Nghệ sĩ trình diễn gây bỏng da, bì bóng lợn nóng dạ và ấn tượng bềnh bồng hơn thế…

Như đã thưa trước, tôi bắt xe bus đến Nhà Sàn Studio trên dốc Bưởi để xem trình diễn. Nhờ dựa vào trực giác, nên dù đi 2 chuyến song tôi vẫn đến đúng điểm đỗ và tới nơi chỉ trễ đúng 10′.

May mà buổi trình diễn chưa bắt đầu, trong khi bắt chuyện với một cậu SV học Quản trị mạng Đại học Phương Đông thì thấy một cô gái nhỏ nhắn đi lướt vào, linh tính bảo đây chính là nữ nghệ sĩ…

Vâng, thực sự tôi biết mỗi chương trình qua Hanoi Grapevine, không kịp tìm hiểu thêm tí xíu gì ngoài giờ giấc, tên nhân vật chính.

Bất cẩn, đểnh đoảng hiếm hoi này nào ngờ lại là điều hay; vì tham dự buổi trình diễn xong, tôi mới tra cứu Google, ra là từng có một vụ Bay lên đình đám và giờ thì cô tái xuất.

Chưa từng chú ý tên tuổi, hoàn toàn vô tư và chẳng am hiểu bao nhiêu nghệ thuật trình diễn nên hồi tưởng lại, tôi thấy mình đón đợi thoải mái, khác hẳn với sự nôn nao của khá nhiều khách cả Tây lẫn ta, hèn chi sao lượng người kéo về đông thế…

Và tầm 15′ sau, cô gái mặc đồng phục đồ âu màu café sữa ấy bê ra một chậu nước ngâm đầy bì bóng lợn. Một vòng tròn đứng ngồi bao quanh, dưới sàn và hắt sáng bóng đèn điện tròn vàng ệch.

Nữ nghệ sĩ xếp thành hai hàng các tấm bóng bì lợn hình chữ nhật và hình thang rộng cỡ 20 cm còn đọng nước xuống nền nhà ciment; tôi đếm cả thảy 18 tấm to nhỏ không đồng đều.

Rồi cô cầm lấy chiếc bàn là đã cắm sẵn vào ổ điện nãy giờ. Tiếng xèo xèo xen lẫn tiếng trẻ con nước ngoài bi bô ở vòng ngoài trong bóng tối.

Nhẫn nại, từ tốn, nữ nghệ sĩ là tất cả các tấm bóng bì lợn. Cô vắt nước đọng vào chậu, đảo mặt các tấm bóng bì lợn. Thi thoảng mặt bàn là nóng dẫy dính bám chặt một lớp bóng bì khiến cô dùng tay gỡ…

Rồi cô đắp một tấm bóng bì lợn còn chưa khô hẳn lên khuôn mặt tỉnh bơ, đất cát đỏ sạm làm làn da và áo quần cô vấy bẩn. Cô quờ tay tìm bàn là và đẩy nó trên lớp bóng bì lợn. Thao tác này được lặp lại ở đôi tay và đôi chân.

Có không ít khán giả quay mặt đi. Nghe rõ tiếng suýt xoa. Nữ nghệ sĩ xắn tay áo dài và phần cánh tay cô ửng đỏ vì bị bỏng… Cô dùng tay còn lại gỡ lớp bóng bì lợn dính ít nhiều trên cánh tay và đặt chúng xuống một tấm bóng bì lợn; và chồng các tấm bóng bì lợn khác lên bên trên.

Nữ nghệ sĩ bước tới cột nhà, và cúi xuống nhặt cuộn dây và cái kéo. Toàn bộ bóng bì lợn được buộc chặt, gồm 2 khối nhỏ. Cô đặt nó lên vai, nghiêng người chào khán giả. Màn trình diễn kết thúc. Vỗ tay…

Đây là ghi nhận của khán giả về buổi trình diễn và nỗi đau.

Cá nhân tôi cảm thấy nữ nghệ sĩ ý thức rõ ràng công việc, những thao tác trong khi biểu diễn gợi liên tưởng sinh hoạt thường nhật của phụ nữ, bộc lộ nét tính cách đầy đọa bản thân, và không gian chứa ánh sáng trầm uất, màu bóng bì lợn, màu áo, điệp màu da, mùi bóng bì lợn tanh tưởi cháy khét lẹt,…

Tôi nghĩ, các giác quan của khán giả thực sự bị đánh thức và họ dù vô tình hay cố ý, đã tham dự vào buổi trình diễn này.

Có lẽ, khuyết thiếu đáng tiếc lớn nhất của tôi khi tham dự buổi trình diễn là hồ đồ quên mất rằng, cái gọi là nghệ thuật hậu hiện đại (postmodern art) phản ánh tư tưởng muốn xóa nhòa cái nhìn quan phương, ranh giới ngăn cách giữa nghệ sĩ và khán giả dường như không đáng kể và họ được mời gọi thiết tha đồng sáng tạo.

Kiểm điểm riêng bản thân, tôi nhận ra để tiếp cận thấu đáo và hiểu biết sâu xa nghệ thuật trình diễn, người ta buộc phải có sự gia công tìm kiếm kiến thức, học hỏi cách sử dụng ngôn ngữ và trải nghiệm tương tác liên cá nhân, cũng như luôn sẵn sàng tâm thế đối thoại không phải một lần cho mãi mãi.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top