nhắc nhở liên tục bản thân nếu gặp đối tượng khó nhằn: ‘mình kinh doanh cốt kiếm tiền, không phải để thiết lập bạn bè’. Chuyện nọ xọ chuyện kia, triết gia từng dạy Paris 7 rồi không ngừng di chuyển qua các đất nước khác nhau đã chia sẻ thiệt ấn tượng về chuyện cổ phiếu và thị trường chứng khoán như là phương cách triết học quan tâm tới cuộc sống thực tế và suy ngẫm.

Ngộ nghĩnh thay, chúng ta tự gọi mình là loài động vật hữu lý, song trên tiến trình theo đuổi lý trí lại diễn ra sự lạm dụng phi lý khủng khiếp. Có vẻ chiến thắng của lý trí chỉ là tạm thời và dễ bị đảo lộn; vấn đề là lý trí sinh ra sự bất hợp lý và ngược lại trong một chu kỳ bất tận, và bất kỳ nỗ lực nào để thiết lập vĩnh viễn mọi thứ theo thứ tự sớm muộn cũng kết thúc trong một bùng nổ phi lý. Bởi vì điều này, e không hợp lý lắm khi cố gắng loại bỏ sự bất hợp lý.

Thường tài chính truyền thống tập trung vào các công cụ đặng tối ưu hoá lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro, song thực tế yếu tố tác động mạnh mẽ hơn lý thuyết tài chính của việc ra quyết định đầu tư là tâm lý. Học hỏi cách các nhà đầu tư đích thị hành xử, người ta dần nhận ra rõ ràng định kiến (bias) ảnh hưởng tới hành vi đầu tư và nếu biết cách khắc phục chúng ắt có thể làm tăng thành công tài chính.

Theo trí năng, tất cả chúng ta điều biết rằng cần mua thấp và bán cao để kiếm tiền bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, tìm hiểu các con số trong lịch sử ghi lại, té ra các nhà đầu tư đặc biệt kém trong việc định thời điểm thị trường. Các định kiến tâm lý phá hoại khủng khiếp trong thời điểm thị trường biến đổi vì cảm xúc bị phóng đại quá mức. Các định kiến nhận thức cũng tác động tới cả chuyên gia tài chính vào thời kỳ hỗn loạn kinh tế. Các nhà đầu tư doanh nghiệp và tổ chức siêu thế hay có xu hướng tạo ra các mô hình phức tạp để mô tả tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến giá đầu tư. Theo thời gian, họ trở nên quá phụ thuộc vào các mô hình này. Sự tự tin thái quá của họ dẫn đến chấp nhận rủi ro lớn hơn… Rồi chuyện bất ngờ xảy ra. Tác giả Nassim Taleb gọi điều đó là ‘Thiên nga đen’ khi ở châu Âu tất cả thiên nga đều trắng, song đến Úc lại thấy thiên nga đen…

Vu vơ vụ áo đỏ của nữ nhân, chốt lại ‘mmnf‘ là viết tắt ‘Make Money Not Friends’ rằng cốt làm ra tiền chứ không tìm kiếm quan hệ bạn bè. Hay thiệt. Kinh thiệt. Ai biết đâu đấy…

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top