Tương quan toàn cầu

Nhặt nhạnh an lành từ film “Những người lượm lặt và tôi”

Sau khi xem một bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Francoise Milet, Les Graneuse (Những người lượm lặt) tả hình ảnh một nhóm phụ nữ đang lượm lúa sau vụ mùa, đạo diễn phim tài liệu người Pháp Agnès Varda đã băn khoăn về những người lượm lặt của thời hiện đại– những người nhặt và ăn những thức ăn thừa mà xã hội công nghiệp bỏ đi như rác. Bà băn khoăn về việc rác thải trong thời hiện đại: “Ai sẽ sử dụng chúng? Như thế nào? Liệu có ai đó sống được bằng thức ăn thừa của người khác không?” Kết quả là bộ phim “Những người lượm lặt và tôi”, là một bộ phim miêu tả đầy cảm động những người mà – sau mỗi mùa vụ – tìm khoai và cà chua còn sót lại trong đất, tìm kiếm trên bãi biển những con hàu bị cuốn trôi sau bão, nhặt nho và quả sung hỏng mà người nông dân bỏ đi, và “bới rác” để tìm những ổ bánh mỳ, sandwich và những đồ ăn bỏ đi khác. Bộ phim của Varda, ra mắt năm 2000, là một chuyến du ngoạn tới nhiều địa điểm khác nhau ở Pháp nơi những người lượm lặt tha thẩn tìm những thức ăn bỏ đi. Hẳn Varda đã phải rất kiên nhẫn tìm tòi và khảo sát để tìm ra rất nhiều loại người lượm lặt khác nhau và khiến họ tin cậy bà.

Agnès Varda (sinh năm 1928) là một đạo diễn người Pháp và giảng viên của trường Cao học Châu Âu (European Graduate School). Phim, ảnh và sắp đặt của bà tập trung vào tài liệu hiện thực, các vấn đề nữ quyền và bình luận xã hội – với một phong cách thử nghiệm đặc trưng.

Nội dung thư điện tử giới thiệu phim của DocLab dễ khiến thiên hạ muốn đi mót thêm.

Sự sáng tạo đời thường hàng ngày phản ánh cái nhìn mới về bản chất con người: đó là một năng lực, một chiến lược, một tiến trình– sáng tạo hàng ngày là tất cả các thứ đó.

Với việc lượm lặt như ứng xử sáng tạo hàng ngày, chúng ta thích nghi thật uyển chuyển, ứng biến, thử  các chọn lựa  khác biệt; nhờ vậy, có thể dẫn tới trạng thái tiến bộ cho sức khỏe thể lý và tâm thần, những phương thức mới trong tư duy, trải nghiệm về thế giới và về chính bản thân mình; dĩ nhiên, nó có thể buộc phải xem xét lại quan điểm về bản chất con người dưới góc độ một cá nhân và tầm mức xã hội, thậm chí làm thay đổi các hệ hình (paradigms) về sự sống còn và thịnh đạt trong một thế giới bị làm đau buồn bởi những thách thức khẩn thiết…

Dưới cái nhìn ấn tượng giới, bộ phim trình bày một cuộc xem xét sống động về hiện tượng và tiến trình của sự sáng tạo hàng ngày, thậm chí nó còn tiếp chạm, vươn xa tới các chi nhánh thuộc cái tôi, văn hóa, lịch sử, xã hội, luật pháp, chính trị, và tương lai nhân loại.

Vượt trên hẳn chủ đề kinh tởm và khoan dung, bô phim xoáy sâu vào mối quan hệ giữa tính tương thuộc, đạo đức và các cá nhân– tiền đề cho tầm mức sáng tạo và tự do ở cấp độ xã hội– thể hiện thông qua niềm an lạc thân tâm, tiềm năng cho sự hiểu biết mới mẻ và mang tính chuyển hóa, và mở cửa dẫn đến sự phong nhiêu, sát sườn, và uyên áo của những trải nghiệm đời- thường- rất- người.

[05.5.2012]

————————————————————————————————————————————————————————————————

Thế giới khát vì chúng ta đang đói

Ngày Nước Thế giới năm nay diễn ra  trong tình hình nứt đập thủy điện sông Tranh đe dọa mạng sống người dân Quảng Nam; chủ đề lại nhắc tới vấn nạn đói và khát của toàn thể nhân loại, đồng thời cũng ghi nhận những cảnh báo về thực trạng Việt Nam.

Mọi nguồn ngày càng cạn kiệt, nước sạch do đó, đòi hỏi quá bức thiết phải tăng khẩn cấp nhu cầu hơn bao giờ hết.

Đừng quên, con người không thể sống 3 ngày nếu thiếu nước; thực tế, nước thường được xem là quyền con người.

Và mỗi giây bạn đọc tin tức thì có thêm 2 người trên hành tinh cần nuôi dưỡng và 0,04 ha đất trở nên nghèo nàn đi; tức là, vì quá trình đô thị hóa và sự xói mòn. Dự báo, 10- 15 năm tới, nước sẽ là thách thức lớn nhất của chúng ta.

Trầm tư về nước có thể là cách thức liên kết đầy quyền uy của bản thân với một yếu tố trợ lực, duy trì sức sống cho chính chúng ta.

Thân xác này chứa hơn năm mươi phần trăm là nước nên thông lệ con người xem nước như là nguồn thiêng liêng, bất khả xâm phạm và chữa lành của đời sống.

Ước gì chúng ta luôn trầm tư về nước trong nỗi niềm tiếp xúc thân mật mang tính thể lý, bất kể là khi đang chung đụng sát sườn trong bồn tắm hoặc lúc vẫy vùng thoải mái giữa bao la biển cả.

Nhớ về sức nâng đỡ, tẩy rửa sạch sẽ và làm mới của nước…

Khi di chuyển giữa thức nhận về hơi thở và thức nhận về nước mà trong đó mình nhận ra bản thân, chúng ta có thể bắt đầu phóng thích những điều không còn cần thiết nữa vào dòng sông ào ạt tuôn chảy, hoặc phóng thích chính mình hoàn toàn vào sự ôm choàng, vỗ về chở che của nước lúc ta trôi bồng bềnh trong tâm trí– giữa tử cung của bà mẹ gần gũi, thương yêu.

[22.3.2012]

——————————————————————————————————————————————————————

Một dễ thành duy nhất, đơn lẻ

Đói lay lắt miền tây Thanh Hóa

Cái bài viết kể kiểu như thế dường như dễ đã tạo nên nếp nghĩ quen thuộc lâu nay rằng câu chuyện đơn độc. Một câu chuyện đơn độc thì hay khiến thiên hạ nảy sinh những mẫu rập khuôn.

Vấn đề với những mẫu rập khuôn không chỉ ở chỗ chúng tuyệt không đúng đắn, chính xác mà còn chưa thực sự toàn vẹn, hết sức thiếu đầy đủ nữa; đặc biệt là, chúng làm cho một câu chuyện tự dưng trở thành câu chuyện đơn lẻ, duy nhất.

[11.3.2012]

———————————————————————————————————————————————–

Môi trường sống và đạo đức trong việc làm cha mẹ: áp bức, kiệt sức và bạo lực

Câu chuyện ông bố 53 tuổi dùng búa đập vào đầu, mặt con trai 24 tuổi đang ngủ khiến cậu này tử vong được các trang mạng truyền thông chính thống đưa tin theo hướng ngầm cho hành động của vị phụ huynh này là đáng được thông cảm: con quá hỗn láo, không dạy bảo nổi.

Thao thức cả đêm, ông Cường uất hận. Và những nỗi uất hận dồn nén đã khiến ông đi đến quyết định phải trừng trị Nhẫn

Sau khi ăn sáng, ông Cường quay về nhà, thấy Nhẫn còn đang ngủ nên đã lấy chiếc búa đinh đập liên tiếp vào mặt và người cho đến khi nghe thấy tiếng kêu thất thanh của cô con dâu.

Như thế, thời gian trôi qua, ngày mới đến cùng các chất nạp vào cơ thể không phải là nguồn dinh dưỡng tốt lành, đủ khả năng đem lại cho bậc làm cha mẹ tâm trạng tỉnh táo, nghĩ khác đi và cách xuất xử hợp lý. Lưu ý thêm, giải pháp đánh chết con được bạn đọc ủng hộ.

Chuyện vừa xảy ra ngay tại Hà Nội gợi nhớ vụ mới đây về người cha ở xứ Cờ hoa bắn thủng laptop của con gái.

Xoay quanh chủ đề thời sự giáo dục học đường và nuôi dạy con cái, lần nữa, thấy nổi lên thực tại trầm uất; đồng thời, thảm kịch đau lòng bố dùng búa giết chết con thể hiện rõ ràng thái độ uy quyền, vô hình trung, góp phần lý giải nguyên cớ phạm tội và phản ánh môi trường sống hết sức quan ngại.

Rốt ráo ra, đó là vấn đề thuộc tâm trí, đạo đức, cảm xúcnhìn nhận thông tin.

Ông Trần Văn Cường thủ đắc một tiêu chuẩn cao hơn, ông là bố và ông kết liễu đời con mình trong một trạng thái khó nói là điên loạn. Dự tính của ông đích thực là gì; chẳng biết thật rõ ràng, song tôi đoan chắc không phải vì muốn làm thay đổi hành vi của cậu út ngỗ nghịch.

Không còn cơ hội cho cậu Nhẫn sám hối, sống đời đàng hoàng và báo hiếu. Từ nay, ông Cường và người thân gia đình có lẽ sẽ thôi hết nỗi lo phá gia chi tử.

Lỗi lầm, nếu muốn gọi tên, e là lối suy nghĩ không ngừng đổ tội cho con trai và kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ chấm dứt cơn đau của đấng sinh thành: ông xấu hổ, tủi nhục không chỉ vì những gì cậu con trai lúc sinh thời gây ra…

Do vậy, cùng với sự ra đi biền biệt của cậu con trai là khoảng trống rỗng đầy đe dọa.

Kiểu suy tư của ông bố không tạo nên tác dụng như mong muốn, nó chỉ hàm ý củng cố những vấn đề ngoại giới và bề mặt hơn là bản chất sự thật bộc lộ trong câu chuyện đau thương này; chí ít, nó tuyệt nào dính dáng chi với mục đích của hành động giết người.

Thiệt tình thì cả hai đều cần thiết một sự trưởng thành bởi hai bố con cùng vi phạm nguyên tắc cốt yếu trong quan hệ gia đình: làm mất uy tín, ô danh một ai đó trong gia đình để ai đó bị bật ra, loại trừ khỏi gia đình.

Vâng, vấn đề của con cái ngày nay là vấn đề của cha mẹ.

Nghiêm túc, không hề thuần túy bàn về câu chuyện của riêng mỗi gia đình ông Cường. Chúng mình không làm việc đó, đúng thế, song khi thiên hạ chứng kiến những gì đang xảy ra, nó đại diện và thay thế một hiểm họa khôn lường…

[28.02.2012]

—————————————————————————————————————————————————————

Người ăn thịt lờ tịt đi tâm trí của con vật bị giết

Hầu hết mọi người thích ăn thịt, thậm chí nhiều kẻ ruột gan quay quắt nếu thiếu đạm động vật mỗi ngày.

Một con mèo rừng hôm kia bị nhà hàng dìm chết dưới hồ Tây để phục vụ thực khách khoái khẩu loài hoang dã quý hiếm.

Có lẽ, tại mỗi bữa, ít khi mình nhớ tới ý niệm rằng, quyết định dùng món thịt, nghĩa là ta chấp nhận các con vật sẽ bị giết đảm bảo đủ để mình có thể xơi chúng.

Một bài báo gần đây khẳng định, khi ăn thịt người ta thường lờ đi tâm trí của những con vật mà họ ăn.

Các thực nghiệm nêu trong nghiên cứu chứng tỏ, người lựa chọn ăn thịt thường buộc phải vật lộn với nghịch lý đạo đức của chuyện xơi một con vật có bộ não— bất kể họ nhận ra điều đó hay không.

Do tầm quan trọng của việc ăn đối với việc sống còn, chúng ta nghĩ về các loại động vật làm thức ăn theo kiểu kém phức tạp hơn các động vật khác. Hiệu ứng này đặc biệt mạnh mẽ ở bối cảnh ăn thịt.

Dĩ nhiên, cơ chế vừa nêu không chỉ dành nói tới mỗi việc ăn. Có rất nhiều tình huống trong đời dẫn đến xung đột giữa các mục tiêu và các giá trị đạo đức.

Ăn một thanh chocolate có thể tạo mâu thuẫn với chế độ ăn kiêng. Mua chiếc xe ô tô mới gây căng thẳng với ao ước dành dụm tiền bạc để tậu một căn nhà riêng,…

Cho nên chẳng khó hiểu trạng thái bất hòa trong nhận thức; khi một mục tiêu đã thu hút mình cao độ rồi thì chúng ta thay đổi thái độ về những điều (có thể trước đây bản thân mê tơi, cực thích song giờ thì) dễ khả năng gây xung đột với mục tiêu đó đến độ phải khiến chúng trở nên kém hấp dẫn hẳn đi.

[23.02.2012]

——————————————————————————————————————————-

Nghĩ khi lòng vòng chạy bộ đầu năm

Năm 2012, tôi chuyển hướng chạy bộ lên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua Bệnh viện St. Paul, Nhà khách Chính phủ và Bộ Ngoại giao; trời rét, làm một vòng chu vi rồi lại chịu khó đi bộ quanh mấy lượt nữa cũng chỉ vì cố đợi để thử xem lễ thượng kỳ diễn ra như thế nào.

Trong việc chạy, tuổi tác là chuyện nhỏ. Theo đó, đối lập với những gì tưởng chừng quá rõ ràng, kỳ thực năng lực điền kinh không nhất thiết giảm sút cùng với năm tháng. Với việc chạy, có phụ tùng, dụng cụ phù hợp quan trọng không kém so với chuyện sống đời lành mạnh. “Khẳng định rằng, dụng cụ quan trọng nhất để mình chạy bền bỉ là đôi giầy thích hợp.

Vẫn biết, lịch sử không phải là cái gì có sẵn để truyền thụ sang trực tiếp hết sức đơn giản mà đòi hỏi ta phải chủ động suy tư, nhìn thấy và nắm lấy, song khi nghe tiếng nhạc xập xình, chát chúa từ chỗ những người phụ nữ đang hết sức uốn éo thân hình trong khu vực Lăng thì tôi vẫn không khỏi nghĩ bâng quơ như cái không khí sương giăng che mờ mọi thứ đang hiện hữu trước mặt tôi kia. Bởi tương lai, phụ thuộc cái quyết định chúng ta đang thực hiện luôn đi kèm theo những khả thể đầy thách thức…

Rõ ràng, công nghệ đang ngày càng chiếm vị trí trung tâm trong đời sống nhân loại, cho dù sáng sớm nay vẫn còn nhiều người già cầm tay cái radio thời nảo thời nao để tranh thủ nghe tin tức…  Vài nguy cơ xấu chắc chắn cùng tồn tại với xu hướng chuyển đổi hệ hình sang các chiều kích tự do, đa dạng hơn.

Trên đường khép vòng trở về nhà phải băng qua sân vận động Hàng Đẫy; rồi khi tới ngõ Hàng Bột, bất ngờ thấy người ta chào bán cành đào chơi Tết, đầy đặn và tươi hồng. Đây là con ngõ hiếm hoi cùng với Hàng Cháo song song tách ra khỏi cụm các “Hàng” phố cổ; hai con ngõ này vốn gắn bó sát sườn, thiết thân với kẻ sĩ học trò Văn Miếu- Quốc Tử Giám một thời vang bóng.

Song liền đấy, ngoặt ra đường lớn lại bắt gặp ngay nhà hàng bán lẩu băng chuyền xơi lập tức (Kichi- Kichi hotpot rotary express).

Đời sống tự thân có những bước đi đòi hỏi mình phải tái thiết kế và tưởng tượng lại về sự thịnh vượng.

Thế giới cơ chừng không còn được hưởng lợi, phụ cấp từ sự tiến bộ nữa; giấc mơ đã chết chắc thật với vụ đổ vỡ tài chính năm 2007.

Nội những đổi thay ở tầm vi mô của nền kinh tế là có thể tác động, ảnh hưởng tới sự thay đổi toàn cầu rồi. Chuyên gia tin rằng, chúng mình phải đương đầu nghiêm túc về “tiềm năng con người riêng có, và cách thức hết sức thẳm sâu cũng như đầy quyền năng vượt qua đoạn đời mình do đang sắp hoàn mãn nó.”

Tác giả Haque đưa ra 3 lời khuyên trợ giúp việc thấu thị, hướng đạo cuộc sống ý nghĩa hơn rất nhiều.

Thứ nhất,  vun xới, bồi dựng bản thân mình thật tốt. Mục tiêu của giáo dục không nên chỉ chăm chắm mỗi kiếm việc nhiều tiền, lương cao kiểu tân Fordist mà thay vào đó, tạo ra những cá nhân (là mình đây) với “một hồi quang luân lý, một căn cốt đạo đức, một sự nhạy cảm của công dân toàn cầu, và một quan điểm đáng giá nảy sinh từ cảm hứng mang tính lịch sử (historicism).”

Thứ hai, làm nên điều gì đó nguy cấp, lợi hại.

Thứ ba, tha thứ (và thất bại).

Như nhà thơ lớn Antonio Machado từng viết í “người đi bộ, không có con đường; con đường hình thành từ việc đi bộ“.

Khi tôi gõ vội những dòng này trong quán internet công cộng ám đầy mùi khói thuốc lá, tiếng í ới của các cô gái bình phẩm về cuộc chat nào đó trên mạng cùng vô vàn âm thanh chát chúa, tục tĩu của lũ trai hứng chí chơi game, trời vẫn đang tiếp tục rét đậm.

[02.01.2012]

———————————————————————————————————————————–

Yêu, nghiện– thần tiên và con điên mãi còn ám ảnh, ưu phiền…

Khi người đầu tiên xuất hiện trên mặt đất, việc truy cầu tình yêu đã trở thành mối bận tâm khôn nguôi và nỗi thất bại luôn là nguồn của những sự kiện bi kịch đớn đau nhất, bao gồm tự sát, giết chết, thậm chí gây tạo nên cả những cuộc chiến tranh tàn bạo.

Hơn nữa, những vụ chia tay dễ được xem như bị trục trặc, hỏng hóc và hứa hẹn tương lai cô độc, rồi chúng còn để lại bao hậu quả nghiêm trọng như trầm cảm và sợ hãi. Bị từ chối tình yêu, thực tế, quá khủng khiếp và thiên hạ thường so sánh nó với việc cai (withdrawal) trong các vụ lạm dụng chất gây nghiện.

Các đặc tính của tình yêu lãng mạn (romantic love) khiến nó tương tự một loại nghiện (addiction) là: tâm trạng dao động bất ổn, ám ảnh, phụ thuộc cảm xúc, mất khả năng tự kiểm soát bản thân và một số mẫu hình hành vi nguy hiểm đầy tiềm năng khác.

Theo TS. Helen Fisher– chuyên gia thượng thặng về tình yêu và bộ não– thì cơn nghiện này có thể phá hoại ghê gớm khi đối tượng yêu đang thu mình, rút lui— biểu hiện đa phần rất giống cách thức hay xảy đến khi các con nghiện quyết định ngưng sử dụng thuốc.

Nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Neurophysiology gắng khẳng định rằng những gì diễn tiến trong bộ não sau một cuộc chia tay cực kỳ tương tự ở con nghiện đang trong giai đoạn cai. Họ phát hiện thấy, có những điểm trùng khớp đáng kinh ngạc khi so sánh hình ảnh chụp cắt não bộ của những người đang trải qua cuộc chia tay với các đối tượng vẫn vật vã do thiếu cocaine.

Nhóm khoa học gia của nghiên cứu vừa nêu tin là các phát hiện của họ hiện thời xác quyết thêm tuyên bố của TS. Arthus Aron từ năm 1991 rằng, đam mê trong tình yêu lãng mạn không phải là một thứ cảm xúc mà đúng hơn nó là “một trạng thái động cơ mang tính hướng đích“.

Dù mẫu của những nghiên cứu như thế này là khá bé, song bằng chứng thần kinh học được trình bày lại cực kỳ thuyết phục. Thực tế, khi đề nghị các đối tượng nhìn chân dung người yêu của họ trước đây, nhiều phần não bộ dường như bị kích họat:

  • vỏ thùy đảo, đảo tụy (insular cortex) và trước bó liên hợp khứu-hải mã (anterior cingulate), cả hai đều liên quan tới sự khốn khổ, đau đớn thể xác.

Như thế, dường như tình yêu lãng mạn (e chừng là thứ cảm xúc mãnh liệt nhất của nhân loại), đã được chứng thực là có những mối liên kết hết sức không chính đáng với một số ma túy từng nổi tiếng bởi gây ảo vọng hoan lạc mê tơi (thuốc yêu MDA?).

Điều vương vấn nho nhỏ: lẽ nào với tất cả giả định và nỗi sợ hãi khác biệt của con người thuộc các nền văn hóa khắp nơi trên thế giới trong cuộc phiêu lưu kiếm tìm bạn tình tri kỷ và sáng tạo nghệ thuật đỉnh cao khi cho rằng tình yêu lãng mạn là cội nguồn sản sinh mọi sự thì rốt ráo, chúng ta đều đang nghiện tuốt luốt– chí ít để cứ say sưa lắc lư mà ư ử suốt ngày ca từ ‘Ấy ơi, anh nghiện em‘ hay sao?

(Nếu đúng vậy, đừng thử ghé mắt đọc thêm tí ngoài lề nhé: “Ai sống trong đời này- Bị ái dục buộc ràng- Sầu khổ sẽ tăng trưởng- Như cỏ Bi gặp mưa“…)

Cuối tuần vui vẻ!

[18.12.2011]

—————————————————————————————————————————————————————————–

Năng lượng của tầm suy tư vũ trụ

Thông qua nguyên tắc vũ trụ luận khoa học (scientific cosmology), chúng ta khởi sự liếc nhìn thoáng qua được bức tranh khoa học hợp trội hoàn toàn mới của vũ trụ. Chẳng hạn, chúng ta đang tiến tới hiểu rằng mình rất gần điểm giữa của thái dương hệ; mặt trời hiện 4,6 tỷ năm; tuy nhiên, chúng ta không còn nhiều thời gian… Sự gia tăng theo cấp số mũ giống loài và việc tiêu thụ các nguồn tài nguyên phải được nhấn mạnh tức thì. Chúng ta sử dụng sự giãn nở của vũ trụ như mô hình cho một giai đoạn bền vững của sự tăng trưởng và sử dụng nguồn lực.

Sự sống của chúng ta là gì nếu không phải là vũ khúc của những hình thái nhất thời? Không phải mọi sự đều luôn thay đổi sao? Không phải mọi chuyện chúng ta đã làm trong quá khứ thì bây giờ giống một giấc chiêm bao sao? Những người bạn cùng lớn lên với ta, những nơi ta thường lui tới trong thời thơ ấu đó, những quan điểm và ý kiến mà chúng ta từng ghi giữ một cách si mê: chúng ta đã để tất cả chúng lại phía sau. Bây giờ, ngay lúc này, việc đọc quyển sách này có vẻ rất thực một cách sinh động đối với bạn, dù không bao lâu sẽ chỉ là một ký ức.” (Mỗi ngày trầm tư về sinh tử, sđd, tr.200- tr.201).

Cách thức mà vũ trụ luận và tư duy vũ trụ có thể mang lại lợi lạc là cung cấp một bức tranh lớn chính xác về vũ trụ để thúc đẩy thiên hạ kịp thay đổi, đủ nhanh… Các chuyên gia hàng đầu cho rằng, nếu chúng ta từng sở hữu một “sự chia sẻ vượt hẳn phạm vi quốc gia, tin tưởng vào bức tranh vũ trụ, ôm ấp một câu chuyện mang phẩm tính huyền thoại về nguồn gốc sinh thành nó và nguồn gốc của chúng ta– một bức tranh được nhận ra như sự thật bình đẳng của mọi người trên hành tinh này– nhân loại chúng ta ắt có thể nhìn các vấn đề của chính mình trong một thứ ánh sáng hoàn toàn đã biết, và hầu như chắc chắn giải quyết được chúng.”

Quả thật hôm nay, chúng ta đang sống trong một khoảnh khắc cốt yếu mang tầm vũ trụ, và chúng ta có một trách nhiệm lớn lao hơn bất kỳ thế hệ nào từng đi trước chúng ta. Các nhà vũ trụ học lừng danh còn tuyên bố rằng,  “Chúng ta và con cái chúng ta có thể là các thế hệ ý nghĩa nhất của loài người vẫn còn sống,” mà điều đó có nghĩa chúng ta mang vác một đống trách nhiệm nặng nề, lớn lao hơn mọi thế hệ đi trước…

Cá nhân tôi nghĩ, ý chí để tồn tại của con người là lớn lao; ngoài suy tư hệ thống phổ quát, cũng nên chú tâm quán tưởng đúng mực đến những biểu hiện vi mô tinh tế trong đời sống thường nhật, dưới bề mặt thấp tè, chung đụng sát sườn mỗi giờ phút vô thường này.

[07.12.2011]

————————————————————————————————————

Chầm chậm thấm đẫm

Đã qua… hồi đêm máy và mạng không giúp đẩy bài lên blog kịp thời được.

Ngày không nghệ thuậtAIDS; một ngày có thể sẽ không còn cần thiết trong tương lai nữa khi sự sợ hãi và thù ghét bị tẩy xóa hoàn toàn bởi những phác thảo– xúc chạm trực tiếp hoặc gây chia tách đặc biệt tới mỗi một cuộc đời.

Cơ chừng trong khoảng sáng chập choạng hôm nay, chúng ta hốt nhiên nhận ra, không có sự kết nối nào giữa mức độ tự tin rằng mình đang ra quyết định đúng với thành tựu của quyết định đó.

Và công việc thiết kế thực tế, nhiều hơn chuyện dùng một bảng màu. Dĩ nhiên, bên cạnh cá nhân cụ thể, các tổ chức có thể cũng xinh đẹp, dễ thương.

Bởi “tư duy thiết kế (design thinking) thì đơn giản,” theo lời chuyên gia Tim Brown. “Đó là về sự áp dụng các phương pháp và nguyên tắc đã được các nhà thiết kế phát triển qua hàng thập niên nhằm mở rộng hơn những thách thức mà các công ty, chính quyền và xã hội buộc phải đối đầu,” và phát hiện các cách thức lấy nhân loại, con người làm trung tâm để giải quyết chúng.

Chầm chậm thấm đẫm sự hiểu biết về hành trình đang diễn tiến…

[02.12.2011]

—————————————————————————————————

Tính dễ tổn thương của đất và nền kinh tế Phật giáo

Đó là câu chuyện đang âm thầm diễn ra ở khắp nơi khi tập quán canh tác nông nghiệp bằng khai hoang đốt rẫy, làm độ phì của đất giảm liên tục và sức ép cỏ dại ngày càng lớn.

Các vùng đất dốc ở miền núi được cày bừa thủ công, sức kéo gia súc hoặc cơ giới hóa đã làm đất chóng trọc, bị xói mòn mạnh, không thể tiếp tục trồng trọt được nữa. Mặt khác, việc làm đất không cho phép kiểm soát cỏ dại nên vô hình trung, tiếp tay cho việc dùng thuốc diệt cỏ…

Câu hỏi hiển hiện: Liệu có thể thâm canh nông nghiệp đồng thời giảm thiểu các ảnh hưởng môi trường?

Xem film về nước Lào, lại cám cảnh thêm cho dân Việt vì chương trình dù đã triển khai từ lâu song ít nhận được sự ủng hộ của cộng đồng; nói chính xác hơn, ngoài yếu tố cơ chế và chính sách quản lý, điều hành vĩ mô thì hình như người ta vẫn chưa cảm thấy bị đặt vào tình huống đương đầu khẩn thiết với sống còn, buộc họ phải thay đổi tập quán canh tác…

Điều này khiến tôi nhớ ngay tới ý tưởng của Năng đoạn Kim cương, rồi không quên nhắc nhở mình lần nữa về nền kinh tế Phật giáo.

Theo đó, đạo Phật đưa ra một cách tiếp cận đời sống kinh tế khác hẳn hoàn toàn với những gì nền kinh tế phương Tây dẫn dụ lâu nay: xiển dương cho việc diệt dục (want negation, nghe kinh quá cơ (!) và phục vụ không vị kỷ tha nhân nhằm đạt được hạnh phúc, bình yên và sự dài lâu, bền vững (permanence); rằng, sản xuất sử dụng các nguồn lực địa phương thỏa mãn nhu cầu tại chỗ là cách thức hữu lý nhất để tổ chức đời sống kinh tế.

Khủng hoảng tài chính và sinh thái đương đại càng tạo điều kiện để các giải pháp thay thế xứng đáng được xem xét cẩn thận.

Dưới góc độ cá nhân, cuốn sách đang đọc dở gợi ra nhiều suy tư thật vô cùng diệu dụng, cả từ mở ngỏ hướng làm ăn lẫn định hình đường lối thân tâm an lạc.

Và mọi thứ cứ mò mẫm, dấn thân, tiếp diễn thôi mà…

[28.10.2011]

—————————————————————————————————————————–

Vài số liệu nhân Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới lần thứ 19

Hôm nay kỷ niệm thường niên Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới lần thứ 19, kể từ năm 1992.

Lướt vội vài trang mạng Việt ngữ, thấy tin đưa về chủ đề này khá ấn tượng; BBC giới thiệu bài bản nhất, tờ Tiền Phong thì giúp tôi biết cụ thể ý kiến của lực lượng đang làm việc trong ngành, cũng nhờ dịp này nên phát hiện vài bài viết, dữ liệu thú vị ở đây đó mà tôi sẽ bàn thêm sau khi thuận tiện.

Một lần nữa, tôi không quên câu chuyện đọc được từ mấy hôm rồi. Và mời xem phỏng vấn các công dân Canada không nhà cửa.

Sơ lược vậy, giờ thì xin góp chút trích dẫn nêu lên một vài sự kiện về sức khỏe tâm thần.

* Gánh nặng các rối loạn tâm thần để lại hậu quả lớn lao cả về mặt xã hội và kinh tế đối với các cá nhân, gia đình họ và toàn thể cộng đồng, dân cư.

* Các rối loạn tâm thần kinh (neuropsychiatric disorders) là 1/3 nguyên nhân gây thiệt hại cho cả thế giới do khuyết tật, tàn phế và chiếm 13% tổng gánh nặng bệnh tật.

* 80% bệnh tật toàn cầu thuộc các rối loạn tâm thần được phát hiện ở các nước thu nhập trung bình và thấp.

* Xét tổng thể khuyết tật, các rối loạn tâm thần có tỷ lệ cao nhất tới việc thất nghiệp, tầm 70%-90%.

* Trầm cảm là nguyên nhân tạo nên khuyết tật hàng đầu.

* 33% các nước không hề có ngân sách đầu tư cho sức khỏe tâm thần.

* 1 trong 4 người sẽ mắc rối loạn tâm thần vào giai đoạn nhất định trong đời.

* Mỗi 40 giây lại có một người chết vì tự sát.

* Trong 5 người mắc rối loạn tâm thần tại các nước đang phát triển thì có 4 người đã không được điều trị.

* Khoảng 50% các rối loạn tâm thần khởi phát trước tuổi 14.

[10.10.2011]

———————————————————————————————————-

“Học tập suốt đời”– lời mời gọi dấn thân lập đức

Từ hôm nay, khởi đầu “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” (02- 08.10.2011) lần đầu tiên tại Việt Nam, nhắm tới cả nhận thức ở người học lẫn nguồn lực của các cơ sở cung ứng giáo dục.

Nghiên cứu chỉ ra, một tổ chức bắt đầu tạo ra văn hóa học tập trong các thành viên thì sự thành công của tổ chức sẽ được xét đoán bằng ý nghĩa của việc học tập đã thay đổi đối với họ đến mức nào?

[Sutherland, Peter. (biên tập) (2001). Việc học tập của người lớn: Hợp tuyển (tham khảo). Nguyễn Bá Học dịch. Hà Nội: Nxb. Y học, tr.295].

Xem vidéo, hiểu hơn sự đa dạng trong cách tiếp cận cũng như lối nhìn nhận mối quan hệ giữa việc dạy và việc học.

Và hiện tại, tuổi trưởng thành chậm tới hơn do thời gian dành cho việc học được kéo dài ra.

Băn khoăn, nếu hình dung trên nền tảng truyền thống lâu đời của dân tộc Việt là mục tiêu đỗ đạt– xưa để ra làm quan vinh thân phì gia, nay có chân biên chế nhà nước với danh phận đi kèm việc giữ chức vụ quản lý ở cơ quan đình đám nào đó– thì để quảng bá việc học tập suốt đời, xã hội cần thay đổi nhận thức những gì ở người học cùng với thể thức triển khai trong cộng đồng ra sao.

Cứ như ở xứ Hoa Kỳ tân tiến là thế, mà họ buộc phải thừa nhận sự thật chẳng có gì bí mật rằng hầu hết các trường đại học chỉ lớt phớt chạm tới cái gọi là “giáo dục tự do” (“liberal education“), rằng họ không hề cho sinh viên ấn tượng cần biết nhiều tới nội dung luân lý, đạo đức hoặc nhân văn (đối lập với “phương pháp” như tư duy phản biện và phân tích lý tính), bởi thế nên họ không cho sinh viên ấn tượng rằng, giáo dục thuộc về việc biết mình là ai và mình có thể làm được gì.

Không những thế, bầu không khí phải phép và nuông chiều ở trường đại học còn mở rộng thêm giai đoạn vị thành niên, khi nó phục vụ như chiếc cầu nối giữa chuyện là một cậu bé con vui chơi và sự làm ra vẻ những trách nhiệm nghiêm túc của một người lớn.

Charles Murray, tác giả cuốn Real Education (2008) tuyên bố lớp vôi vữa lỗi thời cho hầu hết mục tiêu nền giáo dục tuyên bố phục vụ.

Những sinh viên đến trường nhằm kiếm tìm một công việc mang tính kỹ thuật có thể được phục vụ tốt lên hẳn nhờ một nền giáo dục tập trung và cô đọng hơn với thời gian ít nhiều khoảng 4 năm và không đòi hỏi “trải nghiệm nơi cư trú”.

Murray kết luận rằng “giáo dục tự do” (hoặc “giáo dục khai phóng” hay “giáo dục tổng quát“,v.v…) gồm sự chính xác chắc thực trong việc dùng ngôn ngữ và kiến thức thực tế về những gì đòi hỏi phải có cho những sự lựa chọn mang tính đạo đức, sau này có thể được lưu giữ cho những ai lãnh trọng trách ở các vị trí chính trị, trí thức và kinh tế gia của đất nước.

Các tác giả của cuốn sách Rethinking Education in the Age of Technology (2009) lưu ý cần phân tách giữa việc đến trường (schooling) và học tập (learning). Theo họ, “đây là thời điểm các nhà giáo dục học và các nhà hoạch định chính sách cần bắt đầu suy nghĩ lại để giáo dục tách khỏi việc đến trường“. Họ cũng nhấn mạnh rằng, “hầu hết thay đổi trong cách thức người ta thu lượm được kiến thức đều đang diễn ra bên ngoài trường học“.

Hai tác giả cuốn sách tuyên bố rằng, xã hội Hoa Kỳ đã chuyển hệ từ mô hình học nghề (apprenticeship model) sang mô hình giáo dục của thời đại nhà trường dạy phổ quát (universal schooling era). Hiện tại, chúng ta đang chuyển mình sang hệ hình mới: thời đại của học tập suốt đời (lifelong learning).

Điều này đang thu đạt những thay đổi lớn lao liên quan tới trách nhiệm, kỳ vọng, nội dung học thuật, sư phạm, lượng giá, nơi chốn, văn hóa và quan hệ.

Các tác giả nhấn mạnh, trường học địa phương sẽ không bị thay thế mà sẽ đóng vai trò của những sự lựa chọn mới như các trung tâm học tập dựa vào cộng đồng (community-based learning centers)– việc học sinh và người lớn cùng làm việc bên nhau,  học ở nơi làm việc, học ở nhà và học trên trường ảo “sẽ giúp chúng ta suy nghĩ lại về vai trò chủ đạo của nhà trường công lập 12 lớp học“.

Đến đây, xin đề cập tới lối tiếp cận học vì niềm đam mê (passion-based learning).

Tác giả mô tả đây là một cách học “ý thức về sự kinh ngạc. Thực sự nhìn sâu vào thế giới với sự ngạc nhiên và mang cảm nhận kỳ thú đối với những thứ mà chúng ta đích thực muốn học hỏi mọi điều.”

Một kiểu khác để nói về giáo dục dựa trên đam mê là, dĩ nhiên, khuyến khích học viên dấn thân (engagement). Có rất nhiều bằng chứng cho thấy, học viên, nhất là học viên lớn tuổi đang ngày càng có vẻ rã rời, ngại ngần khiến dẫn tới các kết quả kém.

Trong đời sống công việc, nếu ta đam mê điều gì đó, dấn thân hết mình vì nó, chắc chắn ta sẽ tựu thành kết quả tốt đẹp hơn hẳn. Điều này càng đúng với bối cảnh giáo dục.

Trước khi dừng, tôi muốn quay trở lại với cuốn sách đã dẫn từ đầu.

Đối tượng cuốn sách nhắm tới là học viên người lớn (cả tuổi truyền thống lẫn tuổi trưởng thành: trên 25), được xem xét ở quá trình học tập và các chiến lược học tập.

Dưới đây, là 3 vấn đề nghiên cứu chỉ  ra về mối quan hệ giữa giáo dục, việc làm và cuộc sống của người lớn:

1. Các mối quan hệ mà những người lớn tạo ra giữa tham gia học tập với các khía cạnh khác trong cuộc sống của họ.

Giáo dục đóng vai trò trung tâm, nó là công cụ duy nhất giúp tạo nên ý nghĩa toàn bộ cuộc sống của chúng ta.

2. Các cách mà theo đó những người trưởng thành sử dụng học vấn và liên kết nó vào các khía cạnh khác của cuộc sống rất đa dạng, luôn thay đổi và có nhiều mặt.

Họ có thể liên kết học tập với công việc, với cuộc sống gia đình với các hứng thú lúc rảnh rang hoặc với một số trong các lĩnh vực này, hoặc họ có thể thấy không cần thiết liên kết với bất kỳ lĩnh vực nào. Các cách mà theo đó họ nhìn nhận những liên kết này sẽ thay đổi theo thời gian và trong việc tham gia học tập của họ cũng thay đổi.

3. Chìa khóa để hiểu rõ bằng cách nào những người lớn sử dụng và xác định vị trí giáo dục chính là nhận thức rằng về cội rễ đó là cảm quan của chúng ta. (sđd, tr.294- tr. 295)

Nói thêm chút xíu ngoài lề. Đây là cuốn sách tôi đọc từ lúc mới ra Hà Nội hồi 8 năm trước.

[02.10.2011]

———————————————————————————————————–

Cải biến hiệu quả hơn phương tiện tâm lý trị liệu trong thời đại hôm nay

Trong khi tâm lý trị liệu ngày càng được dẫn dắt nhiều hơn bởi tính thực chứng kể từ thời của Freud, một số nhà trị liệu vẫn than vãn về tầm hạn chế tiếp cận những cách thức chăm chữa bằng lời nói hiệu quả, cập nhật nhất.

Trên Perspectives on Psychological Science, hai nhà tâm lý trị liệu Hoa Kỳ viết rằng chúng ta “cần suy nghĩ lại về hệ thống sức khỏe hiện nay ngõ hầu sắp đặt sự trị liệu tương ứng thích hợp và dễ truy cập đối với tất cả những ai cần đến nó.”

Mọi tầng mức chăm sóc sức khỏe tâm thần cần được chú ý hơn, họ nói, từ giai đoạn dự phòng tới can thiệp của tiến trình trị liệu.

GS Alan Kazdin của trường Yale tin là chúng ta phải thừa nhận sự thật căn cốt rằng, tất cả mọi sự phát triển và tiến bộ trong nền tâm lý trị liệu dựa trên nền tảng thực chứng đã thất bại khi giải quyết vấn đề khá nghiêm trọng của căn bệnh tâm thần tại nước Mỹ.

Bài báo nêu một số điểm cần nhấn mạnh trước khi đại tu hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần:

  • Hiểu biết những gì có hiệu lực và dành cho đối tượng nào; tức là biết làm thế nào nhắm tới các mục tiêu can thiệp để đối tượng sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
  • Tích hợp các tầng mức chăm sóc khác nhau; ở đây, phải chú ý đúng mực các vấn đề xã hội lan tỏa nằm ẩn bên dưới nhu cầu sức khỏe tâm thần của quốc gia.
  • Xác định các phương pháp biểu đạt, bày tỏ tối ưu; nói khác đi, cần tìm ra nhiều cách thức hiệu quả hơn theo hướng sử dụng ít đi thời gian của cả nhà trị liệu lẫn thân chủ, hạn chế tối thiểu chi phí đi lại cũng như cấu trúc không gian giản tiện, đồng thời tránh tăng cường tiêu dùng các nguồn lực tốn kém và hiếm hoi khác.

Tại nước Anh, bài báo này cho thấy quan điểm nội tại về vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần và thảo luận nỗi sợ của xã hội khi tích hợp bệnh tâm thần trở lại đời sống thường nhật. Nỗi sợ phi lý trong cộng đồng nói chung là tương đối phức tạp khi tội phạm là người mắc bệnh tâm thần.

Chuyên gia điều dưỡng tư pháp Theo Bello khẳng định, nhà mở cộng đồng và nhóm hỗ trợ liên kết chặt chẽ có thể chuyển hóa dễ dàng hơn cho việc tái thích nghi xã hội.

“Công việc của chúng tôi là tìm hiểu tại sao bệnh nhân ứng xử như thế, điều gì củng cố thêm hành vi của họ, và với trạng thái vậy thì có thể lựa chọn cách điều trị nào cho thật hiệu quả“. Bello nói, sự thấu cảm, chín chắn và tôn trọng đã giúp ông trong nỗ lực hiểu biết các bệnh nhân của mình.

Nhân tiện, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần chuyên nghiệp, cần lưu ý rằng, ngay cả khi các nhà tham vấn tâm lý và tâm lý học lâm sàng có thể tiến hành cùng các kỹ thuật tương tự thì quan điểm của họ về những mối quan tâm của thân chủ được khúc xạ bởi các lăng trụ bản thể luận và lý thuyết khác biệt nhau.

[20.9.2011]

——————————————————————————————————-

Vài khuyến cáo xử lý sang chấn nhân kỷ niệm 10 năm sự kiện 11.9

* Khi xử lý sang chấn, như 11.9 hoặc sập cầu dẫn Cần Thơ hay bão Chanchu chẳng hạn, điều sống còn là hiểu biết về “phản ứng nhân lễ giỗ” (còn gọi là ‘hiệu ứng lễ giỗ’: anniversary effect): sự kiện tâm lý này nảy sinh những ký ức, suy tư, cảm nhận gây đảo lộn khi tiến hành lễ giỗ, kỷ niệm một trải nghiệm ý nghĩa (ví dụ, ly dị, chết chóc, sang chấn và thảm họa).

Hết sức thông thường khi những phản ứng cảm xúc mạnh mẽ xuất hiện hàng tuần trước dịp lễ giỗ, thậm chí còn kéo dài sau đó. Đây là trạng thái phản ứng được dự liệu, vì thế cần nhớ rằng, không có gì sai trái với mình cả. Thấu hiểu hiệu ứng lễ giỗ có thể giúp ta nhận ra dấu hiệu quấy đảo của thứ cảm xúc đang trải nghiệm.

* Các cuộc khủng hoảng, sang chấn hoặc thảm họa lịch sử  hay nhận được mối quan tâm đặc biệt và luôn ưu tiên phủ đầy trên trang nhất.

Theo thông lệ, các phương tiện truyền thông thừa dịp cứ phát đi phát lại hình ảnh đau buồn. Hạn chế xem TV, đọc báo và lướt các mạng tin tức xoay quanh sự kiện. Sang chấn thứ phát, còn gọi là sang chấn gián tiếp (vicarious trauma) xảy đến khi mình làm chứng nhân của sự kiện khiến cho bản thân đau buồn. Tựa cách kỷ niệm 11.9, mình cũng nên giới hạn bộc lộ với những ai không thể kiềm chế việc nói về sự kiện. Hãy gắng tạo một ngày- không- kịch- tính.

* Mình không buộc phải cảm thấy bị cầm tù bởi trải nghiệm đau đớn từ quá khứ.

Tạo ra tấm chắn của sự nhanh chóng thích nghi. Tự chăm sóc bản thân, chịu đựng và an ủi sẽ hỗ trợ ta khi băng vượt qua một sang chấn khó khăn. Diễn bày các ký ức và cảm nhận với người thân trong gia đình hoặc bạn bè, viết hay dùng họat động thể lý để giải căng thẳng tinh thần.

Các cách khác để bộc lộ trải nghiệm nội tâm có thể kể tới những loại hình nghệ thuật sáng tạo.  Các họat động này có thể đặt để lại sinh học của bộ não và làm dịu đi chứng mất ngủ.

* Nếu phát hiện ta đang đấu tranh với sang chấn, nhớ rằng mình không cô độc. Việc mất mát ảnh hưởng tới mỗi người hoàn toàn khác nhau, vậy nên đừng đặt thời gian tối đa cho nỗi đau buồn. Cũng đừng so sánh hành trình phục hồi của bản thân và của tha nhân.  Những gì mà sang chấn do 11.9 và các sự kiện khủng khiếp khác chỉ ra đối với sức khỏe cộng đồng là không có thời hạn chữa lành xác định.

* Dù nghiên cứu chứng tỏ bố mẹ phơi nhiễm trực tiếp 11.9 có phản ứng thái quá thì dữ liệu thu thập được cho thấy con cái khó hòa hợp về sau.

Nếu mình không thể cuốn phăng nỗi lo lắng hoặc sợ hãi ra khỏi các vấn đề thường ngày thì cần biết rằng, con cái ta ít bị ấn tượng hơn mình tưởng. Trẻ con có một năng lực sắc sảo để biết điều gì xứng- đáng- lo- lắng.

* Khi tò mò về sự kiện thế giới, hãy tìm kiếm và nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, gồm cả các chương trình tin tức ngoài quốc gia của mình.

Điều này giúp ta có viễn tượng cân bằng hơn về thông tin đáng giá.

* Cân nhắc việc cầm nắm nỗi đau nhân dịp lễ giỗ và nên biến nó thành ngày của phục vụ và tưởng niệm.

Đừng chần chừ, lần lữa trong sự vô vọng hoặc bất lực mà dịp lễ giỗ đánh thức, gợi lên cho chính bản thân, gia đình hay đất nước mình. Cần quyết định ghi khắc ngày đó theo hướng tích cực.

* Khi đi du lịch, nâng cao nhận thức về những điều căn bản hiển hiện trong thực tiễn đời sống.

Chẳng hạn, du lịch bằng máy bay được thống kê là hình thức giao thông an toàn nhất. Để giúp bản thân tự tin, chắc chắn là mình tuân theo hướng dẫn viên và cư xử phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn.

Và nhớ rằng, không phải mọi sợ hãi đều xấu tất. Giữ mình chú ý, thậm chí đôi chút lo lắng, có thể là điều tốt: giúp mình và những người khác nữa, quan sát cẩn thận và biết tự bảo vệ.

* Trong lúc nhiều người nhận ra là họ kết thúc sự kiện 11.9 hoặc sự kiện sang chấn nào đó, thì vẫn còn không ít người lại nối dài thêm nỗi tiếc thương hoặc sang chấn. Xin hãy tôn trọng và đồng cảm. Đừng cảm thấy hổ thẹn hoặc đổ tội cho kẻ khác nếu không ‘vượt qua’ khủng hoảng này.

* Sang chấn đánh vỡ, tháo bung sự gắn kết chúng ta có với nhau.

chủ nghĩa khủng bố đảo tung nền tảng tin tưởng sự thật ở bất kỳ ai, song điều quan trọng là cần thấy rõ qua vụ 11.9 rằng, các hành vi tội ác là của ít người chứ không phải số đông.

Đây là sự thật đặt biệt dành cho trẻ em, đối tượng sẽ lớn dần lên dọc cùng cái bóng ma ám ảnh 11.9.

[11.9.2011]

————————————————————————————————————

Liêm chính– người trẻ nước Nam suy nghĩ, ứng xử, tỏ thái độ về tham nhũng và nhu cầu cần thiết của hành vi hối lộ trong đời sống nhân loại

Vòng quanh thế giới mãi rồi cũng phải quay về xứ mình. Đọc tin tức ghi nhận và xem kết quả khảo sát liêm chính trong thanh niên Việt Nam, đồng thời so sánh bên ngoài xong, ai quan tâm tất không khỏi chột dạ bời bời lo lắng cho tương lai dân tộc.

Bởi nhìn đâu xa xôi, mời tham khảo đúc kết ‘thành tựu’ của thủ tướng; đánh giá chất lượng ý kiến thái độ làm việc trên nghị trường của các đại biểu (‘cố gắng lấy lại quần đảo Hoàng Sa‘ trong nhiệm kỳ này là biểu hiện rõ ràng của sự duy ý chí); nhãn tiền, dư luận đặt câu hỏi trước chân dung của nữ đại biểu giàu nhất quốc hội Việt Nam…

Kết quả khảo sát mới công bố cho thấy, 40% số thanh niên được hỏi không tố cáo hành vi tham nhũng; thậm chí, 25% thanh niên có trình độ cao quan niệm rằng lừa dối và vi phạm pháp luật sẽ dễ giàu, thành đạt hơn liêm chính.

Khi đưa tin ngắn gọn, những con số đã làm bộc lộ tình hình sát sạt

Theo báo cáo, có tới 95% thanh niên cho rằng trung thực quan trọng hơn giàu có; 83 – 86% cho rằng thiếu liêm chính (trong đó có tham nhũng) gây tổn hại nghiêm trọng đến thế hệ của họ, sự phát triển kinh tế của đất nước. Mặc dù vậy, có tới 35% thanh niên sẵn sàng nới lỏng định nghĩa của mình về tính liêm chính nếu điều đó đem lại cho họ lợi ích.

Có tới 38% thanh niên sẵn sàng hối lộ để được vào một trường tốt hoặc làm việc tại công ty tốt. Về đấu tranh phòng chống tham nhũng, 86% thanh niên cho rằng họ có thể tham gia và khoảng 60% cho rằng sẽ tố cáo. Tuy nhiên, trong các con số này thì chỉ có 4% từng tố cáo. Lý do chính của việc họ không đứng ra tố cáo là vì cho rằng không phải việc của họ (41%) hoặc tố cáo cũng không giải quyết được gì (41%).

Hoặc khi diễn giải, bình luận thêm vào càng khiến vấn nạn hết sức đáng quan ngại

Tỉ lệ này khá phù hợp với câu hỏi về nhận thức trước tác hại của sự thiếu liêm chính, khi có tới 86% tin rằng tham nhũng rất có hại cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, điều thú vị là chỉ 78% thanh niên cho rằng tham nhũng sẽ tác động trực tiếp đến gia đình, bạn bè họ. Điều đó cho thấy thanh niên vẫn còn nhận thức hời hợt, trừu tượng về liêm chính nói chung, bao gồm tham nhũng và tác hại của tham nhũng.

Nhờ báo chí, độc giả biết lối suy nghĩ của thanh niên như vậy thì trách nhiệm thuộc về xã hội, thuộc về các cơ chế tạo ra sự giả dối; nguồn thông tin họ dựa vào để hình thành quan điểm trung thực chủ yếu từ đài, TV chính thống (89%), tiếp theo là gia đình (80%), và bạn bè, đồng nghiệp (76%), chỉ có 39% người được hỏi cho biết internet là nguồn hình thành nên quan điểm của họ về liêm chính.

Kết quả khảo sát liêm chính trong thanh niên Việt Nam phản ánh thực trạng hối lộ, tham nhũng đã trở thành hiện tượng bình thường trong xã hội (nổi bật nhất khi vào bệnh viện, gặp cảnh sát giao thông, đi xin việc và giao dịch kinh doanh), ở cả thành thị lẫn nông thôn, bất chấp trình độ học vấn và lứa tuổi.

Tham nhũng lan tràn khắp toàn cầu. Dưới cái nhìn của các nhà sinh học tiến hóa, tham nhũng cơ chừng giữ vai trò gìn giữ xã hội.

Dĩ nhiên, nói như vậy không hề có nghĩa tham nhũng là điều tốt, hay các mức độ hiện thời về nó ở đâu đó liên quan khá gần gũi với mức độ tham nhũng thấp mà thiên hạ cho là chấp nhận được.

Dẫu thế, dường như một lượng tham nhũng nhất định là cần thiết để vận hành xã hội– một trong những sự thật căn bản không khiến hài lòng, vui tai tí nào.

Thực tế, câu chuyện xử lý không nằm nơi các chính quyền trong sạch (clean governments) bởi không phải bao giờ chúng cũng là những mô hình thực hiện hiệu quả; đúng hơn, mấu chốt là tính minh bạch (transparency). Công khai những định chế, giao ước sẽ giúp cho các công dân, nhóm giám sát (watchdog groups), ngay cả các công ty cạnh tranh xem xét tiền dân đóng thuế đang được sử dụng ra sao…

Đây là một thí dụ sống động tại nước Nga trong nỗ lực chống tham nhũng qua mạng lưới điểm internet.

Còn để chỉnh đốn một quốc gia mắc dịch tham nhũng tràn lan, tồi tệ như Ấn Độ, nhóm kinh tế gia hàng đầu của chính phủ đã đề xuất phương thức cực đoan: việc đưa hối lộ có thể là hợp pháp.

Dù biến tấu và biện bạch thế nào đi chăng nữa, hối lộ vẫn cứ là hối lộ với những hậu quả cùng tác hại ghê gớm, khó lường– khởi đi từ chút quà nhỏ nhặt, gọi là… kèm đủ lý do luôn luôn có sẵn và luôn luôn đúng.

[10.8.2011]

———————————————————————————————————

Cơn thèm quen thuộc sẽ duy trì tiếp tục những cuộc khủng hoảng… thịt lợn?

Hiện lượng người ăn thịt động vật– trong đó phổ biến nhất là thịt heo (lợn)– vẫn chiếm số đông áp đảo, hết sức đáng kể trong cộng đồng dân cư. Và thói quen này vẫn chưa có dấu hiệu từ bỏ, dù thi thoảng thuyên giảm tí chút vì sợ hãi dịch bệnh.

Với cách đưa tin ‘tăng nhanh hơn… giá vàng‘, rằng lợn Việt còn đắt hơn cả lợn ngoại quốc… nên chắc chắn, thịt lợn mãi là đề tài bàn tán đầu đường xó chợ do tính thiết thực, không thể thiếu vắng miếng mảng, mùi vị của nó trong mỗi buổi ăn hàng ngày của người dân nước Nam ta.

Tìm giải pháp tăng số lượng, đầu tư tiền chăn nuôi trọng điểm, đề nghị nhà nước cung cấp tín dụng trước hiện tượng 5 triệu hộ bỏ cuộc,… hầu như các cơ quan chức năng và giới kinh doanh đã kịp thời chứng tỏ hùng hồn tầm quan trọng đặc biệt của loại đạm động vật bốn mùa đắp đổi này.

Thật vô cùng khó khăn khi tưởng tượng bất kỳ phương thức sản xuất thịt lợn nói riêng– chăn nuôi nói chung– theo kiểu trang trại công nghiệp lại có thể tồi tệ hơn bằng, cả từ dưới góc độ phá hoại môi trường lẫn sự tàn độc với động vật.

Dường như cách thức duy nhất để giúp các đối tượng vẫn có thịt ăn mà không gây ảnh hưởng tiêu cực tới hai yếu tố vừa nêu trên chính là việc sáng tạo ra thịt nhân văn (humane meat) được sản xuất trong phòng thí nghiệm (vitro meat, lab-grown meat) với những hiệu ứng toàn diện mang lại rất đáng xiển dương, chào mừng.

Bao giờ truyền thông xứ mình đưa tin liên quan tương tự thế nhỉ?

[14.7.2011]

————————————————————————————————————

Phim tài liệu vẫn đang là sự kiện hiện tiền…

Xem chương trình tối nay trong tuần Liên hoan Phim Tài liệu Quốc tế, thấy đời sống phả hắt sinh động và bề bộn đến độ làm người xem bâng khuâng quá đỗi.

Một film của Việt Nam (Đất lạnh, Nguyễn Thước, 2008, 30′) với ngồn ngộn chi tiết tả thực về ‘nông dân, nông nghiệp và nông thôn‘– ‘vấn đề của thời đại, vấn đề của Việt Nam hiện nay.’

Một Mumbai-Đứt kết nối (Đan Mạch, Camilla Nielssson & Frederik Jacobi, 2009, 58′) phản ánh thực trạng cơ sở  hạ tầng của siêu đô thị Ấn Độ trong xu hướng ô nhiễm môi trường và quy hoạch tắc tị. Mỗi khuôn hình luôn khiến liên tưởng ngay tới viễn cảnh không xa của chính quê hương mình.

Vượt qua hạn chế của lối mòn tiếp cận, phim tài liệu Việt Nam- nghịch lý thay- lại chưa làm nổi cái mà các đạo diễn ngoại quốc thể hiện thuyết phục trong tác phẩm của họ: hồn cốt dân tộc, hơi thở thời đại và câu chuyện thời sự của ngày tháng hôm nay.

Gợi nhớ bộ film mới xem gần đây: quá khứ vẫn chảy thao thiết trong mỗi thân phận cá nhân cũng như lịch sử đất nước còn mãi những nỗi đau không dễ nguôi ngoai.

Vì giờ đây nông dân tiếp tục lay lắt đói khổ; chính sách chuyển đổi cơ cấu vùng miền và đền bù đất đai triền miên gây bất công xã hội và làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo (lại nhắc tới loài chó); và nỗi đơn độc của phận con sâu cái kiến sau chừng ấy vinh quang Tổ quốc dâng Người…

[12.6.2011]

————————————————————————————————-

Nơi dân đồng nát làm ăn, văn phòng cao ốc, công sở và căn bệnh chung của chốn thị thành

Bức ảnh trên ghi lại một nơi chốn làm việc kiêm chỗ ăn ở của người làm nghề đồng nát (xin lỗi, không phải ‘lát’ nhé!), lượm nhặt chai bao, phế liệu giữa Thủ đô văn minh, hiện đại.

Các tòa nhà nhiều tầng, khu chung cư sang trọng mọc nhan nhản với điều hòa nhiệt độ, máy giữ ẩm, hút bụi, viên tẩy toilet khử mùi, chống bám cặn,… người dân cũng không tránh khỏi mắc phải ‘Hội chứng bệnh văn phòng, cao ốc‘ (SBD).

Hội chứng này là trường hợp lâm sàng đặc thù, có vô số triệu chứng phức tạp. Dù mọi người bị ảnh hưởng bởi những yếu tố gây tác động trong cùng điều kiện như nhau, song các triệu chứng nổi bật lại khác biệt.

Các triệu chứng được ghi nhận gồm đau đầu, mắt sưng tấy, chảy nước mũi, xoang mũi bị xung huyết, ho, cảm lạnh và triệu chứng như cúm, nhiều bệnh khác gồm đau dạ dày- ruột non và các bệnh liên quan tới hệ thống hô hấp.

Bệnh tình xảy đến phụ thuộc vào một lọat các yếu tố cực kỳ phức tạp. Chất lượng nơi làm việc mang ý nghĩa khi các đặc tính nghề nghiệp, điều kiện môi trường, căng thẳng tinh thần và độ nhạy cảm cá nhân kết hợp nhau.

Nếu khi rời khỏi văn phòng, cao ốc mà những biểu hiện biến mất ở đối tượng đang mắc hội chứng thì sự kiện này là chỉ dấu trực tiếp cho mối quan hệ giữa con người và tòa nhà (Takigawa và cs., 2009).

Theo nghiên cứu, các trở ngại về mặt tâm lý càng gây khó khăn cho việc đo lường nhằm cải thiện môi trường sống tốt hơn:

– Hiểu sai lệch về sự phát tán của các hóa chất

– Quá tự tin về các tiêu chuẩn đo lường mức độ thông khí

– Quá tự tin về tiêu chuẩn của các công cụ thay thế tạm thời

– Hết sức khó khăn trong việc xác định nguyên nhân

– Cảm giác mơ hồ về các triệu chứng

– Cảm giác an ninh đi liền với tri nhận là rối loạn không nghiêm trọng (Sick Building Syndrome, tr. 165).

Vấn nạn dân cư đô thị buộc phải đương đầu càng góp phần chỉ ra rằng, cảm nhận về mức độ kiểm soát đời mình đang giảm sút hẳn cũng như dữ liệu học thuật cho thấy sự dối lừa có xu hướng tăng lên trong cuộc sống vật chất đủ đầy, tiện nghi, khi cố gắng khuyến khích người ta tin vào tự do ý chí và quyết định luận.

Hơn nữa, tìm hiểu cấu trúc xã hội cơ bản của các thành phố và phương cách khả dĩ thiết lập công thức tính toán đơn giản là có thể mô tả sâu sắc sự phức tạp của đời sống đô thị.

Đây chính là nội dung bài báo trên NYT.

Có điều gì đó thật kỳ lạ trong cách suy tư về vùng đô thị phồn hoa theo các thuật ngữ trừu tượng như thế. Rốt cục, thường chúng ta mô tả các thành phố như những thực thể địa phương được định hình bởi địa lý và lịch sử.  New Orleans không chỉ là nơi chung sống của 336.644 con người ta mà còn là nhánh sông, Katrina và phong cách ẩm thực của di dân nói tiếng Pháp ‘Cajun’. Không đơn giản là một thành phố khác, New York từng là chốn định cư của người Đức buôn bán lông thú, là trung tâm công nghiệp tài chính và quê hương bản địa của con cháu nối dõi người Mỹ gốc Anh ‘Yankee’.

Dẫu thế, West nhấn mạnh, các sự kiện cũng chỉ là tiểu tiết, giai thoại thú vị vặt vãnh chẳng giải thích được gì nhiều. Cách duy nhất để thực sự thấu hiểu thành phố, West nói, là thấu hiểu cấu trúc sâu thẳm của nó, các mẫu thức định hình của nó, sẽ cho biết một đô hội phồn thịnh hay tàn lụi. Chúng ta không thể làm cho những thành phố của mình họat động tốt hơn trừ khi hiểu thấu cách thức chúng vận hành. Và, West nói, anh biết chúng họat động như thế nào.

Như thế, đây không chỉ là nền tảng mà hầu hết xã hội loài người trải qua, nó còn phản ánh vai trò của các nhóm xã hội đông đảo trong sự phát triển nhân loại và những dạng thức đa dạng của chúng về độ bền vững.

Quay lại ngoái nhìn nơi mình đang trú ngụ, xin độc giả thoải mái chia sẻ cảm nghĩ cùng nhau.

[30.5.2011]

—————————————————————————————————-

Sức khỏe tâm thần– đã nhắc, đang nhắc và sẽ tiếp tục nhắc mãi

Dù đang là tháng Năm, mới được nửa chặng đường và chưa tới Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới 2011, song blog Tâm Ngã theo thông lệ (từ phiên bản cũ Cái tôi) vẫn xem trọng việc lưu ý độc giả về sức khỏe tâm thần.

Có thể hiểu, sức khỏe tâm thần (mental health) đó là cách ta suy nghĩ, cảm nhận và ứng xử trước những biến chuyển trong đời.

Sức khỏe tâm thần lành mạnh giúp ta đưa ra các quyết định và xử lý tốt hơn những căng thẳng hàng ngày xảy đến ở nhà, nơi làm việc và tại gia đình. Đôi khi, ta cần giới chuyên môn trợ giúp chăm sóc sức khỏe tâm thần bản thân, nhất là khi những vấn đề hoặc cảm nhận có vẻ vượt ngoài sự kiểm soát của mình.

Dưới đây là một vài dữ liệu sức khỏe tâm thần tại Hoa Kỳ.

* Cứ 4 người dân Mỹ thì có 1 người trải nghiệm một rối loạn tâm thần nào đó mỗi năm, theo Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (NIMH).

* Trạng thái căng thẳng tinh thần kéo dài (chronic stress) có thể ảnh hưởng tới cả sự an lạc của thân xác và tâm lý, do nó gây ra một lọat các vấn đề khác nhau: lo hãi, nôn mửa, đau cơ, huyết áp cao và khiến hệ miễn dịch suy yếu.

* Một cuộc thăm dò ý kiến 2009 của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) phát hiện, 75% người trưởng thành cho biết họ trải nghiệm các mức độ căng thẳng từ vừa phải tới cao (24% cực độ, 51% trung bình) và gần một nửa nói là năm ngoái sự căng thẳng tinh thần của họ tăng lên (42%).

* Theo điều tra 2008 do APA kết hợp với Harris Interactive thực hiện cho thấy, 25% người Mỹ không được tiếp cận thỏa đáng các dịch vụ sức khỏe tâm thần và 44% bảo họ không được gộp vào hoặc không chắc mình có thuộc diện đó.

* Nghiên cứu gần đây, 68% dân Mỹ không muốn người mắc bệnh tâm thần trở thành dâu rể trong nhà và 58% không muốn làm việc chung sở với đối tượng này.

Làm thế nào chúng ta có thể giúp mọi người lĩnh hội về tầm quan trọng của việc có sức khỏe tâm thần tốt, giảm thiểu định kiến, đối đầu trước những thách thức do hành vi và lối sống thay đổi, đồng thời kiếm tìm các dịch vụ trợ giúp khi cần thiết?

Nhân tiện, xin cập nhật vài thông tin liên quan tới Tâm thần phân liệt (TTPL): thay cho việc sử dụng các test tiếp cận từ góc độ sinh học lâu nay, giờ người ta đo “sóng não”/ điện não đồ (EEG) để phát hiện nguy cơ; đặt nghi vấn, bàn cãi về mối liên quan giữa TTPL và mức độ IQ kém cỏi; nhận thấy bệnh nhân TTPL có sự mất cân bằng giữa việc gây ra hay không những chất có tác dụng kháng viêm như prostaglandin

[18.5.2011]

———————————————————————————————–

Suy nghĩ lại về việc phân loại các rối loạn tâm thần

Theo lịch trình, Sổ tay Thống kê và Hướng dẫn Chẩn đoán các Rối loạn Tâm thần mới (DSM-5) sẽ được công bố vào tháng 5.2013.

Dana Foundation– một tổ chức tư nhân gồm tập hợp các nhà khoa học Thần kinh tài trợ thiện nguyện trong lĩnh vực nghiên cứu não bộ- mới đây đã đăngbài báo trên trang nhà của họ để chỉ ra nhu cầu cần có một cách tiếp cận khác trước, hoàn toàn khác biệt trong nghiên cứu và hiểu biết bệnh tâm thần.

Khởi từ 1980, DSM đã góp phần phân phối một lối chẩn đoán chung cho tất cả các nhà lâm sàng, bệnh nhân, khoa học gia, các hệ thống học đường, tòa án và những công ty bảo hiểm, công ty dược; vì thế, bất kỳ thay đổi nào của Sổ tay Hướng dẫn đều tạo nên ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tiếc thay, theo tác giả bài báo trên, DSM lại phản ánh nghèo nàn những  thực tế sinh học và lâm sàng.

Vấn đề với DSM-IV, ngôn ngữ chẩn đoán chung hiện tại của chúng ta, là phần lớn các dữ kiện xác quyết nọ dựa vào lại nắm bắt kém thiếu thực tế sinh học hoặc lâm sàng. Trong lâm sàng, những hạn chế của cách tiếp cận DSM-IV bây giờ có thể biểu hiện nổi trội ở 3 lĩnh vực sau: (1) vấn đề bệnh kết hợp (comorbidity), (2) nhu cầu phổ biến các chẩn đoán “không biệt định khác” (NOS), và (3) tính tùy tiện của những ngưỡng chẩn đoán.

Bất luận cách tiếp cận của DSM-5 căn bản ra sao, điều cốt yếu là cộng đồng khoa học phải vượt thoát khỏi nơi ủ chứa chẩn đoán nhân tạo đã khống chế quá mức nghiên cứu, gây tổn hại hết sức lớn lao. 

Thắc mắc: làm thế nào giới nghiên cứu không những được phép mà còn khuyến khích họ suy nghĩ lại việc phân loại tâm bệnh học? Thúc đẩy sáng tạo khoa học sao đây khi các nhà lâm sàng vẫn phải tiếp tục truyền thông với bệnh nhân, người nhà của họ cũng như với các công ty bảo hiểm, nhà trường và tòa án?

[05.5.2011]

———————————————————————————————-

Sự thật là hiện có rất nhiều người đang lâm vào cảnh đói nghèo

Đói‘ là từ diễn đạt tột độ của sự nghèo. Giải pháp là tin tưởng người nghèo và đưa tiền mặt trực tiếp cho họ? Nhớ lấy con số đau buồn 241.558 nhân khẩu và hiện tình khắp nơi nhiều người vẫn lâm vào cảnh khốn khổ. Giá cả tăng cao không những đe dọa độ ổn định của nền kinh tế vĩ mô mà còn trực tiếp đẩyngười lao động thêm cùng cực. Câu chuyện về hố ngăn cách giàu nghèo càng xới lật, phơi lên nhiều chi tiết bất công.

Không hề hoang đường bịa đặt, hơn 1 tỷ người trên thế giới đang quay quắt, ngủ quên hằng đêm với cái bụng kêu réo khôn nguôi… Vượt xa các con số thống kê ấn tượng hoặc giải thích hoành tráng của những lý thuyết lớn lao, tình trạng đói nghèo toàn cầu hết sức khó lường: chẳng đủ cái ăn song lại sắm sửa TV, rủng rỉnh chút đỉnh không đồng nghĩa là nhiều lương thực hơn, và lắm khi giá gạo rẻ lại có thể khiến người ta mua cơm ít đi…

Đã đến lúc cần thay đổi hẳn cách hình dung, nghĩ ngợi về sự đói kém; vì nền công chính lầm lạc sẽ làm vấn đề ghê gớm bội phần. Tỷ dụ, chẳng phải thiên hạ xơi ít mà bắt buộc dùng thứ thực phẩm tồi tệ nên bị tước mất nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu để trở thành công dân khỏe mạnh, thành đạt; người ta chẳng đói ăn khát uống mà chỉ cố lựa chọn cách tiêu xài bằng những ưu tiên khác– ở trong một đất nước mà thu nhập của đa phần quần chúng cơ bản nhắm tới đáp ứng cái ăn cái mặc?

[03.5.2011]

———————————————————————————————

Một nghiên cứu đáng giá về trò chơi điện tử ở tuổi mới lớn

Dường như đã bình thường hóa rồi, hầu hết các bài báo ở Việt Nam hễ cứ đề cập tới trò chơi điện tử (video game) là y như rằng đính ngay liền với từ ‘nghiện’, mặc dù nói của đáng tội, thế nào tác giả cũng không quên thòng một câu êm ái (đại ý) ‘bản chất game không có hại’…

Đọc cái này thấy vui vui, tự kiểm là mình chẳng biết chơi trò gì cho ra hồn; táy máy tìm thêm, tòi ra kết quả điều tra đầu tiên về game trực tuyến và hiểu hơn trình độ của chuyên gia nước nhà.

Hầu hết các nghiên cứu tôi tham khảo được rất khó khăn để xác định rõ cái gì là nguyên nhân của cái gì, kiểu video game gây hậu quả tiêu cực (ví dụ, chơi game quá mức dẫn tới trầm cảm) hay hợp lẽ thì các yếu tố tiêu cực làm việc chơi game càng tăng lên (trầm cảm khiến chơi game nhiều hơn).

Tiện thể hăng hái, xin giới thiệu nghiên cứu công bố mới đây (2.2011) với dữ liệu trên 3.000 trẻ em và tuổi mới lớn đang học các lớp 3, 4, 7 và 8 tại Singapore được điều tra thường niên từ 2007 tới 2009.

Nghiên cứu tập trung trả lời một số câu hỏi:

1. Những gì được đánh giá là ‘chơi game bệnh lý’ (“pathological gaming”)?;

2. Các yếu tố nào dự đoán một game thủ bệnh lý?;

3. Hậu quả tiêu cực của chơi game bệnh lý?

Để trả lời các câu hỏi trên, nhóm tác giả đề nghị đối tượng tham gia thực hiện một loạt thăm dò đo lường các kỹ năng xã hội của trẻ, tính xung động, ám sợ xã hội, trầm cảm, lo hãi, chất lượng mối quan hệ giữa bố mẹ và trẻ, và việc học ở trường; các điều tra cũng bao gồm sự lượng giá về dạng thức và trải nghiệm chơi game để xác định xem đối tượng có thỏa mãn các tiêu chí ‘chơi game bệnh lý’ không.

Cần để ý, các tác giả định nghĩa ‘chơi game bệnh lý’ dựa trên tiêu chí các nhà tâm thần học dùng để chẩn đoán chơi bài bạc bệnh lý (pathological gambling).

Đặc biệt, các tác giả phân loại một trẻ đang dấn bước vào việc chơi game bệnh lý nếu nó xác nhận 5/10 triệu chứng biểu hiện dai dẳng hoặc tái diễn hành vi thiếu thích ứng dưới đây:

1. đau đáu việc chơi game

2. có nhu cầu chơi game ngày càng nhiều nhằm đạt tới sự phấn khích như ý

3. nỗ lực hoài để kiểm soát, giảm bớt hoặc chấm dứt chơi game mà không được

4. bồn chồn hoặc cáu kỉnh khi thử giảm bớt hay không chơi game nữa

5. chơi game như là một cách để lảng tránh vấn đề gặp phải hoặc khuây khỏa nỗi buồn phiền

6. sau khi thua game, thường quay lại quyết phục thù cho bằng được

7. nói dối gia đình hoặc người khác để che giấu việc dốc sức kỳ cùng vào game

8. có những hành động dính líu tới pháp luật để có tiền chơi game

9. vì game mà phải liều mạng, mất mối quan hệ ý nghĩa, công việc, cơ hội học tập hoặc cơ hội nghề nghiệp

10. phụ thuộc người khác cung cấp tiền bạc do cậu/cô bé í hết sạch túi vì game rồi.

Kết quả nghiên cứu- như biểu đồ trên cho thấy- hầu hết trẻ (90%) không dấn vào chơi game bệnh lý suốt thời gian 3 năm nghiên cứu. Chừng 1% mắc các mức độ cao triệu chứng game bệnh lý trong năm thứ nhất, song đã chấm dứt hẳn ở năm thứ ba. Tầm 6% là các game thủ bệnh lý mãn tính.  Và khoảng 1% khác là game thủ bệnh lý ở năm thứ ba chứ không phải từ năm thứ nhất.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát hiện: theo thời gian thì tính xung động, nhất thời (impulsivity), các kỹ năng điều chỉnh cảm xúc kém cỏi, và năng lực xã hội chẳng đáng kể đã tăng lên trong các triệu chứng chơi game bệnh lý.

Không ngạc nhiên gì, khi chơi game nhiều ở năm 1 dự báo sẽ trở thành game thủ bệnh lý ở năm 3. Chẳng hạn, ai là game thủ bệnh lý ở năm 3 thì chơi trung bình 31 tiếng đồng hồ mỗi tuần (gần như một công việc làm toàn thời gian!) tại thời điểm năm 1; trái lại, ai không phải game thủ bệnh lý thì chơi trung bình 19 giờ/tuần vào thời điểm năm 1.

Trẻ mắc mức độ cao các chứng chơi game bệnh lý ở năm 1 có các triệu chứng hay gặp hơn của trầm cảm, lo hãi, ám sợ xã hội, và khó khăn học đường ở năm 3.

… Tóm tắt, khoảng 7% trẻ trong nghiên cứu này mắc các triệu chứng liên quan tới thói quen chơi video game, tương tự những gì quan sát thấy ở người lớn mắc các vấn đề chơi bài bạc bệnh lý.

Có vẻ tính xung động và các kỹ năng xã hội kém cỏi là một trong các chỉ báo tốt nhất sự phát triển các vấn đề vừa nêu; những trẻ này cũng mắc một số triệu chứng sức khỏe tâm thần trầm trọng và gặp nhiều rắc rối ở trường học.

[04.3.2011]

————————————————————————————————————————————————————————————————————————————————

‘Salesman’ (1968)– phim ảnh, Kinh Thánh, bán hàng và thực tế bẽ bàng

Salesman được xem là bộ phim tài liệu kinh điển của Hoa Kỳ, theo kiểu điện ảnh trực tiếp (the direct cinema classic).

Sản phẩm do anh em Maysles đạo diễn tạo nên dư vị cười thầm chua cay, đắng đót, xót xa và buồn thảm về số phận con người riêng tư lẫn bầu khí xã hội bao trùm sắc màu ảm đạm.

Máy quay đi cùng bước chân gấp gáp, chán chường, hồ hởi, mệt mỏi và thất vọng của 4 người đàn ông bán hàng trung niên qua các vùng miền nước Mỹ thập niên 60 của thế kỷ XX: Boston, Chicago, Miami và phụ cận.

Các nhân vật được giới thiệu danh tính chính thức kèm tên đệm (nickname); xa gia đình, sống tập trung, độc lập tác chiến ai lo khu vực đấy rồi về phòng trao đổi tình hình, ăn uống, đánh bài xì phé cùng nhau…

Họ tới tận từng nhà dân theo đạo để bán giá gần $50 bản Kinh Thánh và ấn phẩm Bách khoa Toàn thư Thiên Chúa Giáo thuộc loại trình bày đẹp, gáy mạ vàng, minh họa hình ảnh phong phú, cập nhật mới nhất.

Đối tượng khách hàng đa số là hạng nghèo thê thảm hoặc xấp ngửa lần sang bậc trung lưu, gồm đủ mọi thành phần: bà góa, vợ chồng già, dân di cư, nội trợ,…

Phản ánh thực tế đương đại, phim không có người kể chuyện biết tuốt hoặc dàn dựng sẵn dựa vào kịch bản. Tuy vậy, các tác giả loại hình ‘điện ảnh trực tiếp’ ở đây vẫn sử dụng tính chất trần thuật.

Chẳng hạn, đó là cảnh Paul– được nhấn nhá dài đậm, là nhân vật chính xuyên suốt phim– độc thoại khi lái xe ở Miami, nói về các gã đồng nghiệp; mỗi khi tâm tưởng Paul nhắc tới ai thì màn hình hiện lên cảnh mỗi người mà ông miêu tả.

Kỹ thuật khác cũng lồng trong phim tài liệu này là sự hồi tưởng. Cảnh Paul ngồi trên tàu lửa nhớ lại hội nghị bán hàng, nơi ban lãnh đạo công ty tung chiêu lên dây cót tinh thần anh chị em và đại biểu tham dự chứng kiến từng cá nhân tuyên bố định mức doanh thu giai đoạn tới.

Như thế, phân cảnh vừa nêu chứng tỏ các nhà làm phim thể hiện sự trình bày thực tế qua dự tính cực kỳ chủ quan; họ nghĩ, lúc đó Paul trên đường về thăm nhà chắc chắn đang mải vướng bận với cuộc gặp gỡ ấn tượng ở hội nghị bán hàng.

Chăm chắm bày tỏ rốt ráo sự thật và cuộc sống, dạng phim tài liệu mang phong cách ‘điện ảnh trực tiếp’ như Salesman trình bày các sự kiện, chi tiết thực tế đời thường trong bối cảnh đầy kịch tính; chứ không tuyệt đối chủ quan như dạng phim truyện hư cấu chúng ta hay tiếp xúc lâu nay.

Xem Salesman tại Viện Goethe, thấy và hiểu ra việc có thể cắt cúp, phân cảnh, lồng tiếng, dàn dựng không-thời gian,… càng thấm thía vì sao một dạo dân tình cũng như giới làm báo hình nước Nam mình cứ nhảy dựng cả lên xoay quanh bộ phim tài liệu của tác giả Minh Chuyên mang tựa đề Linh hồn Việt Cộng.

Tôi cũng không khỏi liên tưởng ngay tới đội ngũ tiếp thị các kiểu, nhất là bán hàng đa cấp, nhan nhản tại Thủ Đô; cảm nhận thật lòng là sự chào mời, săn đón của những người trẻ tình cờ tiếp xúc còn non kém kiến thức, trình bày lôi thôi, không cuốn hút nổi và đặc biệt, khua môi múa mép cách hời hợt quá.

Bởi vậy, sẽ không có chút gì đáng ngạc nhiên, nếu Salesman tiếp tục được lấy làm ví dụ sinh động cho kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp– làm thế nào người tiêu dùng trong thế giới hết sức trần tục hoan hỉ đồng ý mua liền một sản phẩm mang giá trị cao quý tót vời nào đó… [xem trailer giới thiệu phim]

[19.02.2011]

————————————————————————————————————————————————————————————————————————————–

Qua phố Tràng Thi…

Tôi mê những cây bàng trên con phố này, như niềm khát khao không gian vượt thoát bao nỗi niềm vào một ngày nhàn nhạt.

Trên xe bus quá ngọ băng qua Hồ Gươm mà tiến dọc vào phố Tràng Thi, đếm được 157 cây các loại được đánh số và gắn biển: phượng, muồng, bằng lăng, sến, xà cừ, nhội,…

Con phố những chiều hè nóng nực đầy người chen vào Thư viện Quốc gia để đọc, để ôn thi và để có chỗ ngủ máy điều hòa vô tư đến 8 giờ tối.

Trong cái rét có phần nào đỡ tê tái, hôm Noel dạo bộ từ Cửa Nam thẳng đường lên Tổng Công ty Sách Việt Nam tìm mua Lịch bàn Danh ngôn 2011, tôi đi ngang Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng tọa lạc trên con phố này.

Vài ba nhóm người vạ vật đứng ngồi, mặt mày nhàu nhĩ.

Suýt chạm mặt một phụ nữ phốp pháp dùng nước hoa phả hương hắt nồng vừa cất chân thoăn thoắt vừa mải mê điện thoại; giờ này, hẹn hò ai đó chăng, vì cái cách cười như trẻ lại làm tôi dại dột liên tưởng cơn bốc hỏa tuổi trung niên.

Một cô gái nhanh nhẹn quay ngược xe có treo mấy túi đồ hàng hiệu rời shop thời trang bóng loáng cửa kính.

Gần đó là sàn nhảy New Century từng đình đám thôi rồi, và nhà hàng hải sản mới mở thấy biển đề bằng tiếng Trung ồn ào khách tập trung ngay cửa chính.

… Nghĩ ngay về thực trạng Hà Nội- thành phố sống tốt, giới chuyên môn loay hoay với ước mơ ‘thành phố xanh’.

Các chiều kích bền vững đòi hỏi cần tính tới khả năng thích nghi của thành phố, những lợi ích sinh thái và tâm lý của không gian xanh cũng như lối sống bền vững.

Tài liệu phát hôm Hội thảo “Thành phố toàn cầu hay thành phố sống tốt – lựa chọn nào cho Hà Nội” (08.10.2010) có nêu các yếu tố của một thành phố sống tốt và vui vẻ (Douglass, 2006):

– Có đường dành riêng cho người đi bộ (phố, vỉa hè, ngõ) không bị chiếm giữ do  đỗ xe, bởi các cửa hàng kinh doanh, biển quảng cáo hay các công trình công cộng.

– Có những khu vực được thiết kế cho nhiều mục đích: đường dạo bộ, các cửa hiệu kinh doanh nhỏ phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày, điểm đỗ xe buýt, trường học và công viên.

– Đường phố được thiết kế với hàng cây và thảm cỏ.

– Các trung tâm cộng đồng và công cộng mở cửa cho các hoạt động của cộng đồng, các tổ chức cộng đồng và phi chính phủ.

– Các quảng trường và công viên công cộng với chất lượng cao.

– Các di tích lịch sử được bảo vệ và được tham quan.

– Sự thịnh hành và phát triển của kiến trúc bản địa.

– Các khu phố, vỉa hè với sự đa dạng các cửa hiệu buôn bán các sản phẩm của địa phương.

– Các khu không gian giải trí cho mọi lứa tuổi.

… Qua phố Tràng Thi dài chưa tới 900m trưa nay không thể nhìn ra cảnh sĩ tử đến trường thi hoặc nghe tiếng loa cất lên nghiêm trang, tử tế “Báo ân giả tiên nhập, báo oán giả thứ nhập, sỹ tử thứ thứ nhập“…

Vâng, chỉ là chút đồng vọng hoài cổ dở hơi khi đọc báo nói tới ô nhiễm xứ người và nông dân ngoại thành thuộc Thủ đô đang thiếu nước sạch trầm trọng.

Hiện câu khẩu hiệu “Trái đất đang lâm nguy vì biến đổi khí hậu…” vẫn treo lơ lửng giữa trời, trên nền màu xanh lá cây, ngay cổng Cục Cảnh sát Môi trường- Bộ Công an dưới đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân- Hà Nội.

[26.12.2010]

————————————————————————————————–

Giấy ăn và việc tiêu thụ làm thế nào để trở lại lành lặn

Quá bẩn; gây viêm da, tiêu chảy và ung thư; càng trắng càng độc— đó là vài ghi nhận chuyên môn đối với giấy ăn. Người tiêu dùng bình thường chắc sẽ rùng mình phát hoảng khi chứng kiến công nghệ sản xuất ra nó.

Tuy vậy, hàng ngày chúng ta vẫn sử dụng vô tội vạ khăn lau và giấy ăn.

Vẫn biết, yêu cây cối thì phải tiết kiệm giấy song thực sự việc tiêu thụ đang gây tác hại nghiêm trọng cả thể chất lẫn tâm linh.

Trong nền văn hóa ngày nay, chúng ta không ngừng được khuyến khích tiêu thụ.

Tích chứa thức ăn cũng như tậu cho bằng được những vật phẩm mới lạ hơn chẳng cấp thiết lắm, thường xài tiền mà mình đâu thực sự cần như thể chúng ta đang cố gắng lấp đầy nỗi trống rỗng nội tại của bản thân, thay cho việc dành thời gian xem xét nó, dù biết tự trong sâu thẳm rằng đây không phải là giải pháp.

Chúng ta còn dễ nhận thấy niềm vui nhanh chóng tàn lụi thế nào sau đợt mua sắm, tậu sửa hoặc khi khoái lạc ăn uống qua đi, và rồi chẳng mấy chốc chúng ta cảm thấy thôi thúc tiến hành sự vụ thêm lần nữa.

Đây là triệu chứng đứt rớt kết nối với những cái tôi đích thực của chúng ta, vì thế bước đầu tiên hướng tới sự cân bằng là kết nối với trung tâm bản ngã.

Khi kết nối với trung tâm mình, ta đến gần với tính toàn thể mình là ai như một cá thể tâm linh. Chúng ta cũng kết nối với nguồn năng lượng của vũ trụ, từ bất kỳ điều gì có thể bị thiếu vắng. Rằng chúng ta thay vì đang dùng phương thức năng lượng nuôi dưỡng bản thân thì lại cố chăm bẵm cho nhu cầu thể lý, hoàn toàn bên ngoài.

Quyết định kết nối lại, chúng ta có khả năng xem xét hành vi từ nơi chốn lớn lao hơn bên trong mình. Chúng ta có thể nhìn, mà không hề đánh giá, những suy tư và cảm xúc xảy đến trước và sau niềm đam mê nuông chiều để phát hiện mẫu hình diễn biến.

Chúng ta có thể lưu giữ dấu tích những quan sát này trong cuốn nhật ký để lỡ mất vết thì quay lại…

Thường buồn chán là nguyên nhân chính cho khát khao ăn uống hoặc đi mua sắm. Song khi kết nối với trung tâm bản ngã, trực giác của ta có thể chỉ dẫn thật rõ ràng nơi chốn nào năng lượng của mình có thể được sử dụng tốt nhất.

Thay thế nỗi buồn chán bằng thực hành thiền định, một lớp học, lập dự án, kiếm tìm công việc mới hoặc dấn thân vào làm thiện nguyện; thậm chí, có thể muốn khởi sự kế hoạch phiêu lưu. Cảm hứng sẽ mách bảo hướng đích mình nên đi.

Khi tìm thấy nơi chốn mình thực sự thuộc về, chúng ta dần biết tiêu thụ bởi sự sáng tạo không ngừng đủ khiến cho việc lấp đầy phù phiếm một nỗi trống rỗng hư ảo trở thành sự kiện của quá khứ.

[30.7.2010]

———————————————————————-

Những vấn đề nảy nở xứng đáng vui buồn ở làng quê em.

[06.12.2010]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top