Vài lưu ý về các ranh giới trong tham vấn tâm lý

Ranh giới là khía cạnh chủ yếu của bất kỳ mối quan hệ hiệu quả nào giữa thân chủ và nhà tham vấn tâm lý. Chúng đặt để cấu trúc mối quan hệ và cung cấp một khung tham chiếu nhất quán cho tiến trình tham vấn. Một vài ranh giới là rõ ràng. Hầu hết nhà tham vấn biết rằng nó là vấn đề thuộc đạo đức, ví dụ, để tham vấn cho người yêu cũ bởi vì mối quan hệ trước đây làm suy giảm tính khách quan và hạ thấp mối quan hệ mang phẩm chất chuyên nghiệp. Thực tế việc phác họa các ranh giới không phải lúc nào cũng rành mạch, sáng tỏ; các tình huống này rơi ra ngoài khuôn mẫu, quy điều đạo đức và nằm trong khoảng vùng mờ xám.

Rồi chẳng hạn, một nhà tham vấn chạm mặt thân chủ ở nơi công cộng (như khách sạn, buổi chiêu đãi, hoặc sàn tập thể hình của địa phương) thì có tán gẫu vui vẻ hay rời bỏ ngay lập tức? Nhà tham vấn và thân chủ cả hai cùng phục vụ chung trường hoặc tham gia trong một ban từ thiện mà không hề làm lệch lạc mối quan hệ trị liệu giữa họ? Liệu nhà tham vấn từng hỗ trợ nhiều năm trời có đảm bảo đúng đạo đức khi tham dự đám cưới của thân chủ? Một nhà tham vấn có thể biểu tỏ bằng một cái ôm đầy lòng trắc ẩn với thân chủ đang quẫn trí sau một phiên trị liệu hết sức đau đớn?

Các câu trả lời, với nhiều nhà tham vấn, phụ thuộc các thuyết phục và nhân cách mang tính lý thuyết cá nhân khi khởi lên mỗi nghịch lý. Các yếu tố khác nhà tham vấn cần xem xét là nhân cách, sự chín chắn trong thấu hiểu và cảm xúc của thân chủ. Đó là lý do tại sao một số nhà tham vấn sẽ uống chén trà với thân chủ trong phiên trị liệu, và một số khác lại không. Một số nhà tham vấn thích treo ảnh gia đình nơi làm việc còn một số khác thì chẳng bao giờ làm thế. Một số nhà tham vấn sẽ tham gia một cuộc gặp tình cờ với thân chủ trong khi một số khác sẽ rời bữa tiệc nhanh nhất lúc thấy thân chủ băng ngang qua phòng.

Với các thân chủ đang đương đầu với các ranh giới mù mờ, câu hỏi phải đặt để quan trọng nhất trong tâm trí là “Liệu điều này có phục vụ cho các mối quan tâm mang tính trị liệu của thân chủ không?”

Các hướng dẫn về ranh giới mang tính đạo đức hành nghề dựa trên những nguyên tắc căn bản của bộ quy điều đạo đức dành cho người thực hành/ tham vấn tâm lý. Từ lâu, Corey (1996) đã tóm tắt ngắn gọn 5 nguyên tắc cốt lõi:

  1. Từ tâm: một nhà tham vấn phải chấp nhận trách nhiệm đề cao những gì là tốt lành cho thân chủ với mong đợi rằng thân chủ sẽ hưởng lợi từ các phiên làm việc.
  2. Không ác ý: “làm điều bất hại”. Nhà tham vấn phải tránh bất cứ lúc nào, hành động gì (thậm chí vô tình) hoặc tình huống ra sao cùng thân chủ mà có thể là nguyên nhân tạo nên mối quan tâm mâu thuẫn.
  3. Tự trị: trách nhiệm đạo đức của nhà tham vấn là khuyến khích thân chủ độc lập trong suy nghĩ và ra quyết định, và ngăn cản tất cả các dạng thức phụ thuộc vào mình ở thân chủ.
  4. Công chính: nhà tham vấn cam kết cung cấp dịch vụ đúng đắn và đàng hoàng với mọi thân chủ mà không phân biệt tuổi tác, giới tính, sắc dân, tộc người,văn hóa, khuyết tật, và địa vị kinh tế- xã hội.
  5. Trung thực: thành thật với thân chủ và nhà tham vấn thiệt tình cam kết vinh danh sự tiến bộ của thân chủ.

Nguyên nhân xáo trộn, rối rắm bởi các ranh giới từng được Corey (1996) mô tả tốt nhất như một biến thiên, trải dài từ việc gỡ thoát hẳn ra (các nguyên tắc chỉ đạo/ ranh giới cố chấp, cứng rắn) cho tới chuyện vướng víu (uyển chuyển đến độ phát tán lung tung) với một vùng xám mù mờ ở giữa mà hiển nhiên gây nhập nhằng và phụ thuộc nhà tham vấn, tình huống và các hoàn cảnh cũng như các nhu cầu không ngừng thay đổi của thân chủ. Để là nhà tham vấn hiệu quả, người ta không thể tách biệt với thân chủ đến mức chẳng thấu cảm nổi. Đó quyết không phải mục tiêu tham vấn và gây phản tác dụng với mối quan hệ trị liệu.

Tuy nhiên, nhà tham vấn không ước muốn thấu cảm đến mức họ ôm hôn thân chủ mỗi khi gặp mặt hoặc chửi rủa thân chủ om sòm trong lúc biểu đạt sự tức giận với nhau. Nhà tham vấn cũng không nên ghé thăm gia đình thân chủ vì tiện đường từ nơi làm việc về nhà, bởi đó là hành vi của một người bạn. Nếu làm thế, ranh giới sẽ bị xâm phạm. Trong tham vấn, các ranh giới nhập nhằng thường dễ khởi lên song nhà tham vấn cần nghiêm ngặt nhận lãnh trách nhiệm xác lập các giới hạn liên quan đến tính bảo mật của thân chủ. Dạng thông tin kiểu ấy đặt để với thỏa thuận được thân chủ tán đồng và là quyền lợi cơ bản của thân chủ.

Dưới đây là minh họa tham khảo.

Trong giai đoạn vẫn tiếp tục làm việc với nhà tham vấn X. hai năm nay, Y. đột ngột phải nhập viện để phẫu thuật khẩn cấp. Nghe giọng Y. quá bấn loạn và lo sợ qua điện thoại, X. hứa mai sẽ đến ngay bệnh viện thăm cô. Y. đau đớn khủng khiếp, và X. ngồi trên chiếc ghế đặt cạnh giường Y. nằm, nắm lấy tay cô khi Y. chìa tay ra… X. hỏi han bệnh tình, an ủi rồi sau khi biết chắc gia đình Y. sắp vào thăm, X. nhanh chóng rời bệnh viện.

Y. biết đây là tình huống ngoại lệ với các phiên tham vấn vẫn quen gặp X. và điều đó sẽ không lặp lại. Việc X. ghé bệnh viện thăm Y. được hiểu đơn giản là nhà tham vấn quan tâm đến sức khỏe của thân chủ, thấy rõ ràng và sâu sắc cơn đau cũng như cảm giác bị khủng hoảng của Y. Vào phiên đầu tiên sau khi Y. xuất viện, X. tranh thủ ít phút nhắc lại cuộc viếng thăm của mình để đoan chắc là Y. hoàn toàn hiểu rõ ý nghĩa của nó đặt trong bối cảnh của mối quan hệ trị liệu.

Một số nhà tham vấn có thể sẽ không ghé bệnh viện thăm Y., họ cho rằng chỉ nên hạn chế mối quan hệ trị liệu trong văn phòng và hành vi của nhà tham vấn khá dễ bị thân chủ hiểu nhầm. Một số nhà tham vấn khác lại tin rằng một quyết định đưa ra thì phải dựa cụ thể vào các tình huống cá nhân cũng như tính đặc thù, riêng biệt trong mỗi mối quan hệ với từng cá nhân thân chủ.

Cách thức chuyên nghiệp mà bản thân X. tiến hành khi ghé bệnh viện thăm thân chủ Y.cho phép X. vận hành cùng với các ranh giới sát hợp lương năng chức trách của nhà tham vấn đàng hoàng. X. không hề có ý định nịnh đầm, chiều chuộng phụ nữ khi ghé bệnh viện thăm Y., hơn thế, X. suy nghĩ thấu đáo về chuyến thăm, cân nhắc các khả năng xảy đến cũng như lợi lạc cho thân chủ. Hành vi của X. thích đáng như người làm việc chuyên nghiệp, trong bối cảnh chuyên nghiệp, đã chẳng tạo ra suy diễn sai lầm rằng chuyến thăm và cả hình ảnh bản thân của mình giống như một người bạn. Rồi, sớm nhất có thể, X. đã trao đổi với thân chủ thật rõ ràng về ý nghĩa chuyến thăm đồng thời cắt bỏ bất kỳ khả năng nào gây nhập nhằng hoặc ám chỉ bóng gió.

Các nhà tham vấn làm việc hữu hiệu nhận ra ngay rằng những cảm xúc mãnh liệt khá dễ khởi lên trong phiên trị liệu và chúng thường thách thức cả các ranh giới cá nhân lẫn chuyên nghiệp của chính nhà tham vấn. Nhà tham vấn nào am hiểu quyền năng tác động của bản thân và mức độ dễ bị thân chủ diễn dịch sai trái thì cũng rất nghiêm túc nắm lấy các ranh giới thuộc tham vấn tâm lý chuyên nghiệp. Họ cũng thận trọng khi lựa chọn thái độ uyển chuyển trong các ranh giới quan hệ và càng không lơ là về khả năng rẽ nhánh, chia luồng khi uyển chuyển cùng thân chủ.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top