Mùa

Đứng bên kia sông Hàn không nhìn về thành phố mà ngó ngay dưới chân cầu dây văng Thuận Phước; các khu chung cư đang tiếp tục được xây lắp sẵn để chào bán, sát mép nước là cây cột sắt sơn chữ đỏ ‘Stop’. Một tay câu cá lặng lẽ cắm cần. Gió đủ lạnh, và mặt nước đẩy rác rưởi cùng cái nhà nổi dập dềnh. Khó ngờ trong thành phố vẫn thấy lại được khu nhà chồ Nại Hiên Đông một thời…

Thế giới nên được mở rộng cho sự khám phá, chắc chắn có nhiều dạng thức của hiểu biết thừa sức khiến người ta sợ hãi, vào một chiều đầu năm kết thúc Tết Đinh Dậu đầy gió và vắng vẻ người. Con đường này mang cái tên khá trêu ngươi: Lê Văn Duyệt. Đó là đối tượng của nghệ thuật, và mối quan hệ của con người với nghệ thuật hoặc giữ vai kẻ sáng tạo hoặc là kẻ thụ hưởng.

Lau lách, đất đá đổ nát, những mắt lưới đánh cá giờ được dựng lên thay hàng rào. Trước mặt hơi xa kia là cảng Tiên Sa, với con tàu trắng không có cánh buồm đỏ thắm. Một ngọn hải đăng sơn màu xanh bé nhỏ, đứng giữa bãi đá vòng vèo. Khá lo lắng là kiến thức dễ phủ nhận những khoái lạc của trạng thái thơ ngây. Có một câu hỏi sâu xa về những ý nghĩa khả thể nổi bật lên trên nỗ lực gắng giải thích kinh nghiệm nghệ thuật e không bịt mắt được ý nghĩa đích thực của một tác phẩm nghệ thuật.

Nguy cơ khi đẩy xe máy chui qua hàng rào phim trường là một trong các khía cạnh dễ thấy của nghệ thuật: sự kết nối trải nghiệm vốn là phần thưởng khi ôm choàng một tác phẩm nghệ thuật, cách thức ta đạt tới sự hiểu biết về một tấm ảnh chụp, một bài thơ phóng túng vốn thể hiện sự biểu đạt cho nỗ lực, những gì là ‘tiến bộ’ về trải nghiệm một đối tượng nghệ thuật, và sự khởi sinh nơi chốn ta tìm thấy cái đẹp.

Bất kỳ ai phản ánh thảy đều nhận ra rằng có những không gian trống rỗng và cô độc giữa vô vàn trải nghiệm người. Có lẽ, các khoảng cách này là sản phẩm của phản ánh hoặc chí ít là trái quả của nó. Khoảng cách va đập lý tưởng giữa nghệ thuật dàn dựng và tính lý tưởng của thực tế hiện tồn có thể mãi mãi không bao giờ quan sát được một cách trực tiếp. Quy luật bóng mờ phủ xuống và vượt qua chủ nghĩa hiện thực èo uột. Dù không đủ đầy, ta nên tán đồng với cái nhìn lãng mạn của Goethe khi véo von rằng mọi lý thuyết đều màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi. Quy luật khoa học phổ quát, với toàn thể vẻ đẹp của nó, để lại những khe hở rỗng tuếch đáng thương hại như trước đây…

Các ý kiến của chúng ta khởi sinh rồi biến mất giống như mùa. Tâm trạng và suy nghĩ đến rồi đi như thủy triều, dù là thủy triều bé tẹo lăn tăn bên chân cầu trong lòng thành phố.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top