Vài lời…

Tâm lý học đang quá chú mục nhìn vào bên trong…

Tâm lý học đang quá chú mục nhìn vào bên trong (các genes, bộ não, việc dùng thuốc) nhằm trả lời cho những vấn đề của chúng ta. Thế còn những đầu mối liên quan tới văn hóa và giai tầng xã hội?

Nhận định sắc sảo. Càng đáng quan ngại nhìn thấy thực trạng biểu lộ trên các phương tiện truyền thông của nước nhà. Không biết đây phải là lúc để Tâm lý học Họat động lộ diện (từ báo chí rất thích sử dụng)?

[06.5.2012]

————————————————————————————————————————————-

Tôi yêu anh ấy. Không, đó là điều bị cấm đoán…

Tôi yêu anh ấy. Không, đó là điều bị cấm đoán. Do vậy, tôi phải ghét anh ấy. Không, mà điều đấy cũng bị cấm đoán luôn. Nên chi, anh ấy ghét tôi.

Đó là lời của Freud từ năm 1911 minh họa suy tư Phân tâm trong việc diễn giải phương thức phòng vệ chống kháng với tình yêu bị cấm đoán (forbidden love).

Thấy rằng, dù bao ảo vọng điên đảo (paranoid delusions) ngụ ý điều gì thái quá thì những cảm nhận hoang tưởng vẫn là dấu hiệu của trải nghiệm thường ngày, bất luận chúng thường dẫn dắt ta ngờ vực hoặc thù địch dai dẳng hay không… Khi đời sống diễn tiến theo chiều hướng tồi tệ hẳn đi, chẳng đáng ngạc nhiên nếu phóng chiếu ra ngoài nỗi hụt hẫng (frustration) và niềm tức giận (anger), rồi mình còn mãi thắc mắc sao kẻ khác hoặc đích thị cả tự thân đời sống nữa, cơ chừng dành buộc hiển hiện thế cho chính ta chăng. Đây là cách thông dụng dùng xử lý các cảm xúc tiêu cực, bởi những ý nghĩ điên đảo là cơ chế phòng vệ giải quyết va chạm đối lập trước nỗi tức giận hoặc thù hận (hatred) của người ta.

[19.4.2012]

——————————————————————————————————————————————————————————————-

Tự kỷ trong Phim Tài liệu

Cả định kiến, rập khuôn lẫn những điều kỳ diệu và thành tựu khó ngờ…

[12.4.2012]

———————————————————————————————————————————————————————–

Việc lướt mạng lưới điểm toàn cầu

Việc lướt mạng lưới điểm (internet) giống như ta đang lục lọi cái tâm trí tập thể toàn cầu của nhân loại vậy. Luôn có ở đâu đó thứ ta tưởng chừng đã lãng quên hoặc mất tăm dạng thật rồi…

Làm sao và bao giờ thì ở nước mình cũng nảy sinh một nơi như TED để sự thông minh, sáng suốt và giàu có của tầng lớp tinh hoa trở thành điều gì khá bình thường?

[06.4.2012]

—————————————————————————————————————————————————————-

Tối sáng sang bờ

Tình khúc cho em (Ngô Thụy Miên)– ca sĩ: Đình Bảo

Yêu- thì- em. Thứ nhất, lần đầu tiên là tất cả ước ao– trong lĩnh vực khoa học và nghệ thuật. Với sự vụ luyến ái đời thực, chưa chắc phải hết sức tuyệt vời vậy đâu; bởi vì cuộc trò chuyện lứa đôi tựa như trò trình diễn: một lần, mãi mãi và có thể… lặp đi lặp lại.

[30.3.2012]

—————————————————————————————————————————————————-

Tối giản, chỉ là như thế thôi.

Vâng, bằng lòng đúng vậy.

[23.3.2012]

————————————————————————————————————————————————————————————–

Thoải mái trong trạng thái không thoải mái

Không chú mục đề cập những gì đã tiến hành mà là về tâm trí đáp ứng bằng cách thức riêng biệt. Thực hiện những việc không thoải mái cho ta có được sự tiến bộ mang yếu tố sáng tạo. Bởi trước khi đến giai đoạn phá bỏ trở ngại, mình thường phải trải qua thất bại thảm hại.

[12.3.2012]

———————————————————————————————————————————————

Khung tham chiếu

Như sự khác biệt ấn tượng giữa ngày và đêm, thật vô cùng thách thức khi thử gắng thoát ra khỏi bộ lọc tri giác của riêng bản thân mình.

[03.3.2012]

——————————————————————————————————————————————————–

Bốn năm mới có một ngày hôm nay

Mùa xuất gia, song chúng mình đang trú tạm ở bốn phương tám hướng vẫn cứ thản nhiên hưởng thụ, giả tảng sượng sùng chưa chịu rời nhà để tiếp tục còn mãi loay hoay tướng vay, hay mượn, sướng chiều, vương gượng và ngủ nướng.

Trải qua bao nhiêu mối quan hệ phiền não trước khi ta dừng lại với duy nhất mỗi Người?

[29.02.2012]

———————————————————————————————————————————————————————–

Ở nơi chỉ nghe tiếng nước chảy nhỏ giọt…

Đặc trưng dễ gây xúc động của một nguy cơ có thể khiến ta khó nghĩ thật cẩn thận về chính nguy cơ đó; nhất là khi các nguồn tin lại chối bỏ trách nhiệm của họ đối với công luận để trình bày tách biệt giữa ý kiến và sự kiện.

[25.02.2012]

———————————————————————————————————————————————————————–

Tại sao ‘trằn trọc’?

Nhìn thấy một dòng trong danh sách kiếm tìm ai đó truy cập vào blog Tâm Ngã đầu ngày hôm nay: “chằn trọc hay trằn chọc“.

Khổ thân… Nếu cứ phân vân giữa hai lựa chọn í thì đúng là phải trằn trọc thật.

[20.02.2012]

———————————————————————————————————————————————

Ký ức lô cốt, rào xương rồng trên bãi biển Thanh Bình

Chiến tranh biên giới phía Bắc, 33 năm tròn. Tiếng súng đã nổ vang; làng quê và người dân nhuốm máu, tang tóc đến độ cỏ cây ở nhiều nơi chắc khó còn cơ hội mọc lên được nổi; căm hận giữa hai quốc gia ‘môi hở răng lạnh’ cùng ý thức hệ cộng sản mãi vẫn dây dưa như thứ định mệnh tàn nhẫn, ô nhục…

Lợi ích dân tộc, đường lối cầm quyền, nghĩa đồng bào, truyền thống văn hóa. Đến khi nào thì sự khoan dung chiến thắng trong một thời đại và chế độ yêu thích bạo lực hơn hẳn?

Sợi dây oan nghiệt ràng buộc các đối tác chiến lược và cựu thù sát lại với nhau nhất định phải là điều giống nhau này: hành động, nghi kỵ, sợ hãi, đổi thay và hy vọng.

[17.02.2012]

———————————————————————————————————————

Vọng tưởng điên đảo

Không có đường nào để thoát khỏi cái bẫy của những đam mê trần tục.

Giả thử ta bắt một con rắn, một con cá sấu, một con chim, một con chó, một con cáo và một con khỉ trói chặt lại bằng sợi dây chắc chắn rồi cứ để mặc chúng thì mỗi tạo vật này sẽ cố gắng quay lại với hang ổ của nó bằng phương pháp riêng: rắn kiếm đám phủ che của cỏ, cá sấu mò tới nước, chim muốn bay lên trời, chó lần về ngôi làng, sói lủi vào những gờ rìa cô độc, và khỉ cố tìm những cái cây trong rừng.

Tựa những tạo vật ấy, con người bị lôi cuốn vào những cách thức khác nhau bởi ham muốn thuộc sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, sờ chạm (thân xác) và tâm trí (ý), và bị kiểm soát bởi ham muốn nổi trội, chiếm ưu thế nhất.

Nếu sáu tạo vật cùng được buộc vào một cái cột, chúng sẽ cố vùng vẫy cho đến khi mệt nhoài và sẽ nằm phủ phục quanh đấy.

Cũng như thế, nếu con người huấn luyện và điều khiển tâm trí thì không có rắc rối nào xảy đến từ năm giác quan kia. Nếu tâm trí được kiểm soát, con người sẽ có hạnh phúc ở ngay bây giờ lẫn cả tương lai.

(The Teaching of Buddha, Tokyo: Kosaido Printing Co., Ltd., 130th edn, 2003, pp. 232- 234)

[14.02.2012]

—————————————————————————————————–

Tự nhắc nhở

Chí ít, đích thực chính mình không mang nghĩa rằng ta hành động như kẻ xuẩn ngốc, đểu cáng do bởi vì sự lễ độ là điều ‘giả mạo’.

[05.02.2012]

——————————————————————————————————————————–

Đèn lồng trên phố cổ Hội An

Một nơi trên đường Trần Phú, thuộc phố cổ Hội An, vào tối Mồng Bốn Tết Nhâm Thìn.

[27.01.2012]

————————————————————————————————–

Nhâm Thìn 2012, chào Tết đến trong niềm vui Xuân mới!

Mừng khắp nơi đất nước, muôn nhà, mọi chúng sinh an khang, tinh tấn!

Tết cùng Xuân đang thì thầm về lẽ công bằng, sự chính trực, sức trẻ sáng tạo và mong đừng ai nghĩ suy bạo lực cũng như nói lời chia rẽ.

* Cập nhật lời chúc, sau khi gửi tin nhắn tới bạn bè: Năm mới Nhâm Thìn tư duy uyển chuyển, rèn luyện yên lặng nội tâm, âm thầm sáng tạo, dồi dào sức trẻ, việc chung chuyện riêng thảy đều vui vẻ, nhé!

Nhân tiện, xin nhiệt tình chia sẻ cùng nhau những câu chúc mừng năm mới mà bạn đọc yêu thích, ấn tượng.

[23.01.2012]

————————————————————————————————————————————-

Hoá vàng tất niên

* Viết trước ở Hà Nội khi sắp bay về biển Thanh Bình quê nhà, nhớ Nguyễn Bính

Cuối năm, khôn – dại làm tròn
Đóinođi, ám mòn đầu vai
Giang hồ, ngã nước ao ai,
Ngắm sao say mộng, miết dài tà dương.
Mưa xuân, ngó bước dặm trường
Đại Hoàng xa lắm, hoang đường tình tang
Hoa niên, gác trọ, sang ngang
Vừa may thân giấy sầu mang cháy tàn

[22.01.2012]

—————————————————————————————————————————–

Thêm một bước chuyển

Niềm tin về một cuộc sống an lành phía trước trong ta luôn có.

[18.01.2012]

————————————————————————————————–

Thở ra một câu hỏi mở

Tại sao chúng ta luôn luôn cố hướng tới bạo lực để giải quyết những vấn đề đang tồn đọng trong xã hội?

[15.01.2012]

———————————————————————————-

Nghe khóc

Trên nền nhịp điệu réo rắt và ca từ sướt mướt ‘em yêu anh biết mấy‘, cơ hồ nhiều lượt giọng cô gái phòng bên chợt vống lên rất to đầy ấm ức, đôi hồi nỉ non quá mức thảm thiết và giật cục lặng dần, rồi tắt bặt vì lý do gì thiệt tình không rõ.

Chúng ta thường có vẻ rất giỏi đoán định cũng như nhanh chóng nêu lên câu trả lời, giải đáp.

Vấn đề cơ bản lẽ ra phải nằm ở chỗ, chẳng mấy khi mình đủ trình độ tinh thông và lòng quan tâm đúng mực để thử một lần thấu hiểu tại sao cảm xúc…

[10.12.2012]

——————————————————————————————————————————

Tất yếu

Thật không thể tin nổi, sao ai đó làm nghề viết lách lại có thể dùng cái từ ‘luộc’ trong ngữ cảnh ở hai bài báo công khai về câu chuyện thương tâm khủng khiếp vậy trước bàn dân thiên hạ.

Cái ác quá tự nhiên, đến nỗi thái độ vui sướng, hỉ hả và thói quen săm soi, mô tả hết sức chi tiết sự đau thương, mất mát, không may gặp chuyện xui rủi, đáng tiếc… trở thành điều vô cùng bình thường rồi chăng?

Ngẫm nghĩ, lại thấy chẳng ngạc nhiên lắm khi thủ đô dồn dập, tập trung rất nhiều hiện tượng bất nhân, vô luân, phi đạo đức; vì hầu như các tờ báo mạng lá cải, đậm chất khiêu dâm, đề cập dày đặc, say sưa chuyện tình dục, khai thác tối đa hình ảnh và thân thể phụ nữ cùng với lượng khán giả đông đảo tò mò truy cập thì chủ yếu có địa chỉ đăng ký tại Hà Nội.

[07.01.2012]

———————————————————————————————————

Ấm áp

Có vài ba dịp hiếm hoi ở đời, trời đất chừng như phi lý lắm vì cứ chỉ chực muốn chuyển hóa lòng người ngõ hầu tái sắp xếp trật tự chung đụng tối ưu nhất.

Khi cái rét đậm, rét nhạt, rét ngọt, rét đắng, rét hại, rét đùa dai,… đang ùa vào cõi nhân sinh thì nơi đây, ta biết ấm áp sắp đến rồi.

Dĩ nhiên, ấm áp không thiết yếu phải áp sát nhau mới ấm nóng.

Mở cửa, hướng ra ngoài, buông giữa bao luồng gió mặc sự hanh thông diễn tiến, lưu động, xuất xử theo nhu cầu giao tiếp tự tại cũng là đã tạo điều kiện cho trạng thái hài hòa, bình yên neo giữ vững chãi.

Ấm áp trong giá rét là thứ tình cảm nhận thấy rõ ràng cùng những ngày tháng thả rớt trêu ngươi lại của mùa đông nôn nao đón đợi xuân về.

[05.01.2012]

————————————————————————————————————————————-

Chào năm mới 2012!

Mênh mông, chật hẹp cũng tâm

Ngã đây, mình đấy, mê lầm vẫn ta.

Nên thân dẫu được rời xa,

Lại về bởi nhớ quê nhà chúng sinh.

———————————————————————–

Năm mới 2012 đã tới; cầu chúc yên lành, hạnh phúc, sức khỏe, tinh tấn và thành đạt đến với tất cả mọi người!

[01.01.2012]

————————————————————————————————-

Tam độc

@ Khi biết rằng tâm trí như tiến trình hóa thân và liên hệ, điều chỉnh dòng chảy năng lượng và thông tin thì chúng ta đi tới việc nhận ra rằng, chúng ta thực sự có thể sử dụng tâm trí để thay đổi bộ não.

@ Mình có thể tạo nên những điều nhỏ nhặt bên trong tâm trí rồi sẽ dẫn đến những thay đổi lớn lao trong não bộ và trải nghiệm ở đời.

@ “Tam độc”: tham lam (greed) khiến tôi cứng nhắc (rigid) với cách thức tôi muốn mọi thứ là, hận thù (hatred) làm tôi lãnh nhận tất cả bực bội (bothered) và giận dữ (angry), và hoang tưởng (delusion) lừa tôi tự đưa mình rơi vào tình huống.

… Trích vài dòng từ cuốn sách đang đọc dở “Bộ não Phật: Thực hành Khoa học Thần kinh về Hạnh phúc, Tình yêu và Khôn ngoan” (2009) của hai tác giả Rick Hanson và Richard Mendius.

[26.12.2011]

——————————————————————————————-

Viết cho đêm dài nhất trong năm

Em đau thương, ngủ ngoan nào; mai này ánh nến chở che sẽ lụi tắt, và những chiếc lá lũi lầm lại tiếp tục xô nhau soi dấu bóng hình hư thực rồi ước mơ đến ngày được thả hắt mình thật nhẹ– xuống khô khốc nền đời câm bặt.

[22.12.2011]

———————————————————————————————

Một thông điệp lớn lao và quá đơn giản

Học hỏi từ sự khác biệt.

Thực tế riêng tư thì câu chuyện cơ chừng nhỏ nhặt và tinh tế hơn nhiều, thậm chí nó còn có thể phát triển theo những xu hướng đôi khi khó đoán định như ý.

Và rồi nó xảy ra; cuồng loạn, tuyệt vời và rành mạch.

Điều kỳ lạ là nó vẫn tiếp tục dạy dỗ ta, muốn nhắn nhủ không ngừng rằng những khác biệt chủ yếu xuất phát ở nội tâm mình và nên cởi mở tâm trí cùng mọi sự diễn tiến…

[21.12.2011]

————————————————————————————————

Các câu hỏi để chuẩn bị kỹ càng thêm cho kế hoạch 2012

Wow, khí trời rét buốt dễ khiến người ta nghĩ rằng chẳng có điều gì mới mẻ nên nghĩ ngợi, hoặc còn lâu mới tới lúc cần làm tí chút thay đổi ngay tắp lự.

Chí ít, hiện nảy nòi vài ba câu hỏi thấy hết sức thiết yếu phải quan tâm.

1. Thay đổi trí lực (mindset) sao cho nó hỗ trợ đắc lực nhất dự tính phục vụ tha nhân như mong ước bấy lâu nay?

2. Những chướng ngại, rào cản nào tiếp tục ẩn kín dưới đáy sâu kia bây giờ đã không còn tỏ ra phù hợp nữa?

3. (Những) Lý do đòi hỏi phải tiến hành? [Tìm kiếm lý do để không hành động thì lại thuộc về các phiên trị liệu, e chắc để lúc khác bàn bạc vậy].

4. Chuyện gì sẽ xảy đến khi mình ưu tiên kiến tạo trạng thái hài hòa, hữu hiệu giữa tâm lý học lâm sàng và tiếp thị?

Thở phào nhẹ nhõm… Chi chi thì cũng đã làm xong được một việc.

Không dừng lại, không vội vã, cứ tuần tự nhi tiến thôi ngõ hầu vượt qua ngoạn mục biết bao cơn lũ thử thách của đời sống đầy tràn lôi cuốn.

[16.12.2011]

————————————————————————————————

Sáng sớm thấy vầng trăng

Tịch an nhiên hòa bình
Lòng trần lặng triêu minh
Trí- tâm- tình miên mật
Hiển lộ vì chúng sinh

Hạnh ngộ trăng mười tám
Thật duyên lùa giả hình
Cùng người xua hắc ám
Khánh thành miền nguyên trinh.

[13.12.2011]

———————————————————————————————–

Ngày Quốc tế về Nhân quyền: lặng im đi trên mặt đất

Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền.

Thú vị lắm ru, khi nhân phẩm được nêu lên trước cả quyền?

Dù đó đúng là ý thức về bản sắc, về bản thân đáng giá; sự kiện rằng ai đó đang ngủ trong hộp giấy ngoài đường giá rét, điều tồi tệ với họ chính là khi chẳng có ai nhìn thấy– đơn giản như đang giỡn, đấy là cái tôi tuyệt đối bị loại trừ.

Địa thượng thần thông.” Đi trên mặt đất là phép lạ.

Suy cho cùng, đây là kiểu tiếp thị sáng chói; bởi vì tiếp thị xoay quanh chuyện ‘ở trong’ hay ‘bên ngoài’– đòi buộc thiên hạ lựa chọn, nó khởi tạo một cuộc đối thoại, đổi trao.

Phép lạ, giờ hóa ra có thể chỉ nên là lặng im đi trên mặt đất; dĩ nhiên, tính cả trong Ngày Quốc tế về Nhân quyền.

[10.12.2011]

————————————————————————————————-

Luật tắc tự biên

Những vội vã trong lòng lẩn tránh bị tóm bắt ê chề hay gọi tên hạch sách, e nghe kỹ lắm mới nhận thấy hết sức mạnh ma mị của dòng suy tư để mặc tào lao dẫn dắt…

Đọc một tâm hồn tinh tuyền giữa đêm khuya giá lạnh như học biết được cách giữ ấm châu thân mà không cần riết róng choàng thêm áo khoác hay lo xa chất củi bên cạnh.

[04.12.2011]

————————————————————————————————

Quyết định nội tại

Hậu quả của đôi lời nói dối ngọt ngào và nhỏ nhặt

Lỗi lầm và lầm lỗi

Ừ thì xấu hổ mà rơi, lạy em suốt kiếp rong chơi phũ phàng.

[29.11.2011]

————————————————————————————————

Hoàn thành

Xong một dự án lại chuẩn bị cho một chương trình nữa.

Kết thúc môn này để lấy đà tiếp tục giảng tiếp các môn khác có liên quan; khóa học sẽ gối đầu, mở thêm ngõ hầu đáp ứng nhu cầu của những ai khát khao sống, kiếm tìm kiến thức, bình an và sự thật, đồng thời tăng cường giao lưu, chia sẻ.

Dạy là cách học nghiêm mật nhất.

Vì rốt ráo, khi qua Phía Bên Kia, không ai hỏi mình đã tạo ra dày chật dự tính, kế hoạch chi mà dường như họ chỉ muốn biết ta từng làm những gì rồi thế.

Hoàn thành, dưới góc độ thao tác khái niệm, có thể hiển lộ toàn bộ sự dang dở rất người.

[24.11.2011]

——————————————————————————————————

Ước

Với cô bé hàng xóm của nam diễn viên chính film Chơi Vơi là một lần được nằm tắm bồn men sứ trắng, dưới vòi hoa sen xối đều tia đủ mạnh, màn quây che kín; hiện thực hàng ngày thì em đành ‘quẫy’ trong cái thùng đựng nước bằng composite khoét rộng để ngồi thỏm vào…

Phấp phỏng sợ đứa trẻ con nhà nghèo ấy lớn lên sẽ cố sức kỳ công theo đuổi giấc mơ lấy một người, chỉ để thoát khỏi nơi ở chật chội và có quyền sở hữu cho riêng mình cái bồn tắm với vòi hoa sen…

Ước gì mỹ – tâm…

[19.11.2011]

——————————————————————————————————————————–

PowerPoint, ôi Powerpoint

Người bình thường có thể nói được 10- 12 câu/ phút.

Phương pháp điện tử yêu cầu nên tạo một slide cho mỗi câu; vậy nói chuyện khoảng 5 phút, có tổng cộng tầm 50 slide.

Truyền thông là sự lan chuyển cảm xúc; nó thuộc về cách thuyết phục để người khác chấp nhận quan điểm của ta, giúp họ hiểu tại sao mình phấn khích thế (hoặc buồn, lạc quan hay bất kỳ thứ gì khác mình đang là…).

Nên nếu tất cả những gì ta muốn làm chỉ cốt tạo ra một file về các sự kiện (facts) và dấu hiệu (figures) thì xin làm ơn cắt bỏ buổi gặp gỡ và gửi đi một thông báo thay thế.

PowerPoint cơ chừng là thứ công cụ quyền năng nhất trong máy tính. Song cũng thật đáng lưu tâm cẩn thận lúc sử dụng khi biết rằng, tướng lĩnh Hoa Kỳ từng thốt lên: “PowerPoint làm ta ngu dốt“.

[15.11.2011]

————————————————————————————————-

Làm gì khi một người bỏ cuộc?

Tầm nửa tiếng là đến giờ khai giảng, trời bỗng dưng đổ mưa lớn.

Trước đó, nhận tin nhắn của một nam nhân (chef một bộ phận thuộc Cục Hải quan Hà Nội) mong thông cảm ‘tiếc quá‘, ‘học xa quá, không bố trí được thời gian!‘, dù hồi sáng nay tiếp tục khẳng định qua điện thoại đồng ý tắp lự; nội dung, ngày giờ lẫn nơi chốn nhóm lớp thì dường như đối tượng đã được thông báo rõ ràng.

May dự tính của tôi trả lời cho câu hỏi trên chẳng phải là ‘không làm chi hết‘ nên kết cục, mọi chuyện thật ổn. Mưa tạnh, ngay sát lúc bắt đầu; rồi cũng thôi tuôn rơi tầm tã trên đường mình xe bus quay trở về nhà.

Cảm ơn trực giác đặt vào quan điểm ‘tốt lành cho tất cả‘ đã giúp tôi biết xử lý êm thấm, như một trường hợp cần phẫu thuật liền vậy; chí ít, khỏi phụ lòng những người còn muốn theo cùng tới khi kết thúc…

[07.11.2011]

——————————————————————————————————–

Phởn lên và tởn đến già

Khi nghe tin sự cố, tai họa thảm thương nào đó bất chợt xảy đến, tôi hay hình dung tới trạng thái phởn chí và hầu như không hề chuẩn bị tí ti gì của nạn nhân.

Những ảo ảnh nhận thức quả là hết sức lão luyện trong việc làm mờ mắt ta để khỏi phát hiện ra sự thật, thực tế.

Nói như nhà tâm lý học Daniel Kah­ne­man, sự tự tin chủ quan khi đánh giá không phải là sự lượng định hữu lý mang tính xác suất rằng đánh giá ấy là đúng đắn.

Tự tin là một thứ cảm nhận, phản ánh sự cố kết của thông tin và sự nhàn hạ khá dễ chịu trong nhận thức khi xử lý nó.

Đó là sự láu cá, ma lanh khi công nhận một cách nghiêm túc tính không chắc chắn song lại tuyên ngôn đầy tự tin tót vời ngõ hầu kể cho biết rằng, một cá nhân đã sắp xếp sẵn câu chuyện chặt chẽ trong tâm trí mình rồi– không nhất thiết câu chuyện phải đúng sự thật.

Từ lời của chuyên gia Kahneman, tôi còn thoáng thấy nỗi sợ hãi và tâm thế vội vã bàng bạc mà đối tượng do quá ngông cuồng nên không hề muốn thừa nhận là đang biểu hiện trong động cơ tương tác của chính mình.

[04.11.2011]

——————————————————————————————————-

Hài hước là mồi chài đặt cược

Kể câu chuyện, viết cuốn sách, sưu tầm các câu nói của lứa tuổi mười ba mười bốn rồi vẽ kèm tranh minh họa,… gì gì, cái cách gây cười chắc chắn không nằm mỗi ở chỗ nó chỉ cho ta biết làm thế nào để hiểu sự vật, hiện tượng.

Quan trọng, hài hước là bước sải hầu kể điều gì đó về sự hạn chế trong chính hiểu biết của chúng ta.

Công cụ sử dụng là tính không phù hợp nên hài hước quyết không thể là điều gì đó tuyệt đối bình thường được.

Vâng, dẫu thế, tính thiếu thích đáng í phải xích lại thật gần với sự chính xác thì hài hước mới đảm bảo chung đụng cả điều A lẫn điều không A.

Tỷ dụ, khi nào thì cửa ra vào không là cửa ra vào? Trả lời: khi nó hé mở.

Tính điều phối, đồng vận trong nhận thức gây nên tiếng cười khó hoàn toàn giải quyết thấu đáo trạng thái: thông điệp là nhã nhặn, lịch thiệp còn cách trình bày thì nhố nhăng, thô lỗ.

Đó là lý do tại sao bảo, hài hước là mồi chài đặt cược…

[30.10.2011]

————————————————————————————————————

Chuyện làm ăn khi thành phố không chết

Khác với công ty, thành phố không điều chỉnh những gì công dân tiến hành suốt ngày.

Vì sợ thất bại, họ làm luật hành vi rằng họ tin sẽ tránh được điều đó.

Sự thất bại này ở rìa vân, ứng xử lầm đường lạc lối này đa phần dẫn tới thất bại. Không có ngoại lệ.

Các hệ thống sinh thái luôn tồn tại lâu hơn sinh thể.

[26.10.2011]

————————————————————————————————————–

Ham muốn quyền lực

Bao nhiêu lãnh tụ quốc gia thuộc các nước xưng danh là dân chủ tự nguyện từ bỏ quyền lực?

Theo tác giả cuốn sách này, mọi người thiết tha với quyền lực đều mong muốn duy trì nó.  “Bây giờ hầu hết chúng ta chẳng máu me gì với quyền lực. Đa phần chúng ta thấy khoái sướng hơn số đông kẻ đang điều hành các công ty, xí nghiệp này nọ, song rồi chúng ta không phải là những ai mà chúng ta buộc phải quan tâm tới. Chúng ta buộc phải quan tâm những ai có quyền lực.”

Thù ghét nhau chi… Xem băng hình hành xử với xác chết của Quaddafi, đích thị thấy chính mình cũng chẳng tốt đẹp, khác biệt gì lắm với dân chúng xung quanh: khi cùng đóng vai kẻ tội đồ, tên mi đích thực là ham muốn quyền lực.

[21.10.2011]

——————————————————————————————————-

Xôn xao chìm ngập

Wow, hơi chút bất ngờ trước lá thư thăm hỏi ngắn gọn của cô bạn đang ở Canada; lẽ nào lý do khởi phát bởi suy tư hơi lạ đây chăng?

Thực tế, không hề biết tới và chẳng dám thừa nhận sự thật quá hiển nhiên đó là trò bản thân mê muội, tự lừa dối lớn.

Chứng kiến màn ảo hóa đày đọa lung linh khác gì cơn mộng mị kéo dài suốt bao tháng năm dằng dặc sao còn chưa chịu tỉnh ngộ từ bỏ để kịp dời chân, quay về chốn quê nhà nguyên ủy ư?

Vấn đề không phải ở tự thân chủ nghĩa vật chất. Đúng hơn, nó thuộc nền tảng giả định rằng sự toàn mãn có thể phát sinh do bởi việc chiều chuộng duy mỗi các giác quan mà thôi. Không giống với các loài vật biết đi kiếm tìm hạnh phúc là gây cản trở sự sống còn và vừa lòng ngay với các ham muốn cảm giác, con người chúng ta có năng lực để trải nghiệm hạnh phúc ở một mức độ sâu xa hơn thế, mà một khi đã đạt được rồi thì lại tràn ngập các trải nghiệm bất hạnh.
(The Pocket Dalai Lama)

[15.10.2011]

———————————————————————————————————–

Rộn ràng chiêm bao

Sau một ngày họat động, sắp đi ngủ với ý nghĩ e là không chắc thật rằng ngày mai hay cái chết ai sẽ đến trước đây?

[14.10.2011]

———————————————————————————————————————————-

Một tiến trình de facto

Tờ lịch bàn hôm nay dẫn câu tục ngữ Việt Nam: “Canh suông khéo nấu thì ngon– Mẹ già khéo nói thì con đắt chồng.” Thật liên tưởng vừa hợp khi nghĩ về bản chất ảnh hưởng và tác động của truyền thông chính trị hiện đại.

Và hai câu hỏi tất yếu nảy nòi. Việc người ta kiếm tìm thông tin, tin tức thông qua các môi trường trên web có căn chỉnh mạnh mẽ với định hình chính trị của họ? Chúng ta luôn tỏ bày bản thân một cách cẩn thận với tin đưa mang chất ý thức hệ mà tâm trí mình thấy tương hợp, và cũng thật tuyển chọn để tránh né thông tin không ăn khớp với thái độ đã hình thành sẵn trong lòng?

Mối quan hệ giữa sự lựa chọn phương tiện truyền thông của cá nhân, bản sắc, tri giác và quyết định như thế chắc chắn đang và sẽ làm thay đổi bản chất của cách đưa tin, các chiến dịch quảng bá, vận động và ảnh hưởng của chúng, đồng thời không khỏi đòi buộc sự cần thiết phải ra đời các lý thuyết và phương pháp truyền thông mới.

[10.10.2011]

——————————————————————————————————-

Điều  còn lại

Như mẫu hình quen thuộc của hành vi lây lan mang hơi hướng xã hội thấy rõ, những ai hâm mộ Steve Jobs vẫn đang không ngừng làm lễ kỷ niệm tôn vinh, ôn lại những bài học để đời và vận động cộng đồng nhân rộng sẻ chia…

Trong tâm thế tiếc thương nhân vật lẫy lừng thì nét xô bồ bắt chước kèm vẻ háo hức muốn lần theo ngay lời khuyên nhủ của bậc anh tài e chỉ lợi bất cập hại, thậm chí, cơ chừng sai lạc căn bản vì đối tượng vận dụng hình như đã không tính tới nền tảng nhân cách lẫn những gì số phận sắp đặt vô tiền khoáng hậu ngõ hầu mới tạo nên được biểu tượng duy nhất của một tinh thần sáng tạo cùng cực, lối suy nghĩ hết sức khác biệt và đòi hỏi công nghệ độc sáng riêng tây.

Điều còn lại lúc này, tôi nghĩ, là những phiền não và trải nghiệm khổ đau ở kiếp làm người trên cõi trần ai mà mỗi cá thể cần tĩnh tại nhận ra thật đủ đầy, đặng tự mình tinh luyện tâm tính, tiêu diệt hành động xấu ác và tích lũy nghiệp lực thiện lành– trước tấm gương ngoạn mục vừa cố vượt thoát vòng tử sinh đọa đầy của Phật tử Steve Jobs.

[07.10.2011]

——————————————————————————————————————

Câu hỏi cuối ngày vào đầu tháng mới, trong quý chót  của năm 2011

Làm thế nào để có thể phụng sự và hiến tặng cho tha nhân nhiều hơn?

Lý do cho sự nảy nòi này vì đang hồ nghi, dường như mình đã không dành đủ thời gian và tâm thế cho một việc tối quan trọng như vậy.

[01.10.2011]

————————————————————————————————————-

xoay vòng đời sinh tử

Một cơn bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới; cơn bão tiếp ngay sau kia thì sẽ gây gió giật ở vùng biển đảo thuộc Philipines ngoài biển Đông.

Trước biến cố thời tiết, người ta nghĩ thật khôn ngoan khi tranh thủ tích trữ thực phẩm, cuống cuồng thu vén mọi thứ hầu đảm bảo gia đình, người thân mình vẫn đủ đầy, thuận tiện riêng có.

Trên bình diện điều hành kinh tế- xã hội vĩ mô, nhà nước vội vàng tìm cách quy trách nhiệm cho mặt phía bên kia, rồi gây niềm kinh khiếp cho chính ta về điều đó.

Làm sao nền chính trị của sự giả dối, đổ lỗi này có thể trở thành nền chính trị của giải pháp và hy vọng, khi dân chúng vẫn còn mang trong lòng cơn bão lũ của sự sợ hãi?

[30.9.2011]

————————————————————————————————————-

Ăn và yêu cà dái dê– câu chuyện 20 năm

Bài này gợi tôi nhớ nhiều kỷ niệm đẹp, ánh tuyền sắc tía vui mắt, và lại còn ngon miệng nữa.

Đây đúng là món bản thân thiệt tình ưa chuộng, từ hồi thích ăn chay trường tầm 20 năm trước ở trường Tổng hợp Huế thơ mộng.

Giờ nó vẫn tiếp tục được lựa chọn làm thứ cơ bản mỗi bữa, khi thấy thuận tiện [cập nhật: (hé lộ tin mật riêng tư, cụ thể luôn): vừa ghé qua chợ, sau khi chạy bộ về, rồi mới gõ vội vàng Vài lời]; điều duy nhất khác, thuộc uyển chuyển chủ động chung đụng– thi thoảng chiều lòng người thương nên có chút thịt thà thêm vào (tịnh không liên quan ưu tư cách gì đâu nhé).

Ngộ ra, ăn và yêu và viết quả hơi bị sướng. 20 năm, câu chuyện cà dái dê nghe cứ như tận đẩu tận đâu, chẳng dính dáng tí ti gì tới mình.

Đã đến đoạn kết của entry giật tít cực khủng cốt nhằm khiêu khích trí tưởng tượng, đồng thời gợi tò mò đủ khiến độc giả lướt mắt ghé nhìn rồi đấy:

Viết xuống một thứ gì đó nảy nòi trong đầu thì thành câu chuyện. Kể hai lần, câu chuyện hóa các tiến trình mang chứa cuộc sống tự thân. Lặp lại nhiều hơn nữa, ‘ăn và yêu cà dái dê’ e dễ làm bẽ mặt cá nhân tác giả lắm lắm hoặc ai biết đâu, tạo hứng ra đời một sản phẩm chẳng hạn (tham khảo).

[25.9.2011]

—————————————————————————————————————————

Tìm một lý do…

để kiếm một chỗ đứng dưới ánh sáng mặt trời
để giết mấy con kiến đang đi đâu đó
để cứu vô vàn trường hợp tự sát
để thôi yêu nhau hoặc cắt đứt quan hệ
để không phải bước chân khỏi nhà
để giảm giá dịch vụ lắng nghe
để khỏi đón nhận tiếng TV lùng bùng bên tai
để bao bọc xung quanh luôn bằng sự lặng thinh
để ủng hộ xóa án tử hình và chấm dứt mọi biện pháp trừng phạt tội phạm
để sống ở một vùng miền, đất nước xa lạ
để bỏ thói quen viết blog…

Song, tự hỏi tại sao không tìm ra lý do để:
chẳng cố gắng thở nữa đặng đặt dấu chấm hết cuộc đời trần ai
chống lại dự tính hạ nhục hết sức ghê gớm của kẻ thù
phản đối những người phát biểu trái quan điểm ưa thích bấy lâu
làm thất bại trò hừng hực tâng bốc, khoe mẽ bản thân
chi tiêu cực kỳ giản tiện, lấy bà góa và xin con nuôi
tranh cãi với chủ phòng trọ vụ đồng hồ điện chạy lung tung
bôi bác đam mê đàn đúm, soi mói, chê bai kẻ khác của thiên hạ
mở hàng loạt quán nhậu mang tên Bố Khỉ
tuyệt vọng với viễn cảnh xã hội sẽ thay đổi hoàn toàn tốt đẹp…

Lẽ nào nguyên nhân chỉ vì, tất cả chúng ngược lại hẳn với nguyện ước, mong muốn, thân phận của chính mình cùng đồng loại?

Còn bạn, có đang tìm lý do để làm hoặc không thực hiện điều gì đó?

[23.9.2011]

———————————————————————————————————————-

Hai mặt, bốn phía và một con người

Hai mặt của một vấn đề, bốn phương tám hướng trong trời đất và cá thể duy nhất như thế như thế…

Đôi chút băn khoăn, bằng cách nào và tại sao mọi thứ cứ dồn lại ở cái nơi chốn – hình hài nhân loại bé tẹo này mà bất kể nhị nguyên luận hay nhất nguyên luận (hoặc tùm lum luận) đều có thể dung chứa, chấp nhận được hết.

Bây giờ và ở đây, bản thân thiển nghĩ, nếu khốn khổ tạo nên hạnh phúc thì cơn cớ gì, người ta thật khó chấp nhận rằng trong hạnh phúc đã nhuốm mầm khổ đau?

Lẽ nào tất tật đều chung đụng, cùng một rọ, cả bình yên lẫn nhiễu loạn– ở góc xó xỉnh dở hơi đầy bụng hết sức vô định nào đó?

[17.9.2011]

————————————————————————————————

Hát nhảm

Hôm nay, Ngày Ngăn ngừa Tự sát Thế giới thường niên mang chủ đề “Ngăn ngừa tự sát trong xã hội đa văn hóa” (Preventing Suicide in Multicultural Societies).

Buổi tối trên xe bus, tôi ngồi cạnh một phụ nữ xách túi to nặng mà trước đó đã thấy chị này đứng đợi cùng bến.

Khuôn mặt trông nhợt nhạt, đầy vẻ căng thẳng và lo lắng, lối mở lời của nữ khách có vẻ đang ở hệ giá trị khác khó chia sẻ được khiến tôi đâm ái ngại.

Cô í đang đi truyền đạo cho giáo phái Chứng nhân Jehovah.

Lắng nghe đàng hoàng, biểu lộ sự thông cảm và tôn trọng trước nhu cầu chỉ chực khẳng định niềm tin của họ là duy nhất đúng; rồi nhẹ nhàng đặt trả lại tờ truyền đơn, tôi bước ra cửa sau khi ân cần chúc cô thành công.

Một cái chết như vừa xảy ra.

[10.9.2011]

————————————————————————————————————–

Múa, múa và múa

Sau Nhịp điệu là thế (100′), tiếp theo là Café Mueller (49′) diễn ra tối qua và đêm nay với Đại lộ của các phi hành gia (58′).

Cả ba film tài liệu về nghệ thuật múa này giúp tôi có dịp ngẫm nghĩ thêm về sự ôm choàng mang tính động năng. Một lần nữa, ngôn ngữ của cơ thể cho thấy nó thừa sức phản ánh những biến động tâm sinh lý sâu xa của cá thể cũng như sự phức tạp sống động của bối cảnh xã hội đa văn hóa.

Tôi cũng đang chờ đến tối kia để xem công diễn các vở vũ kịch tại Nhà hát Tuổi trẻ trong chương trình Múa đương đại: châu Âu gặp Việt Nam; ngoài ‘Cái chết và cô gái‘ là sản phẩm hợp tác Đức-Việt, còn có Mùa đom đóm của Nhà hát Vũ kịch Việt Nam và Người yêu Hòa bình được ban phúc lành của Bỉ.

[05.9.2011]

—————————————————————————————–

Câu chữ và cuộc đời

Như một tin nhắn MMS tự dưng lọt thỏm rồi biến mất tăm dạng đâu đó vô hình (không thấy mobile báo nằm sẵn trong mục Tin Đã Gửi, cũng chẳng có ở máy bên người nhận), vì thế, té ra cái xui hóa hay và/ hoặc an ủi ngược lại.

Bất chấp dự tính kỹ thuật ghê gớm của chủ nhân, tạo hóa đã run rủi cho sự vụ tự nhiên tựu thành trong rỗng không nhất định.

Chính khi câu chữ phát ngôn, vô tư mà cố ý cuộn kéo dằng dặc chuỗi lê thê chết sống mãi chưa chuyển kiếp đợi mong thì cuộc đời giản dị làm mỗi việc: để tương quan nhân quả thoải mái thể hiện.

[01.9.2011]

————————————————————————————————–

(những) Kẻ thù

‘Hãy tha thứ cho kẻ thù, vì họ dạy ta sức mạnh nội tại, lòng dũng cảm và tinh thần quyết tâm‘; lời Dalai Lama vừa đọc thấy trên twitter (@ngotoan).

Mãi rồi cũng nhớ ra, mình từng tung tẩy vài ba cái ở tumblr chứ đâu ít (và thả cửa, vứt chìa quên béng đâu mất) nên giờ chỉ nên tạo thêm duy nhất lần này nữa thôi. Xin được lòng thành đại xá, tha tội phí phạm.

Mạng xã hội còn lôi kéo thành viên vào cả facebook cơ. Tiếc nhăng nhít quá, ngâm lâu đâm bạc luôn dự tính giao lưu thân thiết.

Kẻ thù– rõ ràng– thật muôn mặt, đầy khoan thứ và vô cùng rộng lượng; chúng muốn thử thách ước ao tự do sâu thẳm cũng như khát khao nỗ lực tột bật vượt thoát vòng sinh tử.

Kẻ thù, giữa trưa bình thản hình dung dáng vẻ yêu kiều quen thuộc…

[30.8.2011]

——————————————————————————————————

Thoáng nghĩ từ một đề tài nghiên cứu nghe ghê ghê…

Với nội dung táo bạo và khá “sốc” nhằm mục đích bảo vệ môi trường (nuôi muỗi, góp phần xử lý rác), ý tưởng “Thu nhận dịch tinh chiết từ băng vệ sinh sau khi sử dụng nhằm nuôi muỗi” của 03 bạn nữ sinh viên Khoa Sinh đã đạt thêm giải thưởng Khán giả yêu thích với gần 23,3% phiếu (trên tổng 800 phiếu) bình chọn của khán giả.

Tin trên trang chính thức của trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết thêm, đề tài còn đạt đồng giải nhất trong số 7 ý tưởng lọt vào chung kết cuộc thi “Ý tưởng Sáng tạo Sinh viên S-Ideas” lần IV, năm 2011.

Thu nhận dịch tinh chiết từ băng vệ sinh“, tên công việc và trình tự thao tác, xử lý rõ ràng quá dễ dàng gây chối tỉ; mới đọc thấy đã ít nhiều khó chịu rồi, nói gì tới chuyện tập trung chú ý, lắng nghe diễn giải và rồi nghiêm túc quan tâm đầy đủ hơn nội dung khoa học của đề tài nghiên cứu do 3 nữ sinh viên thực hiện.

Tôi tin, khán giả đã bình chọn chủ yếu trước hết vì tên đề tài ấn tượng, vì giải pháp quá lạ lùng, vì mức độ chuyên môn nhằm thấu hiểu ứng dụng thực tiễn của nó…

Cái cảm giác tơm tởm, kinh kinh ấy rốt ráo lâu nay vốn là thứ phản ứng tâm sinh lý rất người. Nó mang tính xã hội, lây lan giữa các cá nhân, minh họa sự cố kết đặc thù của nhóm và vì thế, hiếm ai nghĩ mình ngoại lệ.

Và tôi cũng tin, bản thân các nữ tác giả trẻ tuổi không thể không nảy sinh ý nghĩ tự hỏi nhau thử dự đoán xem những đồng loại – tha nhân cảm nhận thế nào…

Khởi từ trải nghiệm hiện sinh, trực tiếp song điều chi khiến họ vượt thoát tư duy, quan niệm cộng đồng mơ hồ, vô hình mà lại có hơi hám nặng nề đó để kiên trì theo đuổi đến cùng trò chơi làm hao tốn sức lực cho cả tinh thần lẫn cơ thể như vậy?

Cơ chừng, lý do cốt yếu phân biệt với số đông còn lại là thôi thúc hành động; dường như, với họ, đây là phương thức tiếp cận duy nhất sáng tạo.

Dấn bước trên con đường đan xen lắm nét sao chép tương tự, chấp nhận nhãn nghênh ngang, kỳ quái và ám ảnh của kết cục thất bại do bỏ dở– thậm chí, có thể bị chối liền ngay lúc nêu lên ban đầu– các cô gái tuổi đôi mươi khá khôn ngoan khi biết trân quý bản thân, khai thác mối liên kết bất ngờ và sử dụng tương đối thành thục những yếu tố huyền bí nằm sẵn trong chính đời sống hàng ngày.

Hơn nữa, họ còn chứng tỏ điều căn bản có vẻ hết sức đơn giản này: thành công đến từ khả năng dám đưa ra những lựa chọn khó khăn, bất chấp đánh giá thông thường.

[25.8.2011]

————————————————————————————————-

Buồn cười

vì có cố phân loại khác biệt này nọ thì rốt cục, mọi người đều giống nhau ở một điểm căn bản: muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau.

Cảm nhận thấu đáo điều đó để khỏi phải cười buồn.

[23.8.2011]

—————————————————————————————————–

Từ chiếc bánh Trung thu tiền triệu, mon men học đòi về giá

Trên xe bus, thấy thoáng bên đường một tiệm bánh trung thu lấp lánh trong khuôn viên siêu thị lộng lẫy. Lướt qua nhanh mà vẫn kịp đọc được dòng chữ “Cả tâm tình gửi trao.

Về nhà tra cứu mới biết đó là bánh trung thu của hiệu nào…

Thị trường đang tràn ngập bánh Trung thu dành cho đại gia. Quả thật, với giá thành cao ngất ngưởng tính bằng đơn vị tiền triệu như thế thì đúng “bánh trung thu không phải để ăn“, như tiêu đề một bài báo viết vậy.

Ở đây, giá cả thể hiện cho thái độ hết sức rõ ràng: đẳng cấp, sang trọng; nó đích thị đắt, đắt rành rành chứ không phải hơi đắt tí hay đắt vừa phải, quá mức đắt…

Cùng với lời đong đưa ‘cả tâm tình gửi trao‘, giá bánh trung thu không thuộc về những gì khách hàng nhận được mà nó chạm tới cách ta cảm nhận khi trả một giá như thế.

Giữ gìn sự chung thủy, trước sau như một, khi đưa ra giá chính xác ngay từ lần chào bán đầu tiên– e đó là nhiệm vụ không dễ tí nào cho cả người huấn luyện lẫn nhân viên trực tiếp đứng quầy.

‘Bánh thế nào?’, câu hỏi này cũng khó trả lời dứt khoát, thuyết phục khi ở ngoài bối cảnh cụ thể. So sánh với bánh trung thu giá vài chục triệu, vài trăm triệu hoặc hơn nữa? Hoặc so với bánh trung thu giá bèo cho con nhà nghèo?

Mọi thứ chúng ta quyết định tạo ra, chúng ta căn cứ và cân nhắc về giá; cơ chừng, một giá thấp làm tăng thêm những phản hồi tiêu cực?

Giá, người ta bảo, thường là cơ chế phát tín hiệu, và nó vượt ra ngoài cũng như lớn lao hơn hẳn nội dung thuần túy.

Từ giá một sản phẩm hàng hóa, nghĩ tới quyền lực giá cả khi mình không được trả như mình đáng giá thế để rồi tự hỏi bản thân:

– Thiên hạ không biết giá của mình là gì?,

– Hiện tại, mình không thật đáng giá như mình tin tưởng lắm?

Điều chắc chắn, dù sự thật thế nào thì không nhất thiết cứ phải luôn mồm ‘giá mà‘…

[19.8.2011]

——————————————————————————————————

Sức

Cần có sức để thức dậy, chạy bộ, biểu tỏ, lo nghĩ, đi làm và tạm biệt…

[04.8.2011]

————————————————————————————————-

Bí quyết

Dự đoán đúng số đề, mất nết; dự đoán đúng chính sự, hư thân; cách hay nhất để trong ấm ngoài êm, nhà giàu nước vững: từ bỏ quyền lực.

[03.8.2011]

——————————————————————————————————

Chủ đề

Một cuộc đời tốt đẹp không nhất thiết phải sống dài lâu. Một cơn mưa ngắn vẫn đủ làm toàn thân ướt như chuột lột. Một cái ngáp kéo lê thê chuỗi thời gian vô duyên và bất định…

Chung quy, những gì ta đang hết sức tập trung bàn tới chính là cách xử lý chi tiêu sao cho mọi thứ ổn thỏa vào cuối tháng đấy!

[31.7.2011]

—————————————————————————————————————-

Dùng chữ như là sống

Phờ phạc và mờ nhạt cùng tháng ngày tưởng chỉ chực nuốt chửng tất cả ngó nghiêng, suy nghĩ… Bui một tấm lòng nơi đây cắm xác thân mình vào luống cày từ ngữ, bỏ mặc thế gian chê cười, bình phẩm,…

Dùng chữ như là sống.

[30.7.2011]

—————————————————————————————————

Ráy tai– tại sao, khi nào và bao giờ?

Thông tin gần một năm trước cho hay, “Ráy tai sản xuất quá mức do môi trường ô nhiễm.” Nhận ra rồi biết lấy ráy tai hợp lý và đúng lúc do đó, là việc thiết yếu đừng quên khi muốn cải thiện chất lượng lắng nghe, dĩ nhiên, để càng thấu hiểu hơn mọi chuyện lớn nhỏ trong đời (!)

[24.7.2011]

—————————————————————————————————

Treo niêu

Chó treo, mèo đậy.” Treo niêu rồi, biết có còn không?

[22.7.2011]

————————————————————————————————–

Đất trời trong ta

Đợi chờ, chờ đợi; trời tơ tưởng. Nhất thống, thống nhất; đất chất chồng.

Ngày thứ Bảy nào cũng có thể là dịp cuối cùng mình dùng để tuần hành triền phược vì bị/ được nghỉ lễ ở đời.

[16.7.2011]

—————————————————————————————————–

Cơ hội ở những ngã tư

Cơ hội hay được tìm thấy ở những ngã tư quan trọng trong thành phố lớn, như vụ giới kinh doanh đánh hơi mùi tiền nên đền bù 47 tỷ đồng cho các hộ dân khi giải tỏa 51m2 tại khu đất vàng ngã tư Hàng Bài – Hai Bà Trưng (Hà Nội) mới đây.

Thế còn với những điểm giao cắt vô hình tình cờ xảy ra thường xuyên trong hằng hà sa số trải nghiệm hàng ngày thì sao?

[13.7.2011]

————————————————————————————————-

Ngộ phút cuối

Mình làm những gì bản thân thấy phấn khích, và quan trọng không kém, nghĩ là ghê sợ– mỗi ngày; thay cho việc cố gắng tìm kiếm đam mê đích thực của bản thân.

[10.7.2011]

———————————————————————

Sự gian manh của niềm tin tưởng

Tin vào điều nghe thấy, há chẳng phải là tự nguyện trói buộc mình vào vòng sai sử liên hồi kỳ trận của vô minh; sao không để chúng hòa nhập, tan chảy trong cội nguồn Tánh Không bất tận?

[09.7.2011]

—————————————————————————————————–

Chó lè lưỡi và người sẽ thở?

Trời nắng nóng suốt ngày tầm 40 độ thế này, nhìn thấy hai con chó trông nhà thè lưỡi phập phồng vào ra và thi thoảng vẫn sủa lấy lệ, tôi nghĩ, liệu con người cũng sẽ biết tận dụng cơ hội rất sát sườn để quán sát kỹ càng thân tâm mình và học cách thở hiệu quả hơn chăng.

[07.7.2011]

——————————————————————————————————–

“Hôm nay trái đất cách xa mặt trời nhất”

Dòng tin trên báo mạng đong đầy kiến thức khoa học thế liệu có cần đọc hiểu ngay?

Những câu chuyện sát sườn, gần gũi đời thường thực sự đáng giá và đủ độ hấp dẫn để thu hút toàn bộ khả năng chú ý của người đời hơn nhiều?

Giữa khoảng độ ngập ngừng, phân vân, lọc lừa ấy, đâu là chỗ còn lại để tập trung rèn luyện phẩm chất nghệ sĩ và duy trì tâm thế kẻ khai tâm?

[04.7.2011]

—————————————————————————————————–

… và qua

Cảm ơn tất cả vì vẫn nhớ và vẫn không quên để lại những vòng sóng tâm- thể lăn tăn.

Người, trong một ngày trời trút xuống đất chút nắng tí mưa, vốn nhân quả duyên nợ chưa dứt nên tiếp tục rủ rê lạ hóa khúc ca định mệnh ẩm ương đã khởi sự từ xa xưa.

Nếu lòng chịu đựng tuyệt dứt, không còn muốn kéo dài dây dưa nữa, sao việc xua đuổi nhẹ nhàng những con kiến trên ấm nước sắp đun cứ mãi làm dang dở?

[27.6.2011]

—————————————————————————————————

Căng

Trời nóng, lòng người tăng nhiệt, tình hình vẫn rất chi là tình hình. Kiên nhẫn. Kiên nhẫn. Kiên nhẫn.

[22.6.2011]

————————————————————————————————-

Tương quan

Đọc bài mang tên Cháo… chửi (!?) trên tờ PetroTimes (Tin nhanh Năng lượng Mới), lại nhớ sang tiêu đề Bún đậu mắm tôm: Thức ăn trộn nước cống của VTC News.

Cái trạng thái ê chề nó đủ độ trơ để vục mặt vào mà chê bai và báo động về một hiện tượng vốn cứ hiển nhiên dai dẳng lâu nay.

Nguồn cơn của sự véo von liên hồi tự hào ‘gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn’ đích thị khởi từ lối sống tự chế, lung tung và nháo nhào ma mãnh lắm cực đa biến thái.

Xã hội ngập tràn rác, người ta buộc phải tập thành quen rồi nhắm mắt đưa chân trong khi vẫn thích thú bàn chuyện trên trời dưới đất.

Thấy bản thân đứng dầm mình trong cuộc…

[20.6.2011]

—————————————————————————————————

Tháng ngày rớt hột đớn đau

Bao nhiêu chúng sinh hiểu chính xác khái niệm ‘nghiệp‘? Bản thân liệu đang sống thỏa đáng với ‘nghiệp’ của mình chưa?

Thế nào là ‘vừa vặn cho nhau’ khi ta– chẳng thể vô tình– đi ngang qua rồi nhìn thấy một người đàn bà vạ vật bên vỉa hè, ngồi trước hiên nhà kẻ lạ mà mắt cứ soi mải miết như bị thôi miên vào tờ giấy bạc 1.000đ?

Có câu nói rằng, đời sống bỗng chốc hóa ngọt ngào trong khả năng lượng định độ hiểu biết tha nhân. Cơ chừng đều điên đảo cả, đắng đót thế, bảo ai tin bây giờ…

[14.6.2011]

————————————————————————————————

Điểm phim tài liệu kẻo quên

Xem buổi khai mạc Liên hoan Phim Tài liệu Quốc tế lần thứ 3 tại Hà Nội (08-14.6.2011), thấy ấn tượng bởi kiểu làm film về ‘một vụ án thể nghiệm, một câu chuyện ngụ ngôn có giá trị phổ biến về chủ nghĩa tư bản’ (film Cleveland chống lại Phố Wall, Thụy Sĩ, Jean-Stéphane Bron, 98′).

Tối nay, film Việt Nam cùng chủ đề “CNTB và công lý” trình chiếu là Khoảng cách phản ánh cuộc đấu tranh chống tham nhũng do các quan chức thị xã Đồ Sơn ăn đất; song tôi thích film khác cũng của đạo diễn Trần Phi là Bài ca trên đỉnh Tà Lùng (2007, 20 phút) tại Tuần Phim Tài liệu Quốc tế lần thứ nhất (15-19.6.2009) hơn nhiều.

Nhân tiện, các film Người thắng, kẻ thua (Viện Goethe, 2006, Ulrike Franke & Michael Loeken, 96′) tại Tuần Phim Tài liệu Quốc tế lần thứ nhất; Sự biến đổi của một nhà ga (Phái đoàn Wallonia-Brussels, Thierry Michel, 80′) và Những pho tượng Phật khổng lồ (Thụy Sĩ, Christian Frei, 95′) tại Tuần Phim Tài liệu Quốc tế lần thứ 2 (21-25.6. 2010) từng khiến tôi thích thú.

[08.6.2011]

————————————————————————————————–

TÂM đang làm gì thế?

Lạ lùng, là chúng ta hay tơ tưởng tới ai đó lúc không ở gần họ; mà hiếm khi, hoặc chẳng bao giờ, nghĩ rằng mình cần hỏi chính bản thân rằng: ‘TÂM đang làm gì thế nhỉ?’

[30.5.2011]

——————————————————————————————-

Chẳng có gì để ói thêm cả

Con chó không triết lý ư; hay chí ít thì nó có vẻ không triết lý giống như cách của người.

Một ngày như mọi ngày, hay khác một bữa… chẳng rõ, khi thù trong giặc ngoài và lòng người thì ly tán, bất an.

[27.5.2011]

————————————————————————————————

Tuyên bố mới về Ngày tận thế

Như đã giải thích, những người tin theo thuyết Ngày Tận Thế cứ tiếp tục sứ mệnh gánh vác lâu nay.

Sau khi sự kiện trần gian không sụp đổ trong ngày 21.5 vừa rồi, quý ngài Harold Camping tạm lui về chốn ẩn dật (từ chối trả lời phỏng vấn) và nay tuyên bố mới nhất được đưa ra: thế giới sẽ bị tuyệt diệu vào 21.10.2011.

Hàng ngàn, nếu không nói là hàng triệu đồ đệ nhiệt tình lan truyền thông điệp đang đương đầu với nỗi lo tồn tại vì đã tiêu sạch tiền tiết kiệm; cần biết, năm 2007, đại bản doanh Family Radio— nơi phát đi lời dự báo tiên tri– có tổng tài sản hơn 70 triệu dollars.

[25.5.2011]

————————————————————————————————

Và một ngày trôi qua…

Không kéo dài như thế kỷ, hôm nay đang chuyển dần tích tụ ở phía không người.

Là câu chuyện ứng xử của một bạn trẻ khiến thiên hạ tự thấy ê mặt thẹn lòng; là niềm tin– ngay dẫu được phát âm ngô ngọng là ‘liềm tin’ đi nữa– vẫn cứ gây choáng váng bởi vô vàn biến thể tiên tri dự đoán trước đã cài cắm thật sâu khó dứt bỏ trong tâm khảm nhân loại…

Vì thế, tuyệt chẳng nên đánh giá thuần lý hay đề cao quá mức vai trò của tư duy, tri nhận mà bỏ ngỏ lĩnh vực trực giác hoặc hồn nhiên khai thác giáo dục như một thị trường béo bở…

Mặc mọi sự, đừng dạy khôn đời sống.

Và một ngày trôi qua…

[21.5.2011]

————————————————————————————————–

Về sau có sửa đúng lại, vẫn thích cái sai ban đầu

Lại thoáng thấy tin tức liên quan Osama bin Laden, chợt liên tưởng vụ Cù Huy Hà Vũ và mới đây nhất là ngài cựu Tổng giám đốc IMF.

Bài sẽ được đẩy lên mạng 9h sáng mai.

Giờ thì chúc ngủ ngon và hẹn gặp lại!

[19.5.2011]

——————————————————————————————–

Đôi khi thế này, lúc khác lại nghĩ ra chẳng giống vậy. Như những khoảnh khắc tình cờ, duy nhất…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top