Rên rỉ, rền la thực chất thể hiện tính chất bất lực trong khi phàn nàn về điều gì đó mà chúng ta không tin là mình đủ sức để tạo ra sự thay đổi.
Với thế giới tham vấn, nhà trị liệu/ tâm lý gia/ chuyên viên tham vấn có thể cùng thân chủ trao đổi về vấn đề tâm điểm kiểm soát (locus of control); nôm na, đó là niềm tin chúng ta cho đâu là nguyên nhân của các sự kiện xảy đến trong đời mình.
Có hai loại tâm điểm kiểm soát: nội tại (bên trong mình) và ngoại giới (ở ngoài ta).
Người đặt tâm điểm kiểm soát ở bên trong thường cho rằng hành vi, ứng xử của họ được dẫn dắt bởi các nỗ lực và quyết định của bản thân, và họ kiểm soát những điều họ có thể thay đổi.
Do các cá nhân mang tâm điểm kiểm soát nội tại tin là họ kiểm soát được hoàn cảnh nên họ thường quản lý căng thẳng tinh thần (stress) tốt hơn.
Trái lại, đối tượng tin lối tâm điểm kiểm soát ngoại giới thì nhìn nhận những hành vi và đời sống của họ hay bị điểu khiển bởi may rủi hoặc định mệnh. Hệ quả, họ quen nghĩ cuộc sống và hoàn cảnh của bản thân mình như là nạn nhân ở đời và bị số phận bạc đãi.
Kiểu nhìn tâm điểm kiểm soát nội tại (tin mình có quyền năng đối với hành động của chính mình) thường đi kèm với độ hiệu năng của bản thân (self-efficacy)– niềm tin mình đủ khả năng thực hiện điều gì một cách thành công.
Nói chung, người nào rền la vu vơ quá thì thường quen thói bận tâm với những suy nghĩ lầm lạc hoặc nhận thức méo mó.
Những suy tư lầm lạc là khuynh hướng chăm chắm nhắm vào thông tin không đủ đầy hoặc thiếu chính xác, rồi vụt lao tới kết luận hoặc tạo nên những dự đoán. Các mẫu thức suy tư này thường là nguyên nhân của việc nghĩ ngợi tiêu cực, dẫn đến thói quen khó chịu là rền la vu vơ, vớ vẩn.
Dưới đây là những suy tư lầm lạc phổ biến:
- Vội vã kết luận— đột ngột đưa ra ngay kết luận mà không có thông tin thích hợp.
- Lối suy nghĩ ‘tất cả hoặc không có gì’– lượng giá các trải nghiệm dựa trên nền tảng của sự thái quá, cực đoan. Ví dụ, ‘Mình luôn luôn thất bại’.
- Đổ lỗi, quy tội— không chịu lãnh nhận trách nhiệm và đổ lỗi, quy tội cho ai đó hoặc điều gì khác là nguyên nhân của vấn đề.
- Tán tụng, thổi phồng— phóng đại, làm mất đi mức độ liên hệ thực chất giữa các sự việc, câu chuyện.
- Cá biệt hóa— làm cho mọi thứ thành phù hợp với riêng cá nhân mình.
- Bói toán– cho rằng mình nắm bắt được, biết tương lai sẽ thế nào.
- Gán nhãn— phân loại, xếp hạng và định danh bản thân. Ví dụ, ‘Mình là kẻ thất bại’ hoặc ‘Mình là đứa ngu ngốc.’
- Giảm thiểu hóa–xem nhẹ, đánh giá thấp nhất vai trò,vị trí của ai hoặc điều gì đó trong một tình huống. Ví dụ, ‘Kỳ thi ấy cực dễ vì mình đã được điểm ngon lành.’
- Kém sức chịu đựng sự thất vọng— làm suy yếu đi năng lực bản thân trong việc chịu đựng sự thất vọng hoặc những tình huống gây stress do tự nhủ rằng, ‘Mình không thể chịu đựng nổi nó đâu.’