Thơ Trần Vàng Sao và cuộc đời ông Nguyễn Đính: khối băng kỷ thiên hà xa xót

Tối qua nhắc tới vụ việc trên trường quốc tế của một nữ tỷ phú đang trên đà phất nhanh; chiều nay sẽ gợi nhắc một người đàn ông nghèo đói mạt rệp mà máu văn nghệ nay đã quá cố là Trần Vàng Sao (1941-2018), nhân sự kiện cuốn sách in thơ của ông mang tên ‘Bài thơ của một người yêu nước mình’ được trao Giải thưởng Sách Quốc gia 2021.

‘Nhiều khi ngồi nói chuyện chơi
Bà con hàng xóm nhìn tôi cứ cười
Mi theo cách mạng (Việt Cộng) quá trời
Bây giờ nghĩ lại đã đời mi chưa
Khi không đang nắng lại mưa
Tháng Năm còn lụt có chừa ai đâu’ (9.10.2012).
Cùng lứa với bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, vị ấy gây rúng động bằng văn bản lan truyền trên mạng: tập hồi ký ‘Tôi bị bắt’ [(Nhớ lại những năm tháng tôi bị bắt rồi được thả ra và sống như tù] đề tên thật ‘Nguyễn Đính’, viết tại quê nhà Vỹ Dạ (9.1993).
Người Huế này sinh thời tự hứa ‘bây giờ cho tới cuối đời, thì tôi vẫn cứ như tôi thế này’ từng khiến một cậu sinh viên Văn khoa, hồi gần ba mươi năm trước, ti toe tìm đọc một lèo khủng khiếp bài thơ ‘Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình’ (Vỹ Giạ, 9.1984) để rồi tự nhiên thấy nước mắt rơi ràn rụa:
‘Tôi sống yên ổn với những việc làm hàng ngày của mình
Không định được ngày mai
Có một đồng để mua cho con nửa cái bánh tráng hay hai cái kẹo gừng
Có hai đồng cất dưới chân đèn trên bàn thờ lỡ khi hết dầu thắp tới bữa thiếu ruốc hết bột ngọt
Mả cha cuộc đời quá vô hậu
Cơm không có mà ăn
Ngó lui ngó tới không biết thù ai
Những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất’…
Ám ảnh về miếng cơm, manh áo, bữa đói bữa no đi vào thơ ông Đính thật thà kể tả:
‘Những ngày hết gạo hết tiền hết củi
muối sống không còn một hột của tôi
Những trách canh rau khoai tháng năm không có bột ngọt
Hai mắt tôi mở to
Đầu tôi cúi thấp
Miệng tôi há ra
Những lá khoai nhám và rít mắc vài hột cơm
dồn cứng chật cuống họng
Nói thật lúc này tôi muốn được say rượu
Họa may thấy một đồng thành ba bốn đồng’…
Nỗi niềm sợ hãi (‘rứa can chi không bây hè’) ám vào người đến độ ông đọc thành tiếng thơ mình viết trong sổ tay mà vẫn cảnh giác ngó quanh: ‘…còn tôi lựng đựng làm ma đầu đường, ma thì ăn gió ăn sương, tôi thì cúi mặt đứng đường ngả tay…’
Không rõ trong cuốn sách mới được trao giải có dẫn bài thơ ‘Tau chưởi’ (29.6.1997). Đó là một áng văn vần lần khân giữa thi tính thanh tẩy trộn lẫn cái khốn nhục của nỗi niềm cuồng nộ thô tục mà đức hạnh sáng ngời:
‘…thượng tổ cô bà bây
mụ cô tam đợi mười đời bây
tau xanh xương mét máu
thân tàn ma dại
rách như cái xơ mướp chùi trách nồi không sạch
mả ông bà cố tổ bây kết hết à
tụi bây thằng nào cũng híp mắt hai cằm
bây ăn chi mà ăn đoản hậu
ăn quá dã man
bây ăn tươi nuốt sống
mà miệng không dính máu
người chết bây cũng không chừa
năm năm mười năm hai mươi năm
xương chân xương tay sọ dừa vải liệm`
bây nhai bây khới bây mút
cả húp cả chan bây còn kêu van xót ruột
bao nhiêu người chết diều tha quạ rứt xương
khô cốt tàn dọc bờ dọc bụi giữa núi giữa rừng
để bây xây lăng đắp mộ dựng tượng dựng đài cho
cha mẹ cố tổ bây
hỡi cô hồn các đảng
hỡi âm binh bộ hạ
hỡi những kẻ khuất mặt đi mây về gió
trong am trong miếu giữa chợ giữa đường
đầu sông cuối bãi
móc họng bóp cổ móc mắt bọn chúng nó
cho bọn chúng nó chết tiệt hết cho rồi…’
Ai ở miền Trung hẳn không xa lạ với truyền thống kháy khịa, chịu đựng giỏi song cũng biết nói cho sạch gan ruột, đã chọc giận ắt bị chửi đúng thứ tự lớp lang trút bỏ…
Đó là phẩm tính bòn rút cả một đời, mang tâm thế nạn nhân chẳng hề sai trật.
‘…qua được một ngày
đang ăn ngậm miệng lại
không biết bữa sau phải ăn chi
tức như thằng hề không chọc được ai cười
người nhắc tuồng đã bỏ quên sách
đứng ngó khán giả qua cánh gà
tôi chỉ còn biết đằng hắng trong cổ
không biết sống để làm gì mà cực quá sức
buổi chiều hai đứa bé ngồi dưới cái dù du giữa chợ nhìn mưa giọt trên đống chai bể
ông già quét rác úp cái mũ lác rách lên mặt nằm trên sạp gỗ kê hàng hát bài đêm khuya dựa gôc cây bòng
tôi vấn một điếu thuốc
nước ướt giấy rách thuốc dính cả hai tay
tôi hết thèm
con nhện sa trước mặt
tôi không còn gì hết
hai bàn tay mười ngón
hai bàn chân mười ngón
trên càng xe và trong bùn đá
tôi đứng giữa ngã ba đường và nơi đông người qua lại
chờ các ông các bà kêu một tiếng tôi dạ to
cái lục lạc kẽm
kêu lanh canh
tôi xin thêm hai giác nữa đường xa nhiều dốc buổi trưa trời nắng phải uống nước nhiều
tôi muốn làm thằng hề chùi hai ống tay áo lên mặt giả đò khóc cho người mặt đỏ đội mũ thẻ ngang chỉ vào mặt chưởi bới
sau đó màn khép lại
người cầm chầu bỗng đánh trống liên hồi…’ (‘Ngậm ngải tìm trầm’, 11.1983).
Đoạn cuối trong ‘Lời khai của một thằng hề mất trí’ (4.4.1990):
‘… các con đi đâu hết
tôi không biết chơi với ai nữa
có đứa nào không có việc chi làm vác đá đôi tôi bể đầu
tau đã xanh xương mét máu
ăn chi nơi tau
mà một con mắt ngó một con mắt trừng
còn một mình giữa nắng tôi hát bài chú chuột cắp trứng ra không biết làm sao kéo đi
bây giờ mà có một cục cơm nguội ăn không cũng được
lí lịch của tôi đã khai rõ ràng ngang đây
tôi làm dấu một gạch chéo để sau đừng ai thêm thắt’.
Là thi sĩ, nên cái nhìn về thân phận người và chính cuộc đời cũng tuyệt chiêu, độc sáng:
‘Tôi tưởng tôi dại và quá tội
Những điều bỏ qua khi không nhớ lại
Con kiến cắn ở sau lưng
Tay không với tới được
Cuộc đời kể cũng vui’ (‘Những điều có khi hôm nay bỏ qua không nhớ’, 20.3.1985).
Và dĩ nhiên, yêu đương rồi làm thơ tình không dám đụng hàng ai:
‘Em ơi
Thế này em ơi
Tôi đã hôn em như một kẻ bị ma ám
Dữ tợn và mệt mỏi
Sau đó tôi buồn quá sức
Em ơi là em
Tôi ngồi lại một mình dựa cột đình giữa chợ
Mở to hai mắt nhìn những nuột lạt trên mái tranh
Một hai ba bốn
Mười lăm mười sáu
Những nuột lạt đứt những sợi tranh mốc
Tôi đã thấy hết da thịt em
Thơm tho và mặn
Em mở miệng cười
Những sợi tóc ngắn những sợi tóc dài
Những sợi tóc đứt trong miệng tôi
Tôi có nghe em nói
Tôi có thấy cổ em dài
Tôi có thấy ngực em thở
Miệng tôi chảy máu
Em ơi là em
Tôi đã hôn em cực khổ như thế
Em có nhớ gì lúc đó
Buổi trưa mùa đông trời không mưa
Tôi không nghe tiếng nước giọt
Hai bàn chân em cong
Bây giờ tôi ngồi không một mình
Lúc đó tôi muốn chết
Cho em thấy không còn ai trên cuộc đời này
Và em sẽ lang thang như một mụ điên
Ăn hết quần áo
Cuối cùng đứng ở một góc chợ
Chờ trời mưa thật to.’ (‘Lúc đó thế này em ơi’, 20.6.1989).
Có một nhà báo kiêm sử gia nhận xét: ‘Rất nhiều người, thân cũng như sơ, trong câu chuyện hay trong bài viết liên quan đến anh, thường mô tả anh luôn tỏ vẻ sợ hãi, như biểu hiện của một thứ hội chứng nào đó’. Dòng cuối bài đăng ‘Giọt lạ lưng trời mưa Huế’ bày tỏ nguyện vọng hồi tác giả Trần Vàng Sao còn sống (2018): ‘Mong nhà thơ sớm được trả lại thứ đã bị đánh cắp’.
Đọc thơ Trần Vàng Sao và cuộc đời ông Nguyễn Đính, chúng ta dễ dàng thấy lộ ra tình yêu đất nước giản dị, thái độ gắn bó quê hương bền bỉ, lòng thương ‘mẹ áo rách, chẳng khi nào nhớ tuổi mình bao nhiêu’… Song thiển nghĩ, những dư vị và trầm tích ông để lại hôm nay tựa như thứ băng gánh gồng đóng chặt của kỷ thiên hà xa xót: khối uất ức, ngang trái vẫn còn chưa được giải thoát của sự thật sâu kín thuộc về những phận thường dân, vô tội.–

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top