Ngôn ngữ, tư duy và văn hóa nhân loại

Vượt trên sự thu hút nhất thời…

Thật thú vị vì mấy hôm nay, PowerPoint cứ chiếm giữ vị trí đầu bảng bài đăng xôm trò.

Cái nền văn hóa dựa trên công cụ máy tính í cơ chừng đang bị lạm dụng sai chức năng một cách tràn lan tại Việt Nam.

Những slides chen đầy chữ và chữ, những slides minh họa bằng clip vui vui hay hình ảnh ngộ nghĩnh, gây cười, nhắm tới mục đích thư giãn mà có vẻ người soạn ra cho rằng như thế là sáng tạo, thể hiện tính tương tác hoặc gánh gồng vu vơ cho những danh xưng gọi là thao tác thuyết trình hiện đại, đổi mới bài giảng, phương pháp học tập mới trên lớp, v.v…

Về mặt kỹ thuật cụ thể tạo slide, có thể tham khảo ở đây.

Những minh họa tệ hại và hời hợt khi dùng PP chứng tỏ chúng ta dường như vẫn tiếp tục cân nhắc rằng hành trình có đáng giá không khi dành quá nhiều thời gian nói về mục đích và phương tiện…

Làm thế nào khám phá cách kết nối giữa các kỹ thuật kể chuyện cổ điển với quyền năng của truyền thông hiển thị nhằm tạo ra một trải nghiệm thật phong phú, dấn thân cùng với khán giả?

Câu trả lời chắc có phần buộc phải giải cấu trúc hết sức hệ thống dằng dặc các slides, danh sách các dấu chấm to tướng và các đồ hình di chuyển chớp choáng, PP đích thị nâng cao một thứ ‘ngữ pháp’ mới mẻ, vội vã– nơi tính  nhân quả mắc lỗi, logic khá bê bối, nguồn dữ liệu xa rời bối cảnh, và kẻ làm xiếc tung hứng mê hoặc được thay thế bằng những công cụ truyền thống mang phẩm chất thuyết phục và đầy lý lẽ chăng.

[08.5.2012]

——————————————————————————————————————————————————————————————————

Bên trong túi xách của nữ sinh viên Romania

Khởi đầu chuyện phim (2007) thật dật dờ trời ơi đất hỡi, với bối cảnh Romania ở thời toàn trị Nicolae Ceausescu (1987): nữ sinh viên dính bầu, trong khi đất nước cộng sản Đông Âu này khuyến khích công dân sinh nở ngõ hầu nâng cao tiềm lực kinh tế nên việc phá thai là phi pháp, phải tiến hành vụng trộm.

Cảnh quay thứ nhất diễn ra trong ký túc xá, nơi Otilia Mihartescu đang trấn an, đồng thời hứa tìm cách vay tiền để giúp cô bạn cùng phòng Gabriela “Găbiţa” Dragut xử lý sự vụ.

Khán giả thấy Găbita lo lắng sắp xếp hành lý, lấy ra rồi đặt vào (và cuối cùng thì đã để quên lại) tấm nilon trải bàn định dùng làm vật dụng gói ghém, chống máu thấm ra ngoài. Cô cũng muốn đem sách vở theo để ôn bài vì kỳ thi cận kề.

Máy quay còn lia chậm cái chậu cá cạn cợt nước, kèm lời thoại đại khái sau mấy ngày vắng nhà, không có ai chăm sóc nó chắc chẳng sao đâu.

Rồi máy quay theo sau lưng Otilia ghé vào phòng vệ sinh nữ, tạt qua tìm mua thuốc lá Kent, xà phòng tắm và đồ mỹ phẩm xuất xứ từ phương Tây được đổi chác, bán lẻ trao tay; cùng cô băng qua dãy nhà xập xệ để lên xe bus xin vé đi nhờ…

Otilia ôm hôn bạn trai cũng là sinh viên kỹ thuật, nhận tiền cho vay để trong phong bì; Otilia ngồi trong xe ô tô chờ tay phá thai ma cô Bebe bước ra ngoài quát mắng bà mẹ cứ thích mở cửa phòng, rời khỏi chung cư; Otilia đăng ký đặt phòng tại khách sạn; vội vàng cho kịp giờ hẹn mừng sinh nhật mẹ người yêu tại một căn hộ sang trọng khá xa…

Và vô số chi tiết chứng tỏ không những sức trẻ tràn đầy năng lượng, hết lòng vì bạn của Otilia mà quan trọng hơn, chúng là những sự kiện khách quan góp tạo nên lý thuyết.

Đó là thứ lý thuyết trần trụi minh chứng khủng khiếp cho sự kiềm kẹp, áp chế con người dưới một chế độ độc tài; khẳng khái bộc lộ phũ phàng nỗi tê liệt bởi cơn sợ hãi tập thể thâm căn cố đế cứ làm mỗi người luôn bị rình mò, phải hành xử thụ động, bạo lực (gợi nhớ các phim Cuộc sống của những người khácGoodbye Lenin!), chưa kể báo hiệu sắc sảo nét biến đổi tinh vi trong tầng lớp giai cấp thống trị với sự xuất hiện của đám đông gọi là trí thức có học, giỏi nắm bắt cơ hội và khôn lỏi…

4 Months, 3 Weeks, & 2 Days không thuần túy là bộ phim tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, đích thị nó công khai xiển dương vai trò của giáo dục, bênh vực quyền phụ nữ và lần nữa, mạnh mẽ tố cáo tính phi nhân của quốc gia Romania những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội…

Trái ngược với suy nghĩ dễ thương của đạo diễn Phan Đăng Di rằng còn có một cái gì của niềm tin tốt đẹp trong mối quan hệ giữa hai nữ sinh viên, xem xong phim chỉ dội lên trong tôi nỗi đớn đau khi chứng kiến những đổi thay lần lữa và thực trạng vô đạo đức của đồng loại.

Làm sao hạnh phúc, bình yên và yêu thương bền vững khi những kỹ sư– thế hệ của thiên đường XHCN tương lai– cả nam lẫn nữ, đánh mất quyền lựa chọn cá nhân, tránh tiếp chạm và cố gắng khỏi trực diện với sự thật.

Phim kết thúc bằng cảnh Găbita tự động rời căn phòng thuê để phá thai, xuống bàn ăn của khách sạn vì đói, cô gọi thêm đĩa mới khi Otilia tìm thấy cô và cả hai ngồi đấy trong tiếng nhạc đám cưới ồn ào phía xa vọng lại.

Trước đó, vứt hết mọi đồ trang điểm, tiền bạc, Otilia đặt vào bên trong túi xách sinh viên của mình cái bào thai đã tượng hình mà Găbita nhẹ nhàng tống ra cơ thể để một mình cô giữa đêm khuya đem bỏ hố rác trên tầng cao thuộc một chung cư nhếch nhác, tối tăm cùng với tiếng đập thình thịch nhức nhối của lương tâm…

[01.5.2012]

————————————————————————————————————————————————————————————————————————-

Người xấu xí

Thầm hí hửng khi nghĩ tới cảnh sắp cùng ‘chị nhà’ (thuận hòa lời đề nghị của chủ xị) tham dự buổi chung vui nhân dịp một bạn gái trắng trẻo lên xe hoa.

Rõ là cơ hội đàn đúm được ngắm nhiều người nói cười dễ thương, vòng eo thon duyên dáng đi lại thướt tha kèm theo cử chỉ nghiêng đầu, so vai rất Tây và cực kỳ thanh nhã. Ồ vâng, tuyền tập hợp miền cái đẹp.

… Hầu hết thời gian thiên hạ nghĩ về cái đẹp mà. Chúng ta cố gắng gây ấn tượng với xung quanh bằng bộ thời trang mới nhất, kiểu tóc vô cùng gợi cảm cùng những đồ mỹ phẩm nhập ngoại đắt tiền, tỏa hương ngất ngây quyến rũ. Chúng ta cố đẩy lên twitter, facebook nóng hổi, kịp thời những tin tức cập nhật đều đặn ai và ở đâu, chuyện buôn dưa quá chừng hấp dẫn nọ, kia ngõ hầu hướng tới biểu tỏ ý mọi người thử xem mình xinh gái, đẹp trai như thế nào…

Với những kẻ nông cạn, đó là toàn bộ ý nghĩa tồn tại trên đời; với phần còn lại chúng ta, đó là những gì mình hết sức nỗ lực vươn tới, mong đạt được và khớp khít vào.

Song, thế nào là xấu xí cơ chứ?

Tình thật, nếu đẹp chủ yếu ở đôi mắt nhìn thì xấu xí cơ chừng cũng nảy nở nguồn cơn từ đó.

Thú vị nhất điều này: chúng ta kỳ thực chẳng thể nhìn thấy ai đấy mình cho là xấu xí nổi đâu, chí ít điều ấy là giả tạo thấy rõ.

Mình sẽ nhận ra rằng, đôi mắt của kẻ ngắm nhìn quá dễ dàng bị lừa phỉnh. Cứ khu trú vào khuôn mặt, định vị lên áo quần mặc phù hợp, v.v… mà vẫn còn giấu che sự xấu xí.

Chúng ta e ngại tránh lại gần đối tượng không hấp dẫn lắm về mặt thể lý, trừ khi mình quen biết từ trước rồi. Ai từng tò mò, lọ mọ vào các trang mạng chuyên thiết kế hẹn hò thì tất hiểu.

Lúc nào cũng tuyên bố rằng bên trong mới quan trọng, song khởi đầu nào nghĩ vậy. Đẹp không phải là câu trả lời, thay vào là tốc độ nhanh chóng lúc đưa ra quyết định; phải làm sao vượt qua đôi mắt vật lý của kẻ ngắm nhìn đầy định kiến.

Đôi khi chúng ta mù quáng tin vào vẻ đẹp bên ngoài của một người để học hỏi là họ thực sự xấu xí.

Cơ chừng, chúng ta dễ bị cuốn hút bởi các thuộc tính thể lý ngoại diện của họ, giọng nói mềm mại hoặc ao ước mình được như thế… Để rồi phát hiện ra họ thực sự xấu xí dưới đôi mắt nhìn của tâm hồn.

Tôi thích những con người thực. Vẻ đẹp thực đến từ bên trong và tỏa sáng ra ngoài.

Người đẹp thì đích thực đẹp? Chắc chắn vậy, chẳng lăn tăn chi, và với bất kỳ ai…

[23.4.2012]

——————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————

Trò chuyện và Thời gian

Trò chuyện

Một học giả thưa: Xin hãy giảng về Trò Chuyện.

Người nói:

Các ngươi nói khi không còn yên ổn với những tư tưởng mình;

Khi không còn có thể ở lâu hơn trong tịch mịch của lòng các ngươi sống trên đôi môi, và âm thanh là một thú tiêu khiển, một trò giải trí.

Phần lớn trong trò chuyện, suy tư bị ám sát nửa chừng.

Vì dẫu tư tưởng là con chim không gian, trong chiếc lồng chữ nghĩa quả có thể xòe cánh nhưng không bay được.

Có những kẻ trong bọn ngươi tìm tới ngươi ba hoa vì sợ cô đơn.

Sự im lặng của cô đơn bộc lộ bản ngã trần truồng trước mắt họ, và họ muốn trốn tránh.

Có những kẻ nói, và không ngờ cũng chẳng dự tri đã phát giác một sự thật chính họ cũng không hiểu.

Lại có những kẻ mang sự thật trong mình nhưng không nói thành lời.

Nơi lòng những kẻ ấy, linh hồn ngụ trong im lặng nhịp nhàng.

Khi gặp bè bạn bên vệ đường hay giữa chợ, hãy để linh hồn trong các ngươi điều khiển đầu môi chót lưỡi.

Hãy để tiếng trong tiếng các ngươi nói với tai của tai hắn;

Vì linh hồn hắn sẽ cất giữ sự thật của lòng các ngươi như hương vị rượu nho tưởng nhớ.

Khi sắc mầu đã bị lãng quên và bình đựng không còn.

[Gibran, Kahlil. (1969). Mật khải (The Prophet). Sài Gòn: Nxb. Non Nước, Phạm Bích Thủy dịch, tr.78- tr.79]

Thời gian

Có một nhà thiên văn nói: thưa thầy còn Thời Gian thì sao?

Người đáp:

Các ngươi muốn đo thời gian, cái vô hạn và chẳng thể đo lường.

Các người muốn thích ứng cư xử và hướng dẫn đường lối tinh thần mình theo giờ theo mùa.

Các ngươi muốn tạo thời gian thành một dòng nước để trên bờ ấy các ngươi ngồi ngắm nước trôi.

***

Nhưng cái vô thời trong các ngươi nhận biết cái vô thời của đời sống.

Và hiểu rằng ngày qua chỉ là ký ức của hôm nay, và ngày mai là giấc mơ của hôm nay.

Và cái hát ca, chiêm ngắm trong các ngươi vẫn còn nằm giữa giới hạn của lúc đầu tiên vãi những vì sao trong không gian.

Ai trong các ngươi không cảm thấy năng lực yêu đương của mình là vô hạn?

Mà lại không cảm thấy chính tình yêu, dẫu vô hạn gói trọn trong lõi đời mình không chuyển từ ái ý này sang ái ý khác, cũng không chuyển từ ái sự này sang ái sự khác?

Và chẳng phải thời gian cũng như tình yêu, đều không thể chia cắt và không có bến bờ?

***

Nhưng nếu trong tư tưởng các ngươi phải đo thời gian thành mùa, hãy để mỗi mùa bao quanh những mùa khác,

Và để hôm nay ôm choàng quá khứ với hoài niệm và tương lai với khát khao.

(sđd, tr. 80- tr.81)

[12.4.2012]

——————————————————————————————————————————————————————————————————

Dùng thôi miên để nghiên cứu cách não bộ xử lý hiệu ứng màu sắc

Dù thôi miên đã được sử dụng hàng mấy trăm năm nay, song vẫn còn nhiều điều cần học hỏi thêm về cội nguồn cũng như phương thức họat động của nó.

Thôi miên là trạng thái ý thức, và mặc dù khởi sự từ bộ não thì nó vẫn có thể khó khăn để nghiên cứu.

Tuy thế, các nghiên cứu về màu sắc và cách màu sắc được người ta tri nhận trong một trạng thái thôi miên sẽ càng nâng cao hiểu biết tỏ lộ phương thức thôi miên tác động tới bộ não và khả năng của nó trong xử lý màu sắc.

Milton Erickson là một trong các nhà nghiên cứu thôi miên hàng đầu của thế kỷ XX, nhà tâm thần học chuyên sâu thôi miên y học. Ông đã sáng lập Hiệp hội Thôi miên Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ tới Lập trình Ngôn ngữ- Thần kinh (NLP) và dày công thực hiện nghiên cứu về quyền lực của vô thức, kể cả nhiều nghiên cứu về màu sắc.

Erickson  và Erickson (1938) tiến hành một nghiên cứu với 4 người tham gia. Họ được ám thị thôi miên rằng một mẩu giấy trắng thực sự màu đỏ, xanh nước biển, xanh da trời, hoặc màu vàng. Những người này cũng được thôi miên ám thị đặc thù để nhìn thấy màu sắc bổ sung của mẩu giấy trước khi phô ra một mẩu giấy trắng.

Kết quả chỉ ra, tất cả 4 người đều ảo giác màu sắc bổ sung của mẫu giấy có trước. Đây là thành tựu của thôi miên và ám thị thôi miên.

Erickson (1939) thực hiện một nghiên cứu khác cũng liên quan màu sắc và ám thị thôi miên; cụ thể là hiện tượng mù màu (color-blindness).

Nghiên cứu gồm 6 người tham gia có thị lực bình thường. Ám thị thôi miên được thiết kế nhằm gây tạo nên hiện tượng mù màu.  tiến hành làm test Ishihara để đo phạm vi mù màu.

Một đối tượng liên kết con số 3 với màu đỏ rồi sau đó nhận ám thị thôi miên thì đã không còn khả năng hiểu biết con số 3. Nghiên cứu này đưa Erickson tới nhận định: mù màu nảy sinh thuộc miền vỏ não và thôi miên có thể ảnh hưởng tới nó.

Một nghiên cứu khác nữa với 8 đối tượng thôi miên rất sâu. Mục tiêu là cung cấp thấu hiểu khi vào thôi miên và nhìn như thể thôi miên tác động tới tri giác màu sắc.

Mấy người này được đề nghị nhìn một mẫu hình màu sắc đặc thù trong khi đang đón nhận một chụp quét PET. Nhóm tác giả xem xét các khu vực dạng thoi và thuộc ngôn ngữ trong não bộ rồi so sánh với các hình ảnh mà người tham gia thực nghiệm nhìn các mẫu hình màu sắc và khi họ thấy các mẫu hình chất xám.

Kết quả nghiên cứu (suốt kỳ thôi miên) chứng tỏ, bán cầu não trái và phải cho thấy hoạt động khi người tham gia thực nghiệm được đề nghị nhìn màu sắc. Dẫu thế, khi các đối tượng tham gia được đề nghị nhìn màu xám  thì họat động não bộ bị giảm.

Nghiên cứu cũng tỏ lộ sự thay đổi trong dòng huyết mạch ở bán cầu não trái bất kể người tham gia có nhận thôi miên hay không.

Các phát hiệncủa nghiên cứu vừa nêu cho thấy, thôi miên là một trạng thái ý thức với các mối tương quan thần kinh rõ rệt.

[08.4.2012]

—————————————————————————————————————————————————————————————————

Nuôi con chữ trong bồn ngôn ngữ (thứ dữ!)

Triển lãm tranh của họa sĩ Thành Phong được vẽ hết sức sinh động và vui nhộn minh họa cho hơn một trăm câu thành ngữ mà giới trẻ Việt Nam ngày nay hầu như không ai là không dùng và được xã hội cũng như các phương tiện truyền thông chấp nhận rộng rãi.

Lời giới thiệu cho buổi Tọa đàm Ngôn ngữ giới trẻ thời @ cho nên cũng thật ấn tượng ghê cơ.

Quyết liệt giành đối tượng ngại đọc từng chữ nên mê mải chiến lược tiếp thị thứ ngôn ngữ truyện tranh.

Giờ nói cho vuông. Đọc không kịp dừng thở, song vẫn cứ kịp thấy dở. Đã triệt để dành ra hẳn một câu thì phải dụng công khoe tài chữ nghĩa chứ; thiệt tình, độ thuyết phục thẩm mỹ và tính chính xác của thông tin chưa thuần thục, chắc nục cho lắm…

Sau khi có ngôn ngữ, nhân loại phát triển vượt bậc. Và viết, dù là hình thức chật vật nhất, đích thị sáng tạo nên chất cô đặc độc đáo của ngôn ngữ; nó cho phép ngôn ngữ băng xuyên thời gian, xóa nhòa khoảng cách và cài cắm những ý tưởng tồn lưu sau một thế hệ.

Công việc lớn lao, nặng nhọc là kiếm tìm cực kỳ khắc nghiệt, và kết nối, và trải dài vươn rộng ý tưởng làm sao nảy sinh thật năng sản và chịu đựng nổi bao thử thách, va đập.

Từ khóa ở đây: lựa chọn.

Tiếng lóng dễ dính nhọ bồ hóng, vì thế phải mồi chài đặt cược chăng.

Hài hước, hời hợt, hú hí, hừng hực, hi hi hay hơ hơ, hồi hộp,…; tất tật phong cách và chức năng, cấu trúc suy tư thời internet gì gì cũng chấp nhận hết thảy; câu hỏi duy nhất cần được cân nhắc thấu đáo là hòa hợp, khít chặt với truyền thống hay ưu tiên làm nổi bật lên đặc trưng đương đại?

[29.3.2012]

————————————————————————————————————————————————————————————————

Đôi mắt và nỗi rắc rối của ước muốn nhìn

[Bài này được gõ vội vàng, ngoài lý do ‘sự sinh- sinh sự’ quen thuộc lâu nay thì còn cốt để tác giả tự mím chi xíu trước sự kiện lần đầu tiên mất cái vai đầu bảng tưởng chừng mãi mãi, thậm chí, không có mặt ngay trong danh sách trang, bài xôm trò rồi e đành ngượng ngùng nhường ngôi cho hắn.

(Thành thật xin lỗi nếu ai đó quan tâm truy cập, nhất là quãng nửa đêm về sáng, theo từ khóa tới blog Tâm Ngã song không thấy gì như ý cả.)]

Nhận biết trẻ tự kỷ qua đôi mắt“. Tin đưa quá chừng chi tiết, đầy ấn tượng về một cuộc triển lãmtrao đổi đang diễn ra (clip, ảnh chụp minh họa dễ thương).

Trong các vấn đề giác quan trẻ mắc tự kỷ gặp phải, thị giác luôn được chú ý; thậm chí, đáng xem xét nghiên cứu gợi tò mò về việc qua phân tích chức năng thị giác ở trẻ mắc tự kỷ đã khẳng định sự thiếu hụt trong độ quy tụ của mắt nhìn.

Cần biết rằng, dù nhiều quan sát lâm sàng, những công trình tiến hành và báo cáo từ các bậc làm cha mẹ lâu nay cho là trẻ mắc tự kỷ thể hiện kiểu tri giác và chức năng thị giác không điển hình– thí dụ, tính tinh tường của mắt nhìn tăng lên, nhạy cảm cao hơn với ánh sáng và gặp phải nhiều hơn chứng lé (lác) mắt– thì hiểu biết của chúng ta về cơ chế điều khiển nhằm giải thích những bất thường thị giác như thế vẫn còn khá hạn chế.

Theo nghiên cứu vừa nêu, nhóm tác giả thấy 11% trẻ phát triển bình thường và 31% trẻ mắc ASD (Rối loạn Phổ Tự kỷ) gặp vấn đề về sự suy hỏng thị giác– chẳng hạn, cận thị (myopia), loạn thị (astigmatism), v.v… Khác biệt này mang ý nghĩa thống kê; nghĩa là trẻ mắc ASD thực sự dễ gặp phải các trạng thái này hơn rất nhiều, so với trẻ phát triển bình thường.

Trẻ mắc tự kỷ cũng thể hiện sự yếu kém hơn hẳn về độ tinh tường thị giác (visual acuity)– dù vẫn trong giới hạn bình thường–, và độ quy tụ (convergence)  thấp hơn. Độ quy tụ nhằm xử lý sự chuyển động của đôi mắt hướng về nhau để duy trì tiêu điểm các đối tượng đang tiếp cận hoặc thuộc ranh giới gần sát.

Phát hiện độ tinh tường thị giác suy giảm ở trẻ mắc tự kỷ– khi so sánh với trẻ phát triển bình thường– mâu thuẫn với các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra độ tinh tường ở trẻ mắc tự kỷ tăng lên.

Nhận định này mang chúng ta đến giới hạn cơ bản của nghiên cứu đang trình bày.

Dường như, nghiên cứu được quảng cáo như một nghiên cứu về chức năng thị giác của tự kỷ. Do đó, lượng bố mẹ đáp ứng đề nghị tham gia thực nghiệm cơ chừng nghiêng xu hướng con cái gặp vấn đề về thị giác; điều ấy giải thích ít nhiều các mức độ cao những vấn đề thị giác quan sát thấy trong nhóm tự kỷ cũng như các tỷ lệ thấp hơn về độ tinh tường thị giác. Tuy thế, các tác giả của nghiên cứu này cũng nhận ra tỷ lệ lác mắt (strabismus) thấp hơn những báo cáo từng công bố.

Vấn đề độ quy tụ gợi kích thích. Độ quy tụ là một trong các cơ chế chúng ta dùng để ước tính chiều sâu và khoảng cách. Độ quy tụ bị hạn chế do đó, có thể liên quan với tri giác chiều sâu.

Nghiên cứu thượng dẫn gây tò mò, bởi vì hồ sơ tâm lý thần kinh của trẻ mắc tự kỷ chức năng cao (high functioning autism) thường rất tương tự với các quan sát thấy được ở trẻ khiếm khuyết việc học hỏi ngôn ngữ không lời (gồm những yếu kém liên quan trong chức năng vận động – thị giác).

Ngoài ra, nhiều bố mẹ có con mắc ASD cho biết là con cái họ gặp trục trặc khi chơi thể thao và các hoạt động thể lý khác. Vậy nên, tự hỏi việc giảm thiểu độ tinh tường như thế có thể ảnh hưởng ra sao chức năng vận động – thị giác ở tự kỷ.

Một tóm tắt thú vị nữa cho thấy sự ác cảm (aversion) đôi mắt có thể ảnh hưởng tới sự tri nhận khuôn mặt của trẻ mắc tự kỷ.

Tri nhận toàn bộ khuôn mặt là xu thế trải nghiệm và xử lý các khuôn mặt như một sự “tổng thể” chứ không phải là cộng lại các phần.

Ví dụ, khi đề nghị tri nhận một “cái mũi”, người ta thường hay nhìn ra nó như phần của khuôn mặt (thậm chí một khuôn mặt không thật) hơn là việc cái mũi được trình bày cách biệt.

Nhìn nhận việc hiểu biết về các khuôn mặt là một bước phát triển cốt yếu và nghiên cứu chỉ ra những bất thường trong tri nhận khuôn mặt ở tự kỷ, các tác giả của công trình muốn xem xét sự phát triển của các năng lực tri nhận khuôn mặt trong nhóm trẻ mắc tự kỷ, so sánh với nhóm trẻ mắc các rối loạn phát triển khác như hội chứng Williamshội chứng Down.

Các tác giả phát hiện thấy, cả ba nhóm chẩn đoán đều chứng tỏ tính bất thường trong sự phát triển về tri nhận khuôn mặt, khi so sánh với trẻ phát triển bình thường.

Tuy thế, kiểu bất thường hết sức khác biệt nhau giữa các nhóm.

Trong khi các mẫu hình của sự khác biệt quá phức tạp để tóm tắt lại ở đây thì thiển nghĩ, một phát hiện đặc thù gây nhiều kích thích.

Trẻ mắc tự kỷ chức năng thấp (không phải chức năng cao) chỉ ra một sự bất lợi ở chuyện định hình đôi mắt dù thuận lợi trong chuyện định hình những cái mồm miệng. Hơn nữa, chúng cũng giỏi hơn trong việc định hình các đôi mắt và cái mũi khi những thứ này được  lộn ngược– hơn là khi hướng lên trên. Điều này trái ngược với những gì thấy ở trẻ phát triển bình thường.

Các tác giả thảo luận cách thức điều này có thể là do một sự ác cảm khi nhìn thật trực tiếp vào đôi mắt, nhất là với những khuôn mặt ở tư thế đứng thẳng.

Do đó, những sự thiếu hụt quan sát thấy trong tri nhận khuôn mặt ở nhóm trẻ mắc tự kỷ có chức năng thấp dường như không phải tạo nên vấn đề trong sự phát triển tự thân các tiến trình tri nhận tổng thể khuôn mặt, thay vào đấy, sự yếu kém này có thể do một sự ác cảm tự nhiên khi nhìn chòng chọc vào khu vực đôi mắt của khuôn mặt.

… Vì tự kỷ đâu chỉ là chuyện trẻ con nên chủ đề đôi mắt và độ rắc rối của ước muốn nhìn cần được khai triển thêm chút, hầu vĩ thanh cảm thông, chia sẻ cùng bố mẹ có con mắc tự kỷ trong khí vị buồn vui dân dã, đời thường.

Nhà hiền triết cổ đại Seneca đã phán rằng, “đôi mắt sẽ không nhìn thấy khi trái tim ước muốn chúng bị mù“; dù ngày càng nhiều bằng chứng khoa học ủng hộ nhận xét khôn ngoan cũng xưa cũ ghê gớm: “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”.

Tuyên bố của Seneca tự nó giải thích khá rõ ràng; đặc biệt trong bối cảnh cảm xúc. Tỷ dụ, thiên hạ quen thuộc phát ngôn “tình yêu thì mù quáng” (“Love is blind”).

Bởi trong nỗi đớn đau tột cùng khi tình yêu mới hé, chúng ta thường mù tịt trước bất kỳ lỗi lầm khả dĩ nào của người khác. Hoặc lúc giận dữ, chúng ta cũng hay bị che mờ trước các phẩm chất tốt đẹp, dễ thương của người khác.

Trái tim tiếp quản và đôi mắt chẳng nhìn thấy. Vì thế, nên chăng người ta cần dành thời gian để lắng nghe đôi mắt và nhìn thấy đôi tai họ; gì gì, xin đừng tiêu tốn vào những khoảnh khắc ngắm nghía bọn trẻ yêu nhau nhé.

[28.3.2012]

—————————————————————————————————————————————————————————————————-

Người còn chung sống mãi với ngôn từ

Theo nữ thi sĩ Nhật Bản Hachikai Mimi, ngoài chức năng giao tiếp thì ngôn từ là tâm linh của con người; nhận định đó khởi đi từ cảm xúc bản thân cô.

Buổi thuyết trình “Văn học Đương đại Nhật Bản– nhìn từ thơ” cho thấy lần nữa, giá trị của ngôn từ và tác dụng của việc sáng tác xuyên thể loại làm văn học Nhật phong phú và đa dạng hơn.

Ngoài các thể thơ truyền thống (tanka và haiku), nhịp điệu và độ dài là niềm vui người viết có được khi làm thơ tự do.

Trước biến động của thế giới hiện đại, cách thế đối phó của Mimi là theo trọn cảm xúc bởi đời người chỉ sống một lần.

Nữ giảng viên Đại học này cũng cho biết, giới trẻ Nhật bây giờ thích sáng tác thơ hơn là đọc thơ nhằm thể hiện cảm xúc bản thân; việc phê bình chưa đích đáng khiến cho những ảnh hưởng, tác động trong sáng tác của họ tới văn học chưa rõ…

Thơ trẻ mang chất tiền vệ ở Nhật không có tính phản kháng, không liên quan chính trị.

Đọc truyện- tùy bút “Chông Chênh Cõi Trần” của cô càng hiểu vì sao nữ thi sĩ bảo rằng, cô viết nhiều thể loại như là cách suy nghĩ vô ý thức về thể loại khác, chủ đích vẫn nhắm tới thơ.

… Còn chồng. Tôi quên hỏi, chồng cho tinh trùng với động cơ nào. Có lẽ, vì nghĩ giúp được ai đó. Nếu chồng muốn có con, tái hôn cũng được có sao. Hay có thể có động cơ nào khác lạ. Ví dụ như, muốn để lại dòng dõi ở một nơi chưa từng biết tới, đại loại như thế.

Nhưng, có làm đến mức thế, để tăng thêm dòng dõi không. Có người nghĩ như thế, cũng không lạ. Tôi chưa nghĩ vậy bao giờ, khó mà tưởng tượng. Việc cho đi một phần của mình, để mặc nó gắn bó với một nơi nào lạ lẫm, là như thế nào?

Thế giới, đột nhiên như đổi thay trước mắt tôi. Tưởng đã biết rõ các mối dây dợ, nay mới hay mình chẳng biết gì, cảm giác trên dưới trái phải nhạt nhòa, vật vờ. Từng đốt dây, bùng cháy. Lần đầu tiên tôi biết, nơi thế giới mình đang sống, có sự mãnh liệt ẩn đằng sau những cảnh quan quen thuộc.

Và, tôi kinh ngạc với dục vọng thầm lặng đó. Nó quấn quýt, ru hời, ôm ấp thế giới trong lặng lẽ. Ai ai, cũng có khát vọng âm thầm sinh nở, chỉ không nhận ra.

Tôi nhận ra, có tôi quên mất sự sinh sản, chỉ ôm con khỉ vào lòng, toàn đi nghe người khác than thở.

Đó có phải là hành vi vô ý thức không? Không, ở một giai đoạn nào đó, tôi đã quyết định như thế. Vậy mà, khi thấy những con người chọn cách sinh sản qua phân tử di truyền, tôi như bị đá xuống lỗ. Vì sao tôi cảm thấy buồn? Những con phân tử di truyền đang reo lên, trong thân thể tôi. Reo, như rừng trúc. Rạo rực, như lá trúc rơi lả tả. Những giọt âm thanh, ướt át nơi tôi đứng, lóng lánh ánh nắng xuyên thấu…

[Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. (2012). Hachikai Mimi. Lâm Thương dịch, tr.48- tr.49]

[21.3.2012]

——————————————————————————————————————————————————————————————————————–

Học hỏi: khởi sự từ sớm, tâm trí cứ lơi bơi và cái lợi khi thất bại

Hành trình học hỏi của một đứa bé khởi ngay từ gia đình trẻ, trước cả khi chúng bước chân đến trường; ở độ tuổi 0- 5, hầu hết những sự phát triển ngoạn mục đạt tới sẽ tiếp tục đồng vọng suốt cuộc đời.

Do đó, theo nhà lịch sử giáo dục Diane Ravitch, thay vì nghiêng về vai trò thầy, cô giáo chịu trách nhiệm duy nhất thì còn có hiểu biết khôn ngoan hơn về cách trẻ lớn lên, triển nở và học hỏi rồi nhận ra rằng, nhà giáo dục đầu tiên là gia đình chúng, cũng như nuôi dưỡng, tác động của môi trường đích thực là vấn đề cần quan tâm.

Thành tựu nghiên cứu hiện tại khẳng định, học hỏi bắt đầu từ khi mới sinh ra, thậm chí, sớm hơn thế nữa; đứa trẻ đạt được những thành tựu thuộc trí năng và phát triển từ thuở nuôi dưỡng rất sớm, những lợi thế ấy sẽ vẫn còn theo chúng vào tuổi vị thành niên.

Bà Ratvich cho rằng, bộ não của trẻ và thái độ của chúng được định hình trong 5 năm đầu đời, và cơ hội học hỏi của trẻ chịu ảnh hưởng bởi ngôi nhà và cộng đồng chúng lớn lên, bởi sự kính trọng của chúng với chuyện học và với thầy, cô giáo.

Báo cáo phân tích dữ liệu lý giải, ưu tiên cho việc học đọc, viết hoặc làm tính, “trẻ buộc phải đạt được các kỹ năng thô sơ nhằm phục vụ như bước đệm căn bản hướng tới lão luyện các kỹ năng nâng cao và phức tạp hơn.”

Một số trẻ học các kỹ năng này từ bố mẹ và các anh, chị em trước khi đến trường; một số trẻ khác học từ người trông nom trẻ. Song một số thì chẳng học gì hết. Và tất cả “trẻ em giỏi giang các kỹ năng này trong thời gian trước tuổi đi học càng dễ học đọc, viết và làm tính” sớm hơn và càng tỏ ra thành thạo hơn những trẻ khác.

Bài học rút ra như thế, hết sức rõ ràng: bất kỳ chương trình nào dự tính nghiêm túc nâng cao việc học tập cho mọi trẻ em  thì cần bắt đầu thật sớm. Trẻ bé tí sẵn sàng thiết lập hiểu biết chúng có về thế giới và điều hướng cách thức chúng liên quan với việc học như những đối tượng đã chập chững bước đi.

Nghiên cứu gần đây cho thấy, tâm trí lơi bơi lại dính dáng với ký ức làm việc tốt, tự thân thể hiện mức đo lường trí thông minh, khả năng đọc hiểu và chỉ số IQ.

Theo đó, chí ít thì sự phức tạp trong hành vi và mục đích của bộ não của chúng ta thể hiện ở chỗ một nửa thời gian tâm trí lơi bơi, lêu bêu.

Khi tâm trí vẩn vơ đây đó, những suy tư hiện hình là dấu hiệu của ưu tiên với một người– bất luận vô thức hay ý thức; diễn đạt chi tiết hơn, một tâm trí phiêu diêu là cách thức bộ não tối ưu hóa năng lượng sử dụng, định vị các nguồn lực cho những mối  quan tâm khác khi nhiệm vụ trước mắt không đòi hỏi sự chú ý hoàn toàn.

Chốt hạ một lời, tâm trí lang thang là tâm trí vị chi thông minh.

Cũng mới tuần trước, tin vui– vượt ngoài lãnh thổ nước Pháp– cho các bậc làm cha làm mẹ trên thế giới đã khẳng định, khi trẻ bị ám ảnh thành công và e sợ thất bại thì chuyện thể hiện bài vở của chúng có thể khốn khổ; các tác giả nghiên cứu ước đoán, việc trải nghiệm nỗi vật lộn và thậm chí, cả thất bại trong học hành có thể là điều tốt đẹp cho các em về lâu về dài.

Tại sao đó là tin hay ư?

Ồ, chắc chắn những ai ghét sự hoàn hảo đều thích khi nghe thấy thế. Không chỉ hoàn hảo đã được định mức quá đáng và gây buồn chán mà nó còn có thể tạo nên sự áp bức, và cực đoan nhất thì có thể thành một thứ rào cản ngăn trở người ta sống đời hạnh phúc, lành mạnh.

Bằng cách nào à?

Với cả trẻ em và người lớn luôn luôn khăng khăng muốn “làm đúng” hoặc thành kẻ hoàn hảo thì họ thường đánh mất nhiều cơ hội và trải nghiệm mà sự hoàn hảo chẳng thích hợp tẹo nào hoặc cực kỳ không nhất thiết mong đợi xảy ra; vẽ vời, làm vườn, đá bóng, viết lách sáng tạo có thể là vài thứ thoáng nảy sinh trong tâm trí.

Những ai khư khư đạt tới sự hoàn hảo thì khả năng cao là cảm thấy khó chịu, lo lắng, hoặc kèm cả sợ hãi trước kiểu loại hoạt động vừa nêu.

Vậy làm sao chúng ta có thể cho bọn nhỏ hiểu được rằng việc vật lộn tâm trí với những hoạt động kể trên để dần tiến tới học hỏi được một kỹ năng mới  thì cũng sẽ trợ giúp chúng trên chặng đường dài sau này?

* Hãy cứ để chúng thấy ta thất bại

Lần cuối cùng, con cái thấy bạn thất bại là bao giờ? Có thể, đó là thời điểm để ta nỗ lực gắng sức tiến hành điều gì mới mẻ đủ để chúng có thể trông ta đang hành động.

* Lưu tâm tới tiến trình và tiến trình, chứ không phải chăm chắm duy mỗi kết quả sau rốt

Thông lệ, là người làm cha làm mẹ và thầy, cô giáo nên người lớn chúng ta thường muốn nhắm tới tiến bộ tưởng thưởng để đạt các mục tiêu, chứ không chỉ với mỗi điểm số và các kết quả trắc nghiệm.

Hình dung điều gì đó thế này: “Này con, tối qua khi con oang oang, mẹ đã thấy con đọc lưu loát thêm được vài từ hơn tuần vừa rồi đó. Tối nay, vẫn còn một vài từ con chưa biết rõ, nhưng con thực sự đang rất tiến bộ trong việc đọc đấy, con à!”

* Biến hoàn hảo thành từ chướng tai gai mắt

Trong trạng thái ôn hòa, hoàn hảo gây buồn chán, còn ở mức phá hoại nhất thì nó làm mình tê liệt.

Tránh kỳ vọng, hối thúc hoặc đòi hỏi chính bản thân mình hoặc con cái bạn sự hoàn hảo. Làm việc hướng tới niềm vui thú của những hành động lầm lạc, bước lỗi sai lệch và những cơ hội tăng trưởng trí năng nhờ có chúng cung cấp cho.

Thất bại, vật lộn và nhu cầu thực tập các kỹ năng ngõ hầu đạt mức độ thuần thục là chuyện bình thường, và giờ đây, ta cũng biết rằng chúng còn mang tới hữu ích, lợi lạc vô cùng nữa.

[19.3.2012]

————————————————————————————————————————————————————————————————

Tiền và vở rối chế biến sự kiện thôi miên

Đó là cảm nhận chủ quan của tôi khi bắt gặp tin đưa về nội dung và giá cả khóa học tại một Trung tâm gần đây; quá chừng đình đám bởi đài, báo trung ương giới thiệu, quảng cáo với mức độ dày đặc ghê gớm.

Quy luật của sự pha trộn, làm tăng thêm và phức tạp ra khiến lòng người trong xã hội vốn bất an sẵn lâu nay dễ dàng tự nguyện phát tán câu chuyện chủ yếu mang đậm màu sắc kinh doanh.

Tây, ta giải thích bao nhiêu cũng chẳng thấm tháp vào đâu hoặc chớ mơ tưởng mở mắt kẻ đang muốn thiếp ngủ li bì như là giải pháp tìm quên tốt nhất. Trình bày dài, ngắn thì chung quy bao nhiêu quý vị hiểu rằng hầu hết nhân loại trên hành tinh này hiện đang sống trong trạng thái thôi miên hoặc bị thôi miên thường xuyên đó thôi.

Là một tiến trình tự nhiên, thôi miên (hypnosis) không có gì là huyền bí hay chứa đựng thứ quyền năng đặc biệt.

Chúng ta có thể chứng kiến đích thị một người chuyển từ trạng thái tỉnh táo sang trạng thái thư giãn trong khoảng vài giây đồng hồ; họ không ngủ, chỉ đang ở trong trạng thái buông lỏng, dịu đi và tập trung cao hơn hẳn. Nghi thức này đưa tới thuyết phục người ta rằng một sự kiện vừa mới xảy ra; một sự biến đổi thể chất, tâm lý hiện hữu trước mắt thiên hạ.

Đa phần mọi người, ở vài tình huống nhất định, đều có khả năng bẩm sinh bước vào trạng thái thôi miên. Rốt ráo, thôi miên luôn là tự thôi miên. Tất cả những gì nhà thôi miên tiến hành ngõ hầu khiến cho tiến trình tự nhiên đó bộc lộ ra dễ dàng hơn, do họ được đào luyện về nghệ thuật thôi miên.

Có thể nói, thôi miên không gì hơn là tâm trí phán đoán (judgmental mind) của mình tự trình diễn. Khoảnh khắc phán đoán mình treo lơ lửng là mình mắc vào thôi miên; đấy là sự lơ lửng của yếu tố chính yếu (critical factor)– phần tâm trí quyết định chấp nhận hay chối bỏ những ám thị (suggestions) mới. Càng kích hoạt lâu dài yếu tố chính yếu, nó sẽ càng chối từ những ám thị không phù hợp, bắt dính với hệ thống niềm tin hiện tại của đối tượng.

Thôi miên bao quanh ta và bây giờ mình luôn có khả năng bắt gặp, phát hiện ra nó. Các chuyên gia tiếp thị sử dụng nó liên tục khi thiết kế các chương trình quảng cáo trên truyền hình; họ biết chính xác cách thức để băng qua yếu tố chính yếu này nhờ việc dùng âm thanh, câu chữ và hình ảnh.

Thôi miên có thể là thứ công cụ kỳ ảo tạo nên những đổi thay tuyệt vời trong đời bạn. Đồng thời, đa phần chúng ta đi qua cuộc đời trong trạng thái mơ ngủ và hiếm hoi những phút giây tỉnh thức. Hãy sống, dành thời gian để suy nghĩ về điều này trước khi bạn đánh giá điều gì đó mà mình nghĩ là không hề biết gì về nó cả.

[14.3.2012]

———————————————————————————————————————————————————————————–

Hiểu biết căn bản về các kiểu gắn bó

“Gắn bó” (attachment) là khái niệm dính dáng rất sâu xa tới hệ thống lý thuyết có thể giúp ta nhận ra và lý giải tại sao mình—với tư cách người trưởng thành— liên hệ với những người khác, dựa trên những gì mình từng được đối xử khi còn là một đứa trẻ.

Dưới đây trình bày rất sơ lược các kiểu gắn bó quen thuộc.

Kiểu gắn bó an toàn

Chiều kích cái tôi

Tôi xứng đáng được yêu thương

Tôi đảm bảo đủ khả năng để nhận được yêu thương và sự hỗ trợ mà tôi cần

Chiều kích tha nhân                                                                                           

Những người khác sẵn lòng và đủ khả năng yêu thương tôi

Kiểu gắn bó trái chiều, nửa nạc nửa mỡ  

Chiều kích cái tôi

Tôi không xứng đáng được yêu thương

Tôi không có đủ khả năng để nhận được tình yêu thương tôi cần mà không hề thấy tức giận và dính bám vào

Chiều kích tha nhân                             

Những người khác có khả năng thỏa mãn nhu cầu của tôi song họ đã không tiến hành vì những sai lầm của tôi

Những người khác đáng tín nhiệm và đàng hoàng song dễ chừng họ bỏ rơi tôi vì tôi không phù hợp với họ

 Kiểu gắn bó lảng tránh

Chiều kích cái tôi

Tôi xứng đáng được yêu thương

Tôi đảm bảo đủ khả năng để nhận được yêu thương và sự hỗ trợ mà tôi cần

Chiều kích tha nhân

Những người khác không sẵn lòng hoặc không đủ khả năng yêu thương tôi

Những người khác không đàng hoàng, không đáng tin cậy khi họ làm bộ thỏa mãn nhu cầu của tôi

Kiểu gắn bó hỗn độn

Chiều kích cái tôi

Tôi không xứng đáng được yêu thương

Tôi không có đủ khả năng để nhận được tình yêu thương tôi cần mà không hề thấy tức giận và dính bám vào

Chiều kích tha nhân

Những người khác không đủ khả năng thỏa mãn nhu cầu của tôi

Những người khác hoặc không đáng tin cậy, hoặc không đàng hoàng

Những người khác lạm dụng, và tôi đáng bị đối xử như vậy.

[10.3.2012]

——————————————————————————————————————————–

Chị Lan Anh (nhân viê…

Chị Lan Anh (nhân viên bộ Y tế) đang nuôi con bú đã rùng mình không dám nhìn tấm biển, vì nó quá “giật gân và phản cảm khi tôi nghĩ đến bầu sữa mẹ là báu vật thiêng liêng và ngọt ngào của con người” lại có thể bị lợi dụng đặt tên thành một thứ món ăn câu khách, tầm thường đến vậy”.

Quà tặng chào mừng cực kỳ bắt mắt: Ngày 8/3, Hà Nội bán món Lẩu sữa mẹ. Quảng cáo trực tiếp của nhà hàng ăn uống và phương tiện truyền thông chính thống tuy bán những thứ không phải lần đầu tiên mới được bán, song sử dụng những từ gây sốc mang tinh thần nhố nhăng quá hợp thời đại và môi trường sống hiện tại. Công luận nhận được đúng điều họ muốn: gọn tắt, nhanh chóng hơn, giảm giá, tuyên bố hoành tráng. Có đủ mọi thứ tạp nham, hổ lốn trộn lẫn; duy dị ứng khinh miệt với mỗi phẩm chất khôn ngoan văn hóa– thành phần quan trọng nhất của chuyện tiếp thị– vốn luôn đặt để giá trị lớn lao vào sự tinh tế và năng lực sáng tạo.

[08.3.2012]

————————————————————————————————————————–

Tư duy tiêu đề: thất thố, thê thảm

Thành thật thì thấy tiêu đề quá dễ gây phản ứng tiêu cực, đọc vào bài càng khiến nhiều phần… thiệt hại.

Sinh viên phải đào tạo lại một phần là do rất nhiều sinh viên không có phương pháp tự học, không quan tâm đến học hành. Cái này được lý giải bắt nguồn từ cơ chế xin – cho, cơ chế bổ nhiệm… Người có thực học chưa chắc đã có vị trí tốt trong xã hội.
 
Tâm lý “một người làm quan cả họ được nhờ”, “con vua thì lại làm vua”… ăn sâu trong nếp nghĩ. Sinh viên là “con cháu các cụ” thì nghĩ chả cần phải học, kiểu gì ra trường chẳng có việc. Sinh viên “dân đen” thì nghĩ, có học thì mình cũng chẳng thể nào bằng những đứa có ô có dù được. Vì thế mà ngay trong từ ý thức của mỗi người, nhiều em đã không tự xác định cho mình con đường đúng đắn.

Kiểu tư duy tiêu đề như thế quả là tai họa khó lường hết nổi. Vì chí ít, nó ngăn trở người đọc khỏi phải động não suy nghĩ gì thêm; thời gian cứ tiếp tục nghiến ngấu, kết nối với xã hội vốn bùng nhùng đến độ người ta sẽ càng quen thói dùng những gì ai đó đã phát ngôn bấy lâu nay, rồi nhai lại điều được nghe…

Thực tế, xu hướng tự nhiên của con người vẫn hay suy nghĩ tiêu đề: đánh đồng hành động của một loại người nào đó với hành động của một ‘nhãn mác’ đặc trưng; ở đây là ‘con cháu các cụ (cả)’– 4C (5C).

Tin trong nước đưa công khai, chỉ không nói thẳng ra là con gái thủ tướng đương nhiệm.

Tham khảo báo nước ngoài mà chạnh lòng buồn hơn, bởi họ khuyến cáo trường đại học nên dạy các phẩm tính trí thức cho sinh viên: tình yêu sự thật, trung thực, can đảm, công bằng và hiểu biết.

[20.02.2012]

——————————————————————————————————————————–

Bình phẩm, đàm tiếu dây dưa về người khác: thói tật dễ lây và khó ưa, chỉ có làm chính ta xấu xa thêm mà thôi

Thật khổ, cô Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy lại trở thành đề tài đàm tiếu; một lần nữa, giới truyền thông quốc nội đã tranh thủ khai thác, bình phẩm

Trang đăng tải thư xin lỗi của người đẹp về bộ ảnh được cho là “dung tục” thu hút gần 300 phản hồi hào hứng. Đáng chú ý, trong khi quảng đại quần chúng có vẻ đa phần chê trách việc mặc áo dài “phản cảm” thì giới chuyên môn nhiếp ảnh nghiêm túc phân tích và bày tỏ sự khen ngợi tính nghệ thuật của bộ sưu tập; thậm chí, về phe ủng hộ còn có cả người già định cư nước ngoài…

Nên chăng, bình luận công khai về các nhân vật nổi tiếng cần hiểu biết và tuân thủ các quy điều nghiêm ngặt.

Những luân thường đạo lý này được thiết lập dựa trên ý tưởng rằng, vô vàn bình phẩm như thế– tựa chuyện ngồi lê đôi mách (gossip)– khởi tạo tiềm năng gây hại cho người bình phẩm, người đọc (hoặc người xem), và đối tượng được đề cập tới.

Lời bình phẩm càng tiêu cực, điêu toa và thiếu chính xác thì nó càng dễ gây lắm điều tệ hại biết bao.

Đàm tiếu, buôn dưa có thể làm tổn thương cho cả ba loại người nêu trên nên cần có sự cảnh báo hữu ích chuyển tới những ai bình phẩm. Dẫu thế, ở đây cũng có nhiều lý do tích cực cho việc bình phẩm công khai, trước bàn dân thiên hạ.

Khi bình phẩm nhân cách, đừng quên là không ai trong chúng ta hoạt động như những sinh thể riêng lẻ, tách biệt. Đúng ra, mỗi một chúng ta chịu ảnh hưởng bởi bộ não, bối cảnh sống, những tình huống buộc phải đối mặt, và những bổn phận, trung thành đặt để cùng nhóm chúng mình thuộc về…

Bản thân chúng ta gánh lấy trách nhiệm lớn lao, tôi tin, song trách nhiệm đó thì không phải lúc nào cũng toàn vẹn, và nhiều người khi giải quyết các lực lượng này nọ đã khá dễ nảy sinh tranh cãi, bất đồng với tha nhân.

Đàm tiếu chẳng nhất thiết đoan chính hay đồi bại, dù suy cho cùng cũng chỉ chú mục, quan tâm tới các khía cạnh của đời sống những người khác. Vì vậy, những bình phẩm có thể nội tại tốt đẹp hoặc xấu xa, phụ thuộc chủ yếu vào cách thức chúng được hình thành, tạo tác…

[09.02.20]

—————————————————————————————————————————————–

Cùng một lúc tăng sức khỏe lên và làm giảm thiểu stress

Khi bị căng thẳng tinh thần (stress), chúng ta có một mức hóa chất cao hơn (cortisol) đến độ nó có thể phá hoại hệ thống. Giống như một cái chàng nhỏ cứ đục mãi vào nội tại lành mạnh trong mình.

(Xem đồ hình để học hỏi cách thức stress tác động lên cơ thể nhờ nhấp chuột vào các điểm sáng).

Vấn đề nằm ở chỗ, không phải tất cả mọi người đều hiểu đúng đắn cách sự không lành mạnh này ảnh hưởng tới sức khỏe thể lý. Do bởi thế, nhiều người ít biết để sử dụng các chiến lược quản lý stress nhằm tăng cường sức khỏe bản thân.

Thấy gì qua những phát hiện mới đây từ cuộc điều tra của APA về stress?

Cuộc khảo sát nhấn mạnh tác động tiêu cực của stres lên sức khỏe thể lý, đồng thời nó còn chỉ ra rằng, không phải tất cả đối tượngtham gia điều tra đều nhận thức được về mối liên kết này.

Theo đó,

Dù đa phần người lớn hiểu stress có tác động mạnh mẽ tới sức khỏe, song một thiểu số đáng kể vẫn còn nghĩ rằng stress chỉ tác động sơ sơ hoặc không ảnh hưởng gì đến sức khỏe thể lý (31%) và sức khỏe tâm thần (36%) của họ cả.

Lưu ý về sức khỏe tâm thần. Trầm cảm cũng cần được nhắc. Nghiên cứu cho thấy, trầm cảm và stress có liên quan với nhau tuy không theo hướng hai chiều qua lại. Nghĩa là, trầm cảm càng nặng thì bạn càng dễ dấn sâu vào các thói quen ăn uống và hoạt động thể lực không lành mạnh; và càng tham gia các hành vi này nhiều thì mình càng dễ trở nên trầm cảm hơn. Một vòng tròn luẩn quẩn rất khó bẻ gãy.

Nhiều thông tin nữa từ điều tra về stress của APA

Béo phì và trầm cảm thường làm trầm trọng thêm bởi stress. Những ai phải chịu đựng các trạng thái này thường bảo rằng họ không đủ khả năng tạo ra các bước cần thiết để làm thuyên giảm stress hoặc cải thiện sức khỏe của họ, và do đó, họ dấn sâu thêm vào các hành vi đối phó không tốt.

  • Người mắc trầm cảm (27%) hoặc béo phì (24%) thường dễ cảm thấy bất mãn với cuộc sống và hiếm khi (76% dân số chung so với 69% những người mắc trầm cảm hoặc béo phì) cho thấy sự thoải mái trong các quan hệ gia đình.
  • Người mắc trầm cảm (33%) hoặc béo phì (28%) thường thể hiện mức độ đầy ý nghĩa so với cộng đồng nói chung (21%) khi nói là họ không nghĩ mình đang làm mọi điều đủ để quản lý được stress.
  • Khi so sánh với cộng đồng chung (11%), có nhiều hơn người mắc béo phì (34%) hoặc trầm cảm (22%) thổ lộ rằng sự khiếm khuyết hoặc các vấn đề sức khỏe ngăn họ không tạo ra nổi các thay đổi tích cực (ví dụ, giảm thiểm stress và nâng cao sức khỏe).

Tin vui là nghiên cứu chứng tỏ, trầm cảm, béo phì và stress cùng chia sẻ cách điều trị hiệu quả. Mỗi một thứ đều có thể cải thiện được (ví dụ, tăng cường tâm trạng tích cực, giảm cân, và hạ mức stress xuống) nhờ tiến hành các phương pháp khác nhau, bao gồm thành phần nhận thức (cách ta suy nghĩ) và hành vi (cách ta làm).

Dưới đây là hai kỹ thuật trợ giúp mình khởi đi trên con đường hướng tới một đời sống hạnh phúc, lành mạnh và thanh thản hơn.

Đánh giá tâm trạng mình trước và sau một hoạt động. Sau đó, lượng định xem các cảm nhận về sự hoàn thành trước và sau họat động này. Bắt đầu nhận ra  các cảm nhận này cải thiện tâm trạng ra sao (không phải ngay lúc đó mà lui về sau) rồi làm cho mình cảm nhận tốt hơn về chính bản thân.

Mình có thể nhận thấy rằng một số hoạt động ưa thích dễ kiến tạo nên những khoảnh khắc vui sướng,  song làm giảm sự tự tin trong việc tiến hành các lựa chọn mang tính tích cực hoặc làm sút giảm sức khỏe thể lý để rồi góp phần khiến tăng thêm stress và các cảm nhận trầm uất.

Vận động nhiều hơn và ngồi ít đi. Nghiên cứu chỉ ra mối liên kết giữa chỉ số BMI cao hơn (cho biết cân nặng quá mức) với tỷ lệ ngồi trước màn hình nhiều (dành thời gian xem TV, chơi game, điện thoại di động, máy tính, v.v…).

Tạo nên mục tiêu đơn giản thôi, chẳng hạn điều gì đó kiểu “Mình sẽ làm xong một vài việc này trước khi thả mình trên ghế sofa và xem TV”. Với trẻ nhỏ, điều này e là nên càng đơn giản càng tốt để buộc chúng dọn dẹp đồ dùng cá nhân và tham gia vào một họat động năng sản, thể lý trước khi ngồi xem TV hoặc chơi game.

Nhờ khởi sự với hai việc nhỏ như thế, mình có thể nhận thấy bản thân đang định hình các hoạt động khiến mình cảm thấy ít stress hơn, giúp mình thấy khỏe mạnh hơn, và cải thiện sự tương tác với những người khác.

Mình đang đặt xuống cái chàng đục stress, nhờ thế mà nâng cao cả sức khỏe thể lý lẫn sức khỏe tâm thần.

[07.02.2012]

————————————————————————————————————————————–

Động cơ– mong còn mãi ở bên người (2)

Các khối ngăn chặn động cơ

Động cơ thuộc ngoại giới thường héo úa, tàn tạ đi khi vắng bóng nguồn lực.

Hầu hết trẻ con nổi loạn chống cãi dự tính của bố mẹ nếu họ thôi thúc chúng giữ gìn phòng ở sạch sẽ. Lớn lên và sống cuộc đời theo ý mình, đa phần chúng ta đủ khả năng giữ gìn không gian sống của mình tương đối tinh tươm.

Nghĩa là, động cơ nội tại rốt cụ xảy ra ở nhà cửa của bố mẹ. Chúng ta tìm thấy các lý do quan trọng để giữ phòng mình sạch sẽ.

Động cơ nội tại có những thách thức của riêng nó. Nhiều người khởi sự với động cơ cao, song cùng với thời gian lại nhận ra nó mờ nhạt dần.  Đây có thể là do việc lập kế hoạch kém và các phần thưởng mang tính hết sức ngắn hạn; cũng có thể vì lòng tự tin tệ hại hoặc thiếu vắng các nguồn lực đảm bảo thành công. Hoặc chúng ta có thể dự đoán trước những phần thưởng không hề ghê gớm như những thách thức chúng ta gặp và vô vàn hy sinh chúng ta tạo ra dọc theo lộ trình.

Một số khối ngăn chặn động cơ có thể kể:

  • Nỗi sợ thất bại
  • Nỗi sợ thành công (thành công đưa đến những kỳ vọng lớn lao hơn từ những người khác cũng như làm tăng thêm sự độc lập và trách nhiệm có thể thành quá mức áp đảo)
  • Tâm điểm kiểm soát (locus of control) thuộc ngoại giới– chủ yếu dựa trên sự may mắn thay cho tinh thần trách nhiệm, cảm nhận người khác sẽ vào hùa với phương thức của mình

Tăng cường động cơ

Khi động cơ nội tại ngày càng bền chặt và chúng ta chuyên cần vì những giải thưởng sáng giá, nó tạo nên ý nghĩa rằng những lý do tích cực và bên trong cho việc thực hiện những gì cần triển khai chính là yếu tính cho việc duy trì trạng thái động cơ.

Hãy tự hỏi mình tại sao đang làm những điều đó– rồi hỏi hơn 5 lần nữa để xem xét liệu có tìm ra một động cơ nội tại và tích cực. Ví dụ, mình muốn trở thành người sống có ngăn nắp, trật tự.

  1. Tại sao mình muốn thành người ngăn nắp hơn? Để nhà cửa sẽ tinh tươm, sạch sẽ hẳn hoi
  2. Tại sao mình muốn nhà cửa gọn gàng? Để tìm kiếm mọi thứ dễ dàng hơn
  3. Tại sao mình muốn tìm thấy nhiều thứ thật dễ dàng? Để mình càng thêm là người có năng lực
  4. Tại sao mình muốn hiệu suất cao hơn? Để tiết kiệm thời gian
  5. Tại sao muốn tiết kiệm thời gian? Để dành nhiều thời gian cho việc thư giãn và vui thú cùng với gia đình

Từ công thức động cơ đã trình bày ở bài trước, dễ thấy là sự tự tin cũng đóng một vai trò quan trọng trong động cơ.

Tin tưởng bản thân làm tăng thêm tri nhận khả năng thành công và thúc đẩy sự tự tin rằng mình có thể quản lý thành công khi mình đạt tới đó. Biết những ưu khuyết, mạnh yếu và tư bản hóa những mối quan tâm, sở thích và năng khiếu thiên bẩm sẽ nâng cao hơn những cơ hội thành công. Chọn một nguồn cảm hứng và vây bọc quanh bản thân cùng người thành công sẽ nhắc nhở là mình có thể đạt được và những gì cần chống chọi để giành lấy thành công.

Xây dựng những phần thưởng ngắn hạn, nho nhỏ dọc theo con đường hành động. Càng rời xa mục tiêu tối thượng bao nhiêu thì mình càng dễ mất đánh mất nghị lực theo với diễn trình thời gian. Chẻ nhỏ, phân nhiệm vụ ra thành các phần có thể kiểm soát được– mỗi cái có phần thưởng riêng– sẽ giúp mình duy trì công việc đồng thời nhắc nhở không ngừng về những gì ta đang nỗ lực hết sức.

Những phần thưởng cộng dồn lớn thêm lên càng giúp mình thoát khỏi cảm thấy chán nản, ngã lòng ghê gớm khi chợt xảy đến những đình đốn, thoái lùi.

Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc xác định và kích họat động cơ, một người hành nghề chăm sóc sức khỏe tâm thần như nhà tâm lý học có thể trợ giúp bạn xem xét các mối quan tâm và tạo tác ra các lựa chọn.

[02.02.2012]

—————————————————————————————————-

Động cơ– mong còn mãi ở bên người

Theo tập tục, hôm nay nhiều nhà đã làm mâm cúng để tiễn ông bà sau mấy ngày Tết mời các cụ ghé về chứng kiến thành viên trong gia đình quây quần ấm áp, xốn xang. Động cơ, tuy thế, hy vọng vẫn ở lại.

Bởi động cơ là cái lèo lái thỏa mãn các nhu cầu cơ bản và cao hơn, thôi thúc chúng ta theo đuổi ham muốn này nọ. Nó cho ta năng lượng và hướng đích hành vi, cách mình ứng xử.

Thường chúng ta nhất thiết thỏa mãn các nhu cầu cơ bản, trước khi có thể kỳ vọng, mong đợi thỏa mãn các nhu cầu cao hơn.

Các nhu cầu cơ bản và cao hơn có thể kể:

  • Thuộc về– tình yêu, chấp nhận
  • Sống còn– đói, khát, an toàn, chỗ trú ngụ
  • Sáng giá (esteem)– thành tựu, năng lực, chấp thuận, thừa nhận
  • Tự hiện thực hóa (self- actualization)– trưởng thành, triển nở cá nhân

Động cơ là thứ quyền năng ghê gớm để thay đổi và lớn lên. Nó có thể nhắm vào hành vi đạt tới các mục tiêu, tăng thêm sự nỗ lực, cung cấp năng lượng và tinh thần kiên gan bền chí, cải thiện suy tư và trình độ thể hiện, và khuyến khích sự tự tin (self-confidence) lẫn phẩm giá của bản thân (self-esteem).

Động cơ đến từ đâu?

Nguồn động cơ có thể là nội tại hoặc ngoại giới, tích cực hay tiêu cực.

Động cơ tích cực bao gồm việc đạt được các kết quả thú vị, như mong muốn (phần thưởng) trong khi động cơ tiêu cực thì cố tránh né, thoát khỏi các kết quả khó chịu, không ưng ý. Động cơ nội tại thường đầy quyền năng hơn và sức chịu đựng cao hơn động cơ thuộc ngoại giới.

Các ví dụ về động cơ nội tại:

  • Ham muốn
  • Khoái lạc
  • Kiêu hãnh
  • Triển nở
  • Sống đời ý nghĩa
  • Quyền lực
  • Tội lỗi
  • Đau đớn

Các ví dụ động cơ ngoại giới:

  • Tiền bạc
  • Thăng tiến, địa vị
  • Điểm số tốt
  • Tán dương
  • Thất vọng về những người khác
  • Trừng phạt

Các chuyên gia tư vấn kinh doanh và hướng đạo kỹ năng sống cho rằng không có công thức đơn giản nào để định hình động cơ, song lý thuyết kỳ vọng (expectancy theory) tạo nên một nỗ lực cho điều đó:

Động cơ = Tri nhận khả năng có thể thành công x Niềm tin rằng thành công sẽ dẫn tới phần thưởng x Giá trị của phần thưởng

Công thức này cho thấy, mình càng tin tưởng vào khả năng có thể thành công bao nhiêu, rằng sự thành công sẽ đáng được tưởng thưởng, và rằng các phần thưởng sẽ lớn lao thì động cơ của mình càng mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Chúng ta đa phần đều có động cơ khi cảm thấy mình có năng lực, trách nhiệm, tự định hướng và lòng hy vọng.

… Tạm dừng tại đây. Lần tới, xin trình bày tiếp về các chốt chặn, ngăn cản cũng như cách thức để nâng cao động cơ.

[25.01.2012]

————————————————————————————————————————————–

Tập thể dục là cách thế cốt yếu để chúng ta bất tử?

Đầu năm mới Nhâm Thìn, nhân tiện Rồng đang hứng chí bay lên, xin giới thiệu một bài báo thú vị khá phấn khích; riêng với cá nhân tôi, đây còn là biện pháp để an ủi bản thân do tạm dừng cuộc chạy bộ dọc bờ biển buổi sáng vì thói quen kiêng kị Mồng Một Tết.

Theo đó, các nhà khoa học khởi sự hiểu biết về phương thức khiến việc tập thể dục làm cho thân xác và tâm trí chúng ta khỏe mạnh hơn.

Dường như việc gắng sức vận động thể lý giúp tăng cường sự tự tiêu (autophagy)– từ gốc Hy Lạp mang nghĩa ‘mình tự xơi tất’ (self-eating)–, nhằm chỉ tiến trình cơ thể ta tái phục hồi trạng thái các protein hao mòn hoặc dị hình.

Trong nghiên cứu thực hiện tại Texas, thấy cơ xương của loài chuột chạy trên băng trượt (treadmill) sản sinh nhiều tiêu thể (autophagosomes) và chuột không tạo ra được các tiêu thể thì dễ kiệt quệ rồi huyết mạch chúng chế tác ít đường hơn.

Thể dục cơ chừng là thứ thuốc chữa bách bệnh, bảo vệ cơ thể và tâm trí ta chống lại hàng loạt chuyện gây đau đớn, khổ sở.

Và nếu sự tự tiêu là tiến trình mà thể dục đem lại lợi lạc cho chúng ta thì đây có thể là bước đầu tiên kéo dài cuộc sống dưới biểu hiện đầy kịch tính.

Tiến trình tự tiêu hầu phục hồi các protein làm chậm lại tuổi già nhờ việc phóng thích ti lạp thể (mitochondria) “què quặt, ốm yếu”– các điểm đậu đỗ năng lượng của tế bào–, và giảm thiểu các sản phẩm gốc tự do vốn là kết quả từ quá trình dưỡng khí hóa (oxidation) các phân tử trong cơ thể chúng ta.

[23.01.2012]

——————————————————————————————————

“(Tôi, cháu, em…) không biết”

Tôi không rành lắm vụ án Lê Văn Luyện vì chẳng thực tâm dành thời gian đọc và tìm hiểu thấu đáo, chỉ tình cờ để ý đến câu cậu này một lần trả lời phỏng vấn trước phiên xử.

PV: Khi thực hiện hành vi giết người cướp của như vậy, em có nghĩ là em sẽ bị bắt không?

Lê Văn Luyện: Em có.

PV: Biết vậy, sao em vẫn làm?

Lê Văn Luyện: Em không biết.

… Bình thường, hàng ngày, có thể nghe thấy ai đó dùng cụm từ “không biết” tương tự.

Và dường như có vẻ sẽ rất lý tưởng rằng, thay cho việc đặt để một hàng rào phòng vệ chống lại những sự chỉ trích, phê bình và phàn nàn, than trách của chính mình hoặc người khác về bản thân thì mình phát hiện ra một số sự thật trong những phát ngôn và chấp nhận chúng.

Các công cụ thông dụng hay dùng để chống lại các cảm xúc tiêu cực có thể nêu lên như là sự tự trọng thấp (low self-esteem), trầm cảm, và lo sợ, giả định các suy tư tiêu cực có trước là phi logic nên mình cần phải nói lại với chúng.

Chẳng hạn, “Không, tôi không phải là đồ bỏ đi. Tôi đang thành công, hạnh phúc, và đời tôi đang đúng như nó nên diễn tiến như vậy.”

Đây giống như là kỹ thuật được chấp nhận tạo ra để bác tất cả những suy tư và chỉ trích từ thiên hạ.  Nó là kỹ thuật tự bảo vệ mình– một kiểu phòng vệ đối với trạng thái tâm thần, và đôi khi có thể nói, là sự chối bỏ. Trong một số trường hợp, sự tự bảo vệ mình là cần thiết.

Tuy thế, nghịch lý của sự chấp nhận lại thuộc về việc lãnh trách nhiệm. Nó liên quan tới câu chuyện hỏi các câu và khẳng định như thế này.

  • “Có đôi chút sự thật nào không trong sự chỉ trích này?”
  • “Tôi có thể học hỏi được gì từ điều đó?”
  • “Liệu tôi có thể chấp nhận sự kiện rằng sự thể hiện của mình vẫn chưa đạt tới mức trung bình?”
  • “Tôi có nhiều khiếm khuyết. Tôi là con người và tôi đúng là lầm lạc, xấu xa.”

Thực tiễn lâm sàng chỉ ra, nền tảng của tất thảy mọi sợ hãi, trầm uất, lo lắng, tức giận và tội lỗi thuộc mức độ này nọ của lòng tự trọng thấp và thiếu vắng sự tự tin (self-confident). Và như thế, chấp nhận bản thân (self-acceptance) là yếu tính cho sự trưởng thành, tăng tiến cá nhân.

Bên trong các quan hệ của mình– bạn bè, hôn nhân, làm ăn, và nhiều quan hệ khác nữa– bằng cách nào kỹ thuật nghịch lý của sự chấp nhận này giúp ta lớn lên? Làm thế nào để mình trở thành một người bạn, phối ngẫu, lao động tốt thông qua việc chấp nhận sự thật về những hành vi của chính mình? Rồi, liệu nó đủ quyền năng để khiến mình ngoái nhìn và xem xét bản thân đủ nghiêm túc, lâu dài? Những gì mình biết về bản thân một cách ý thức, mình có thể thay đổi– đó quyền năng.

Dù là trường hợp được minh họa khá cực đoan, song thật vô cùng đau đớn khi nghe câu trả lời của tù nhân Lê Văn Luyện “Em không biết”. Đó là bài học tất cả chúng ta có thể học hỏi hữu ích.

Tôi không biết” là một sự rút lui, từ bỏ. Đó là cái hàng rào ngăn cản giữa thực tế và điều bất tri (the unknown).

Khi giả định rằng “Vâng, tôi biết rất rõ, hãy để tôi suy đoán nó…” thì rồi ta sẽ bước lùi lại, xem xét cẩn thận và định hình thực tế. Và nếu ta không thích thực tế, hãy thay đổi nó. Đây đích thị là nghịch lý của sự chấp nhận.

[17.01.2012]

—————————————————————————————————————————–

Lần lữa, bao nhiêu cù- cưa- dây- dưa nữa đây mới đủ hả giời…

Dù lần lữa, cù cưa dây dưa (procrastination) đã được cộng đồng khoa học xem là vấn đề cần xem xét, song họ hiện vẫn chưa đạt tới sự đồng thuận cao về bản chất của vấn đề này.

Các học giả tranh luận hàng thập kỷ này rằng, liệu lần lữa là hiện tượng không kiểm soát nổi vốn chỉ xảy đến bất chợt thôi, hay nó có thể được xếp loại thuộc về chuyện suốt ngày đêm, lảng tránh hoặc ra quyết định chẳng hạn…

Bất kể thế nào, thống kê từ những năm 1970 cho thấy thật nhất quán một sự lần lữa ngày càng phổ biến chạm tới 70% số sinh viên đại học và khởi sự thấy trong 20% dân số nói chung.

Định nghĩa cơ bản về sự lần lữa là cực kỳ đơn giản: dừng hoãn, để chậm trễ lại điều gì đó (putting things off). Vấn đề nảy sinh khi sự trì kéo này gây nên những ảnh hưởng tai hại, đau thương; tỷ dụ như, khi ta buộc phải xử lý với sức khỏe, công việc của mình.

Các nghiên cứu về sự lần lữa gần đây tập trung vào mạng lưới điểm toàn cầu (internet), thường quen được gọi tên là “sự lần lữa siêu xa lộ”. Trong trường hợp sự lần lữa liên quan tới việc học hành, trang mạng (web) giữ vai trò cốt lõi– nó hầu như trực tiếp và luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho sinh viên “trốn thoát” để họ vô tư tiêu phí thời gian và né tránh việc hoàn thành bài vở.

Trong một điều tra trực tuyến 2.700 đối tượng gặp vấn đề lần lữa, 46% cho là sự lần lữa gây tác động tiêu cực tới hạnh phúc của họ. Các cách thức trị liệu sự lần lữa thường bao gồm nỗ lực thấu hiểu lý do ẩn bên dưới và đơn giản những việc như chia nhỏ nhiệm vụ, lên danh sách, và giữ một cuốn sổ các cuộc hẹn.

Lối tiếp cận siêu nhận thức (metacognitive) của các loại hình trị liệu hành vi đã chứng thực khả năng thành công trong giải quyết sự lần lữa; theo đó, các đối tượng giải cấu trúc (deconstruct) các trạng thái tâm thần là nguyên nhân khiến họ lần lữa, và buộc họ ký hợp đồng với chính bản thân hầu giúp họ lưu giữ, sát bước những gì họ đặt để tiến hành, cũng như thời điểm và phương thức họ sẽ đạt được nó.

Dù là mức độ ghê gớm hay chỉ sơ sài thôi, tất cả chúng ta thảy đều ấp ủ, nuông chiều sự lần lữa thi thoảng đôi ba lần nào đó trong đời.

Tuy vậy, khi sự lần lữa bắt đầu ảnh hưởng xấu tới hạnh phúc và trạng thái thân-tâm an lạc của ta, e đấy có thể là thời điểm mình cần tham vấn một nhà trị liệu rồi đó.

Giờ thì, mặc kệ; trong rộn ràng không khí Tết nhất, xin cứ vui như chưa vui lần nào cái đã…, nhỉ (!)

[09.01.2012]

——————————————————————————————————-

Xin từ tốn, cân nhắc mình cẩn thận với sự tự tin

Người ta vốn muốn cảm thấy họ tốt đẹp, ổn thỏa với bản thân.

Từ hồi nó mới bé tí, người ta đã bảo đứa trẻ nên dựa vào mình và phải tự tin. Lớn lên, nó được cho thấy với sự tán tụng– đôi khi quá mức– trong nỗ lực để củng cố lòng coi trọng bản thân (self-esteem) và sự tự tin (self-confidence). Kết quả, trẻ phản hồi tích cực với bản thân và đánh giá mình đã làm tốt một công việc lớn lao.

Tuy thế, lắm điều thể hiện sự tự lượng giá phi thực tế như vậy không hề góp phần củng cố lòng tự trọng; trái lại, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Emotion của APA, nhận định lệch lạc đó còn dẫn tới trầm cảm.

Nghiên cứu tiến hành ở Hoa Kỳ và Hong Kong, lượng giá 4 nhóm học sinh phổ thông và sinh viên đại học. Họ đề nghị đối tượng làm các bài test liên quan bài vở ở trường, sau đó tự cho điểm rồi so sánh với các bạn khác. Các đối tượng học sinh- sinh viên này cũng được đề nghị hoàn thành các bảng hỏi nhằm đánh giá triệu chứng trầm cảm.

Hai trong 4 nhóm bị các nghiệm viên cung cấp phản hồi giả tạo trong việc đánh giá học lực của các em. Nghĩa là, đối tượng nào kết quả cao thì lại được bảo là rất kém, còn trình bày dở thì được đánh giá là giỏi.

Với cả 4 nhóm, đối tượng nào xếp mình học lực cao hơn hẳn so với thực tế thì càng dễ biểu hiện ra các triệu chứng trầm cảm.

Các tác giả nghiên cứu kết luận rằng, căng thẳng tâm lý là hiển nhiên sau khi tự đánh giá sai lầm bản thân, bởi vì những sự không tương xứng và bị tổn thương rõ ràng đã được tạo ra. Những học sinh, sinh viên nào đánh giá hết sức chính xác học lực của bản thân họ (cả cao lẫn thấp) thì đều không hề biểu hiện các triệu chứng trầm cảm.

Một kết luận khác cũng được chỉ ra, đánh giá không đúng về mình sẽ ngăn trở sự cải thiện, tiến bộ. Trong nghiên cứu này, các đối tượng đánh giá chính xác kết quả cao thì cũng nhận thấy được các điểm mạnh của bản thân– chẳng thể tranh cãi, đó là một kỹ năng sống quan trọng.

Với các đối tượng tự xếp loại thể hiện kém lại nhận thấy được các khuyết thiếu ở mình và ý thức nhu cầu cần nâng cao việc học tập trong tương lai– một kỹ năng quan trọng khác.

Những biểu hiện tự đánh giá thiếu sát hợp chặn lọc nhận thức này, và các tác giả nghiên cứu tuyên bố, chính cản trở không nhận ra lĩnh vực nào cần học hành chăm chỉ và siêng năng hơn đã làm cho các đối tượng có thành tích thấp không trở thành đối tượng có nhiều tiến triển.

Nghiên cứu đang dẫn hỗ trợ cho nghiên cứu trước đây cho rằng, người ta thích nắm giữ quan điểm ưa thích về bản thân xuyên qua các lĩnh vực xã hội và trí năng; rằng người ta thường đánh giá không chính xác cách thức thể hiện thành tích so với tha nhân.

Thực tế, người có kỹ năng hoặc năng lực càng kém cỏi ở một nhiệm vụ nào đó thì càng tỏ ra thiếu chính xác trong việc tự lượng giá bản thân họ. Song, tri nhận khách quan về sự thể hiện sẽ cải thiện sự an lạc về mặt tâm thần hơn nhiều, so với niềm tin cực kỳ tùy tiện cho sự thể hiện của bản thân ai đó luôn luôn cao.

Xã hội ngày nay xiển dương việc xây dựng lòng coi trọng bản thân và sự tự tin. Trẻ em không được phép có các cảm xúc bị tổn thương và không có người thắng kẻ thua ở bất kỳ sự kiện thể thao thời tuổi trẻ.

Làm thế nào những cô bé, cậu trẻ này trở thành người lớn biết học hỏi để nhận ra các điểm mạnh, điểm yếu ở bản thân đây?

Dĩ nhiên, trẻ em không nên bị xem thường hoặc mất thể diện, nhưng những mong đợi tót vời phi thực tế sẽ lại không ngừng tàn phá như những chỉ trích, phê bình dèm pha về kết quả học tập và các năng lực. Không phải đứa trẻ nào rồi ắt thành ngôi sao thể thao sáng giá, nhà khoa học lừng lẫy, hoặc nhạc công, hay nghệ sĩ thiên tài, v.v…

Đặt để những mong đợi thực tế càng sớm thì dễ cải thiện, nâng cao sức khỏe tâm thần và trạng thái thân- tâm an lạc của trẻ em.

[03.01.2012]

—————————————————————————————————————–

Mệt mỏi khi làm việc quá mức: nhìn kỹ để hiểu rõ

Thường chúng ta cho rằng một người lao động “mệt mỏi khi làm việc quá mức” (burn-out) là người đã miệt mài với công việc trong một thời gian dài. Một công nhân trải nghiệm trạng thái mệt mỏi khi làm việc quá mức dễ bị kiệt sức về mặt cảm xúc.

Các cá nhân này thể hiện động cơ thấp và thiếu năng lượng dành cho công việc (Spector, 2008). Tuy thế, thực tế có nhiều kiểu mệt mỏi do làm việc quá mức.

Bảng kiểm của Maslach (MBI) là thang đo hay được sử dụng nhằm xác định sự mệt mỏi khi làm việc quá mức, đã chia hiện tượng này thành 3 thành phần:

  • Kiệt sức về mặt cảm xúc (emotional exhaustion): thấy mệt lử, phát ngán về công việc (có thể dẫn tới chuyện bỏ việc, vắng mặt khỏi công ty).
  • Sự tan rã nhân cách (depersonalization): đang tiến triển một trạng thái nhẫn tâm, không thèm để ý đến, thậm chí có thái độ thù địch đối với người khác (thân  chủ hoặc đồng nghiệp).
  • Thể hiện bản thân yếu kém đi hẳn (reduced personal accomplishment): thấy mình không hoàn tất nổi bất kỳ điều gì khi làm việc; điều này dẫn tới một trạng thái thiếu vắng động cơ và tiến hành sự vụ kém cỏi.

Một thang đo khác là Bảng hỏi Kiểu phụ Lâm sàng về Burnout (BCSQ-36) cũng chia hiện tượng này thành 3 loại:

  • Dạng “điên cuồng” (frenetic) mô tả các đối tượng quá hoài bão và dấn thân đến độ hy sinh sức khỏe và đời sống riêng cho công việc.
  • Dạng “không cảm thấy thách đố, thách thức” (underchallenged) mô tả các đối tượng thờ ơ, vô cảm và chán ngán công việc, người không tìm thấy sự phát triển cá nhân trong công việc đang làm.
  • Dạng “mòn mỏi” (worn-out) mô tả các đối tượng xao nhãng, chểnh mảng luôn cảm thấy ít khả năng kiểm soát được kết quả công việc và những nỗ lực không được đánh giá đúng mức.

Trong một nghiên cứu do một trường đại học ở Tây Ban Nha tiến hành (2011) với 409 người lao động đã khám phá ra rằng, những đối tượng nào làm việc trên 40 giờ/ tuần thì rất dễ mắc nguy cơ thuộc dạng “điên cuồng” cao nhất.

Họ phát hiện, ban quản trị và người quản lý hay bị mệt mỏi vì làm việc quá mức dưới dạng “không cảm thấy thách đố, thách thức” nhất, so với các bộ phận giảng huấn (teaching) và nghiên cứu.

Nhóm tác giả nghiên cứu vừa nêu còn chỉ ra, người lao động có trên 16 năm phục vụ thường dễ sa vào dạng “mòn mỏi”, so với các đối tượng làm việc chưa được 4 năm.

Như thế, cần chú ý rằng, dạng “điên cuồng” dính dáng tới số giờ làm việc mỗi tuần. Dạng “không cảm thấy thách đố, thách thức” thì liên quan với kiểu nghề nghiệp, còn dạng “mòn mỏi” phản ánh hiệu quả cộng dồn theo thời gian với đặc thù của một tổ chức, công ty nào đó.

Có hai phương thức xử lý khá rõ ràng để làm giảm thiểu sự mệt mỏi khi làm việc quá mức.

Một là đi nghỉ dưỡng (Fritz & Sonnentag, 2006), dù biết rằng sau vài tuần không đi làm thì khi đến nhiệm sở, cảm nhận về sự mệt mỏi thái quá này thường quay trở lại.

Thứ hai, các giám sát viên (supervisors) cung cấp sự hỗ trợ cảm xúc cho người lao động thông qua phản hồi tích cực (positive feedback) và các cuộc trao đổi, thảo luận về những khía cạnh tích cực trong công việc (Kahn, Schneider, Jenkins-Henkelman, & Moyle, 2006).

[30.12.2011]

———————————————————————————————————————————————

Cách thức trừng phạt có thể gây tác động xấu tới sự thành thật của trẻ

Hầu như mọi ông bố bà mẹ đều muốn thấy con mình thể hiện sự thành thật.

Bởi chúng ta đều biết rằng, hết sức thành thật là điều cốt yếu của mối quan hệ lành mạnh; nó giúp mình xây dựng và duy trì sự tin tưởng người khác.

Liệu có những kiểu nguyên tắc, chuyện chúng ta làm với tư cách bố mẹ sẽ ngăn cản hoặc tăng cường sự thành thật?

Talwar & Lee (2011) đưa ra chứng cứ để xác nhận vấn đề này.

Nghiên cứu tiến hành thực nghiệm với trẻ 3 – 4 tuổi ở hai trường học thuộc Tây Nam Phi nhằm so sánh kết quả.

Một trường thấy rằng cần trừng phạt (ví dụ, cho phép đánh bằng roi gậy, gõ đầu, và cấu véo), còn trường kia thì được xem là không trừng phạt (ví dụ, dùng việc kéo dài thờigian, rầy la, và nếu nghiêm trọng hơn thì buộc tới phòng thầy Hiệu trưởng).

Mỗi trẻ trong tổng số 42 đứa/ trường trải qua cái mà các tác giả gọi là nghiên cứu ‘hệ hình kháng cự lại thách thức”; cụ thể, nghiệm viên đóng vai một đối tượng chơi trò đoán với đứa trẻ rồi xin lỗi cô bé rời khỏi phòng, để ‘quên lại’ thứ gì đó. Đứa trẻ được ghi băng suốt thời gian bắt đầu một phút sau khi được bảo là đừng có liếc nhìn đồ vật nghiệm viên để lại trong phòng.

Sau khi nghiệm viên quay lại, hỏi đứa trẻ có liếc nhìn đồ vật không. Bất luận câu trả lời thế nào, đứa trẻ sẽ bị hỏi đồ vật là gì. Nói cách khác, đứa trẻ nói dối hoặc khẳng định sự dối bằng lời phát biểu rất chính xác về đồ vật, hoặc che giấu sự dối bằng cách nói khác đi, hoặc đáp ứng kiểu ‘Cháu không biết’.

Như ta có thể dễ dàng suy diễn, hầu hết trẻ đều liếc nhìn cho dù kiểu trường chúng học. Đứa nào có đủ sức kháng cự lại cơ chứ? Sự khác biệt đến từ cách chúng đáp ứng với các câu hỏi của nghiệm viên. Trong khi chỉ hơn một nửa (56%) số trẻ từ trường không bị trừng phạt đã nói dối về chuyện liếc nhìn thì hầu hết số trẻ từ trường bị trừng phạt (94%) nói dối tuốt mà không phụ thuộc lứa tuổi.

Ngoài ra, 70% số trẻ từ trường không bị trừng phạt kể về đồ vật (bộc lộ sự dối của chúng) và 31% trẻ từ trường không bị trừng phạt nói sự thật về đồ vật. Nghĩa là, mức độ che giấu sự dối của trẻ từ trường bị trừng phạt cao gấp 5 lần so  với trẻ từ trường không bị trừng phạt khi kể lời dối khác.

Các tác giả kết luận rằng, sự đe dọa bị trừng phạt nặng nề không những có thể khuyến khích sự dối trá mà còn làm cho sự dối trá tăng thêm khi trẻ học các cách để tiếp tục che giấu nhằm tránh bị trừng phạt. Rất trái ngược, điều này có thể khẳng định môi trường “không trừng phạt” cũng có thể khiến cho trẻ cảm thấy thật an toàn đến độ chúng thấy cần tỏ ra thành thật về những chuyện chúng đã vi phạm.

Rốt ráo ra, từ kết luận nghiên cứu trên, liệu bậc làm cha làm mẹ thích con cái mình làm điều đúng vì nó sợ bị trừng phạt, hay vì đó là điều đúng cần làm?

[28.12.2011]

———————————————————————————————————————–

Tỏ tình, tính kinh tế và khả năng kiềm chế đê mê

Lướt vội qua vụ tỏ tình; dù đã có nhiều phản ánh trước đây, song có vẻ hơi xui tí cho cặp đôi này do có lẽ, họ bày tỏ tình cảm quá công khai trong lúc bàn dân thiên hạ lại đang rên la vì đời sống eo hẹp, khó khăn.

Tiền bạc đứng cạnh sự lắm chuyện— dù là nói tới cái đẹp– e sẽ dễ gây ra đâm thọt, đàm tiếu.

Lại còn gợi liên tưởng dính dấp sôi máu khó chịu giữa trình độ IQ tỉnh bơ của thời buổi tăng cao mức vô cảm với tốc độ yêu nhanh quá mức không thèm đợi chờ nữa cơ; đã hết đâu, dân tình chưa chịu quên việc giới hàn lâm vẫn còn bỏ công tụng ca trạng thái thu hút tức thì hết biết luôn của tình yêu.

Một nghiên cứu gần đây dùng chụp ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để thấy bằng cách nào tình yêu tác động tới bộ não. Những sự cân nhắc của nó về tình yêu đã tạo nên sức hấp dẫn khủng khiếp… 12 vùng thuộc não bộ cùng hợp lực làm việc suốt tiến trình yêu, phóng thích hàng loạt hóa chất gây sướng khoái mê tơi như dopamine, oxytocin, adrenaline và vasopressin. Đang hồi yêu đương ngây ngất thì cũng tương tự lúc cocaine dồn lên gấp gáp. Yêu đương ảnh hưởng tinh tế tới cả các tiến trình trí năng của bộ não nữa. Khi một người phải lòng rồi thì sự diễn dịch tâm thần, các ẩn dụ và thậm chí hình ảnh cơ thể cũng đều bị lôi cuốn vào tuốt… Rốt ráo, [các nhà nghiên cứu] phát hiện rằng, yêu thực sự tốt.

Giời ạ, tình yêu giữ một vai trò quan trọng trong hành vi kinh tế, song những ngày này thì đó là điều chúng ta không được phép; nói nôm na đó là thứ hành vi chứng tỏ chúng ta hữu lý, biết tự quan tâm bản thân và ích kỷ, trong khi tình yêu thì đối lập hẳn với sự tự quan tâm.

Vậy làm thế nào mà kinh tế học có thể giúp đỡ đời sống tình yêu đây?

Trả lời: áp dụng lý thuyết đưa tín hiệu! Theo đó, đây là nỗ lực để hiểu phương thức thông tin chuyển di trong một thị trường mà người bên bán biết điều gì đó về sản phẩm họ đang bán được người phía bên mua tri nhận một cách không hoàn hảo (ví dụ, khi tuyển dụng, đánh giá thông tin của ứng viên qua bằng cấp của họ).

Ấn tượng một thời qua hàng loạt film ảnh lãng mạn là trò đứng dưới cửa sổ ca vọng lên, hoặc trơ mặt ngoài đường suốt đêm thi gan với muỗi cắn, mưa rơi, sương lạnh mà trồng cây si nhà nàng kèm với cái máy hát (cassette) hoặc ôm đàn guitar nghêu ngao đủ lâu.

Nếu chàng trai trẻ chỉ quan tâm tới tiền (món của hồi môn mà gia đình nhà gái sẽ có thể cho cô dâu tương lai) thì giá của việc gửi đi tín hiệu (dầm dề bám trụ nhiều ngày trước căn hộ tín chủ) sẽ là lớn lao vô kể với cậu ta, hơn là nếu chàng đích thị đang phải lòng nàng và ngóng trông tới thời điểm được sống cùng người vốn sinh ra để sánh duyên nhau. Nói khác, phần tham dự của cậu chàng trong nghi thức khá hao tốn ấy đánh dấu mối quan tâm chân thành, vì nó dễ đã bị xem là ngu ngốc với đối tượng hoặc không…

Giờ là lúc phù hợp để đề cập tới sự tiết chế, kiềm hãm. Dưới góc độ của khoa học thần kinh, đây chủ yếu là vấn đề của việc tự quản thúc, điều độ, hoặc tự kiểm soát hết sức công phu.

Ở mức cơ bản, đây là khả năng kháng cự lại và chế ngự với miếng bánh phết chocolate gấp tư kèm lớp kem mát lạnh, hoặc để tránh từ bỏ nửa chừng công việc khiến mình sắp kiệt quệ.

Càng có khả năng chống lại các xung năng tự nhiên của bản thân, ta càng thêm phần hiệu quả trong việc tập trung năng lực tinh thần vào nhiệm vụ trước mắt, bất luận nó có thể là sung sướng hay gây điều khó chịu.

Kết quả sau cùng: làm được nhiều việc hơn, và làm mỗi việc tốt hơn. Bởi vì không thành vấn đề công việc của mình có ngon lành cành đào thế nào, chẳng thèm đếm xỉa tới chuyện bạn bè vui vẻ ra sao, bất kể thoải mái đến đâu về khoản dự trữ tài chính thì rốt ráo, đời sống luôn đòi hỏi sự rèn luyện và tính kỷ luật.

Lời cuối. Mời nghe tí nhạc thư giãn nhé; tạm biệt!

[22.12.2011]

————————————————————————————————————————————–

Chiêu thức giải quyết xung đột dành cho người ương bướng [cẩn thận khi tiếp thu, sử dụng]

Liệu những người ương bướng sẽ thực sự chiến thắng?

Theo chuyên gia Steven Pinker, có thể lý do nằm ở chỗ mỗi lần họ dùng cách tiếp cận xung hấn (aggresive) thì nó đều mang lại tác dụng.

Nhà tâm lý học của trường Harvard– nổi tiếng bởi tuyên bố ‘ngôn ngữ nhân loại là sự thích nghi mang tính tiến hóa’– đoan chắc rằng, phương hướng hay nhất để đạt được điều mình muốn là làm người ương bướng (stubborn), và thậm chí phi lý (irrational) nữa.

Lời khuyên trái hẳn với trực giác này dựa trên quan sát, khi mình tri nhận chẳng có gì để mất cả thì đối thủ cạnh tranh sẽ càng thích nỗ lực để chiến thắng ta.

Tương tự cũng là sự thật nếu mình thừa trình độ thuyết phục đối tượng đang thương thảo tin là mình hết khả năng xoay sở rồi. Chẳng hạn, lần tới mình đi mua xe ô tô thì hãy thử bảo với người môi giới bán hàng rằng mình rất thích song ngân hàng không cho vay quá $10.000, hoặc $20.000 (giá mình muốn trả). Đặt để giới hạn sẽ khiến người bán hàng dễ nghiêng theo đang chiều hạ giá xuống…

Con người làm những điều dường như ương bướng rất phi lý,” nhà tâm lý Pinker– chịu ảnh hưởng tư tưởng của chiến lược gia Thomas C. Schelling, chuyên sâu kiểu Machiavelliainism về sự mặc cả và hành vi con người– giải thích. “Họ thề nguyền sống chết hết lòng tận tâm với bạn bè. Họ đấu súng tay đôi hoặc ăn miếng trả miếng nếu bị xúc phạm… Đây là ví dụ chứng tỏ có thể người nóng nảy (hothead) không phải là kẻ phi lý trong một vài khía cạnh, lĩnh vực của đời sống. Người nóng nảy là kẻ chiến thắng.”

Dĩ nhiên, vấn đề nảy sinh từ cách tiếp cận, là ai đó có thể gợi khiến mình lừa gạt họ. Điều này mang nghĩa, mình chỉ nên sử dụng nó– theo lời Pinker– khi mình thấy thoải mái theo sau, hoặc đang dạo bộ cách xa chiếc xe– tiếp tục câu chuyện bên trên.

Họ không thể khiến ta nói lời lừa gạt nếu nó không phải là lời lừa gạt,” Pinker phân tích. “Thường là lý thuyết trò chơi. Chưa từng nhà tâm lý học nào thông thạo chuyện đó, song có thể nó đưa ra lời giải thích tại sao quá nhiều cảm xúc của chúng ta lại đam mê và phi lý đến vậy. Cơ chừng có một phương pháp ẩn dưới sự điên khùng (madness), và ai đó khác– tôi nghĩ, không phải nhà tâm lý– đã đủ sức mở khóa bí mật về sự phi lý và niềm đam mê của con người.”

Cũng cần minh định rõ thêm cho những quan sát của Thomas Schelling. Rằng không chỉ đe dọa mất quyền kiểm soát, hoặc thiếu hụt các lựa chọn khiến mình thương thảo quyền lực– ta nhất thiết phải làm cho người khác cảm thấy ngộ nhỡ điều tồi tệ nhất có xảy đến thì do lỗi của họ; họ khiến mình phải làm thế.

Nhân tiện, khi ai đó bảo rằng thật tiếc họ không có sự lựa chọn nào khác thì hình như chính xác hơn là nên nói rằng, ‘lợi ích/ thỏa mãn/ lảng tránh nguy cơ trước mắt, ngắn hạn vượt cao hơn rất nhiều thứ khác nên tôi đã lựa chọn làm như thế.’

[13.12.2011]

—————————————————————————————————————

Phương thức giấc ngủ giúp ta xử lý stress

Các khoa học gia đang khám phá ra rằng, thân thể chúng ta có khả năng xử lý các cảm xúc gây căng thẳng tinh thần (stress) và các ký ức tồi tệ thông qua việc ngủ nghỉ.

Trong giai đoạn giấc ngủ REM, là khi các cơn mơ xuất hiện, mức độ của các hormones stress giảm hẳn xuống.

Suốt giai đoạn REM, các ký ức được kích hoạt trở lại, đặt vào viễn tượng và kết nối cũng như tích hợp, song trong một trạng thái mà các hóa chất thần kinh stress bị kiềm chặn hết sức công hiệu,” Els van der Helm– người đứng đầu nghiên cứu mới đây về các giấc mơ nói.

Đầu tiên nhóm nghiên cứu đại học UC Berkeley giả định là giấc ngủ REM giúp quản lý các trải nghiệm cảm xúc trục trặc khi họ biết được rằng một loại thuốc chữa huyết áp đã làm giảm bất ngờ sự xuất hiện các cơn ác mộng ở đối tượng mắc PTSD (hội chứng stress hậu sang chấn).

Tác dụng phụ của thuốc là ngăn chặn norepinephrine, một hóa chất stress định vị trong bộ não.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy giai đoạn ngủ REM cũng làm giảm thiểu các mức độ norepinephrine khi những cơn mơ giúp lựa chọn thông qua các sự kiện ban ngày.

Trong khi tiếp tục hy vọng khám phá này có thể mở ra lộ trình điều trị mới, mời quý vị độc giả xin cứ tự nhiên rời máy… Chúc ngủ ngon!

[06.12.2011]

————————————————————————————————–

‘Ilunga’: Tha thứ, thứ tha và lạ xa từ tạ…

Cửa sổ hầu như luôn mở suốt đêm về sáng; ngày trời trở rét thế mà cũng chẳng thấy xốn xang hay bàng bạc gì. Chợt hiểu, thì ra, cảm xúc tiêu cực không phải thứ cần bị đẩy tới đỉnh điểm khiến buộc ta làm khổ mình hoặc gây hại với người khác mà đích thị, đó thường là bất kỳ trạng thái cảm xúc nào phá hoại sự cân bằng nội tại, quấy đảo tính vô tư và xô lệch tri giác của ta về thực tế.

Bắt đầu từ một nỗi nhớ… Trong ngôn ngữ Batu ở xứ Congo (châu Phi), từ ‘ilunga‘ chỉ một người đang sẵn lòng tha thứ vì bị lạm dụng lần đầu tiên, bao dung nó lần thứ hai song không bao giờ chấp nhận thêm lần thứ ba nữa.

Khi dành ba tiếng đồng hồ liền ngồi nghe một cậu chàng có hai con trai kể chuyện vợ chồng, gia đình mình, tôi nghĩ ilunga đã bắt chụp được tính chất phức tạp mờ xám trong các cuộc hôn nhân– không chỉ lạm dụng, lấp liếm mà còn cả trò ngoại tình, chẳng hạn.

Mình được khoan dung, bên trong phán đoán, rồi mình được tịnh tiến lấn dần sự khoan dung, và vì những biện luận này nọ khác nhau. Bụp phát, chạm giới hạn. (Ngôn ngữ lười biếng vốn hay mô tả  trạng thái của những giới hạn và khoan dung này bằng cách dát thật mỏng sự phức tạp thành trắng và đen, hoặc mã nhị phân gọn ghẽ; ta trụ tiếp hoặc không, chịu đựng nó hoặc không– thế thôi…)

Dẫu gợi liên tưởng ‘sự bất quá tam‘ của tiếng Việt, nhưng cơ chừng ilunga hoàn trả, phục hồi trở lại cái thang đo mờ xám khá tinh tế. Ilunga cho nhiều người chúng ta chí ít có dịp nhận thấy chính mình trong các quan hệ, khi đang gắng sức yêu thương đối tác không hoàn hảo– kẻ đã và vẫn còn đối xử không phải với chúng ta, và người mà chính chúng ta cũng đang ứng đối sai trái với họ.

[19.11.2011]

———————————————————————————————————————-

Ý thức, cái lỗ đen và bộ não– câu chuyện mãi chưa có hồi kết rõ ràng

Đây là sự thật kỳ cục: mình khác biệt, như mọi người khác thôi.

Tại sao chúng ta hết sức muốn là duy nhất, đích thực không giống với bất cứ ai cả?

Hai nhà xã hội học mới đây tự đặt câu hỏi ấy và đi đến ngạc nhiên bởi những kết luận rút ra được.

Họ thiết kế một thực nghiệm đề nghị các sinh viên đại học viết về khoảng thời gian họ cảm thấy mình “khác biệt” (“distinct”) và “xa cách với nhóm” (“separate from the group”).

So sánh nhóm đối chứng là những người viết về một chủ đề không liên quan, các đối tượng bị xúi giục nghĩ về tính riêng biệt trên về sau lại háo hức kéo dài thêm những điều mà họ từng ao ước.

Phương thức của động lực vì tính riêng biệt ra sao so với các nhu cầu căn bản khác về thực phẩm, tình dục và yêu thương?

Đó là sự xoắn bện sâu sắc, song e là không phải theo những đường hướng như mình mong đợi. Chẳng hạn, các cá nhân chủ yếu nghĩ về sex thì khao khát tính khác biệt, đặc thù (distinctiveness). “Chúng ta có thể [không] thảo nhanh, viết dài hơn về ‘động lực thôi thúc vì tính khác biệt’ chỉ vì cái thói quen bấp bênh (insecure) ở lứa tuổi dậy thì, mới lớn thôi. Chính ra, đấy dường như là thành phần khá thiết yếu của người phương Tây– nó giải thích tại sao có một sự mắc bận mê mải (engaged) ghê gớm vào cuộc đổi trao, trò chuyện thấm đẫm chất tâm lý về những tưởng thưởng liên quan tới thức ăn và tình dục“.

************

Mình khác với bộ não của mình.

Các nhà khoa học và triết gia dần cùng bắt đầu nhận ra rằng những lý thuyết về tâm trí người đã thất bại trong việc giải thích cách thức chúng ta thảo luận, bàn về thế giới.

Các ẩn dụ chúng ta sử dụng để mô tả môi trường xung quanh mình không đến từ sự phân tích lý tính hoặc thuần toán học những hiện tượng. Hơn thế, cách thức chúng ta trải nghiệm thế giới đặt để cách thức chúng ta suy tư về nó. Từ hồi còn thơ bé, tỷ dụ, chúng ta gắn kết trạng thái ấm áp (warmth) với sự an toàn– tấm lòng ấm áp của mẹ, bình sữa nóng, cái chăn ấm, v.v…– vì vậy, chúng ta mô tả nhiều thứ chúng ta tin tưởng thuộc về trạng thái ấm áp, chẳng hạn “Tôi bắt đầu có thiện cảm với (“warm to”) anh ấy”.

Nhị nguyên luận của Descartes gần đây buột thốt ra về lý thuyết máy tính của tâm trí khi nhìn nhận bộ não như một cái máy tính toán hữu lý. Nó có tác động trong việc chúng ta hiểu biết về các máy tính và cách thức tâm trí có vẻ ra lệnh (order) cho thế giới bằng các tiến trình tương tự.

Song càng ngày chúng ta càng nhận ra những trải nghiệm cá nhân, sự chia sẻ thông qua các cộng đồng khác nhau cũng làm ảnh hưởng tới cách thức chúng ta nhìn nhận và mô tả thế giới. Chẳng hạn, các đối tượng tham gia nghiên cứu khoa học thường nghiêng về phía trước khi họ nghĩ tới tương lai, do đó chúng ta liên kết tương lai với điều gì ‘ở phía trước’ (‘forward’).

Mô tả đơn giản nhất về cái lỗ đen (black hole) là một vùng không- thời gian, nơi không hề có phản xạ ánh sáng nào và cũng không có không gian gì cả.

Mô tả đơn giản nhất về ý thức (consciousness) là một tâm trí (mind) thấm hút nhiều thứ và tham dự một vài điều trong đó.

Cả hai khái niệm trên đều không thể nắm bắt hoàn toàn định tính được. Cùng nhau, chúng gợi nên triển vọng (possibility) hết sức hấp dẫn rằng không gian bao quanh chúng ta thì vô cùng (endlessness) và tính vô tận về mặt thời gian.

Song chúng ta bất lực trong việc túm níu các phương tiện phi vật chất (immaterial means) mình đang mắc kẹt để tạo ra các kết luận, liên tưởng thoải mái, nếu chúng ta muốn bất kỳ thấu hiểu nào về điều không ai biết cả (the unknown). Đó là lý do tại sao chúng ta nói một cách mù mờ và mang tính ẩn dụ về tri giác “buộc phải định rõ” và “săn tìm các vật chất tối” (khả năng là một loại lỗ đen nguyên thủy). Sự tồn tại của các lỗ đen đầu tiên được giả thuyết một thập niên sau khi Einstein đặt nền tảng lý thuyết về chúng trong lý thuyết tương đối, và cụm từ “lỗ đen” không hề xuất hiện trước 1968.

Cũng thế, ý thức hãy còn như một khái niệm lảng tránh, bất chấp phát minh gần đây về chụp ảnh chức năng (functional imaging)– cho phép các khoa học gia hiển thị hóa các vùng miền trong bộ não– bây giờ chúng ta dễ chừng không hiểu tốt hơn những gì từng biết. “Hiện tại chúng ta tiếp cận [ý thức] có vẻ khác biệt hẳn so với trước đây nhờ nhiều công cụ mới mẻ,” khoa học gia thần kinh Joy Hirsch phát biểu.

Các vấn đề [chúng ta đặt ra] trở nên ngày càng tinh tế, phức tạp hơn rất nhiều và chúng ta dần tinh tế trong cách thức đặt câu hỏi,” bà nêu thêm– song chúng ta còn khuya mới có khả năng giải thích cách thức các vùng miền của não bộ tương tác để tạo nên suy tư, mơ mộng, và tự nhận thức (self-awareness). “Dưới góc độ am hiểu mà nói, việc ý thức đến từ sự liên kết các họat động xa xôi của bộ não với nhau vẫn còn tiếp tục thuộc điều mà các triết gia gọi là ‘nan đề’ (‘the hard problem’)”.

Độc giả nghĩ sao? Liệu não bộ có tạo nên ý thức? Rằng, nên chăng phân biệt giữa ‘nan đề’ chưa có lời giải với ‘vấn đề mềm’ (soft problem’) thì mang tính hữu dụng, hoặc thu hẹp lại câu chuyện? Chúng ta sẽ hiểu biết một cách thực nghiệm nơi ý thức sinh thành và đường hướng làm việc của nó?

[17.11.2011]

—————————————————————————————————

Ai bảo mắc rối loạn tâm thần là khổ?

Thật dễ dàng cho chúng ta để lầm lỗi cài đặt tâm trí ‘tất cả hoặc không có gì’. Chẳng hạn, một lối nghĩ kiểu như “người gặp trục trặc tâm lý này nọ chắc đời sống họ khốn khổ lắm”. Kỳ thực thì đấy là giả định sai lạc.

Nhóm nghiên cứu của các tâm lý gia tích cực Hà Lan đã tiến hành tìm hiểu trên 7.000 đối tượng trong thời hạn 3 năm. Vâng, những ai tham gia mắc một rối loạn tâm lý thì ít hạnh phúc hơn người lành mạnh, song số đông đối tượng trục trặc ấy (68,4%) nói rằng họ “thường cảm thấy hạnh phúc” suốt 4 tuần trước đó (so sánh với 89,1% người không gặp vấn đề tâm lý nào cả).

Khả năng cùng hiện diện niềm hạnh phúc lẫn các rối loạn tâm thần là thích đáng về mặt lâm sàng,” tác giả Ad Bergsma và nhóm của ông viết. “Bó hẹp sự chú ý vào những gì rắc rối và lờ đi những biểu hiện tốt đẹp trong đời sống của thân chủ có thể làm hạn chế kết quả trị liệu.”

Những người thực hiện phỏng vấn được huấn luyện để hỏi trực tiếp hoặc qua điện thoại các tình nguyện viên về những dấu hiệu thiết lập nên rối loạn trong tháng qua, với 16,5% mẫu được coi là mắc một rối loạn– dựa trên các tiêu chí chẩn đoán tâm thần. Người ta đo hạnh phúc với một câu hỏi đơn giản về tần sất của các tâm trạng liên quan hạnh phúc trong 4 tuần trước đó, theo thang đo  từ “không bao giờ” đến “luôn luôn”. Căn cứ các báo cáo riêng về hạnh phúc, sử dụng một câu hỏi rõ ràng là điểm yếu của nghiên cứu.

Không ngạc nhiên lắm, trong số đối tượng gặp trục trặc tâm lý, hạnh phúc biểu hiện thấp nhất ở người có lo hãi (anxiety) và trầm cảm (depression), dù vẫn có một thiểu số đáng nói trong nhóm này ghi nhận hay có các tâm trạng hạnh phúc. Đối lập, hạnh phúc cao nhất ở những ai mắc rối loạn lạm dụng bia rượu (alcohol abuse disorder), gần như khá thường xuyên tương tự đối tượng lành mạnh. Không đủ số lượng các trường hợp mắc rối loạn ăn uống và loạn thần để xem xét các điều kiện cách biệt hẳn ra.

Duy trì mẫu nghiên cứu theo thời gian, nhóm tác giả xác định rằng, hạnh phúc ở giai đoạn đầu nghiên cứu có liên quan với các kết quả tốt hơn về sau, nhất là sự hồi phục các rối loạn tâm thần.

Phân tích sâu hơn còn cho thấy, lý do cho điều này là càng hạnh phúc lớn thì càng là sự ủy nhiệm cho việc ít mắc hơn các rối loạn tâm thần, trẻ trung hơn, và ‘sự vận hành vai trò mang tính cảm xúc” tỏ ra tốt hơn (như ngụ ý nhờ kiểm soát thời gian dành cho công việc và các hoạt động khác). Sự kiện hạnh phúc liên quan với thành tựu về sau hỗ trợ thêm cho độ hiệu lực của cách thức hạnh phúc được đo lường.

Kiến thức chúng ta có về các rối loạn tâm thần chưa đủ đầy nếu chỉ xem xét mỗi khía cạnh tiêu cực của phổ,” nhóm tác giả tuyên bố. “Nghiên cứu này nhằm mục đích mở rộng quan điểm về sự vận hành tích cực và các sức mạnh con người trong bối cảnh rối loạn tâm thần.”

[03.11.2011]

——————————————————————————————————————

“Sự hờ hững đẹp đẽ”

Nguyên tiếng Pháp: “la belle indifference“, dịch sang Anh ngữ “beautiful indifference“.

Đó là sự thiếu vắng rõ ràng mối quan tâm mà một cá nhân chỉ ra đối với các triệu chứng vật lý ở chính họ, trong rối loạn phân ly hoặc rối loạn chuyển đổi.

Thuật ngữ này lần đầu tiên được nhà Tâm thần học Pháp Pierre Janet dùng.

[27.10.2011]

————————————————————————————————————————-

Nghĩ, thay vì viết, khi có một ngày thiệt đẹp như thế này!

Nhiều người, nhất là phái nữ, thường đầu tư rất chăm chút cho cuốn Nhật ký. Họ viết xuống mọi điều xảy đến với mình và tiêu tốn thời gian để nghĩ ngợi, phân tích các sự kiện trong ngày.

Thi thoảng đây đó thiên hạ còn bảo rằng, viết Nhật ký làm bản thân cảm thấy tốt hơn, bởi vì họ đạt được một vài viễn tượng sáng tỏ mỗi lần sắp giở sang tờ lịch mới.

Thực tế, chuyện viết lách không phải luôn luôn tốt đẹp hơn lên như vậy.

Một trong những phát hiện ấn tượng trong Tâm lý học là quyền năng chữa lành do viết về những điều tồi tệ mang lại.

Viết giúp người ta tổ chức các ý nghĩ, xử lý những sự kiện gây căng thẳng tinh thần, và sẽ làm họ cảm thấy tốt hơn.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng, viết về những điều tồi tệ xảy đến có thể giúp chính mình đương đầu với những chuyện khó chịu đó và rồi còn làm cho cả sức khỏe thể lý lẫn trạng thái thân tâm sung mãn thêm nữa.

Điều này không đúng, khi mình nghĩ về những điều tồi tệ.

Khi tâm trí người ta cứ xới đi nhào lại một chuyện tồi tệ, họ có xu hướng cứ nghiền ngẫm mãi những khía cạnh tồi tệ của sự kiện; dẫn tới họ cảm thấy tồi tệ hơn, nghiền ngẫm tăng lên, cảm thấy tồi tệ, nghiền ngẫm nữa, và cứ thế… Nó trở thành một cái vòng quẩn quanh thấp dần, bởi vì sự nghiền ngẫm ngăn ngừa việc nắm bắt viễn tượng và đóng kín cảm xúc trên khắp sự kiện.

Thế còn khi gặp những điều tốt đẹp thì sao? Làm ngược lại: nghĩ, thay vì viết. Nên nghĩ thật nhiều và thật rõ ràng về sự kiện, song chắc chắn không nên viết về nó. Nếu viết về nó, mình có thể chỉ nhận ra sự kiện tốt đẹp í suy cho cùng cũng không hoàn toàn hay ho tất tật.

Viết nâng cao khả năng phân tích và hiểu biết sâu sắc hơn về sự kiện. Nó có thể giúp ta nhìn thấy các mặt đối lập ở sự kiện tồi tệ.

Tỷ dụ, một người thân trong gia đình qua đời sau thời gian dài đau ốm là sự kiện phiền muộn, gây xúc động mạnh; tuy nhiên, nó cũng chứng tỏ gia đình không còn phải trải qua chuỗi dằng dặc chăm sóc, lo lắng triền miên cho điều buồn khổ sẽ đến nữa.

Nếu chỉ mải miết nghiền ngẫm nỗi đau mất mát, mình sẽ khó nhìn ra điều này. Và hiểu điều ấy khiến cuộc sống mình dễ dàng tí chút được phần nào.

Khi phân tích một sự kiện tốt lành, mình cũng đạt tới viễn tượng song nó không có nghĩa là mình nhìn thấy các mặt đối lập liên quan…

Tưởng tượng mình vừa được đề bạt giữ một chức vụ lớn. Nếu chỉ say sưa chưa thôi về cảm giác tuyệt vời vào khoảnh khắc ấy, mình sẽ lại nhiệt tình hồi tưởng những cảm xúc vui tươi.

Song nếu ngồi xuống và phân tích việc thăng tiến, mình có thể khởi sự suy nghĩ “Wow, mình sắp buộc phải làm việc nhiều giờ hơn nên sẽ khó gặp gỡ gia đình thường xuyên như trước được.” Hoặc nảy nòi suy tư rằng “Liệu đúng là chỉ mỗi ta may mắn được nhận chức này? Đồng nghiệp xứng đáng hơn tôi nhiều.”

Phân tích và ghi nhận viễn tượng về điều gì đó chẳng hạn, hàm ý là mình còn thấy cả các bề mặt, khía cạnh khác.

Tiếc là không phải ta luôn luôn muốn nhìn thấy các bề mặt khác.

Vậy, trước khi ngồi xuống và viết Nhật ký về điều tốt đẹp xảy ra, xin dành chút thời gian suy nghĩ về nó đã…

[20.10.2011]

—————————————————————————————————————————————–

Vấn đề chậm nói, hội chứng tự kỷ và những gì bố mẹ thực sự muốn khi trị liệu ngôn ngữ cho trẻ

Nếu hỏi – đáp này không phải là sự ủy quyền viết hộ, nhầm tên, lỡ lời thì nó quả thật minh họa khá trêu ngươi cho thành ngữ  “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng“; đồng thời, còn khiến ta bần thần quan ngại trước thực trạng chuyên môn và chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần của nước nhà.

Con trai tôi đã 3 tuổi. Hồi nhỏ, cháu phát triển bình thường, ít quấy khóc. Tuy nhiên, cháu chậm nói, khoảng 2 tuổi cháu mới bập bẹ được vài từ, đến nay cũng chỉ nói được những câu ngắn, chưa đầy đủ. Khi nói chuyện, cháu cũng thường cúi gằm mặt.

Tôi có nghe nói đến việc trẻ chậm lớn có thể mắc bệnh tự kỷ. Nhưng ông bà nội và chồng tôi lại ra sức phản đối, cho rằng cháu phát triển bình thường, rằng tôi “trù úm” con. Vậy một đứa trẻ như thế nào thì bị tự kỷ?

***************************************

Tự kỷ là những rối loạn phát triển của não. Trẻ tự kỷ sẽ giảm khả năng hoà nhập xã hội, kém giao tiếp, thường lặp đi lặp lại một hành vi. Các biểu hiện có thể là chậm nói, cúi gằm khi giao tiếp, sợ tiếp xúc với người lạ, chỉ chơi một trò chơi, ngồi một góc nhà.

……

Với các biểu hiện chậm nói, cúi gằm mặt của con chị, rất có thể cháu đã mắc bệnh tự kỷ. Tuy nhiên, hai vợ chồng chị có thể đưa cháu đến Khoa Tâm thần của Viện Nhi T.Ư để được khám và tư vấn cụ thể hơn. Bệnh viện sẽ kiểm tra điện não đồ, chẩn đoán xem con chị có bị tự kỷ hay không. Các bác sĩ cũng giúp anh chị hiểu hơn về bệnh tự kỷ và có chương trình điều trị cho cháu.

……

Cần thấy ngay rằng, độ tin cậy và tính thuyết phục hoàn toàn của một tuyên bố, phát biểu thường thì không thuần túy chỉ dựa trên mỗi nội dung nêu ra mà còn phụ thuộc vào cả cách trình bày, thể hiện ý tưởng, quan điểm nữa.

Ngoài hạn chế nhất định ở kỹ năng biểu đạt, truyền thông trên phương tiện báo mạng đại chúng, tôi e phần trả lời ít nhiều sẽ gây hoang mang, tạo áp lực lớn từ phía đối tượng trực tiếp tiếp nhận.

Mặt khác, đi vào phân tích  cụ thể càng khó chấp nhận được. Tỷ dụ điển hình là tự thân chậm nói (speech delay) không phải luôn chứng tỏ trẻ mắc tự kỷ, mặc dù đó là một trong các triệu chứng đáng chú ý nhất ở trẻ nhỏ mắc tự kỷ; thực tiễn lâm sàng khẳng định, các rối loạn và vấn đề sức khỏe khác cũng thấy xuất hiện triệu chứng chậm nói.

Khi tự kỷ là nguyên nhân gây chậm nói (vài lưu ý), đứa bé có các biểu hiện chậm lụt phát triển đầy ý nghĩa và nhiều thiếu hụt liên quan khả năng truyền thông và tương tác xã hội.

Sự phân biệt quan trọng giữa những biểu hiện chậm nói do tự kỷ so với các trạng thái bệnh lý khác là sự hiện diện kèm theo của các triệu chứng tự kỷ nữa.

Như vừa trình bày, nên chăng hết sức cẩn thận xem xét hiện tượng chậm nói trong một bối cảnh rộng lớn hơn– từ nhận thức tới giao tiếp, truyền thông– thay cho việc vội vàng và tắc trách gán nhãn liền rồi không quên thủ thế bằng câu thòng ‘tuy nhiên’ giữa trời…

Nhân đây, xin giới thiệu câu hỏi liên quan mà phụ huynh thi thoảng dễ nêu thắc mắc: Liệu có thể dạy ngôn ngữ ký hiệu (sign language) cho đứa con chậm nói của tôi không?

Hầu hết bố mẹ khi nghe rằng sử dụng các cử chỉ có thể trợ giúp phát triển ngôn ngữ nói ở trẻ nhỏ thì đều sợ là các cử chỉ (gestures) sẽ thay thế những từ ngữ mất thôi. Cơ chừng, kết quả nghiên cứu không ủng hộ cho nỗi sợ đó.

Một nhóm tác giả lần đầu tiên cung cấp tóm lược về các cử chỉ và tiến trình phát triển chúng.

Có hai kiểu ngôn ngữ cử chỉ: trực chỉ (deictic) và biểu đạt (representational).

Các cử chỉ trực chỉ thì thuộc tiếp xúc hoặc ở ngoài xa và chúng được trẻ dùng để quy về, kêu gọi sự chú ý tới, hoặc ngụ ý biểu thị một đồ vật hay sự kiện nào đó. Các cử chỉ tiếp xúc đòi hỏi sự tiếp xúc giữa trẻ và người lớn (đẩy tay người lớn ra để bảo ‘không’) song các cử chỉ ngoài xa không yêu cầu sự tiếp xúc (chỉ hoặc chạm tới).

Các cử chỉ biểu đạt mang bản chất ngữ nghĩa (semantic). Chúng có thể là các cử chỉ vốn dính dáng tới đồ vật, đối tượng hoặc được xác định về mặt văn hóa, thường quy về một hành động, khái niệm mang tính văn hóa hoặc xã hội (ví dụ, bảo ai im lặng đi!).

Các cử chỉ trực chỉ xuất hiện lần đầu khoảng 7-12 tháng, còn các cử chỉ biểu đạt nổi lên gần sát  giai đoạn 12 tháng tuổi.

Nhóm tác giả nghiên cứu cho thấy, dùng các cử chỉ ở trẻ nhỏ là một chỉ báo tốt cho sự phát triển ngôn ngữ về sau. Các cử chỉ có thể phân biệt giữa trẻ phát triển bình thường và trẻ gặp trục trặc, chậm lụt ngôn ngữ vào khoảng độ 9-12 tháng; thậm chí, chúng còn có thể phân biệt giữa trẻ gặp các chậm trễ phát triển này nọ như hội chứng Down và Tự kỷ. Trẻ thể hiện giao tiếp bằng cử chỉ tiền ngôn ngữ tốt vào 14 tháng thường có sự nhận thức tốt hơn hẳn vào 24 tháng và 42 tháng– so với các đối tượng không thể hiện được thế.

Do vậy, lượng giá các cử chỉ có thể giúp phân biệt một kẻ ‘biết nói muộn’ so với một đối tượng thực sự chậm phát triển ngôn ngữ. Hơn nữa, sự chơi đùa, đóng vai mang tính biểu tượng (đòi hỏi các cử chỉ) không chỉ liên quan các kỹ năng nhận thức mà còn dự báo các kỹ năng ngôn ngữ khác về sau. Các cử chỉ góp phần quyết định lớn lao từ việc giả vờ uống cho tới việc báo hiệu chúc ngủ ngon thông qua khép mắt lại và áp tay vào đầu.

Tiếp theo, nhóm tác giả thảo luận hành trình phát triển của cử chỉ và số các hành vi nằm trong sự dùng các cử chỉ được xem là quan trọng. Trẻ phát triển bình thường 12 tháng tuổi dùng một cử chỉ/ phút, 18 tháng dùng hai, và 24 tháng dùng 5 cử chỉ/ phút.

Kiểu cử chỉ cũng thay đổi cùng với sự phát triển. Trẻ 12 tháng tuổi chủ yếu dùng các nguyên âm bập bẹ (vocalizations) hoặc cử chỉ, 18 tháng bắt đầu có thêm từ, và 24 tháng đa phần dùng các từ.

Các cử chỉ riêng biệt, đặc thù cũng là những dấu hiệu, chỉ báo quan trọng cho sự phát triển đúng chuẩn tắc. Chẳng hạn, biết chỉ trỏ (pointing) liên quan với sự phát triển ngôn ngữ tốt hơn, nhất là với lượng từ vựng dễ tiếp thu, lĩnh hội.

Phạm vi, tầm mức mà một cử chỉ thể hiện chức năng giao tiếp cũng giữ vai trò quan trọng, đến độ càng nhiều ‘dự tính’ gắn cùng vào cử chỉ thì càng thành tựu hơn trong sự phát triển ngôn ngữ.

Một dấu hiệu đáng ghi nhớ khác trong giao tiếp, truyền thông là khi các cử chỉ đi kèm với mắt nhìn chằm chằm (eye gaze) và bập bẹ phát âm. Thực tế, sự phát triển chuẩn tắc chúng ta mong đợi, kỳ vọng ở trẻ chuyển từ mắt nhìn chằm chằm và phát âm bập bẹ sang các cử chỉ và phát âm bập bẹ, rồi mới tới các cử chỉ và các từ.

Tức là, ngôn ngữ đi theo một lộ trình phát triển, có các âm tiền ngôn ngữ này và các chuyển động cơ (motor movements).

Vậy, làm thế nào các nhà trị liệu ngôn ngữ (speech therapists) lượng giá cử chỉ đây?

Hiện tại có 2 công cụ chuyên nhắm vào các cử chỉ: bộ công cụ Phát triển các Thang đo Hành vi mang tính Biểu tượng (CSBS-DP; Wetherby and Prizant, 2002) và Dạng Cử chỉ, Từ và các Bảng kiểm Phát triển năng lực Giao tiếp MacArthur-Bates (CDI; Fenson et al., 2002).

Như thế là, qua những gì giới thiệu, chúng ta biết rằng sử dụng các cử chỉ ở trẻ nhỏ đem lại các thành tựu tốt đẹp hơn rất nhiều. Song, liệu điều đó cũng hàm ý việc dạy các cử chỉ cũng đem lại thành tựu tốt đẹp?

Hầu hết nhà nghiên cứu trả lời ‘vâng’. Ví dụ, dạy các cử chỉ cho thấy cải thiện lên hẳn sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ mắc tự kỷ. Ngoài ra, dạy các cử chỉ cho trẻ nhỏ còn góp phần phát triển tốt hơn ngôn ngữ theo một số nghiên cứu (chẳn hạn, ở đây). Và mặc dù vẫn có tranh cãi xung quanh vấn đề này, song chưa có bằng chứng thực nghiệm nào khẳng định việc dạy các ký hiệu cho trẻ sẽ làm chậm khả năng nói.

Có thể nhìn việc học ngôn ngữ ký hiệu như là dịp chúng học thêm một ngôn ngữ khác nữa ở nhà. Đừng quên rằng, có một khoảng thời gian lặng yên trước khi cả hai ngôn ngữ nổi lên, xuất hiện.

Trong khi bình tâm chờ đợi, mời xem vidéo dễ thương quay cảnh một đứa bé 12 tháng tuổi học sử dụng ký hiệu.

Thiết nghĩ, cũng cần tìm hiểu xem những gì bố mẹ trẻ thực sự mong muốn khi con mình tham gia trị liệu ngôn ngữ.

Nghiên cứu chỉ ra sự khác biệt giữa bố mẹ và nhà trị liệu ngôn ngữ trong các kỳ vọng liên quan tới việc điều trị.

Theo đó, các tác giả khẳng định hy vọng bố mẹ tập trung vào những thay đổi thuộc các khía cạnh cảm xúc và xã hội lúc giao tiếp, trong khi mục tiêu của các nhà trị liệu lại quan tâm hơn tới các khía cạnh hành vi và/hoặc y khoa; bố mẹ muốn con mình thể hiện sự gần gũi ở trường Mẫu giáo, còn mục tiêu của nhà lâm sàng lại đặt vào việc trẻ nói các câu hoàn chỉnh.

Nghiên cứu cũng cho biết, các đo lường không phải là tất cả mà các nhà lâm sàng cần lưu tâm tới cả bố mẹ trẻ nữa, rằng mục tiêu của nhà lâm sàng nên tập trung hơn tới khía cạnh xã hội và cảm xúc trong giao tiếp, truyền thông.

Rõ ràng, khó mà không tán đồng, nhất trí cao với đề nghị này khi nghĩ về và cố gắng vận dụng vào bối cảnh nước nhà Việt Nam.

[15.10.2011]

——————————————————————————————————————-

Lê la café

Dù vẫn còn chuyện ra quán đem về nhà, song cơ bản bây giờ người ta đa phần không mua café nữa. Người ta mua một kinh nghiệm. Người ta mua một câu chuyện và cách thức mà câu chuyện ấy khiến ta cảm nhận.

Đó là câu chuyện phức tạp bao gồm mùi vị và âm thanh của hàng quán, và từ ngữ đối thoại vang lên giữa các bàn ghế sặc sỡ màu sắc, loại máy laptop đắt rẻ, và cái menu thổ lộ nhiều điều sâu kín, và đội ngũ lễ tân kèm trình độ phục vụ chuyên nghiệp hay đủ trò đứng ngồi buôn dưa, và nhiều hơn thế… với sự đối lập giữa các thương hiệu Trung Nguyên, Vinacafé, Highlands, v.v…

Café mở ra tương lai của thư viện, muôn đời là địa điểm hẹn hò, ngay cả có thể quay về phong cách dân dã thời xưa nên tắt sóng wifi do chủ quán thuận theo đề nghị muốn được nghỉ ngơi, trao đổi mặt đối mặt của khách đến ngồi.

Sự khác biệt giới tính lộ rõ nơi này, thậm chí còn mang hơi hướng thời đại: café giúp phụ nữ đương đầu căng thẳng tinh thần với kiểu thức hợp tác, bảo vệ lẫn nhau trong khi hai người đàn ông đang thỏa thuận dưới những tình huống cực dễ stress thì tiêu thụ một lượng caffeine lại là tin xấu.

Dĩ nhiên, kể một câu chuyện rốt ráo phản ánh bối cảnh sáng tác. Văn hóa café gắn bó quá chừng thân thiết, đồng thời lại chạm mó rất sát sườn bởi phong phú chủ đề thuộc nhân cách, giá cả, doanh thu, dinh dưỡng, lối sống, thẩm mỹ, nghệ thuật, đạo đức, chính trị, an sinh,…

Đôi khi, vì thế, lê la café không phải là sự đê mê thiếu nghiêm túc hoặc chủ yếu nằm ở câu trả lời duy nhất đúng, mà đích thực ưu tiên tìm kiếm giải pháp đủ tốt thỏa mong đợi tích hợp mọi điều ngang trái tưởng chừng phi lý quá đỗi.

[14.10.2011]

———————————————————————————————————————-

Sử dụng quyền năng của bộ não để thích nghi sau tổn thương

Bài trên tạp chí trực tuyến Dana (từng giới thiệu) nói về sự phục hồi chức năng thần kinh (neurorehabilitation)– nghệ thuật và khoa học trợ giúp phục hồi sau tổn thương não, nhờ sử dụng quyền năng thích nghi vốn có của não bộ lẫn thông qua việc dạy đối tượng các khả năng và kỹ năng mới.

Bài báo thảo luận cả y tế phục hồi chức năng, tức thực hành huấn luyện bệnh nhân thích nghi và cải thiện cũng như khía cạnh các kỹ thuật đang ngày càng tân tiến thuộc khoa học thần kinh nhằm thử gá ghép vấn đề ở cấp tế bào.

Một trong những tiến trình cơ bản mà khoa học đang gắng tìm hiểu và hoàn thiện dần là ‘tạo hình thần kinh’ (‘neuroplasticity‘)– tiến trình não tạo ra những kết nối mới, sắp xếp lại tổ chức và lộ trình xung quanh vùng hư hại.

Bài báo nêu lên 6 vấn đề mà khi trả lời chúng sẽ làm nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực điều trị tổn thương não.

  1. Khi đa phần những gì chúng ta biết về sự phục hồi là từ các thực nghiệm với những tế bào thần kinh chưa chín muồi, vậy liệu các cơ chế phục hồi (mechanisms of regeneration) trong hệ thống thần kinh trưởng thành đã bị tổn thương có giống với hệ thống thần kinh phôi thai đang phát triển bình thường?
  2. Khi các thực nghiệm phục hồi đường dẫn thần kinh được thực hiện chủ yếu trên chuột nhắt và chuột bạch, dự đoán kết quả thực nghiệm trên đối tượng người bệnh sẽ ra sao đây? Do khác biệt phân tử, loài gặm nhấm nhỏ hơn con người chúng ta rất nhiều. Các sợi thần kinh có thể được phục hồi sâu xa hơn nhằm đạt tới cùng mức độ tái kết nối nằm bên dưới sự cải thiện về mặt chức năng ở các loài động vật nhỏ bé hơn.
  3. Thậm chí, ngay cả khi sự phục hồi thần kinh không thích đáng có thể thành tựu thì liệu các mối liên kết được tạo ra đủ chuyên biệt để thực hiện đúng chức năng?
  4. Các tế bào gốc hữu dụng ra sao? Liệu chúng có thể vẫn tồn tại sau khi cấy ghép vào tủy sống người hay sẽ bị loại ra? Chúng có thể thay thế các tế bào thần kinh bị hư hại hay sẽ chỉ phục vụ như là các nguồn hóa chất hỗ trợ cho sự sống còn và tiến triển của các tế bào thần kinh thuộc não bộ mà thôi?
  5. Chúng ta có khả năng định dạng một cách tiếp cận đơn lẻ song hết sức thiết yếu mà vẫn tạo nên những tiến bộ ngoạn mục trong việc phục hồi tổn thương não, hay phải cần phát triển một cách tiếp cận hỗn hợp với việc dùng nhiều cách chữa trị phức tạp cùng lúc?
  6. Khả năng phục hồi của các cách tiếp cận sẽ cải thiện thêm ở một tình huống nào đó, chẳng hạn tổn thương tủy sống, hay cũng nâng cao hơn trong trường hợp đột quỵ hoặc tổn thương não do sang chấn?

Chắc chắn rằng, nên tập trung vào sự già đi bình thường và bộ não sung sức hơn là não bị tổn thương, song hy vọng rằng giới chuyên môn sẽ tiếp tục giải quyết một số vấn nạn của khoa học thần kinh liên quan tới sự biến đổi của não bộ nói chung.

Lần nữa, dưới góc độ đời thường, câu chuyện mới đây vẫn còn rất đáng lưu tâm.

[02.10.2011]

—————————————————————————————————————————

Hai thắc mắc khi lần đầu gặp mặt

Lần đầu tiên gặp mặt ai đó, một người thường thấy thắc mắc về 2 câu hỏi.

Mọi trả lời xoay quanh hai thắc mắc ấy sẽ tạo nên hiệu ứng quyết định cách thức họ nghĩ về ta cũng như  lối họ cần đối xử với ta ra sao.

GS Tâm lý trường Princeton là Susan Fiske đã chỉ rõ rằng, toàn bộ đánh giá xã hội chung quy đều được cô đọng thành hai chiều kích dưới đây.

  1. Mức độ nhiệt tình của người này? Ý tưởng về sự nhiệt tình (warmth) bao gồm những điều như đáng tin cậy, thân thiện, hay giúp đỡ, dễ gần gũi và đại loại thế… Những đánh giá về sự nhiệt tình ban đầu được tạo ra chỉ trong một thoáng chốc gặp gỡ.
  2. Năng lực của người này? Nhìn nhận năng lực (competent) đòi hỏi thời gian lâu hơn để định dạng và thường chú ý mấy thứ như sự thông minh, tính sáng tạo, khả năng tri giác, v.v…

Nghiên cứu của GS. Susan Fiske tìm hiểu, xem xét cách đánh giá xã hội ở các kiểu hình, thời gian và nền văn hóa, song hai khái niệm trên cứ được lặp đi lặp lại trong những lớp vỏ, dáng vẻ khác biệt.

Không chỉ quen đánh giá như vậy về người khác mà chúng ta còn hay xác lập khung hành vi họ khi sử dụng hai câu hỏi đấy; chúng ta cũng băn khoăn tự hỏi bản thân không biết có phải ấy là sự thân thiện, đạo đức, thành thật, thông minh, v.v…

Chất thiết yếu của sự nhiệt tình và năng lực có thể phản ánh những phản ứng mang tính suy rút, bản năng từ hai câu hỏi về người khác:

  1. Bạn bè hay kẻ thù? Liệu người này có làm tôi đau khổ hay sẽ hỗ trợ cho tôi?
  2. Có khả năng gây tổn thương hoặc giúp đỡ? Người này sẽ chỉ giúp tôi nếu họ thân thiện hay sẽ làm tôi tổn thương do họ không được tử tế cho lắm?

Làm thế nào mà sự nhiệt tình và năng lực của người khác tìm nhận ra ta? Theo nghiên cứu mới đây của Carlson và cs. (2011), chắc chắn là mình biết khá rõ cách thức người khác nghĩ về bản thân mình như thế nào.

[28.9.2011]

————————————————————————————————————————————————

Sợi phiền não cứ xoay vòng rồi trôi lăn bất tận

Film đầu tiên xem trong đợt Liên hoan mới khai mạc hôm kia.

Lại nhìn thấy giá trị của ranh giới, mối quan hệ cha và con gái, bạo lực gia đình…

Thực sự đau buồn vì lịch sử một tôn giáo lớn của thế giới vào thời Trung cổ được soi chiếu khắc nghiệt trên tinh thần phản biện của người trong cuộc đến độ mọi thứ trộn lẫn cả chất bi tráng chiến tranh cải đạo (“lửa và kiếm”), phận cá thể hèn mọn trước uy linh của đấng tối cao ban bày tất cả, định kiến giới dai dẳng, chút hài hước khi sự thật được tiết lộ trần trụi đời thường và nỗi khổ đau triền miên hằn in qua bao vùng đất cùng tháng năm thay đổi.

Chợt nhớ, 5-6 năm trước, phiên bản đầu tiên của blog Cái tôi từng đề cập mấy chủ đề xót thương này rồi.

[18.9.2011]

—————————————————————————————————————-

Việc thiện nguyện, lòng từ bi, sự giàu nghèo và năng lực sáng tạo

Một cách phát biểu về việc làm từ thiện đáng chú ý chí ít, vì sự rõ ràng và thẳng thắn trong quan điểm thể hiện.

Quan điểm của Mỹ Tâm về việc làm từ thiện là khuyến khích tất cả mọi người cùng tham gia cho dù có thể vì thương cảm, hay là để đánh bóng tên tuổi, hay vì gì đi nữa thì cũng vẫn nên khuyến khích. “Việc làm từ thiện bằng bất cứ lý do nào (kể cả là để đánh bóng tên tuổi) nhưng nếu bạn đã hành động hướng đến cộng đồng, hướng đến những người khó khăn, giúp đỡ được họ một phần nào đó thì vẫn hơn là đi đánh bóng tên tuổi bằng những việc khác”, ca sĩ tóc nâu nói.

Tôi dẫn lời trên còn vì muốn đề cập tới động cơ. Nghiên cứu chỉ ra, tình nguyện nhằm muốn giúp đỡ tha nhân có thể làm cho sức khỏe của đối tượng tốt hơn. Và như đã biết từ trước đó trong thực tiễn đời sống, rất nhiều người đổ tiền bạc, tiền của, cúng dường đủ thứ này nọ mà vẫn khó tránh khỏi tai ương, gặp vận hạn như thường.

Một lần nữa, cần thấu hiểu cái tâm và sống thật lòng mình.

Tại sao chúng ta muốn giúp đỡ? Bởi vì sự từ thiện của nhân loại dựa trên nền tảng hết sức cơ bản là những cảm nhận từ bi, thương xót (compassionate feelings) chứ không phải vào các thứ tính toán vị lợi, hữu lý.

Các tìm tòi, phát hiện của giới học thuật phương Tây vô hình trung, củng cố thêm điều vốn khá giản dị hiển nhiên được thừa nhận bấy lâu trong dân gian: người nghèo, chứ không phải kẻ giàu, thường hay làm từ thiện; càng ít sung túc thì càng dễ đồng cảm và nhiều ước muốn gửi cho tới người túng thiếu.

Có lẽ, đây chính là cội nguồn biện giải tại sao việc làm hài lòng thiên hạ lại tuân theo nghịch lý: càng ít thì càng nhiều, góp phần tạo nên sự độc đáo, mà Steve Jobs là thí dụ với những sản phẩm thương mại hình thành từ quan niệm ấn tượng này.

[14.9.2011]

————————————————————————————————-

Thật, giả nụ cười– làm sao phân biệt?

Một nụ cười chân thật, thiệt tình e là dễ tạo ra sự nhẹ nhõm, thư thái; nó hình như cũng có khả năng lây lan nhất định sang người đối diện đang tiếp xúc nữa.

Nói vậy, vì khi xem các bức ảnh chụp học sinh PTTH Việt Đức (Hà Nội) nhân dịp tựu trườngkhai giảng năm học mới, tôi thấy hơi chút lãng đãng.

Thế nụ cười chân thành khác nụ cười giả tạo ở chỗ nào?

Theo thăm dò sơ bộ, trong 17 phiếu bầu chỉ có 2 lựa chọn cho khuôn mặt bên phải; đa phần (13 phiếu) tin rằng khuôn mặt bên trái mới biểu lộ nụ cười chân thành, thiệt tình.

Vâng, số đông đã đúng!

Nụ cười chân thành, thiệt tình còn gọi là “nụ cười Duchenne” là sự co lại cố ý và không chủ đích của cả hai cơ: xương gò má (kéo mép miệng lên) và vòng mi mắt (nhấc cao má và tạo ra vết nhăn chân chim quanh mắt).

Nụ cười giả tạo– thường hay dùng khi mình miễn cưỡng phải chụp ảnh– chỉ co mỗi cơ xương gò má thôi (không dễ điều khiển cơ để da xung quanh miệng và quanh mắt cùng di chuyển).

Vậy khi xem các cuốn tập lưu giữ ảnh và hình trên tạp chí, muốn biết ai thực sự  hạnh phúc thì hãy nhìn người có nếp nhăn gấp quanh đôi mắt họ, chứ  không phải vào những kẻ chỉ gắng kéo mỗi căng môi, ngọac mồm ra thôi.

Những gì xảy đến trong bộ não để làm nên sự khác biệt giữa hai nụ cười? Các khoa học gia phát hiện thấy, kiểu dạng hai nụ cười này thực chất được điều khiển bởi hai phần khác nhau thuộc não bộ. Khi vùng vỏ vận động của bán cầu não trái góp phần gây cười của một bệnh nhân bị hư hại sẽ làm cho nụ cười trở nên bất đối xứng,  với phía bên phải của nụ cười không di chuyển như lẽ ra nó phải thế.

Tuy nhiên, khi chính bệnh nhân này nở nụ cười hết sức thoải mái thì nụ cười lại bình thường, không mất cân đối. Nụ cười giả tạo bị kiểm soát bởi vỏ vận động trong khi các chuyển động liên quan tới cảm xúc, như nụ cười Duchenne lại do hệ viền rìa (limbic system: trung tâm cảm xúc của não bộ) điều khiển.

thông tin cho hay, trẻ nhỏ cười 300-400 lần/ngày, tuổi mới lớn tầm 17 lần còn người lớn thì còn ít hơn nữa.

Tại sao các bé cười? Những nụ cười chào đời đầu tiên của em bé không nghiêng theo hướng biểu đạt cảm xúc nội tâm mà “những nụ cười này dạy các bé mối liên kết tích cực gắn với một nụ cười mà người trưởng thành chúng ta từng biết tới rồi“. Giáo sư tâm lý trường Miami Daniel Messinger cho rằng, học hỏi việc cười và học hỏi ý nghĩa của một nụ cười là tiến trình, tựa như học cách để đi bộ vậy.

‘Tôi cho cười là dấu hiệu mang tính xã hội,’ GS. Messinger nói. ‘Tôi thực sự nghĩ rằng các em bé đang học hỏi điều gì là niềm vui khi chia sẻ nó với người khác.’ Diễn đạt khác đi, cười không hoàn toàn là sự bày tỏ một trạng thái tồn tại sẵn trước như một con lộ chúng ta hướng theo để đạt tới trạng thái đó.

Wow, bây giờ thì mời độc giả thử mỉm cười thật chân thành, thiệt tình và cho chúng tôi biết quý vị cảm thấy phấn chấn như thế nào nhé!

[09.9.2011]

—————————————————————————————————

Khi cơ thể ta ở tư thế nằm…

Bộ não chúng ta có thể xử lý sự tức giận hoàn toàn khác biệt phụ thuộc vào chuyện ta đang đứng hay nằm, theo một nghiên cứu trên Psychological Science; điều này cũng khởi tạo nhiều ứng dụng đáng lo trong nỗ lực hiểu biết chức năng của bộ não.

Các thực nghiệm về sự tức giận khi đo dấu hiệu điện não (dùng EEG) hoặc hoạt động thần kinh thay thế bằng xung điện từ (dùng TMS) đã phát hiện ra rằng, thùy trán trái (left frontal lobe) bị kích hoạt hơn hẳn thùy trán phải, mặc dù các nghiên cứu sử dụng máy chụp chức năng cộng hưởng từ fMRI không nhận ra sự khác biệt nào.

Hai nhà tâm lý tiến hành đề tài tự hỏi phải chăng bộ não có vẻ biểu hiện rất khác biệt như vậy qua EEG và TMS là vì những người tham gia thực nghiệm thường đứng thẳng, trong khi chụp fMRI thì đối tượng nằm duỗi lưng.

Nếu sự kiện trên phản ánh nét phân biệt chẳng đáng kể, đích thị lại tồn tại vài ba lý thuyết ẩn bên dưới. Chẳng hạn, lĩnh vực nghiên cứu về ‘nhận thức hóa thân’ (‘embodied cognition‘) phát hiện  thấy rất nhiều tương tác kỳ cục giữa cách thức tâm trí và bộ não xử lý các đáp ứng– phụ thuộc vào những khả thể của hành động.

Tỷ dụ, chúng ta tri nhận khoảng cách sẽ ngắn hơn khi có một công cụ trong tay và dự tính dùng nó, và  đeo ba lô nặng dễ khiến mình cảm thấy các ngọn đồi cơ chừng dốc đứng hơn.

Tức giận là thí dụ chính yếu cho việc ta cảm thấy bị thôi thúc để ‘làm điều gì đó’. Ở tư thế đứng, mình hầu như sẵn sàng tiến dần ngay tới điều gì gây khó chịu, hơn lúc mình nằm duỗi lưng; và các nhà nghiên cứu băn khoăn chưa rõ liệu các tư thế cơ thể này có phải đang tương tác với động cơ của bản thân chúng ta khiến thay đổi đáp ứng của bộ não.

Để kiểm tra giả định, hai tâm lý gia Harmon-Jones và Peterson đề nghị 46 đối tượng tham gia thực nghiệm viết một tiểu luận ngắn trước khi họ tiến hành đo điện não EEG.

Sau đó, những người tham gia thực nghiệm đeo tai nghe để nghe khi ai đó khác đọc tiểu luận của họ rồi đánh giá các đặc tính của tác giả như sự thông minh và năng lực cá nhân. Một số nằm lắng nghe, số khác thì nghe lúc đang đứng.

Điều mà các đối tượng tham gia thực nghiệm không hề hay biết là ‘kẻ đánh giá’ vốn được ghi âm sẵn trước, và trong khi một số người nghe bình luận ôn hòa, tốt lành về tác phẩm của họ thì số khác lại nghe ‘kẻ’ khác phỉ báng và đánh giá cay nghiệt đối tượng cũng như nhân cách của họ.

Phù hợp với lý thuyết ‘sẵn sàng đáp ứng’, khi những người tham gia thực nghiệm tức giận và đang ở tư thế đứng, thùy trán trái bị kích hoạt nhiều hơn hẳn so với thùy trán phải song khi họ tức giận lúc đang nằm, chẳng có sự khác biệt nào giữa hai thùy trán.

Như thế, các phát hiện cung cấp bằng chứng tư thế cơ thể tương tác với các tiến trình xử lý cảm xúc của bộ não, có lẽ phụ thuộc vào những hành động nào khả dĩ biểu hiện ngay lập tức.

Quan trọng hơn, thực nghiệm còn cho thấy các kỹ thuật khoa học thần kinh có thể đưa ra kết quả không giống nhau do đòi hỏi khác biệt ở tư thế cơ thể khi tiến hành các kiểm tra, đo lường.

Riêng phần tôi, đọc nghiên cứu này lại càng hiểu thêm tại sao để moi sạch và biết tuốt thông tin cần nắm vững ở đối tác, phụ nữ hay dùng chiêu ngủ với đàn ông; thực tế, phái mạnh có thể cắn răng chịu đựng nhục hình mà tuyệt không bao giờ khai báo trước kẻ thù gian ác, song họ đã dần dần phun ra hết lúc có hành vi tính dục với chị em. (Hy vọng, đây không phải là bí mật siêu phàm rỉ tai nhau trong giới đàn bà).

[06.9.2011]

——————————————————————————————————

Thực hiện trong hành động

[Ngỏ: Không biết có phải do nguyên nhân đứt cáp mà trầy trật mãi tối tới giờ vẫn không chèn cái ảnh minh họa vào nổi; thậm chí, bao bận năm lần bảy lượt máy báo mạng hư lên hỏng xuống để bài trơ lại tẽn tò, còn mình thì tiếp tục nhẫn nại cùng hy vọng dịp tới chắc may ra… xong việc.]

Dưới đây là các trích đoạn từ một trong 8 phần của luận văn Thực nghiệm tâm linh (Sadhana) do Rabindranath Tagore (1861-1941) soạn thảo; gồm: 1. Cá nhân và vũ trụ; 2. Ý thức về tâm linh; 3. Vấn đề cái ác; 4. Vấn đề cái ta. 5. Thực hiện trong tình yêu. 6. Thực hiện trong hành động. 7. Thực hiện thẩm mỹ. 8. Thực hiện vô biên.

Phần 6. này dựa trên cảm hứng của lời răn Upanishad— minh triết Ấn Độ: “Chỉ có giữa họat động ngươi mới sống lâu trăm tuổi” và được Tagore tái khẳng định lần nữa: “Niềm vui sống ấy, niềm vui làm việc ấy ở con người là tuyệt đối thực sự” (tr.131).

Có cái “niềm vui ở trong sáng tạo” (tr.128) như thế, theo Tagore, là vì hành động không tương phản với tự do; vì “chính bởi tâm hồn không thể tìm ra tự do ở nơi mình nên nó khao khát hành động bên ngoài”; chức năng của hành động cũng được Tagore chỉ ra cực kỳ sâu sắc:

Con người càng họat động và càng thể hiện những gì tiềm tàng ở mình, nó càng đưa cái xa xăm ‘phải đến’ lại gần. Nhờ sự thực hiện này, con người càng ngày càng trở thành phân biệt hơn và thấy rõ mình hơn dưới những phương diện càng ngày càng mới mẻ. Trong quốc gia, ngoài xã hội. Nhãn quan này họat động cho tự do. (tr.129).

Và như sẽ thấy, vì “đặc thù của sống là tự nó không trọn vẹn; nó cần phải biểu lộ” nên “ta phải ở nơi Người (vốn dĩ là chân lý) ở trong cũng như ở ngoài”; đây chính là cách tâm hồn Ấn tồn tại: “sự cân đối bình thản trong sức mạnh và trong sự giao hòa giữa nội tại và ngoại tại”, trái với người Tây phương “mải miết bành trướng ra ngoài trước hết” nên “say sưa quyền lực” (tr.135-tr.137).

Hoạt động, do đó, không chỉ có tác dụng riêng cho thân xác (vốn “không thể thỏa mãn với sự họat động kinh tế nội tại của mình và chỉ tìm được niềm vui trọn vẹn trong các cuộc ngao du ở bên ngoài”):

Tâm linh cũng thế: Nó không thể chỉ sống bằng các tưởng tượng và tình cảm nội tại của mình. Nó luôn luôn cần đến các vật ngoại tại, không những để nuôi dưỡng tâm thức nội tại của nó, mà còn để chăm chú vào hành động, không những để thu nhận mà còn để cho ra. (tr.134).

Mời thưởng thức chi tiết hơn về sự thực hiện trong hành động.

Bảo rằng con người chỉ hoạt động khi nào bị ép buộc phải họat động, là sai. Nếu một đằng là ép buộc thì đằng kia là hoan hỉ, một đằng hành động vì cần thiết, và đằng kia nó tiến hành sự thành tựu tự nhiên của nó.

Vì thế cho nên văn minh càng phát triển, con người càng gia tăng các nghĩa vụ của nó và cái công việc mà nó tự ý tự tạo cho mình.

Người ta tưởng chừng như thiên nhiên đã mang lại cho con người khá nhiều việc phải làm, và không chừng còn chết vì lam lũ mà lại phải đói phải khát, nhưng không! Con người đâu cho thế đã thấm tháp gì, nó đâu có muốn chỉ làm cái công việc mà thiên nhiên đã bắt nó làm mà thôi, cũng như bắt các thú bốn chân và các chim chóc, nó còn muốn phải hơn chúng nữa kia, ngay cả họat động!

Không một sinh vật nào được làm việc bằng con người; nó đã tiến đến chỗ tự cho mình trong xã hội cả một trường hành động rộng lớn, trong đó nó không ngừng xây dựng và phá hủy, nào làm luật và bỏ luật, nào chất đống các vật liệu, nào suy tư, tìm kiếm và đau khổ không ngừng. Trên địa hạt này, nó đã đánh những trận oanh liệt nhất, nó đã thắng được một đời sống luôn luôn mới mẻ, nó đã làm cái chết thành vinh quanh, và thay vì loại trừ được vấn đề này, khó khăn nọ, nó vẫn đảm nhận thêm những vấn đề mới, những khó khăn mới.

Nó đã khám phá ra cái chân lý rằng nó không trọn vẹn khi bị giam hãm trong cái lồng của bối cảnh của nó, rằng nó lớn hơn cái hình vóc nó hiện tại, và rằng đứng giậm chân một chỗ có thể là an nhàn hơn, nhưng sự ngưng trệ của đời sống tất hủy diệt cái chức vụ thực sự của nó và cái mục đích thực sự của đời nó.

R. Tagore. (2007). Thực nghiệm tâm linh. Như Hạnh dịch. Hà Nội: Nxb. Văn học, tr. 132-tr.133

[31.8.2011]

——————————————————————————————————

Ý nghĩa ở đời: liệu có thể nói cho thấu đáo mọi điều?

Trái với tưởng nghĩ rằng đây là việc hết sức khó khăn– thậm chí bất khả– bởi người người đông đúc, muôn hình vạn trạng thế, chẳng thấy ai giống ai đâu song kỳ thực, khá dễ dàng để xác định ý nghĩa ở đời của thiên hạ. Và thực tế, giới tâm lý học đủ khả năng đo lường, đồng thời chí ít đã thử xử lý chuyện này rồi.

Theo Baumeister & Vohs (2002), ý nghĩa ở đời được tổng hợp thành 4 yếu tố.

  1. Mục đích (purpose)– có thể là ước ao sống hạnh phúc mãi mãi về sau, muốn lên thiên đường hay tìm thấy thỏa mãn trong công việc. Dẫu biểu hiện phong phú, đa dạng đến mấy thì nói chung, ý nghĩa ở đời khởi phát từ sự chạm tới các dự tính, mục tiêu (goals) và cảm nhận toàn mãn. Ngay cả khi sự toàn mãn phải gai góc lắm mới tuyên bố hùng dũng nổi do tháng năm dễ khiến ta dần phai nhạt, người ta luôn cần mục đích khi sống ở đời.
  2. Giá trị (values)– thiên hạ cần có một cấu trúc mang tính đạo đức để muốn biết rốt ráo điều gì là đúng đắn, điều gì là sai quấy. Có đủ thứ để lựa chọn: một số từ tôn giáo, số khác từ triết lý và một số khác nữa từ bạn bè, gia đình mình.
  3. Hiệu lực (efficacy)– mọi người muốn tạo ra sự khác biệt và cảm thấy mức độ kiểm soát môi trường xung quanh. Không có khả năng này, ý nghĩa cuộc sống giảm thiểu đi nhiều.
  4. Đáng giá (self-worth)– tất cả chúng ta đều muốn cảm thấy mình tốt đẹp và được người khác tôn trọng. Chúng ta có thể thực hiện điều này theo cách rất riêng tư hoặc dính buộc, lồng ghép bản thân hướng vào một cơ đồ, sự nghiệp đáng giá. Gì gì, chung quy là chúng ta cần đủ khả năng nhìn nhận mình dưới ánh sáng tích cực.

Không nghi ngờ nữa, chúng ta có thể phác họa ý nghĩa cuộc đời với tầm 300 từ trở lại.

Trước khi độc giả hồ hởi, quyết liệt đưa ra ý nghĩa mình sống ở đời, xin lưu ý vài gợi nhắc nhỏ.

Trước hết. Có thể chẳng dễ cùng lúc đạt các điều trên, nếu không muốn nói là đừng hão huyền… Chúng ta hay quen dùng gia đình, công việc, những sở thích và vô vàn điều nọ kia ngõ hầu đáp ứng trọn vẹn nhu cầu ý nghĩa của bản thân.

Thứ hai, một đời sống ý nghĩa chắc chắn nhất thiết là đời sống hạnh phúc nhưng nó không buộc phải tỏ ra đủ đầy, thích đáng.

Cuối cùng, khi theo đuổi các mục tiêu đã đặt định ra, hãy để vô thức của mình dẫn dắt nhé!

[29.8.2011]

——————————————————————————————————

Tán gẫu trực tuyến– câu chuyện lan man hàng ngày?

Lâu lắc là lâu, tôi bỏ mặc mấy kiểu giao lưu mạng mẽo; xóa luôn hai nick mà một cái hay dùng thường xuyên trên Yahoo Messenger, Google Chat tạo trải nghiệm kém vui nên cũng lờ luôn, chẳng thiết thả lời tới lui với facebook, riêng hồi sáng chợt thử lại Twitter chút xíu chỉ vì đọc được ý tưởng hay về thi tính và công nghệ hiện đại,…

Điện thoại di động thì đa phần dùng chức năng gọi liên lạc, thi thoảng táy máy chụp choạng ú òa, còn chủ yếu nhắn tin vài ba đối tác thân quen. Hết.

Những hình thức mới mẻ gần đây của truyền thông phơi bày sự kiện rằng, điện thoại là sự thiết kế tồi tệ. Nó đáng bị tống khứ đi.

Tác giả bài báo trên cho rằng, thế hệ này không gọi điện bởi vì mọi người tiếp xúc bất tận, nhanh như chớp qua nhiều phương thức khác nhau: nhoay nhoáy thủ thỉ, gõ phím ào ào rủ rê, và truyền tin liên tục từ mạng xã hội. Và chúng ta không chỉ đang có nhiều lựa chọn hơn so với trước đây; chúng ta có những lựa chọn tốt hơn.

Ngoài ra, mạng lưới điểm toàn cầu internet có thể điều phối, làm dễ dàng hơn sự thân mật vốn có thể khá khó khăn khi ta đang tương tác với ai đó trong đời sống thực.

Cơ chừng, đây là thời buổi của ước muốn được kết nối mọi nơi, mọi lúc, cảm thấy mình trôi chảy phăm phăm cùng sự kiện; nắm bắt  thông tin, do đó, trở thành niềm đam mê đầy thách thức chưa thôi thỏa mãn thay cho tiến trình nghiền ngẫm nghĩ suy.

Chưa bị kết liễu mà vẫn tiếp tục là công cụ để đong đưa, cưa cẩm, điện thoại thông minh như cánh tay nối dài thật biến hóa khôn lường, đa năng và tiện lợi.

Điểm liên kết giữa thời gian ở nhà và thời gian tại công sở là chuỗi dính mắc dây dưa cứ kéo miên man từ phân tán này sang phân tán khác như cơn nghiện ngất ngây sáng- trưa- chiều- tối.

Những tầm thường, dung tục của chúng ta thậm la liếm, bôi bác hơn bất kỳ huyễn tưởng hoặc tự thú tội lỗi nào… Thời gian bị tiêu hoang, phung phí tăng đôi, gấp bội: chúng ta nói về cuộc đời theo cách thức bất cần, khinh xuất như chính kiểu lối mình sống cùng nó vậy. Và máy chủ trưng dụng bao chứa biết rõ điều đó.

Sống đời tán gẫu, buôn dưa là dạng hình đương đại của truyền thông bây giờ.

Tất cả những gì cần thiết– để hiểu biết tình yêu– gồm thế này thôi: một sự kết nối không dây giăng mang ra trông cũ càng đơn giản và nơi chốn đâu đó để chịu tuân phục nằm xuống.

Vô vàn cuộc luận đàm, hội thoại Gchat tốt nhất cứ êm đềm tuần tự xảy đến– tựa diễn tiến ở phòng khách salon ấm cúng– với một phía hoặc cả hai bên thư thái trong tư thế nghỉ ngơi trên tràng kỷ hay nệm giường. Gchat thể hiện cái bàn xoay quanh để chúng ta chung đụng đặng tích góp nhằm duy trì, gìn giữ các cuộc trò chuyện, đổi trao với ai đó chúng ta thương yêu và với những người yêu thương chúng ta.

Theo Aaron T. Beck của phái trị liệu hành vi- nhận thức, đáp ứng đậm tính cảm xúc đối với một sự kiện nhìn chung quá nhanh đến độ dường như có một mối buộc ràng không lay chuyển nổi giữa tình huống kích thích và sự cảm nhận của bản thân.

Khái niệm này ngự trị suốt thuộc lĩnh vực tâm thần học và tâm lý học. Rồi người ta phát hiện thấy rằng, có mối liên kết giữa một sự kiện và sự đáp ứng cảm xúc. Liên kết bị bỏ quên í gọi là “suy nghĩ tự động” (“automatic thought”); điều đấy xảy ra cực nhanh và thật tự động khi đáp ứng với sự kiện và đính chặt chẽ với ý nghĩa đích thực của sự kiện.

Những ý nghĩa chúng ta dính mắc, gắn bó với trải nghiệm có thể làm giàu thêm đời sống, song mặt khác các ý nghĩa tiêu cực dễ dẫn đưa tới sự hụt hẫng, xung đột và khốn nạn quá mức.

Khi phản ánh những suy tư tự động đó, chúng ta thường nhận ra rằng những ý nghĩa bị thổi phồng ghê gớm, hết sức phi lý hoặc không đặt để nền tảng gì cả.

Chúng ta có thể nêu ngờ vực về độ hiệu lực của chúng, xem xét chứng cớ, cân nhắc các giải thích thay thế, và đạt đến những ý nghĩa thực tế hơn.

Liệu có thể sáng tác câu chuyện tán gẫu trực tuyến bằng một phiên bản và cách kể hoàn toàn khác trước, chẳng hạn.

[24.8.2011]

—————————————————————————————————-

Nghệ thuật có thể cải thiện, nâng cao sức khỏe tâm thần

Bài báo mới đăng trên Tiền phong cho thấy tác dụng đổi đời của nghệ thuật.

Tâm được học văn hóa ở các trường tình thương, nhưng cứ nhìn thấy chữ là giãy lên như đỉa phải vôi, chỉ thích nói những câu tiếng Anh. Vì thế mà 16 tuổi vẫn chưa thể viết được tên của chính mình.

Nhưng rồi chính Tâm đã viết kịch bản, đọc lời bình, quay phim và làm diễn viên chính của bộ phim Thảo nguyên xanh tươi của Phan Ý Ly – cô gái sinh năm 1981, Thạc sỹ nghệ thuật truyền thông trong công tác phát triển cộng đồng. Ý Ly tâm sự về nguyên cớ khiến cô muốn làm phim Thảo nguyên xanh tươi: “Khi nhắc đến bãi giữa sông Hồng, những người trên phố chỉ nghĩ đến kim tiêm, rác rưởi, và cho rằng dân ở đây toàn trộm cắp. Nhưng không phải vậy. Với các em nhỏ sống ở làng nổi gồm 20 hộ dân, không chỉ có sự nghèo khổ, vất vả mà còn thấm đẫm tình người. Nơi ai ai cũng cho là tạm bợ thì các em lại coi là chốn thiên đường. Tôi muốn các em cùng nhau thực hiện cảnh quay của mình và 20 hộ dân”.

Được dự án Cuộc đời của tôi, cách nhìn của tôi tài trợ, Tâm cùng 6 bạn khác được chọn để làm phim. Một chiếc máy quay hiện đại cùng với băng và sạc pin để Tâm và các bạn ngày cũng như đêm cùng nhau ghi lại cuộc sống của mình và những cư dân làng nổi. Phải tự viết kịch bản, viết lời bình, đọc lời bình. Nhưng Tâm lại không biết chữ.

Tại Việt Nam, Life Art của Phan Ý Ly đã ít nhiều thể hiện rõ ràng phương thức vận dụng nghệ thuật trong việc phát triển con người.

Nghiên cứu ở Na Uy dường như củng cố thêm niềm tin chắc chắn rằng, việc theo đuổi các sở thích sáng tạo như âm nhạc, hội họa và khiêu vũ (hay đơn thuần là bất cứ thứ nghệ thuật khoái sướng mang tính kết hợp nào khác) đều dễ làm tăng lên thật ngoạn mục sức khỏe cảm xúc, đồng thời hỗ trợ người ta chống đỡ được chứng trầm cảm.

Đáng chú ý, HUNT là dự án khảo sát dài hơi thiết kế nhằm tích lũy dữ liệu chung ngỏ hầu giúp giới chuyên môn có thể xây dựng chân dung chính xác về xã hội Na Uy thông qua các biến số về tuổi tác, giới tính và nhóm xã hội.

Tập trung vào sự tham gia của đối tượng qua các môn nghệ thuật, cuộc khảo sát của HUNT tiến hành bằng bảng thăm dò viết xuống và phỏng vấn gần 50.000 dân Na Uy.

Sau khi kiểm soát các biến liên quan tới đặc điểm nhân khẩu học cơ bản, nhóm tác giả nhận thấy đối tượng nào thực hành hoặc làm nghề mỹ thuật, theo tường trình, tỏ ra hạnh phúc hơn những ai không tiến hành. Họ cũng là số đối tượng, dựa trên thống kê, khá hiếm hoi tỏ ra bị đau đớn do trầm cảm  điển hình.

Xu hướng này– đáng kinh ngạc– bất chấp tuổi tác, nghề nghiệp hay mức độ thu nhập của đối tượng. Và nó ứng với tất cả những ai– bằng kiểu lối nào đó– liên quan tới các lĩnh vực sáng tạo, dù họ tự nhận mình là nghệ sĩ hay không, hoặc đơn giản hòa mình vui vẻ cùng tác phẩm của người khác như tham dự các buổi hòa nhạc, tham quan bảo tàng thường xuyên.

Mối tương quan kỳ cục đã không xảy đến với giới chị em, và sự cách biệt này khó giải thích tường tận. Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý, trong khi mức độ trầm cảm là thấp ở các đối tượng sáng tạo, những người có mối đam mê này cơ chừng còn chẳng bị ảnh hưởng bởi đủ chuyện do tái phát lại chứng sợ hãi.

Tại sao các đối tượng sáng tạo lại cho thấy mức độ thỏa mãn cá nhân hơn hẳn thế? Nói chung, lý thuyết thông thường cho rằng, các khía cạnh cộng đồng của nghệ thuật và sự trình diễn cho phép các cá nhân bộc lộ sâu xa hơn sự gắn bó với đồng loại và đạt tới cảm nhận thỏa mãn hơn từ những trải nghiệm riêng tư.

Lần nữa, cần nhắc rằng, khái niệm trình diễn như là phương thức trị liệu không phải là điều mới mẻ gì. Trị liệu nghệ thuật (art therapy), thực tế, là trào lưu chính yếu với đội ngũ tác nghiệp xuyên suốt nước Mỹ cũng như ở thế giới công nghiệp hóa.

Hy vọng, các nghiên cứu tiếp theo khám phá nhiều điều thú vị nữa về mối quan hệ giữa nghệ thuật và sức khỏe tâm thần, đồng thời cho phép các kế hoạch chăm chữa cá nhân đầy hiệu quả sẽ tích hợp với hoạt động sáng tạo như một dạng thức của trị liệu.

[16.8.2011]

———————————————————————————————————————–

‘Trí tuệ cảm xúc’: tạm dừng sôi sục để hiểu biết thấu đáo hơn

Chắc chắn, cụm từ ‘trí tuệ cảm xúc‘ (emotional intelligence) nghe ra quá chừng quen thuộc, không hề xa lạ chút gì với độc giả. Thậm chí, lâu nay EI còn được xem là quan trọng gấp đôi so với chỉ số thông minh (IQ) và người ta cho rằng, 80% thành công phụ thuộc vào EI nữa cơ.

Tạm lắng lòng buông thư tí nhé, thử nhìn lại xem EI rốt ráo là cái món chi chi; đích thị sự thật về nó cần được thấu hiểu như thế nào?

Một thoáng lướt nhanh về trí tuệ cảm xúc

EI rất dễ gây bối rối vì có nhiều cấu trúc khác nhau, mỗi thứ lại được định nghĩa chẳng hề tương tự.

Mô hình dẫn đầu và là mô hình dựa trên nền tảng nghiên cứu lớn nhất chính là mô hình Mayer-Salovey.

Theo đó, EI được xem là khả năng

    • Nhận ra các cảm xúc hết sức chính xác
    • Khởi tạo các cảm xúc đủ để trợ giúp ý nghĩ
    • Thấu hiểu các cảm xúc và kiến thức về cảm xúc
    • Điều chỉnh các cảm xúc nhằm tăng thêm sự tiến triển của trí tuệ và cảm xúc [Mayer, J.D., & Salovey, P. (1997)]

Nói khác, đó là “sự kết nối mang tính hợp tác giữa trí tuệ và cảm xúc“. Mô hình này cũng nhìn EI như một khả năng hoặc tập hợp kỹ năng, hơn là một nét tính cách hoặc món ‘quà tặng’.

Rõ ràng, khung tham chiếu này của EI không tạo nên những tuyên bố mạnh mẽ như mình nghe lâu nay nhỉ.

Những quan điểm kiểu ấy thuộc các mô hình khác mà thực tế thì nhà nghiên cứu sử dụng mô hình này để gắng sức một cách chủ động hầu phơi bày các tuyên bố dân dã song lại không có nền tảng vừa nêu.

Vậy nên, nếu ta mới bắt đầu đọc về EI và băng qua các ganh đua, tranh cãi này nọ thì hãy tỉnh táo giữ thái độ hoài nghi, bởi biết đâu ta lại đang tiếp xúc với điều gì đó chẳng được nghiên cứu hỗ trợ.

Bốn phân nhánh của trí tuệ cảm xúc

Các kỹ năng và năng lực ‘mông má’ EI có thể bị bẻ gãy, gom vào 4 ‘phân nhánh’:

1) Tri nhận và biểu đạt cảm xúc

Chi nhánh này là năng lực nhận ra các dấu hiệu cảm xúc ở người khác, thông qua những thể hiện trên khuôn mặt, ngôn ngữ cơ thể và giọng nói; bao gồm cả năng lực phát hiện những biểu đạt cảm xúc giả dối.

Nó cũng gộp vào năng lực người ta biểu đạt cảm xúc riêng thông qua cùng những kênh nhắc tới. Ví dụ như người bán hàng biết ngay ai đang sẵn sàng mua hàng.

2) Dùng cảm xúc để hỗ trợ suy tư

Nhánh này phản ánh sự nhạy cảm đối với sự kiện rằng, một số cảm xúc cơ chừng thích ứng với một số kiểu loại suy tư nào đó hơn, và năng lực vươn tới kiến thức hết sức thông minh đòi hỏi đạt được này. Ví dụ, nhà doanh nghiệp biết tâm trạng tốt giúp ông sở hữu những ý tưởng độc đáo cho nên ông kích họat tâm trạng sao đó phù hợp trước khi tiến hành động não.

3) Thấu hiểu cảm xúc

Nhánh thứ ba này phân tích các cảm xúc, một sự nhận thức về các khuynh hướng xúc cảm, và sự hiểu biết những gì thường thành tựu từ những xúc cảm ấy.

Nó chứa năng lực gán nhãn và phân biệt các cảm xúc khác nhau, độ căng của chúng, và những chuyển biến nhất thời giữa những cảm xúc trái ngược nhau. Mức độ cao của kỹ năng trong nhánh này phản ánh mức độ cao của sự tự nhận thức (self-awareness).

4) Kiểm soát cảm xúc

Ở đây trình bày năng lực của cá nhân kiểm soát cảm xúc bản thân và cảm xúc người khác, tương xứng với những mục tiêu riêng biệt, kiến thức bản thân và các chuẩn tắc xã hội. Ví dụ, cậu bé con được dạy đếm đến 10 khi cảm thấy tức giận, hoặc huấn luyện viên thể thao thúc giục đội mình bằng bài phát biểu lan truyền tràn đầy cảm hứng.

Thứ tự các chi nhánh giới thiệu chừng mực năng lực được tích hợp vào phần còn lại của tâm lý con người. Điều này đích thị đòi hỏi phải giải thích kỹ càng hơn nữa.

Nếu tưởng tượng có một nhóm các hệ thống cảm xúc ở bộ não, thì nhánh thứ nhất tích hợp sâu xa nhất vào những hệ thống vặn xoắn, bền chặt này, trong khi nhánh thứ tư sẽ ít tích hợp nhất, và đa phần mở ngỏ biến thể thông qua trải nghiệm.

Điều này gắn khít với những quan sát khác như nghiên cứu thú vị của Paul Ekman khi ông mô tả các nền văn hóa bộ lạc có ít phơi bày với bên ngoài thường hay dùng lối biểu đạt khuôn mặt giống nhau nhằm thể hiện các cảm xúc giống nhau như là phần còn lại của thế giới (nhánh 1), và sự khác biệt giữa các nền văn hóa mà cảm xúc được thể hiện đúng y như nó là (nhánh 4).

Và như thế chốt gọn lại, EI quả rất đáng quan tâm và am hiểu thấu đáo, đặc biệt ta cần trang bị quan điểm thực tế hơn khi nhìn nhận để không bị những thổi phồng, quảng cáo luôn đi kèm theo nó làm lầm lạc, mê hoặc.

[20.7.2011]

——————————————————————————————————

Muốn đọc sách ở quán café: 10 điều cần tâm niệm!

Bài này chủ yếu hướng dẫn căn bản, nhanh gọn cho những ai chợt thay đổi thói quen ru rú xó nhà mà rậm rịch thích thú tới quán xá để đọc sách. Dưới đây là danh sách 10 điều cụ thể, kèm giải thích lý do đề nghị.

1. Lấy lòng cả chủ quán lẫn người phục vụ

Bước đầu tiên nhất thiết phải tuân thủ để đạt được mục đích cao đẹp đang bàn, chí ít nếu bạn mong đợi sẽ quay lại đó lần thứ hai. Nhiệt tình, chủ động bày tỏ cho họ biết bằng lời nói hoặc cử chỉ là mình thực sự biết ơn họ vô vàn.

2. Tìm chỗ ngồi thích hợp

Buổi sáng tinh mơ mở hàng hay giờ nghỉ trưa đông đúc, hoặc thời điểm xế chiều uể oải, thậm chí làng nhàng giữa ngày xung quanh vắng hoe đi nữa thì luôn luôn nhớ: nhất nhất mình phải yên vị ở đâu đó. Tuyệt đối tránh rơi vào tình huống bi hài đứng lên ngồi xuống ngậm ngùi.

3. Đọc giữa các dòng chữ

Ai từng dính dáng ít nhiều với sách vở đều biết cách triển khai kỹ thuật này rồi; diễn dịch nôm na nội dung là đều đặn thực hiện sát sao quy trình khép kín: lướt mắt xuống một tí thì lại vươn người sang hai bên; tay vừa lần giở trang xong sẽ chuyển sang nhìn trộm ngay xem tình hình động, tĩnh thế nào.

4. Đừng lắng nghe chuyện người

Đây là lời dặn cho thấy tính chặt chẽ trước sau với điều 4 nêu trên. Hết sức đơn giản và tường minh: đọc sách nơi chốn công cộng kiêng kỵ điều này, vì già trẻ lớn bé, ai vào đây cũng nghĩ mình đang được hưởng dịch vụ cực kỳ riêng tư, đảm bảo bí mật tuyệt đối.

5. Gọi đồ ăn thức uống rẻ tiền

Giá cả và thức món không bao giờ là chuyện nhỏ. Dù bất mãn và e sợ quê độ đến mấy, xin chớ kháng cự thái quá bằng hành động lập dị ngược lại. Kinh nghiệm thăm dò khôn ngoan chứng tỏ rằng, đây là dấu hiệu chắc chắn không có ai ghi nhận sự hiện diện của mình thêm nữa đâu, dù ta ngồi lì suốt buổi hay đôi bận hiên ngang giơ tay xin cốc nước lọc.

6. Mỗi ngày lật một vài trang thôi

Dục tốt bất đạt“, các cụ dạy thế. Chính thái độ mới tạo nên vấn đề. Như mọi sự việc ở đời, đọc sách hiếm khi nào bao chứa mục đích tối hậu tự thân.  ‘Show hàng, show hàng nữa, show hàng mãi‘ là câu khẩu hiệu thấm đẫm tinh thần thời đại cần được các fan người lớn hâm mộ truyện tranh ghi nhớ nằm lòng.

7. Ưu tiên nơi mở nhạc thoải mái

Tri giác âm thanh và tri giác hình ảnh gắn bó nhau như hình với bóng. Sự ồn ào đối với dân sách vở đã theo nghiệp lâu năm được chuyển hóa tài tình thành bài công phu thiền định, vì họ không bao giờ đầu tư cảm xúc cho nó. Hãy vui vẻ như chim vành khuyên thỏ thẻ chưa từng vui lần nào!

8. Cô độc, đó là bí quyết tuyệt chiêu

Xây dựng hình ảnh âm thầm đi về đòi hỏi một chiến lược bài bản, cốt kết hợp hài hòa giữa thói quen tiết kiệm và năng lực tự đánh giá, biết mình là ai. “Thư trung tự hữu hoàng kim ốc“; do vậy, nhốn nháo chia sẻ vội vàng với tha nhân sự giàu có âm thầm đào bới được đôi khi không phải là ý kiến hay.

9. Sách: chỉ mang theo 1 cuốn sách

Dài, ngắn tùy nghi, in giấy và ba lô không mang theo laptop cập nhật tin tức, dĩ nhiên.

10. Bình thường giữa đời thường

Trở thành giàu có là giấc mơ của người Mỹ. Kẻ đọc sách nước Nam chỉ nên lận lưng chút tài sản triệt để toàn cầu hóa bằng quan điểm ngó sâu động cơ ngõ hầu giác ngộ tầm quan trọng trong việc duy trì mối cân bằng tinh tế giữa muốn và cần.

Lời cuối, đọc sách ở quán café thực hư khó lường, coi chừng hậu quả hiện hữu làm nản lòng chúng sinh mê hình ngộ chữ: đau lưng nhức óc, phí tiền mất sức, vàng thau lẫn lộn, có cũng như không.

[18.7.2011]

—————————————————————————————————————————

Tại sao mại dâm mà không phải là mại dâm, và ngược lại?

Nhà chức trách ở Việt Nam vừa ra tuyên bố “Không thể coi mại dâm là một nghề“.

Chuyện vốn xưa cũ rồi, hình như sự vụ lại được khơi lên sau phát biểu của bà Bộ trưởng LĐ-TB & XH; bạn đọc của một tờ báo thì đa phần nêu quan điểm ủng hộ. Tin tức cập nhật cũng cho hay, tình hình mại dâm nam, đồng giới gia tăng.

Nhân vụ này, tôi lục tìm ngay trên mạng tâm tình ‘Vì nghèo, vợ tôi ngủ với sếp‘ đã thu hút ít nhiều ý kiến bàn ra tán vào; trong đó, đôi người lặp đi lặp lại cái câu ‘lấy đĩ về làm vợ được, chứ không được lấy vợ về làm đĩ’.

Cơn cớ nào có liên tưởng này? Đơn giản vì cả hai đều đề cập chuyện tình dục và thực tế, có mối liên kết giữa họat động mại dâm (sell sex) và đời sống hôn nhân- gia đình.

Một phụ nữ có thể nói hai điều khôn ngoan khá chua cay:

1. Điểm khác biệt giữa người vợ và cô gái mại dâm là một người làm bán thời gian mà thôi;

2. Khi trả thưởng cho một gã vì sex, cô í không trả thưởng cho anh ta bởi sex thuần túy mà trả thưởng để anh ta kết thúc, rời đi.

Xã hội cơ chừng khiến cho sex mang chất tội lỗi nếu nằm bên ngoài hôn nhân; lý do giải thích tại sao đàn ông lẫn đàn bà đều rối rắm khi trả thưởng vì sex. Nếu nó chính đáng, sự nhục nhã sẽ biến mất. Nhiều phụ nữ đổi chác sex vì gia đình riêng, giữ người đàn ông sung sướng với sex và có ngôi nhà đẹp, một ông cha của mấy đứa con mình, v.v… Đàn ông tham gia đổi chác sex thường kỳ nhằm lảng tránh sự ‘trống rỗng’, bằng cách nhặt ngẫu nhiên các cô nàng ham vui…

Nhằm giúp sinh viên hiểu thế nào là mại dâm (prostitute), trong lớp học có thể triển khai kịch bản các câu hỏi kiểu như dưới đây.

– Nếu phụ nữ gặp một người đàn ông và ra giá $20 cho việc ‘thổi kèn’ (blow job), vậy là cô ta đang bán sex? (tất cả gật đầu)

– Nếu một phụ nữ không thể trả tiền thuê trọ, nên cô ta ‘thổi kèn’ thay vào cho chủ nhà thì như thế cô ta đang bán sex đúng không? (tất cả tiếp tục gật đầu)

– Nếu một phụ nữ chơi trò ‘thổi kèn’ cho một người đàn ông đủ khiến anh ta chi trả cho cô ta chuyến đi chơi đắt tiền tới New York, nghĩa là cô ta bán sex? (bối rối chung và số gật đầu giảm đi trông thấy)

– Nếu một phụ nữ làm trò ‘thổi kèn’ cho một người đàn ông đến độ anh ta sẽ cưới cô ta và mua căn nhà đắt tiền, vậy cô ta có đang bán sex? (không ai gật đầu cả).

Một trong những bài báo kinh tế đầu tiên về thương mại tình dục, đã giải quyết ít nhiều cách thức làm thế nào để xác định thuật ngữ ‘mại dâm’.

Các tác giả nhận ra trong lối giảng giải đơn giản rằng, mại dâm là hành vi bán sex; có nhiều kiểu dạng để xác định hành vi bán sex và đâu đó trên tiến trình việc bán sex chấm dứt và dạng khác của quan hệ- như hôn nhân chẳng hạn- khởi sự.

Họ định nghĩa mại dâm như việc bán công khai, phô ra ngoài thứ sex không thai sản; việc sinh nở có thể xảy ra, song về phía người mua dâm không mong đợi quyền làm cha của bất kỳ đứa bé sinh thành nào.

Hôn nhân, trái lại, được xem như là việc bán cả hai loại sex không thai sản và sinh nở.  Sex bên trong đời sống hôn nhân không chỉ vì chuyện sinh nở, lỡ đứa bé chào đời như người đàn ông mong đợi thì anh ta tuyên bố quyền làm cha của những đứa trẻ ấy.

Bài báo khẳng định, tiền công trả cho các đối tượng hành nghề mại dâm (sex workers) đủ thích đáng để lôi chị em vào một thị trường– càng ngày càng có lời– sẽ loại trừ họ ra khỏi thị trường khác– thị trường hôn nhân.

Cũng cần biết rằng, phụ nữ hành nghề mại dâm trong một nhóm tuổi nào đó thường đã lập gia đình nhiều hơn hẳn, so với những chị em khác.

Chẳng hạn, số liệu ở Ecuador là 33% đối tượng hành nghề mại dâm thuộc độ tuổi 12-17 đã kết hôn, so với chỉ 2% người phụ nữ không hành nghề lập gia đình rồi; 29% phụ nữ hành nghề mại dâm 18-23 tuổi đã lập gia đình, so với 18% chị em khác.

Chỉ bởi vì một đối tượng hành nghề mại dâm lấy chồng rồi, đâu có nghĩa cô ta cũng hưởng lợi tương tự trạng thái hôn nhân như những phụ nữ khác. Nói cô ta không buộc phải từ bỏ lợi ích của hôn nhân lúc bước vào thị trường thương mại tình dục chắc chắn là một sự che lấp hết sức ngây thơ.

… Nếu thực sự định nghĩa rốt ráo mại dâm là điều cực kỳ thách thức thì có lẽ, nhìn nhận thấu đáo hôn nhân cũng khó nghĩ không kém.

[16.7.2011]

——————————————————————————————————————-

Lướt mạng nhiều sẽ thiếu khuyết điều tập trung chú ý

Lần gần đây nhất, bạn có cảm thấy thật hết sức khó khăn khi muốn ngồi yên ắng và tập trung vào để đọc một cuốn sách giấy in trong một tiếng đồng hồ, thậm chí chỉ 15′ phút thôi?

Lỗi đấy, nếu xảy ra, theo tác giả Nicholas Carr, là do hệ thống mạng lưới điểm toàn cầu (internet).

Trong cuốn sách xuất bản năm 2010, Carr tổng thuật các nghiên cứu cho thấy tác động của việc lướt mạng (web surfing) và làm nhiều việc cùng một lúc (multitasking) lên hoạt động chức năng của bộ não.

Ông đi tới kết luận rằng, chúng ta dần quen thói dính mắc vào dòng thông tin liên tục, bất tận trong các họat động trực tuyến đến độ mà bộ não lại kết bắt với tính cứ xao nhãng ra và rối rắm tùm lum (distractbility).

Chúng ta đang không ngừng xử lý thông tin quá mức; hiện tượng chưa từng tồn tại ở quãng thời gian về trước.

Với một cái nhấn nút, có thể biết ngay dự báo thời tiết, tin tức cập nhật mới nhất; mua hàng hầu như bất kỳ thứ gì; đọc các bài bình luận phim ảnh; và dấn bước vào hàng tá nhiệm vụ tích- lũy- thông- tin khác nữa– tất tật, đâu chỉ tốn nhõn chừng vài phút.

Song hiếm khi nào chúng ta dừng ngắt rồi ngẫm nghĩ những gì mình vừa đọc thấy trên mạng. Nghiên cứu về sự  đảo mắt chứng tỏ, thời gian trung bình dành cho một trang điện tử chiếm chưa tới 5 giây– đủ đọc cỡ tầm 18 từ.

Câu chuyện còn tiếp diễn ly kỳ. Giữa thời gian lướt các trang là kiểm tra hộp thư, trả lời tin nhắn, làm mới facebook và đáp ứng với những cửa sổ thôi thúc mình cập nhật các phần mềm… Tâm trí chúng ta bị khuấy đảo vô cùng; không gặp trục trặc khi muốn tập trung chú ý mới lạ!

Vậy, rốt cục chuyện này đem đến ý nghĩa gì cho bộ não?Có bằng chứng khoa học rằng, càng tham gia vào mẫu hình hành vi nêu trên thì bộ não càng dễ thích nghi với nó.

Do đó, nếu mình quen kiểu bật chuyển nhanh chóng cả chuỗi từ việc này sang trò khác, bộ não sẽ thực hiện nó càng dễ dàng hơn và càng tạo điều kiện cho mình tự nhiên tiến hành; cái giá phải trả là tính lung tung lang tang ghê gớm hơn, kém hẳn đi khả năng sáng tạo và suy ngẫm sâu xa.

Liệu điều này thường trực thế mãi? May mắn là không. Năng lực cho việc suy tư sắc sảo, tâm trí tinh luyện không mất đâu; nó chỉ bị ngủ quên. Để đánh thức nó dậy trở lại, cần rút phích tháo chốt hoàn toàn khỏi internet: nhất thiết phải lập kế hoạch đương đầu và luyện tập tự kiểm soát bản thân.

Dưới đây là một số mẹo vặt gợi ý… Mà thôi, mong thông cảm nhé, mình nên tắt máy rồi động não tìm kiếm biện pháp phù hợp với bản thân xem sao. Cầu chúc mọi người tận hưởng thời gian vui vẻ, như ý!

[12.7.2011]

—————————————————————————————————–

Điện thoại: thiền định, khó phân biệt giọng nói, kiểu nhạc chuông, nỗi ám ảnh máy rung và việc cải thiện quan hệ

Có rất nhiều người, khi nghe điện thoại thường hay bắt đầu bằng lối xưng danh hoành tráng với phong thái cực kỳ tự tin: “Alô, tôi (XYZ) nghe đây!“.

Cơ chừng thật dễ mến và gây ấn tượng tốt đẹp khi thể hiện vậy; may mắn nhất, họ không hề bị rơi vào trạng thái nhạy cảm quá mức nhằm thỏa mãn nhu cầu như những đối tượng thấy vô cùng khó khăn– nếu chẳng muốn nói là thiếu hẳn khả năng– để nhận ra người khác qua giọng nói, dù cho người nghe có thể hiểu được câu chữ trao đổi  (phonagnosia).

Lâu nay, triệu chứng này vốn chỉ xuất hiện ở những ai đang buộc phải chịu đựng vì não bị tổn hại.

Tuy nhiên, cứ liệu của một nhóm nghiên cứu do cô Lúcia Garrido và cộng sự tiến hành tại Viện Khoa học Thần kinh Nhận thức (London, Anh quốc), đã chứng thực trường hợp đầu tiên mà họ tin là mô tả hiện tượng tiến triển phonagnosia ở một phụ nữ hoàn toàn không bị tổn thương não.

KH, một phụ nữ 60 tuổi vào thời điểm trắc nghiệm, bảo với các nhà nghiên cứu là bà luôn gặp khó khăn ghê gớm trong việc nhận ra ai đó qua giọng nói của họ. Nhóm của cô Garrido khẳng định điều này trong hàng loạt bài thí nghiệm toàn diện.

KH không kể ra nổi các giọng nổi tiếng như của danh thủ David Beckham, từ những ai tuyệt bình thường và không có khả năng học hỏi nhằm liên kết các giọng mới mẻ với tên người sở hữu chúng. Ngược lại, bà KH thừa sức xác định các âm thanh ở môi trường xung quanh, nhận ra âm nhạc thân quen và phỏng đoán các cảm xúc từ các phát ngôn và âm thanh không lời.

Dường như phonagnosia nối kết một danh sách dài các khuyết thiếu đặc thù do bị tổn thương não hoặc khởi vào lúc sinh hay giai đoạn đầu đời. Những thứ khác gồm prosopagnosia (không có khả năng nhận ra khuôn mặt; gần đây, người ta cho rằng trạng thái này chỉ phát do tổn thương), dyscalculia (trục trặc với các con số), dyslexia (khó đọc), amusia (mù nhạc) và khiếm khuyết ngôn ngữ đặc trưng.

Các nhà nghiên cứu tuyên bố, sự tồn tại hiện tượng phonoagnosia hỗ trợ hiểu biết về khối kết cấu liên quan tới xử lý giọng, rằng đây là ý tưởng các khía cạnh khác biệt của giọng nói– như cảm xúc và nét tính cách định dạng– thường được xử lý hoàn toàn độc lập trong não bộ.

*********

Hic, thiệt tình là ở góc độ nào đó, chúng mình giông giống con chó của Pavlov lắm rứa– chuông reng và con chó tiết nước bọt. Kiến thức chương trình nhà trường phổ thông; đây là phản ứng ‘điều kiện hóa cổ điển’.

Ý tưởng này biến hóa ra sao nếu cốt chữa lành các mối quan hệ?

Thực tế, các cặp quan hệ trục trặc thì thường truyền thông hỗn loạn và trao đổi xà bần tùm lum qua hình thức điện thoại hoặc nhắn tin. Những cuộc dùng máy cãi cọ như thế dễ bất chợt diễn ra mỗi ngày, thi thoảng kéo đôi ba tháng liền hoặc dây dưa cả năm (?).

Một khi càng khởi đầu điện thoại nặng nề, và tiếng chuông cực kỳ độc đáo, riêng biệt thì càng dễ trải nghiệm tiêu cực– chuông điện thoại reo và người co rúm lại.

Nghiên cứu chỉ ra, trong các mối quan hệ lành mạnh chứa tỉ lệ 5: 1 giữa mức độ xuất hiện trải nghiệm tích cực và trải nghiệm tiêu cực.

Để giúp các cặp giải quyết xung đột, một trong các mục tiêu trị liệu chính yếu là đem lại nhiều trải nghiệm tích cực hơn. Các cặp dần học hỏi phương thức làm sao truyền thông theo những cách không mang tính xung đột và biết nhận ra, đồng thời chấp nhận mời chào người kia nhập cuộc với sự chú tâm tích cực. Họ cũng học cách lãng mạn hóa trở lại quan hệ.

Tuy vậy, tiếng chuông điện thoại quen thuộc ấy có thể ném phứt tiến trình thiện chí vừa nêu. Vì điều kiện hóa, kiểu âm thanh trở nên liên kết với trải nghiệm gây đớn đau, kinh sợ. Do thế, bất chấp dự tính tốt đẹp đến mấy, mới nghe chuông reo thôi và trước khi đầu kia kịp mở lời là mình đã thấy dạ dày co thắt, sẵn sàng tinh thần đấu khẩu tiếp tục rồi.

Gợi ý cực kỳ rõ ràng: thay kiểu nhạc chuông đi, nếu muốn sửa chữa lỗi lầm và đã quá chán những cuộc văng miếng khủng khiếp!

*********

Tôi tin, chí ít với những ai sử dụng điện thoại di động, không dưới một lần chúng ta từng nhầm tưởng chuông reo và/ hoặc máy rung lên trong túi; hay ai đó chợt giật mình thảng thốt nhìn quanh khi tiếng chuông đâu đó chợt vang lên…

Đích thị, hiện tượng ám sợ tiếng chuông điện thoại (‘ringxiety‘= ringer + anxiety).

Theo tác giả thuật ngữ, TS. David Laramie, người ta phụ thuộc khá nhanh về mặt cảm xúc với điện thoại di động, vì sự tự nhận thấy giá trị của bản thân (self-worth) hoặc do nhu cầu cần kết nối. Dẫu thế, các chuyên gia âm thanh tin rằng, nghe tiếng nhạc chuông quen thuộc dễ gửi tín hiệu mong đợi hành động tới bộ não; dưới góc độ tâm lý học, người ta gọi đó là đáp ứng kích thích có điều kiện.

Lý giải nguồn cơn thế nào chăng nữa, nghiên cứu (pp. 81-203) chứng tỏ, ringxiety hình như vẫn hiển hiện ở đây, chốn này.

Xin thoải mái chia sẻ trải nghiệm, nếu nỗi ám sợ máy rung, chuông kêu khiến bạn cảm thấy phấn khích đủ nhiệt tình kể lại cho nhau nghe.

*********

Vâng, đáp ứng được điều kiện hóa tương tự theo hướng tích cực sẽ xảy ra khi một âm thanh gắn với một trải nghiệm thú vị, vui vẻ.

Và tốt hơn nữa, nên nhớ giữ mình thư thái và tập thói quen mỉm cười khi chuông reo– một dạng thiền điện thoại.

Lần tới, khi điện thoại reo, chúng ta hãy ngồi yên tại chỗ và ý thức về hơi thở của mình: ‘Thở vào, tôi an tịnh toàn thân. Thở ra, tôi mỉm cười.’ Khi điện thoại reo lần thứ hai, ta cũng thở như thế. Điện thoại reo lần thứ ba, ta cũng tiếp tục thực tập hơi thở, sau đó ta mới nhấc điện thoại lên. Hãy luôn nhớ rằng, ta có thể làm chủ chính mình, an trú trong chánh niệm và đi như Bụt đi. Khi nhấc điện thoại lên, chúng ta mỉm cười, mỉm cười không chỉ cho riêng ta mà còn cho cả người kia nữa. Nếu chúng ta cáu kỉnh hoặc nổi giận, thì người kia sẽ nhận được nguồn năng lượng tiêu cực đó. Nhưng nếu chúng ta mỉm cười thì người kia sẽ may mắn nhận được nguồn năng lượng tươi mát của ta.

Trước khi gọi điện cho ai, hãy thở vào, thở ra hai lần và đọc thầm bài thi kệ:

Tiếng đi ngoài ngàn dặm
Xây dựng niềm tin yêu
Mỗi lời là châu ngọc
Mỗi lời là gấm thêu.

 Rồi nhấc điện thoại lên và bấm số. Khi chuông điện thoại reo, có thể người bạn của ta cũng đang thở, mỉm cười và sẽ không nhấc điện thoại lên ngay cho đến tiếng chuông thứ ba. Hãy tiếp tục thực tập: ‘Thở vào, tôi an tịnh toàn thân. Thở ra, tôi mỉm cười.’ Cả hai, mình và người bạn bên kia đầu dây đều đang thở và mỉm cười. Thật đẹp! Mình không cần phải đi vào thiền đường mới thực tập điều mầu nhiệm này. Nó có sẵn trong nhà hay trong văn phòng của ta. Thực tập thiền điện thoại có thể giúp ta trung hòa những căng thẳng hay trầm cảm trong ta và ta có thể mang Bụt vào đời sống hàng ngày của mình.

Vì quả tim khỏe mạnh, máu huyết thông suốt nhẹ nhàng và thân tâm bình yên cùng mong mỏi củng cố mối quan hệ hòa hợp, mong độc giả thử một lần thực tập xem sao nhé!

ơ08.7.2011]

—————————————————————————————————————————-

Rụt rè và e ngại: sách lược tiến hóa?

Bài báo hấp dẫn mang tên Thấu hiểu tâm trí lo lắng chỉ ra rằng, nhiều người chúng ta sinh ra với thiên hướng nhút nhát và hết sức băn khoăn.

Tính khí mình thể hiện trong thời mới lọt lòng, nhỏ tuổi (rụt rè đối với dạn dĩ, độ phản ứng cao đối với độ phản ứng thấp, lo lắng trong những tình huống mơ hồ đối với những tình huống rõ ràng, v.v…) đa phần chịu ảnh hưởng bởi di truyền và duy trì suốt đời.

Mời đọc về sự rụt rè; lần đầu tiên tác giả ghi nhân sự tái định khung tính rụt rè vào ‘rối loạn ám sợ xã hội’ (SAD), bởi các quảng cáo của công ty dược phẩm trên TV đang tìm cách bán các loại thuốc ngăn chặn tái hấp thu chọn lọc serotonine như Zoloft chẳng hạn .

Bài báo vừa nêu tiếp tục cuộc thảo luận thú vị về các khía cạnh tích cực và bất lợi của việc là một nữ tu hay một kẻ lang thang.

[06.7.2011]

————————————————————————————————-

Cuối tuần lặng lẽ nghe ‘Chủ nhật buồn’

Lần đầu tiên, nghe một lượt bài hát Chủ Nhật Buồn bằng các thứ tiếng Hung, Anh, Pháp và Việt do các ca sĩ thuộc cả hai giới trình bày.

Nhớ dạo nào gió rét mới biết đến, chủ yếu vì ấn tượng gieo rắc chết chóc, cảm thấy bài hát quả ít nhiều khiêu khích tâm tưởng.

Giờ tháng Bảy nắng nóng, lòng người tĩnh tại, ai hay giai điệu ấy vẫn lan tỏa vòng sóng buồn thảm, não nề vì thế giới miên viễn u uẩn, mất mát, chẳng chịu buông lơi, dừng nghỉ bao giờ.

Tại sao âm nhạc tạo cho ta cảm nhận?

Con đường giao thoa vần thơ- điệu nhạc và sự  vận chuyển văn hóa bài hát ‘Chủ Nhật Buồn‘ chứng minh tính sóng nhịp của bộ não.

Thực tế, tuy nhịp (rhythm) là thành phần cơ bản trong ứng xử âm nhạc, song có lẽ do sự phức tạp phong phú và hài hòa của hệ thống âm giọng Tây phương nên tâm lý học âm nhạc và khoa học thần kinh về âm nhạc nhắm nhiều tới cấu trúc thang bậc về độ cao của giọng (pitch), giai điệu (melody), bè (tonality) và hòa âm (harmony).

Dẫu vậy, nếu xem xét nét đa dạng trong các ngôn ngữ âm nhạc ở nhiều xã hội khác nhau thì nhịp nhanh chóng xuất hiện trước nhất như  là thành phần thường gặp của hành vi nhân loại. Nhiều nền văn hóa nhấn mạnh nhịp, với giai điệu giữ vai trò ít quan yếu hơn. Ngoài ra, nhiều nhà trị liệu và giáo dục âm nhạc coi trọng vai trò của nhịp trong công việc họ thực hiện.

Nghe ‘Chủ Nhật Buồn‘ nghĩ phần thưởng mà âm nhạc đem lại đúng là sự xoa dịu, ve vuốt, thuyên giảm đau thương.

Lần nữa băn khoăn rốt cục, âm nhạc là sự dụ khị, chăm bẵm, dính kết hay nó đơn thuần chỉ là món ‘bánh kem âm thanh’? (thảng hoặc, nó lưu danh kiểu chơi neurofunk độc sáng của một người mắc Tâm thần phân liệt.)

Âm nhạc được tìm thấy trong mỗi nền văn hóa và có lý thuyết nói rằng, nó là điềm dự báo mang tính tiến hóa cho sự ra đời của ngôn ngữ.

Trong khi ngôn ngữ cho phép ta đưa ra những tuyên bố mang tính đề xuất, ‘giàu thông tin’ thì âm nhạc dẫu mơ hồ hơn song lại là thứ phương tiện chuyển tải cảm xúc siêu tuyệt.

Quyền năng thấm đẫm cảm xúc này thường xuyên hỗ trợ người mắc Alzheimer, trầm cảm, cũng như  giúp ta hiểu bằng cách nào mà việc hát hò có thể khiến bệnh nhân đột quỵ khôi phục giọng đã từng lạc mất.

… Cuối tuần lặng lẽ nghe ‘Chủ Nhật Buồn‘ thế nào lại lan man chủ đề âm nhạc, ngôn ngữ và cảm xúc. Quái quỷ thật.

[03.7.2011]

————————————————————————————————-

Sắp đặt “Núi” và suy nghĩ ‘dời non lấp bể’

Gần trưa nay, tranh thủ đi xem sắp đặt của một bạn nước ngoài; đến nơi còn sớm 30′ so với thông báo giờ mở cửa, song tiếc công lội bộ ra lại ngại trời oi bức nên cứ mạnh dạn đánh tiếng báo với chủ nhà…

Chỉ có mỗi khách, là mình. Trao đổi với cô đón tiếp và cũng là người duy nhất có mặt ở gian triển lãm– vốn là một căn phòng ở- về ý tưởng của tác giả sắp đặt.

Vâng, mọi sự là cuộc chơi; đơn giản và dễ thương, tuy có đôi chút hụt hẫng trong tâm tưởng. Cô í hơi ngạc nhiên khi nghe nói rằng, nước tượng trưng cho sự thông minh còn núi gợi lòng nhân.

Thật vui khi bạn có thể thay đổi, chuyển dịch các ngọn núi làm bằng gối bông (màu sắc và hình thể lớp vải bọc ngoài in từ bản khắc gỗ).

Cho dẫu ta đang đứng cao vời vợi và khổng lồ tư thế so với những ngọn núi bé nhỏ, nằm trong tầm tay kia, song cảm giác ái ngại vì sự lệch pha văn hóa lập tức kéo bản thân về lập trường quen thuộc ngay liền.

Cái ý nghĩ ‘dời non lấp biển’ nếu nảy nòi hết sức táo bạo thì chỉ có thể nảy nòi khi bạn tôn vinh sức mạnh của ý chí người, coi trọng hình ảnh cá nhân và ưu tiên tạo tác mối quan hệ nhị phân chủ thể- đối tượng rất phương Tây.

Bởi rốt ráo ra, không thể không chú ý rằng kiếu trúc Việt đều bố trí hài hòa với thiên nhiên, gây cảm hứng nhất thể linh thông và góp phần chứng tỏ vạn vật đều có tư duy mà ta nếu biết cách sẽ xuyên thấm nhau được.

Xem sắp đặt gọn gàng, đơn giản mang tên “Núi” để càng nhớ hơn lời của chuyên gia marketing nổi tiếng Seth Godin đưa nghệ thuật bên cạnh quan niệm về công việc rằng, nghệ thuật là cách thế nhân loại giải quyết vấn đề theo lối mà nó chưa từng được giải quyết như vậy trước đây.

[19.6.2011]

————————————————————————————————

Bắt chước, được nhiều mật thiết

Lúc bắt đầu gặp gỡ và khởi sự chuyện trò, thường chúng ta khá khác biệt, nói với nhịp điệu không giống nhau, ít hoặc nhiều sinh khí đi kèm với việc sử dụng các từ ngữ có thể vô cùng xa lạ…

Rồi sau đôi ba khoảnh khắc trao đổi, dần chúng ta thấy mình dùng tốc độ phát ngôn tương tự, ngả người nghiêng về hướng đối tượng hơn, thậm chí còn hào hứng ví von xài lại câu chữ của phía bên kia…

Theo nghiên cứu về sự bắt chước, điều này xảy ra hoàn toàn tự động giữa các cá nhân. Sao cóp những lối biểu đạt, cách thể hiện riêng này nọ, hoặc ngôn ngữ đặc thù của người khác dễ khiến cho việc giao tiếp trở nên thuận lợi hơn và chứng tỏ mình chia sẻ sự tương đồng, phổ biến.

Kết quả, mọi người thích nhau hơn.

Chia sẻ động dung khuôn mặt có thể còn làm tăng thêm sự đồng cảm– giúp người ta hiểu mình đang cảm thấy ra sao

Điều hơi đáng tiếc sẽ khiến cho hiệu ứng này hạn chế phát huy, như nghiên cứu gần đây chỉ ra, nếu các  cơ mặt bị hỏng hóc, suy kém (ví dụ, tiêm Botox): các cơ mặt ngăn cản việc lây nhiễm hoặc biểu lộ cảm xúc.  Nói khác, khả năng diễn tả khuôn mặt người khác hết sức quan trọng để hiểu anh ấy/ cô ta đang cảm thấy thế nào.

Bắt chước, tất nhiên, cũng được ứng dụng trong giao tiếp văn bản. Nghiên cứu cho thấy, người ta nắm bắt thật tự nhiên phong cách viết lách của kẻ khác.

Tỷ như, khi đáp ứng với một câu hỏi văn bản, những người tham gia hầu như hay dùng tương tự các tình từ, giới từ, v.v…

Đi xa hơn, giới nghiên cứu xem xét các cứ liệu lịch sử là thư từ trao đổi giữa các nhà tâm lý học nổi tiếng như Sigmund Freud và Carl Jung, hoặc giữa các thi sĩ lừng danh như Elizabeth Barrett Browning và Robert Browning.

Với những cặp đôi này, nét tương đồng trong viết lách được tìm thấy nhiều lần thể hiện sự tương giao hài hòa và hạnh phúc giữa họ.

Lần tới, xin cố gắng bắt chước cho thật tốt, thay vì chỉ đơn giản thể hiện dạng thức xu nịnh, tâng bốc; bởi nó thậm chí, còn có thể cải thiện quan hệ của ta nữa đấy.

[13.6.2011]

—————————————————————————————————

Suy nghĩ lầm lạc là do rền la vu vơ quá

Rên rỉ, rền la thực chất thể hiện tính chất bất lực trong khi phàn nàn về điều gì đó mà chúng ta không tin là mình đủ sức để tạo ra sự thay đổi.

Với thế giới tham vấn, nhà trị liệu/ tâm lý gia/ chuyên viên tham vấn có thể cùng thân chủ trao đổi về vấn đề tâm điểm kiểm soát (locus of control); nôm na, đó là niềm tin chúng ta cho đâu là nguyên nhân của các sự kiện xảy đến trong đời mình.

Có hai loại tâm điểm kiểm soát: nội tại (bên trong mình) và ngoại giới (ở ngoài ta).

Người đặt tâm điểm kiểm soát ở bên trong thường cho rằng hành vi, ứng xử của họ được dẫn dắt bởi các nỗ lực và quyết định của bản thân, và họ kiểm soát những điều họ có thể thay đổi.

Do các cá nhân mang tâm điểm kiểm soát nội tại tin là họ kiểm soát được hoàn cảnh nên họ thường quản lý căng thẳng tinh thần (stress) tốt hơn.

Trái lại, đối tượng tin lối tâm điểm kiểm soát ngoại giới thì nhìn nhận những hành vi và đời sống của họ hay bị điểu khiển bởi may rủi hoặc định mệnh. Hệ quả, họ quen nghĩ cuộc sống và hoàn cảnh của bản thân mình như là nạn nhân ở đời và bị số phận bạc đãi.

Kiểu nhìn tâm điểm kiểm soát nội tại (tin mình có quyền năng đối với hành động của chính mình) thường đi kèm với độ hiệu năng của bản thân (self-efficacy)– niềm tin mình đủ khả năng thực hiện điều gì đó một cách thành công (Donatelle, 2011).

Nói chung, người nào rền la vu vơ quá thì thường quen thói bận tâm với những suy nghĩ lầm lạc hoặc nhận thức méo mó.

Những suy tư lầm lạc là khuynh hướng chăm chắm nhắm vào thông tin không đủ đầy hoặc thiếu chính xác, rồi vụt lao tới kết luận hoặc tạo nên những dự đoán (Palmer & Szymanska, 2007). Các mẫu thức suy tư này thường là nguyên nhân của việc nghĩ ngợi tiêu cực, dẫn đến thói quen khó chịu là rền la vu vơ, vớ vẩn.

Dưới đây là những suy tư lầm lạc phổ biến:

  • Vội vã kết luận— đột ngột đưa ra ngay kết luận mà không có thông tin thích hợp.
  • Lối suy nghĩ ‘tất cả hoặc không có gì’– lượng giá các trải nghiệm dựa trên nền tảng của sự thái quá, cực đoan. Ví dụ, ‘Mình luôn luôn thất bại’.
  • Đổ lỗi, quy tội— không chịu lãnh nhận trách nhiệm và đổ lỗi, quy tội cho ai đó hoặc điều gì khác là nguyên nhân của vấn đề.
  • Tán tụng, thổi phồng— phóng đại, làm mất đi mức độ liên hệ thực chất giữa các sự việc, câu chuyện.
  • Cá biệt hóa— làm cho mọi thứ thành phù hợp với riêng cá nhân mình.
  • Bói toán– cho rằng mình nắm bắt được, biết tương lai sẽ thế nào.
  • Gán nhãn— phân loại, xếp hạng và định danh bản thân. Ví dụ, ‘Mình là kẻ thất bại’ hoặc ‘Mình là đứa ngu ngốc.’
  • Giảm thiểu hóa–xem nhẹ, đánh giá thấp nhất vai trò,vị trí của ai hoặc điều gì đó trong một tình huống. Ví dụ, ‘Kỳ thi ấy cực dễ vì mình đã được điểm ngon lành.’
  • Kém sức chịu đựng sự thất vọng— làm suy yếu đi năng lực bản thân trong việc chịu đựng sự thất vọng hoặc những tình huống gây stress do tự nhủ rằng, ‘Mình không thể chịu đựng nổi nó đâu.’

[07.6.2011]

—————————————————————————————————

Cuối ngày Tết Đoan Ngọ

mới nhắc tới các món dân dã và sự biếu tặng.

Nhân Tết Đoan Ngọ (Mồng Năm tháng Năm âm lịch)– dù ở ngoài Bắc hay trong Huế– thì nếu để ý kỹ, sẽ thấy rộng ra một đặc điểm chung thú vị: mỗi nền văn hóa, thuộc vùng miền nào đó thực tế đều có một chế độ ăn uống… hạn chế, định mức; chính chúng, trong sự hạn chế, định mức ấy, lại có thể tìm thấy đầy đủ mọi thành phần dinh dưỡng người đời xưa nay đòi hỏi từ 0 tới 100. Và lý do căn bản nên sử dụng sản phẩm địa phương: nó tạo ra mùi vị ngon hẳn.

Cuốn sách với chủ đề mới nhắc tới đã xốn xang được bàn bạc khá rành rẽ trong tiết trời mưa lớn vừa tạnh ngớt. Ba nghĩa vụ bắt buộc liên quan: biếu tặng, đón nhận và đáp trả; cái nguyên tắc có qua có lại mới toại lòng nhau này đích thị là vốn xã hội được tạo dựng dựa vào lòng tin.

Phương thức truyền thông chuyển đổi bước ngoặt: từ ngữ của mồm miệng ai đó sang từ ngữ của con chuột bàn phím; do vậy, cần phải đáp ứng khách hàng, đối tác đầu tiên và trước nhất rồi đào sâu độc đáo nhất những gì đang diễn ra hầu tiếp tục phục vụ hiệu quả hơn sau này nữa, chứ không thể đợi chờ mơ hồ về thời gian giao dịch như trên. Mục tiêu sáng giá của doanh nghiệp xã hội: giàu có nhờ làm tốt.

Tròm trèm nửa năm Tân Mão 2011…

[06.6.2011]

———————————————————————————————-

Hiện thực sống động

Dường như chia sẻ trăn trở tinh thần của GauguinChúng ta từ đâu đến – Chúng ta là ai – Chúng ta đi về đâu’, họa sĩ Phan Cẩm Thượng gắng gỏi hoàn thành tác phẩm Văn minh vật chất của người Việt dày hơn 600 trang sách sau 20 năm, kể từ khi khởi tạo ý tưởng.

Lần đầu tiên tại Việt Nam có một cuốn sách như thế; rất đáng mua về và đọc tại mỗi gia đình; tuy nhiên, chủ yếu tác giả nhắm tới con người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ và khu vực lận cận, mà chưa khảo sát kỹ càng các vùng đất khác của Tổ quốc.

Buổi ra mắt cuốn sách chiều nay hơi nhuộm nhoạm, ồn ào vì ghế ít, sắp đặt lộn xộn và các bạn trẻ nói chuyện riêng quá tự nhiên; kết thúc, tác giả có lời mời khách tham dự món bánh nếp, bánh tẻ do đứa em ở quê nhà Bắc Ninh làm.

Mời thưởng ngoạn sơ bộ cả nội dung lẫn phần tranh minh họa do chính tác giả phác thảo để càng hiểu thêm về đời sống cha ông mấy ngàn năm trước, vào thời kỳ hào hùng của dân tộc mang tinh thần Đại Việt; mà theo nhận xét của họa sĩ Phan Bảo, cần tìm hiểu để rồi bổ sung thêm văn minh thuộc con người Đại Nam và Việt Nam.

Chỉ điểm tin; blog Tâm Ngã sẽ trở lại chủ đề sớm nhất chủ đề ‘tôi là ai?” vào ngày mai.

[31.5.2011]

—————————————————————————————————————–

Những người tin vào thuyết Ngày Tận Thế nghĩ gì sau ngày 21.5.2011?

Câu trả lời duy nhất đúng: họ không hề vướng bận chi cả!

Tôi quan tâm tới sự kiện giật giân siêu khủng này vì biết nó đã làm tiêu tốn gần 100 triệu dollars để tuyên truyền rộng khắp tin tức; mạng báo điện tử ở Việt Nam cũng linh hoạt đưa tin rầm rộ: đây, đây đây

Bây giờ đã sắp hết ngày 22.5 rồi; với những ai hoài nghi, thời điểm này là dịp tốt để  cười cợt, la ó.

Kỳ thực, với các tín đồ chuẩn bị cho việc thế giới sẽ gánh lấy đại họa vào 21.5.2011, họ chẳng thực sự phải đương đầu khi thời gian mặc định ấy trôi qua và thế giới vẫn yên bình.

Bởi vì với họ, sự va đập lớn giữa lý thuyết họ tin và sự kiện thực tế chưa từng xảy ra.

Bởi vì, họ đã và đang củng cố lý thuyết đủ đảm bảo các sự kiện gây tranh cãi nêu trên không thể gây rắc rối cho tính tích hợp của lý thuyết.

Tâm lý của những người xử lý với sự tiên tri thất bại càng giúp kẻ ngoài cuộc chúng ta hiểu thấu hơn tại sao niềm tin lại trở nên đàn hồi và mạnh mẽ hơn bao giờ đến vậy.

[22.5.2011]

—————————————————————————————————-

Tin tức chính xác về sau ít tác động tới niềm tin của chúng ta

Hôm qua, lại thấy báo chí nhắc tới nhân vật Osma bin Laden khiến tôi nhìn kỹ chi tiết Mỹ sửa lại một số thông tin liên quan về vụ tiêu diệt ông trùm này.

Chuyện nọ xọ chuyện kia, tôi nhớ tin đưa ban đầu về vụ Cù Huy Hà Vũ có tang vật cực kỳ ấn tượng “2 bao cao su đã qua sử dụng“; về sau, việc họp báokhởi tố thực sự đã chuyển sang hướng luận tội khác hẳn.

Như thế, cách đưa tin ở cả hai vụ việc trên đều có chỉnh sửa so với phiên bản ban đầu.

Ở đây, không bàn tại sao xảy ra sự chỉnh sửa ấy cũng như tính chất của một chiến lược truyền thông có cân nhắc.

Tất cả những gì muốn nêu lúc này là nghiên cứu cho thấy rằng, ngay cả khi tin tức đã được chỉnh sửa (theo hướng chính xác, phù hợp hơn) và thậm chí chúng ta đã nhận thức về sự chỉnh sửa đó thì niềm tin của chúng ta chủ yếu dựa trên phiên bản sai lệch ban đầu của câu chuyện.

Nhận định trên sẽ càng đúng khi chúng ta có động cơ xác nhận tin ban đầu.

Cần biết, tác giả nghiên cứu vừa dẫn không những có nhiều năm theo đuổi đề tài và dựa trên các cứ liệu trắc nghiệm mà còn tìm hiểu các báo cáo chỉnh sửa thông qua tình hình thực tiễn của chính cuộc chiến tranh Iraq nữa.

Nhiều nghiên cứu gần đây ủng hộ cho quyền lực ghê gớm của thứ tin tức gây sốc được tung ra lúc ban đầu.

Tác động xúc cảm của phiên bản thứ nhất ấy gây ảnh hưởng nhỏ xíu tới khả năng thuyết phục sau khi chỉnh sửa, và thông tin lầm lạc, sai lệch tiếp tục ảnh hưởng ngay cả khi nó được hồi nhớ hết sức nghèo nàn hơn bản chỉnh sửa nhiều.

Giới chuyên môn còn khuyến cáo dư luận rằng họ có thể bị lạc lối và dối lừa mà không xua tan nổi tác động rơi rớt lại của thông tin sai lệch sau khi nó đã được chỉnh sửa.

[20.5.2011]

————————————————————————————————-

Thứ Sáu ngày 13

Hôm nay, thứ Sáu ngày 13; duy nhất trong năm 2011 này có sự kiện như thế, khác hẳn với năm 2009 những tới 3 lần.

Về chủ đề này, hiện đã xuất hiện 4 nghiên cứu khoa học ngắn minh họa khá tiêu biểu, rất đáng tham khảo:

Radun I, Summala H (2004). Females do not have more injury road accidents on Friday the 13th.

Exadaktylos AK, Sclabas G, Siegenthaler A, Eggli S, Kohler HP, Luterbacher J. (2001). Friday the 13th and full-moon: the “worst case scenario” or only superstition?

Veale D.(1995).  Friday the 13th and obsessive compulsive disorder.

Scanlon TJ, Luben RN, Scanlon FL, Singleton N.( 1993). Is Friday the 13th bad for your health?

Một dạ hội diễn ra bên Hoa Kỳ tối nay gây nhiều cảm xúc trái ngược; minh họa 13 điều kỳ cục từng xảy đến . Nỗi ám sợ mang tên Friggatriskaidekaphobia ấy xuất phát từ sâu xa, căn bản  của lịch sử cổ đại; khi sự mê tín thắng thế.

May mắn vì ngày sắp hết rồi.

[13.5.2011]

————————————————————————————————

Đồ ăn thức uống dưới sức chiếu của Hiệu ứng Vầng Hào Quang

Bài dễ thương ghê, từ cách đặt tiêu đề cho tới nội dung giới thiệu quán:

Vào nhà hàng, khách được đãi ba món ăn trong lúc chờ món yêu cầu dọn ra. Đầu tiên, món củ mì hấp nước cốt dừa, rắc muối mè thơm, béo. Ớt ba lửa gồm ba loại ớt xếp theo cấp: cay nhiều, cay vừa và thơm nhưng không cay. Món thứ ba là củ cải muối chua nhâm nhi trong lúc chờ đợi.

Cái vụ đồ ăn thức uống quả là quá dễ dàng quyến rũ, dụ khị chúng sinh hết một đời người.

Cá nhân tôi nhớ thèm ứa nước miếng cơm hến cay chảy nước mắt, canh bầu hít hà nóng thơm cả dạ, cùng các loại bánh ăn vặt bốn mùa và dài dọc suốt ngày; thực lòng, ẩm thực Huế cao siêu độc hạng lắm chi để trót cứ mơ hồ sương khói ẩn tàng khiến thiên hạ vì yêu mà còn mê mướt mồ hôi kiếm tìm

Hiệu ứng Vầng Hào Quang (Halo effect) phản ánh định kiến nhận thức liên quan tới tri giác về nét tính cách, yếu tố này ở một người, sự vật lại chịu ảnh hưởng bởi việc tri giác nét tính cách, yếu tố kia của cùng người, sự vật ấy.

Nghiên cứu thú vị mới đăng tải tháng vừa rồi đây lưu ý sự kiện là một khía cạnh tích cực quy cho loại đồ ăn nào đó có thể tỏa chiếu ‘vầng hào quang’ bao quanh nó đến độ chúng ta dễ tri giác sai lệch tất cả các khía cạnh khác còn lại của đồ ăn cũng tuyệt cú mèo luôn tuốt.

Hiệu ứng vầng hào quang không chỉ tác động thứ ta ăn mà còn tới cả cách ăn nữa.

Chẳng hạn, nghiên cứu chỉ ra người ta có xu hướng tiêu thụ nhiều calo tại các nhà hàng tuyên bố họ phục vụ đồ ăn ‘lành mạnh hơn’, so sánh với lượng thức ăn người ta dùng tại các điểm bán bánh hamburger rán. Lý do: khi nghĩ đồ ăn nào đó càng nhiều dinh dưỡng, người ta càng ít để ý cẩn thận lượng calo nạp vào– khiến họ vô tư ăn no càng hoặc cho phép mình được nuông chiều.

Ngoài ra, lý thuyết hiệu ứng vầng hào quang còn áp dụng với nhiều kiểu dạng thức ăn được khẳng định là lành mạnh. Tỷ dụ, khá quen thuộc chuyện dân chúng cho sản phẩm chức năng thì bổ dưỡng hơn chỉ bởi sự kiện đơn giản: nó được gán cái nhãn ‘chức năng’.

(Hèn chi, món trà dược thịnh hành kinh khủng; riêng ở Hà Nội, trên vỉa hè phố Cát Linh đêm nào cũng chật cứng người ngồi uống trà bát bảo).

Kết quả kiểm tra giả thuyết trên chỉ ra, các đối tượng tham gia thực nghiệm hầu hết thích mùi vị của thức ăn gán nhãn chức năng và họ bảo rằng các thực phẩm giống nhau này có lượng calo ít hơn hẳn, ít béo hơn, nhiều chất xơ và nhất trí giá cao hơn; thậm chí, các loại khoai tây rán (chip) và bánh quy (cookies) gắn vào mác chức năng còn được đánh giá là rất bổ, giàu dinh dưỡng.

Thực tế, câu chuyện sức khỏe và an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến vô cùng khó lường; mục tiêu xây dựng gia đình khỏe mạnh và người tiêu dùng thông thái e chừng mị dân, chưa thoát khỏi lối hô hào khẩu hiệu.

Cùng với việc truyền thông thích thú giới thiệu nét truyền thống, mới lạ vùng miền (đặc sản thịt lợn sống), nhiều người vẫn bị lừa bởi các nhãn mác đánh vào sở thích, thị hiếu tiêu dùng như ‘chức năng’ chẳng hạn để rồi hồn nhiên mặc định mình đang dùng loại thức ăn bổ dưỡng– dù rốt cục lắm lúc nó cũng chẳng lành mạnh như bao thứ đồ ăn thức uống thông thường khác mà thôi.

[11.5.2011]

———————————————————————————————

Vì sao ‘kiểm soát’ trở thành vấn đề của cả bố mẹ lẫn học sinh?

Vốn đã biết tin Hội Tâm lý – Giáo dục Biên Hòa tổ chức Hội thảo từ lâu, song nội dung ngày làm việc được báo chí tường thuật với tựa đề “Cha mẹ đang dần mất quyền kiểm soát con mình” mới thực sự làm tôi chú tâm tìm hiểu.

 Theo TS Huỳnh Văn Thông, Trưởng khoa Báo chí-truyền thông (ĐH KHXH&NV TP.HCM), giới trẻ có xu hướng tự mình thâm nhập mà thiếu sự giám sát và hỗ trợ của người lớn. Phụ huynh đang bị mất quyền kiểm soát con mình khi phương tiện đa truyền thông mà giới trẻ luôn cập nhật mà bố mẹ chúng không biết gì. 

… 

TS Phạm Văn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai, kết luận: “Bản thân cha mẹ cũng phải có sự hiểu biết nhất định các phương tiện và hình thức truyền thông. Bởi vì khi hiểu biết vấn đề thì mới tìm ra phương hướng quản lý, giáo dục con em mình một cách đúng đắn”.

Nảy sinh câu hỏi căn bản: vì sao ‘kiểm soát’ trở thành vấn đề của cả bố mẹ lẫn học sinh?

Các nghiên cứu ở đây và đây cho thấy tác động (lợi ích cùng nguy cơ) của truyền thông xã hội tới đối tượng còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Trong khi các mạng xã hội, diễn đàn, blog cá nhân,… được giới trẻ sử dụng để đương đầu và giải quyết những vấn đề phát triển, thay đổi mà chúng luôn phải tiếp chạm thì hệ thống lưới điểm toàn cầu (internet) trở thành thiết chế thay thế cho những cách thức giao tiếp mang tính truyền thống liên quan tới các vấn đề làm cha làm mẹ.

Điều gì đang thực sự xảy đến với một đứa trẻ mong muốn và cảm thấy nhu cầu cần kiểm soát mọi thứ xung quanh nó?

Liệu các bậc sinh thành có thể giải quyết ổn thỏa các vấn đề kiểm soát trong quan hệ vợ chồng của chính họ (cảm thấy ghen tuông, bị đe dọa, sở hữu hoặc bất an,…) để nó không làm ảnh hưởng, gây tác động tiêu cực tới vai trò làm cha mẹ; đồng thời, biết cách trợ giúp con cái đang gặp rắc rối học hỏi nhằm xử lý vấn đề kiểm soát của bản thân chúng?

Vấn đề kiểm soát liên quan chặt chẽ với kiểu làm cha mẹ, riêng tư  đối nghịch với sự an toàn khi lướt mạng, nên giám sát mở hay theo dõi chặt chẽ;… chung quy, là câu chuyện của những nguyên tắc và công cụ?

Rốt ráo, hàm ý gì và tại sao ‘kiểm soát’ trở thành tinh thần chung của xã hội?

[09.5.2011]

———————————————————————————————–

Nối kết giữa nét tính cách người dùng blog và từ ngữ sử dụng

Không phải là sai lệch lắm với nhận định rằng, blog là phiên bản còn chưa biên tập, hiệu đính của chính bản thân người viết.

Các blog cá nhân chẳng những tỏ lộ quan điểm của chủ bút về đủ thứ các đề tài phức tạp trộn lẫn nhau- hơn thế- chúng phơi bày cõi lòng của blogger.

Giới tâm lý gia lâu nay vốn hay săm soi theo chiều chưa thỏa mãn về mối liên quan giữa ngôn ngữ và nhân cách.

Mới đây, nhà nghiên cứu Tal Yarkoni thuộc đại học Colorado ở Boulder, USA đã tiến hành phân tích hơn 80 triệu từ qua 694 bloggers và khám phá những dính dáng sâu xa, thú vị, đáng ngạc nhiên giữa nét tính cách và từ sử dụng.

Tầm 1,5 triệu blog được đẩy lên mạng mỗi ngày; tức mỗi 3 phút có một bài mới và ước chừng từng giây 2.000 từ được viết.

Nghiên cứu này đề nghị các bloggers điền các bảng hỏi nhân cách và chuyển một entry viết khoảng 2 năm trước để phân tích từ ngữ sử dụng.

Các tương quan thống kê tìm thấy không chứng tỏ tính nhân quả thuyết phục; tuy vậy, nó lý giải một số tương quan thể hiện suy tư thông thường về các kiểu dạng nhân cách.

Chúng ta là những gì chúng ta viết, hoặc e chừng chúng ta chỉ giản dị viết như chúng ta là… Nghiên cứu nêu trên không phân biệt rạch ròi mà nó chủ yếu đề nghị một sự giông giống khá rõ ràng giữa nhân cách tự biểu đạt trên mạng và nhân cách lúc không trực tuyến.

Nhiều bloggers tạo tác rồi vun bồi nhân cách trực tuyến; dẫu thế, nhân cách thực sự của họ thật dễ dàng phơi tỏ bởi lối chọn lựa ngữ nghĩa.

Câu từ ta dùng kết nối cực kỳ với suy tư, cảm xúc, hành xử và phát ngôn; tất tật các khía cạnh thuộc nhân cách một con người.

Viết blog, do đó, là ta đích thị trần ra cõi lòng không bị cắt xén, chỉnh sửa.

[02.5.2011]

——————————————————————————————-

Mô hình khu tập thể- làng: ký ức hòa siêu thực

Buổi giao lưu và trao đổi ngắn của họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng với khán giả diễn ra khá êm ả, kèm tiếng cười, ánh sáng máy chụp ảnh cùng mùi bia đựng trong các cốc nhựa.

Mô hình triển lãm (diorama– exhibition) 3D khu tập thể đặc trưng vốn vẫn còn tồn tại đâu đó ở ngay Hà Nội; nóc của nó dựng cái cổng làng và ụ rơm.

Đi xem và nghe về, lại nhớ tới sự cố sập, nứt, nghiêng

Gia đình, nơi chốn ăn ở thân quen giúp ta thấy ra mình khởi nguồn đâu tới đủ để khiến mình càng quyết định rõ ràng hơn sẽ thích đi đâu.

Từ lúc oe oe chào đời, hít vào hơi thở đầu tiên cho đến lúc dứt hắt đứt nối lần cuối, con người chúng ta luôn phát hiện những cơ hội bất tận để tác động môi trường sống ngày thêm một tốt hơn.

Tham khảo, motif máy bay trong sự nghiệp sáng tạo của họa sĩ.

[15.4.2011]

———————————————————————————————–

Hiển thị hóa các rối loạn tâm thần

Mạng mẽo ở nhà lại dở chứng, chẳng thể truy cập được cả tuần nay.

Tôi thích cách hiển thị hóa các rối loạn tâm thần của một tay thiết kế người Anh tên Patrick này, và muốn chọn đăng hai cái trong toàn bộ số đó.

Thực lòng, tôi muốn thay chứng Agoraphobia bằng OCD- rối loạn ám ảnh cưỡng bức- hơn, chỉ tiếc là hình của nó trên máy trong cửa hàng internet công cộng chẳng xuất hiện nổi (không hiểu vì sao).

Thêm chút, tác giả các bức vẽ đã muốn xóa hình về rối loạn bản sắc giới (gender identity disorder) với lời giải thích kỹ càng ở đây, sau khi bạn đọc bày tỏ ý kiến.

Ngày Cá Tháng Tư đùa chơi vui vẻ!

[01.4.2011]

———————————————————————————————–

Đạo đức nghề nghiệp cho phép bình luận trực tiếp nhân cách người khác trên phương tiện truyền thông?

Thật lòng, tôi không muốn bàn tiếp về sự vụ cô Lượm- Trần Thị Thùy Dương nữa; dù dưới góc độ làm nghề tham vấn tâm lý, đáng học hỏi và khá thú vị nếu trao đổi về cách bộc lộ hình thể, khả năng thấu cảm và trạng thái tâm lý của người dẫn chương trình Kim Ngân trên Người Xây Tổ Ấm qua clip.

Cập nhật thêm vài thông tin liên quan vụ việc.

Chỉ là đặt ‘cục gạch’ ý tưởng ở đây, bằng một câu hỏi khi đọc thấy ý kiến của TS Khuất Thu Hồng.

Do đang hơi nhức đầu và bận tí; sẽ trở lại viết đầy đủ thêm ngay khi có thể.

Mong được cảm thông!

[08.3.2011]

—————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————-

Vì sao thiên hạ tin vào Thuyết Âm Mưu?

Nhân vụ Tạp chí Cộng sản đăng tải bài chuyển ngữ cho rằng facebook là công cụ của CIA, một nhà báo trong nước đề cập Thuyết Âm Mưu (conspiracy theory).

Tôi cũng vừa đọc tin Người Việt không còn chuộng facebook? nên thấy thuyết ấy (viết tắt: TÂM) thật đáng nhắc tới kỹ càng hơn.

Bài này chỉ ra khía cạnh tâm lý của TÂM, nó xem xét những tính cách nào hay dễ tin vào sự giải thích hung ác, nham hiểm và vai trò của loại niềm tin như thế trong xã hội; đặc biệt, ta cơ chừng chẳng thể nhận ra là mình bị ảnh hưởng bởi niềm tin đó.

Nghiên cứu khác kiểm nghiệm tác động tâm lý không những khi tin theo TÂM- nhất là liên quan tới các nguồn truyền thông đại chúng (ví dụ, Butler và cs., 1995)- mà còn ở cả hiệu ứng người thứ ba (khuynh hướng cho là sức thuyết phục của truyền thông gây tác động mạnh hơn ở người khác hơn là với chính bản thân họ). Trong một nghiên cứu, Douglas and Sutton (2008) để người tham gia đọc tài liệu chứa chất TÂM về cái chết của công chúa Diana trước khi đề nghị họ biểu thị mức độ tán đồng với các tuyên bố lẫn thái độ họ lúc hồi tưởng lại. Các nhà nghiên cứu phát hiện, đối tượng tham gia đánh giá cực thấp tác động của TÂM đối với chính thái độ của họ.

Bài viết tuy ngắn song vẫn kịp lý giải tại sao TÂM thu hút đến vậy, thảo luận tính tương thích với những niềm tin tiền định, sự kiện họ có thể lấp đầy nhu cầu về mặt cảm xúc, và có thể là phương thức phản ánh họ nghi ngờ chung về giới có chức có quyền.

Sự thật thường kỳ lạ hơn là hư cấu, ngay cả với những thuyết không đáng tin nhất; chẳng hạn, CIA từng dựng nhà chứa để trộn thuốc LSD nhằm theo dõi độ hiệu lực của thế hệ thuốc kiểm soát tâm trí mới, xưa rồi chuyện mạng lưới bí mật toàn cầu nghe lén điện thoại, đọc trộm fax và email, gần hơn thì là vụ thuê các nhà báo ngoại quốc ăn lương tại cơ sở trí thức để viết bài rải khắp…

Nếu tin theo BBC thì liệu rằng tất cả chúng ta đều là nhà TÂM hết?

Còn tờ New Scientists thì khẳng định, niềm tin vào TÂM ngày càng tăng, tính từ ví dụ nổi tiếng là vụ tổng thống Hoa Kỳ JKF bị ám sát năm 1963; theo đó, một điều tra tiến hành năm 1968, 2/3 dân Mỹ tin TÂM, tới năm 1990 thì tăng lên 9/10.

Các nhà TÂM tìm kiếm để chứng thực điều gì đó họ muốn tin, không đi theo một cách khoa học dòng các sự kiện để dẫn tới một kết luận lý tính; thực tế thì lối giải thích của họ về các sự kiện, bằng chứng, và sự xác nhận càng lúc càng tù mù về dữ liệu lẫn những tình huống khó xảy ra nổi đã không được coi trọng…

Bài trên New Scientists rất cần tham khảo và thú vị, vì nó bộc lộ rõ ràng bằng cách nào mà TÂM gây tác động.

Sống trong xã hội  dọc ngang lộn xộn, phù phép mơ hồ và xáo trộn giá trị thật giả ghê gớm, một tâm thế tỉnh thức với trí tuệ sáng suốt là hết sức cần thiết xây dựng, vun bồi.

Lời cuối, mời xem lại lần nữa minh họa về vòng tròn tin tức khoa học.

[02.3.2011]

———————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————

Nghệ sĩ trình diễn gây bỏng da, bì bóng lợn nóng dạ và ấn tượng bềnh bồng hơn thế…

Như đã thưa trước, tôi bắt xe bus đến Nhà Sàn Studio trên dốc Bưởi để xem trình diễn. Nhờ dựa vào trực giác, nên dù đi 2 chuyến song tôi vẫn đến đúng điểm đỗ và tới nơi chỉ trễ đúng 10′.

May mà buổi trình diễn chưa bắt đầu, trong khi bắt chuyện với một cậu SV học Quản trị mạng Đại học Phương Đông thì thấy một cô gái nhỏ nhắn đi lướt vào, linh tính bảo đây chính là nữ nghệ sĩ…

Vâng, thực sự tôi biết mỗi chương trình qua Hanoi Grapevine, không kịp tìm hiểu thêm tí xíu gì ngoài giờ giấc, tên nhân vật chính.

Bất cẩn, đểnh đoảng hiếm hoi này nào ngờ lại là điều hay; vì tham dự buổi trình diễn xong, tôi mới tra cứu Google, ra là từng có một vụ Bay lên đình đám và giờ thì cô tái xuất.

Chưa từng chú ý tên tuổi, hoàn toàn vô tư và chẳng am hiểu bao nhiêu nghệ thuật trình diễn nên hồi tưởng lại, tôi thấy mình đón đợi thoải mái, khác hẳn với sự nôn nao của khá nhiều khách cả Tây lẫn ta, hèn chi sao lượng người kéo về đông thế…

Và tầm 15′ sau, cô gái mặc đồng phục đồ âu màu café sữa ấy bê ra một chậu nước ngâm đầy bì bóng lợn. Một vòng tròn đứng ngồi bao quanh, dưới sàn và hắt sáng bóng đèn điện tròn vàng ệch.

Nữ nghệ sĩ xếp thành hai hàng các tấm bóng bì lợn hình chữ nhật và hình thang rộng cỡ 20 cm còn đọng nước xuống nền nhà ciment; tôi đếm cả thảy 18 tấm to nhỏ không đồng đều.

Rồi cô cầm lấy chiếc bàn là đã cắm sẵn vào ổ điện nãy giờ. Tiếng xèo xèo xen lẫn tiếng trẻ con nước ngoài bi bô ở vòng ngoài trong bóng tối.

Nhẫn nại, từ tốn, nữ nghệ sĩ là tất cả các tấm bóng bì lợn. Cô vắt nước đọng vào chậu, đảo mặt các tấm bóng bì lợn. Thi thoảng mặt bàn là nóng dẫy dính bám chặt một lớp bóng bì khiến cô dùng tay gỡ…

Rồi cô đắp một tấm bóng bì lợn còn chưa khô hẳn lên khuôn mặt tỉnh bơ, đất cát đỏ sạm làm làn da và áo quần cô vấy bẩn. Cô quờ tay tìm bàn là và đẩy nó trên lớp bóng bì lợn. Thao tác này được lặp lại ở đôi tay và đôi chân.

Có không ít khán giả quay mặt đi. Nghe rõ tiếng suýt xoa. Nữ nghệ sĩ xắn tay áo dài và phần cánh tay cô ửng đỏ vì bị bỏng… Cô dùng tay còn lại gỡ lớp bóng bì lợn dính ít nhiều trên cánh tay và đặt chúng xuống một tấm bóng bì lợn; và chồng các tấm bóng bì lợn khác lên bên trên.

Nữ nghệ sĩ bước tới cột nhà, và cúi xuống nhặt cuộn dây và cái kéo. Toàn bộ bóng bì lợn được buộc chặt, gồm 2 khối nhỏ. Cô đặt nó lên vai, nghiêng người chào khán giả. Màn trình diễn kết thúc. Vỗ tay…

Đây là ghi nhận của khán giả về buổi trình diễn và nỗi đau.

Cá nhân tôi cảm thấy nữ nghệ sĩ ý thức rõ ràng công việc, những thao tác trong khi biểu diễn gợi liên tưởng sinh hoạt thường nhật của phụ nữ, bộc lộ nét tính cách đầy đọa bản thân, và không gian chứa ánh sáng trầm uất, màu bóng bì lợn, màu áo, điệp màu da, mùi bóng bì lợn tanh tưởi cháy khét lẹt,…

Tôi nghĩ, các giác quan của khán giả thực sự bị đánh thức và họ dù vô tình hay cố ý, đã tham dự vào buổi trình diễn này.

Có lẽ, khuyết thiếu đáng tiếc lớn nhất của tôi khi tham dự buổi trình diễn là hồ đồ quên mất rằng, cái gọi là nghệ thuật hậu hiện đại (postmodern art) phản ánh tư tưởng muốn xóa nhòa cái nhìn quan phương, ranh giới ngăn cách giữa nghệ sĩ và khán giả dường như không đáng kể và họ được mời gọi thiết tha đồng sáng tạo.

Kiểm điểm riêng bản thân, tôi nhận ra để tiếp cận thấu đáo và hiểu biết sâu xa nghệ thuật trình diễn, người ta buộc phải có sự gia công tìm kiếm kiến thức, học hỏi cách sử dụng ngôn ngữ và trải nghiệm tương tác liên cá nhân, cũng như luôn sẵn sàng tâm thế đối thoại không phải một lần cho mãi mãi.

[24.02.2011]

————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————

Ngay cả khi biết đích thị là thuốc vờ vẫn công hiệu như thường

Chẳng cần vòng vèo bày trò gì, một nghiên cứu cho thấy, ‘giả dược’ hay quen gọi là ‘thuốc vờ’ (placebo) vẫn chứng tỏ công hiệu ngay cả khi bác sĩ bảo thẳng cho bệnh nhân rằng thuốc họ đang chỉ định cho bệnh nhân thực sự không phải là thuốc ‘thật’.

Mượn giọng điệu quảng cáo đùa chơi tí: Ngạc nhiên chưa!

Cơ chừng, chúng ta dần buộc phải hiểu rằng tác dụng của giả dược là chẳng thể nghi ngờ nữa.

Lan man sang nhiều phạm vi đời sống. Hình như nếu mình tin tưởng bản thân trở nên tốt hơn, thể hiện ổn thỏa hẳn, bán được hàng, v.v… thì nó thường thường diễn ra đúng rứa?

Nhìn từ góc độ mỗi người đang cố gắng nỗ lực tối đa để ‘chào giá cao’ lúc rao bán điều gì đó, không thể không tính tới vai trò của bộ não như tác nhân marketing độc lập tác chiến hết sức giỏi giang.

Hệ quả kéo theo, nếu ta nghĩ đang khấm khá hẳn lên thì đúng là mình càng tươi sáng hơn thật; phỏng ạ?

Vậy, rốt cục thắc mắc nghẹn lại còn chưa nuốt trôi nổi: cơn cớ nào đã dán nhãn rõ ràng ‘thuốc vờ’ như thế mà vẫn phơi phới công hiệu?

Wow. Sắp sang ngày mới rồi, hãy phó mặc vô thức phát huy tác dụng; chân thành cáo từ và duyên nợ dây dưa xin hẹn dịp khác hầu chuyện tiếp.

Cầu mong phúc lành cho những ai đọc thấy những dòng này.

Ngủ ngon, mơ đẹp, mộng lành!

[23.02.2011]

————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————-

Suy tư và trí tuệ– tóm tắt ý chính

@ Suy tư (thinking)

1. Sử dụng các khái niệm (concepts)– áp dụng từ trải nghiệm (experiences) đã qua cho tới những ý nghĩ hiện tại

a. Khái niệm— nhóm họp mang tính trí tuệ một tập hợp các đối tượng (objects) và sự kiện (events) dựa trên nền tảng của những dấu hiệu quan trọng phổ quát

b. Phải được học hỏi thông qua định nghĩa (definiton) hoặc minh họa (example)

c. Các khái niệm hỗ trợ việc dự đoán (predicting) và diễn giải (interpreting) cũng như tổ chức, sắp xếp (organizing) các trải nghiệm

2. Giải quyết vấn đề (problem solving)– đặt để thông tin nhằm thành tựu mục đích (goal)

a. Các chiến lược

* Định nghĩa vấn đề

** Dùng thuật toán (algorithms)– các phương pháp mang tính hệ thống đảm bảo sản sinh ra giải pháp (solution), hoặc

*** Dùng lối khám phá (heuristics: nguyên tắc có thể hoặc không thể sản sinh ra giải pháp) ví dụ, đơn giản hóa (simplification), suy luận nhờ cách loại trừ (analogy)

b. Trực giác (insight)– đột ngột hiểu thấu và chạm tới giải pháp

@ Trí tuệ, thông minh (Intelligence)– khả năng đạt được và sử dụng ngôn ngữ

1. Đo lường trí thông minh

a. Binet– các trắc nghiệm IQ- tuổi tâm trí (Mental Age, được quyết định bởi test) chia cho tuổi biên niên (Chronological Age) thì thành IQ

b. Wechsler— các test liên quan đến kỹ năng tư duy thành lời (verbal), toán học (mathematical) và vô ngôn (nonverbal)

c. Điểm số trung bình là 100, các điểm số miêu tả mô hình quả chuông úp ngược (bình thường)

d. IQ (Intelligence Quotient) là chỉ số thông minh được tính nhờ lấy ‘tuổi tâm trí’ chia cho ‘tuổi biên niên’ của họ rồi nhân với 100, biểu diễn thành công thức là IQ = (MA/CA)x 100

2. Sử dụng các test IQ

a. Như một chỉ báo (predictor) của sự thành công học đường

b. Thể hiện mối quan tâm ‘công bằng văn hóa’ (‘culture fair’)

3. Bản chất của trí thông minh— một hay nhiều?

4. Ảnh hưởng của môi trường

a. Tính kế thừa (hereditability)– các nghiên cứu trải dài trên 40 năm cho thấy, 50-80% cấu thành di truyền tác động tới IQ. Hệ quả, kết luận nói chung dường như là tính kế thừa có ảnh hưởng thực sự giá trị tới điểm số IQ, với ít nhất phân nửa biến thể quan sát được (observed variation) trong điểm số IQ thuộc về sự khác biệt do di truyền

b. Trải nghiệm quyết định nằm bên trong lĩnh vực di truyền

5. Các thái cực (extremes) của trí thông minh

a. Dấu hiệu đáng quan ngại về trí năng (Intectually Challenged): IQ dưới 70

* Dính dáng tới nền tảng sinh học (Biologically based)– hội chứng Down, hội chứng ngộ độc rượu cồn từ lúc còn là thai nhi (fetal alcohol syndrome)

** Tâm lý xã hội (psychosocial)– bệnh tật (disease), dinh dưỡng kém cỏi (malnutrition), thiếu vắng sự kích thích trí tuệ (lack of intellectual stimulation)

b. Trí tuệ siêu phàm, đáng nể (intellectually gifted)– các kỹ năng về một hoặc một số lĩnh vực trí năng nào đó

[10.12.2010]

——————————————————————-

Đại cương tóm tắt về ngôn ngữ

Ngôn ngữ là hệ thống các biểu tượng (symbols) bị chi phối có nguyên tắc (rule-governed system) nhằm dùng để miêu tả (represent) và lưu truyền (communicate) thông tin (information)

1. Hiểu biết ngôn ngữ (Understanding language)

a. Âm vị học (Phonology)– kiến thức về các âm

b. Ngữ nghĩa học (Semantics)– kiến thức hoặc ý nghĩa của từ

c. Cú pháp (Syntax)– kiến thức về cấu trúc ngữ pháp

* Cấu trúc sâu– nghĩa

** Cấu trúc bề mặt– tổ chức của các từ

d. Tâm lý học ngôn ngữ (Psycholinguistics)– chuyên ngành tâm lý nghiên cứu khả năng tri nhận, tạo sinh và hiểu biết ngôn ngữ

2. Trình độ nắm vững ngôn ngữ (Acquiring language)

a. Các nguyên tắc và chiến lược mang tính bẩm sinh

* Kỹ thuật điều chỉnh cơ bản và sự phối hợp trong phát triển của ngôn ngữ là tương tự nhau xuyên qua các nền văn hóa

** Trẻ em học được các nguyên tắc thuộc ngôn ngữ mẹ đẻ (ví dụ, sự khái quát hóa cao độ)

b. Nắm vững ngôn ngữ đặc thù nào đó chủ yếu dựa trên kinh nghiệm

3. Ngôn ngữ và tư duy (Language and thought)

Ngôn ngữ gây ảnh hưởng đến cách ta xử lý thông tin hết sức dễ dàng

[06.12.2010]

—————————————————————–

Từ cứ như mù mờ ma mị

Đọc bài về vụ cô dâu Việt bị sát hại và học sinh nhập việnthi cử cũng như nhan nhản câu chuyện khêu gợi mô tả tương tự đầy phấn khích khác, nhận rõ thái độ định kiến và phân biệt đối xử với người vẫn nghiễm nhiên xuất hiện.

Lúc đầu mới nghe thì còn ngỡ ngàng và khó chịu, mãi rồi tôi e có lúc mình sẽ nhắm mắt bịt tai mà cho qua mất thôi; dù thực tế, thuật ngữ “rối loạn tâm thần” (mental disorder) đã được chấp nhận chính thức lâu nay dùng thay cho những gì trong quá khứ từng mệnh danh “bệnh tâm thần” (mental illness, mental disease).

‘Rối loạn’ (disorder) thường tạo khái niệm trung tính và khá chuyên biệt hơn để diễn đạt những giả định tạm xem là nguyên nhân gây bệnh điên (madness) theo mô hình y khoa; vốn hay được truyền thông bằng các từ ‘illness‘ hoặc ‘disease‘.

Tham khảo: Richard Noll (2007) (3rd edn). The Encyclopedia of Schizophrenia and Other Psychotic Disorders. New York: Facts On File, Inc., p.270

[14.7.2010]

——————————————————————

Câu chuyện kể từ tương tác tới biểu tượng, về cấu trúc lẫn chức năng não bộ cũng như những trải nghiệm nhân văn-hiện sinh và siêu việt.

[06.12.2010]

Scroll to Top