Aaron T. Beck qua đời, vài lời về Trị liệu Nhận thức Hành vi (CBT)

Aaron Temkin Beck, ông tổ phương pháp Trị liệu Nhận thức- Hành vi (CBT) vừa qua đời ở độ tuổi tròn 100 (18.7.1921-1.11.2021); mấy tháng trước, Albert Bandura, với Lý thuyết Học hỏi Xã hội (SLT) và Học hỏi Nhận thức Xã hội (SCLT) cùng khái niệm ‘tính hiệu quả của bản thân’ (self-efficacy) hết sức lừng lẫy (Nabavi, 2014), cũng đã ra đi sau 96 năm trần thế (4.12.1925-26.7.2021).
Nguồn gốc của các can thiệp hành vi và nhận thức-hành vi nằm ở lý thuyết học tập cổ điển (điều kiện hoá và học tập thao tác) lẫn trong lý thuyết học tập xã hội (Roth & Fonagy, 2005).
Phương pháp giải mẫn cảm có hệ thống của Wolpe e chừng là nỗ lực nghiêm ngặt đầu tiên để điều chỉnh điều kiện hoá theo điệu Pavlov phù hợp với tình huống lâm sàng. Đồng thời, Skinner và các đồng nghiệp dùng các kỹ thuật điều hòa hoạt động nhằm sửa đổi hành vi của bệnh nhân tâm thần nội trú. Đa phần vì lý do nhận thức luận, các phương pháp tiếp cận hành vi bỏ qua tầm quan trọng của các quá trình nhận thức.
Dưới ảnh hưởng của Bandura, Ellis, Meichenbaum và Beck, sự cân bằng đã được khắc phục, và nhận thức (cả ý thức và vô thức) ngày càng chiếm một vai trò nổi bật trong các mô hình tâm bệnh học (thậm chí của ngành tâm lý học nói chung).
Lần đầu tiên phát triển liệu pháp nhận thức vào những năm 1960 và 1970, A. Beck tập trung vào việc hình thành khái niệm và điều trị các cá nhân kèm các vấn đề của họ, liên quan nhận thức tiêu cực và các chiến lược đối phó với rối loạn chức năng.
Đến giữa những năm 1980, Beck cho rằng ông có thể khẳng định liệu pháp nhận thức đã đạt được trạng thái của một ‘hệ thống trị liệu tâm lý’; bao gồm, (1) lý thuyết về nhân cách và tâm bệnh học với những phát hiện thực nghiệm vững chắc để hỗ trợ các định đề cơ bản của nó; (2) mô hình trị liệu tâm lý với các bộ nguyên tắc và chiến lược pha trộn với lý thuyết tâm bệnh học; và (3) các phát hiện thực nghiệm vững chắc dựa trên các nghiên cứu kết quả lâm sàng để hỗ trợ hiệu quả của cách tiếp cận này.
Bây giờ, vào đầu thập kỷ thứ ba của thiên niên kỷ thứ ba, viện của Beck đã phát triển một trọng tâm khác trong việc hình thành khái niệm và điều trị (Beck, 2021).
Mặc dù các khía cạnh tiêu cực của trải nghiệm cá nhân vẫn quan trọng, song họ thấy cũng quan trọng không kém việc khái niệm hóa nguyện vọng, giá trị, mục tiêu, sức mạnh và nguồn lực của cá nhân và kết hợp những đặc điểm tích cực này để giúp thân chủ thực hiện các bước cụ thể liên quan đến những gì là quan trọng nhất… Việc lường trước những trở ngại khi thực hiện các bước này cũng rất ý nghĩa, quan trọng, sử dụng các kỹ năng CBT cơ bản (chẳng hạn, tái cấu trúc nhận thức, giải quyết vấn đề, và đào tạo kỹ năng) để vượt qua những trở ngại và giúp các cá nhân rút ra kết luận tích cực về những gì trải nghiệm nói với họ…
Trong một cuộc khảo sát trên mạng lưới điểm toàn cầu với hơn 2.000 nhà tâm lý trị liệu (Cook et al, 2013) về các nhân vật, tác giả và sách vở có ảnh hưởng tới ngành tâm lý trị liệu, bốn trong số những nhân vật nổi bật trong lĩnh vực tâm lý trị liệu được xác định ở đây cũng nằm trong danh sách top 10 từ cuộc khảo sát của Smith (1982); cụ thể là Carl Rogers, Aaron Beck, Albert Ellis, và Milton Erickson. Sáu cá nhân còn lại trong danh sách của Smith nhận được số phiếu bầu thấp hơn rõ rệt trong cuộc khảo sát hiện tại: Fritz Perls, Sigmund Freud, Jay Haley, Donald Meichenbaum, Arnold Lazarus, và Joseph Wolpe.
Chỉ 4 trong số 10 nhân vật có ảnh hưởng trong danh sách thuộc nghiên cứu thương dẫn hồi đó vẫn còn sống (tức là Beck, Minuchin, Yalom và Gottman); ít nhất 2 trong số 10 nhân vật có ảnh hưởng rõ ràng được cho là tán thành mô hình CBT(Beck và Ellis); ba trong số những nhân vật có ảnh hưởng trong danh sách của Smith nhưng đã rời khỏi top 10 này (Wolpe, Lazarus và Meichenbaum) có thể được xem là những người đề xướng các phương pháp tiếp cận nhận thức hoặc hành vi trước đó mà về sau được đưa vào mô hình CBT.
Những phát hiện này dường như chứng minh thêm sức mạnh và tác động liên tục của truyền thống CBT và phù hợp với các nghiên cứu khác cho thấy sự nổi bật của CBT; tỷ dụ, trong một cuộc khảo sát cắt ngang mẫu xác suất của tất cả các chương trình đào tạo được công nhận về tâm thần học, tâm lý học và công tác xã hội, CBT là một trong những phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng được phổ biến rộng rãi nhất (Weissman et al, 2006). Ngoài ra, trong một cuộc khảo sát các xu hướng trong tâm lý học lâm sàng quãng 40 năm trở lại đây, Norcross, Karpiak, & Santoro (2005) đã minh họa sự trỗi dậy của CBT…–

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top