Thực hư bức thư ‘đưa một thầy giáo về dạy học ở Phan Thiết’ và việc ông nội nhà sử học Dương Trung Quốc là chủ hãng nước mắm Liên Thành

Đọc bài trình bày chăm chút thương hiệu nước mắm Liên Thành, tự nhiên nhớ tới ngay bức thư mới xem ‘đưa một thầy giáo về dạy học ở trường Dục Thanh , Phan Thiết‘ và rồi, sau một hồi hỏi nhờ Google, lại tìm thấy chi tiết cực kỳ ấn tượng liên quan tới ông nội của nhà sử học Dương Trương Quốc là ‘cụ Dương Trung Giao – chủ hãng nước mắm Liên Thành, là người duy tân, làm kinh tế để nuôi chí‘.

Đầu tiên, báo Văn hóa Online của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra ngày 06.6.2011 với tựa đề ‘Xung quanh bức thư thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học tại trường Dục Thanh‘ cho biết nội dung cụ thể kèm hình ảnh minh họa:

Bức thư đề ngày 19.8.1910 và ký tên Võ Văn Trang gồm 2 đoạn có nội dung như sau: “Tôi được chú Nguyễn Trọng Lội, chú Nguyễn Hiệt Chi và chú Hồ Tá Bang trong Hội đồng Quản trị của Thương quán Liên Thành, những người sáng lập ra Hội giáo dục Thanh niên thể dục thể thao, gọi là Dục Thanh, cơ sở kinh tế Hội quán Liên Thành. Đưa xe ngựa, đến chùa Phước An ở xứ Duồng, Gành Son gặp cụ Nghè Mô và sư thầy Tạ thủ Bùi Hữu Hiền để đưa một thầy giáo về dạy học ở trường Dục Thanh, Phan Thiết”.

Cho dù tác giả dùng từ không nhất quán (‘thương quán‘ khác hẳn nghĩa so với ‘hội quán‘), bài báo tuy ngắn vẫn chứa đựng vài thông tin rất đáng chú ý.

Ông Quang giải thích thêm, thời điểm ông nội mình (ông Trang) viết 3 trang gia phả trên (trong nội dung có nhắc đến “bức thư”) là năm 1969 trước khi mất và có thể “bức thư” cũng được viết vào thời điểm này với mong muốn “kể” lại một câu chuyện quan trọng đã từng làm cho con cháu biết!

Hiện chẳng rõ độ xác thực và kết luận chính thức về văn bản làm chứng trên.

Chưa hết, bài báo còn kịp dẫn lời bà Ngô Thị Mùi, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận rằng, “Hội thảo đã thống nhất và đề nghị các Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống các di tích về Hồ Chủ tịch lấy thời điểm thầy Thành đến Phan Thiết là tháng 8.1910 và rời Phan Thiết vào Sài Gòn là tháng 2.1911.

Quả hết sức ngạc nhiên cách quán triệt khi làm khoa học lịch sử. Hình như khởi nguồn quan điểm là ở đây.

Khoa học là không cùng và không thể hôm nay phủ nhận cái đã qua; Chúng tôi hôm nay không phủ nhận kết luận của Hội thảo năm 1986 nhưng dựa vào các tài liệu hiện có hôm nay và chắp mối các tài liệu với nhau, để đến lúc chúng ta phải đồng thuận với nhau để cùng tuyên truyền thống nhất trong hệ thống. Do vậy tôi đề nghị lấy thời điểm thầy Thành đến là tháng 8/1910 và rời Bình Thuận là 2/1911. Thời điểm này được lấy theo kết luận của Đề tài khoa học KX02/11 thuộc chương trình nghiên cứu cấp Hồ Chí Minh do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm chủ nhiệm chương trình, Viện Hồ Chí Minh thực hiện và nghiệm thu, đã ấn hành thành sách. Đề nghị các đồng chí chấp nhận với nhau theo thời gian trên để hình thành lộ trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi rời Nghệ An đến Nhà Rồng là: Huế (1906-5/1909)-Bình Định (5/1909-8-1910)-Bình Thuận (8/1910-2/1911)-Sài Gòn (2/1911-5/6/1911).

Một nguồn tin khác hẳn, rất trái ngược trên báo Nhân Dân điện tử vừa kể rành rẽ chuyện xưa: “Ngày 19-9-1910, Bác Hồ từ Trường Dục Thanh- Phan Thiết vào Sài Gòn với cái tên Nguyễn Tất Thành…”

Nhân tiện, mời đọc đoạn trích từ báo địa phương Bình Thuận: ‘Dục Thanh in dấu chân Người‘.

Là thầy giáo trẻ nhất trường, nhưng thầy Thành sớm có tư tưởng, phương pháp giảng dạy mới và tiến bộ. Thầy Thành được phân công dạy lớp nhì (lớp 4 bây giờ), dạy chữ quốc ngữ, Hán văn và kiêm nhiệm môn thể dục. Với lòng yêu nước, thương dân, bằng trách nhiệm của người thầy, thông qua môn học  mình phụ trách, thầy Thành có nhiều sáng tạo trong phương pháp truyền đạt, giúp học trò hiểu bài một cách nhanh nhất. Tư tưởng và phương pháp giảng dạy của thầy Nguyễn Tất Thành thể hiện trước hết ở bản thân mình – một tấm gương không chỉ sâu rộng về kiến thức còn là một con người biết sống vì mọi người; đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, nhân ái cho học trò noi theo. Trong những lần lên lớp giảng bài, bao giờ thầy Thành cũng rất nhiệt tâm, những bài khó thì thầy giảng chậm và lấy ví dụ minh họa cho các trò hiểu bài. Chỉ đến khi thầy nhắc đi, nhắc lại câu hỏi: Các trò đã hiểu bài chưa? Cả lớp đồng loạt trả lời “hiểu bài rồi” thì thầy mới chuyển sang bài mới.

Công ty Cổ phần Chế biến Thủy Hải Sản Liên Thành‘ là tên gọi đầy đủ của thương hiệu ‘nước mắm Liên Thành‘; trước đây là ‘Liên Thành Thương Quán‘– một trong ba tổ chức của phong trào Duy Tân thể hiện các chức năng văn hóa- chính trị- kinh tế gắn liền nhau (gồm Dục Thanh Học Hiệu, Liên Thành Thư Xã và Liên Thành Thương Quán).

Trải qua hành trình 100 năm, chắc chắn nước mắm Liên Thành vô cùng tự hào về bề dày xây dựng và truyền thống gắn bó với lịch sử dân tộc hào hùng. Vì thế, lãnh đạo, các cổ đông và cán bộ công nhân viên công ty này không thể không thành kính ghi công các bậc tiền bối đã sáng lập, đóng góp thuộc đủ mọi thành phần, thế hệ.

Báo Thể thao & Văn hóa trong bài Nhà sử học Dương Trung Quốc và nếp nhà Hà Nội ghi rõ ông nội của nhà sử học nổi tiếng này từng là chủ hãng nước mắm Liên Thành.

Cuộc đời Dương Trung Quốc và gia đình ông chịu ảnh hưởng, gắn bó với những người phụ nữ Hà Nội. Họ duy trì truyền thống, tạo nên gia phong. Vợ chồng ông Quốc sinh trưởng ở phố “hàng” trong phố cổ, quê gốc ông – xứ dừa Bến Tre. Ông nội là cụ Dương Trung Giao – chủ hãng nước mắm Liên Thành, là người duy tân, làm kinh tế để nuôi chí. Hãng Liên Thành bảo trợ cho trường Dục Thanh ở Phan Thiết nơi Nguyễn Tất Thành dạy học. Ra Hà Nội, cụ mua ngôi nhà 27 Hàng Đường từ 1917, lấy vợ là Nguyễn Thị Hợi, người Ngọc Thụy. Họ chỉ có 1 con duy nhất: Dương Trung Hậu.

E là tác giả (thi sĩ?) Vi Thùy Linh tuyệt đố dám bịa đặt cứ liệu; song, bài báo đã lên khuôn lên mạng từ quý 4 năm 2010 sao chẳng thấy ai đánh tiếng xa gần, mà bản thân vị đại biểu Quốc hội kiêm Tổng biên tập tờ báo ngành sử bận rộn quá nên cũng không hề liếc mắt đọc qua những gì mình đã chuyện trò, trao đổi?

Theo thông tin công khai, tài liệu về công ty Liên Thành không hề thấy nhắc tới nhân vật chủ hãng là cụ Dương Trung Giao.

Nhầm lẫn hay uẩn khúc gì chăng? Thật đáng tiếc lắm thay!

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top