Đọng lại sau tất cả ồn ào thị phi, câu chuyện về cô Lượm- Trần Thị Thùy Dương thực sự là tiếng thở dài miên man hốt nhiên cho thân phận làm người của tất cả chúng ta.
Đến lúc nào thì thiên hạ sẽ chỉ ứng xử thật với nhau? Liệu qua giọng nói, bạn sẽ dự đoán được tình nhân/ vợ, chồng sẽ dối trá mình? Cơn cớ gì mà trò lừa bịp bỗng trở thành chủ đề dư luận nóng hổi hâm lại lần nữa thế?
Ai đó ‘hư hỏng, sai quấy’ cần góp ý, khen chê hay rốt cục, bản thân ta đang cảm thấy một mối đe dọa nội tâm bất an thường trực song cũng hết sức mơ hồ khiến vô thức thẳm sâu thúc đẩy thao tác phân loại mình nổi lên, đứng xa ra, tách biệt?
Thật- bịa bình luận gián tiếp hoặc gặp lại để ghi âm hình khổ chủ, hay đích thân tác giả của nhân vật Lượm tự thú và xin lỗi thông qua thư điện tử rốt ráo khác gì?
Điểm cực kỳ khó phân tách riêng chung, đúng sai, thuần tạp ở đây chính là vì nói dối đích thị luôn theo suốt hành trình tiến hóa của con người; bởi cùng với luân thường đạo lý và những định chế cấm đoán, răn phạt của xã hội, nói dối trở thành một hiện tượng độc đáo chẳng dễ xóa bỏ nổi do nói dối là thân thể nhị trùng thay thế nhau của sự thật.
Dân dã vẫn thường thở than ‘chán, chẳng buồn nói nữa’. Ai đó phải chịu trách nhiệm hay chính bản thân tôi cũng dự phần trách nhiệm? Sự thật khốn khổ, đó là lời nói dối. Một lời nói dối thường xuyên sẽ thừa cơ trở thành sự thật.
Làm thế nào để khuyến khích thiên hạ cởi mở, dũng cảm nói thẳng sự thật, sống đúng con người mình trong một môi trường sống chỉ thích nghe lời nịnh nọt, tâng bốc và khuyến khích sự giả dối đã làm bao thế hệ ảo tưởng rằng chúng ta thật dễ thương, sáng giá khi cùng lừa bịp?
Vì thế, truyền thông la oai oái là bị qua mặt, bị lừa ngoạn mục hay cô Thùy Dương bị nó xô đẩy, cần xử lý về mặt luật pháp ra sao, v.v… tất tật, ngẫm nghĩ kỹ thấy bi hài kinh dị. [Ngoài lề tí: tôi cảm thấy khó chịu khi giới truyền thông gọi người phụ nữ 28 tuổi, đã có chồng con là ‘cô bé’, như từng thế một thời với cô Hoàng Thùy Linh: kiểu dạng thương hại, ban ơn, trên cơ?]
Tìm hiểu động cơ [Tiện dịp tôi sẽ quay lại giới thiệu lĩnh vực nghiên cứu tâm lý học phức tạp và mênh mông này- N.T] của cô Thùy Dương, thiển nghĩ, nên ưu tiên xem xét lý do nảy sinh, xuất hiện và hệ quả tiếp biến suốt tiến trình ‘diễn ngôn’ (discourse) của tác giả.
Chẳng hạn, nghiên cứu này là một gợi ý thú vị.
Một hành vi không thiện tâm của ai đó làm lỏng rời vòng cương tỏa của đức hạnh và thể hiện động cơ lãng quên những nguyên tắc luân thường đạo lý. Sự thay đổi như thế không hề nảy nòi được với ứng xử trung thực hoặc với sự đánh giá về những hành vi thiếu trung thực nhất của tha nhân. Thêm nữa, việc đạo đức thể hiện thật rờ rỡ nhờ các đối tượng tham gia đọc ký, điểm chỉ bằng thứ mật mã đáng trân trọng sẽ làm giảm bớt đi hành vi phi đạo đức và ngăn chặn sự tháo bỏ đạo đức sau này. Bất chấp hành vi không đứng đắn đã tạo động cơ cho tính đạo đức dễ dãi và dẫn tới quên bẵng đi các quy điều luân lý thì ứng xử lương thiện lại tạo động cơ cho tính nghiêm trang đạo đức, khiến chúng ta cần mẫn hồi quy về với những quy điều đạo đức.
Nhóm tác giả nghiên cứu trên chỉ ra rằng, những khía cạnh tưởng chừng không đâu của môi trường có thể góp phần thúc đẩy quyết định hành xử thật chân tình hay giả dối. Kiểu quyết định ấy làm tăng thêm những thay đổi về sau trong niềm tin đạo đức, đến lượt chúng lại dự báo hành vi ứng xử trong tương lai. Thông qua việc kết nối các bước giữa tình huống, hành vi và niềm tin mà chúng ta chứng thực mỗi thứ tác động đến các thành phần còn lại ra sao. Ngay cả những rụng rơi bé nhỏ cũng tạo ra được vòng sóng thay đổi lăn tăn…
Thực hư chẳng dám chắc rõ ràng tại sao cô Thùy Dương chủ động chọn cách gửi thư điện tử để chuyển lời xin lỗi đến với công chúng xem VTV, lãnh đạo đài và những ai có tiền, không quyền liên quan.
Xin khỏi bàn về tài viết lách của cô Thùy Dương, nhất là qua bài dự thi “Mối tình đầu của tôi“.
Chỉ biết về mặt thực nghiệm tâm lý thì phát hiện hơn 50% sự giả dối tăng lên khi chuyển từ giấy bút sang gửi thư điện tử (email); ngoài ra, nói dối qua điện thoại thì dễ hơn nhiều so với chuyện gặp mặt đối mặt.
Thông tin tham khảo thêm, sự lừa dối trong yêu đương, hôn nhân e chừng có thể phát hiện chính từ giọng nói!
Nghiên cứu mới đây xem xét mối liên quan giữa độ cao của giọng nói và việc tri nhận sự vụ ngoại tình, đồng thời đưa ra cái nhìn sâu sắc về giọng nói con người cũng như cách thức chúng ta lựa chọn bạn đời.
Tỷ dụ, khi lựa chọn người phối ngẫu, phụ nữ tin rằng chàng nào giọng càng trầm ấm thì khả năng cao là sẽ lăng nhăng; đối nghịch lại, cánh đàn ông nghĩ một cô gái với giọng cao vang cơ chừng khó mà chung thủy…
Còn bây giờ thì đề cập tác dụng của chuyện xin lỗi.
Chúng ta giả định rằng nói lời xin lỗi có thể vá chữa và cải thiện hàng rào ngăn cách, song liệu có ước ao quá chăng sự biện bạch, tạ tội? Những chính trị gia, lãnh đạo công ty, người nổi tiếng và ai đó khác xuất hiện trên TV, báo viết,… bày tỏ hối hận (đôi khi chân thành và thực tâm, đôi khi hời hợt và thiếu đoan chính) thì thông tục nghĩ rằng, công luận tha thứ cho hành động sai trái đó là tạo đà cho hành vi phi pháp, bất luân? Sự xin lỗi, do vậy, thực sự thu phục lại được tín nhiệm?
Sống ở đời, thiên hạ khắp nơi đều mong đợi trông chờ vào quyền năng của sự xin lỗi. Kỳ thực, việc đón nhận nó không hề mang chứa tác dụng chữa lành như mọi người tưởng tượng.
Tương tự, chúng ta khó phát hiện ra tính không thành thật trong lời xin lỗi hướng trực tiếp vào chính mình (tựa như khi ai đó tâng bốc, nịnh đầm ta vậy, nhỉ!)
Ngay cả một lời xin lỗi chân thành cũng chỉ là sự khởi đầu cho tiến trình sửa chữa lỗi lầm…
Thực tế thì trước sự chứng kiến của đám đông, cô Thùy Dương đã và sẽ khóc lúc đang tiếp tục trải qua một giấc mơ mang tên Lượm.
Rồi bẵng đi và đêm tới, thức dậy bên chồng con trong ngôi nhà nhỏ của mình hay thảng hoặc khi ngồi trầm tư đâu đó bên vỉa hè, nơi chợ búa cô lại khóc– không chỉ một lần duy nhất rồi thôi.
Nước mắt của sự xấu hổ thấm ứa tự nhiên vì những gì từng đối đãi, phát ngôn, diễn xuất; vì những lời muộn phiền, khát khao, phẫn uất đớn đau, khấp khởi hy vọng, hụt hẫng, ê chề cứ lăn trôi qua đầu; và vì những gì chính kẻ xa lạ ngoài đời lẫn người thân yêu máu mủ trong nhà đã không ngừng kết tội, đổ lỗi cho một đồng loại nào khác chi mình…
Ưu tư: bao giờ ‘Lượm’ thôi không còn ‘nhặt’ nữa?