Một thoáng ngó nghiêng về sản phẩm clip Thanh Niên Chuẩn

Số lượt vào xem clip chắc chắn là một trong các chỉ báo đáng quan tâm, song trong xu hướng đương đại thì mỗi việc ấy thôi chưa đủ để đánh giá xác đáng hiện tượng.

Đại diện Trung ương Đoàn cho biết MV “Thanh niên chuẩn” được xây dựng nhằm chuyển tải các thông điệp Sống đẹp – Sống có ích, các giá trị chuẩn về văn hóa, đạo đức đến thanh niên một cách nhẹ nhàng, trẻ trung, sâu sắc. Những hành động, nghĩa cử đẹp của thanh niên được đưa vào MV nhằm phê phán thói hư tật xấu mà giới trẻ ngày nay đang mắc phải, để họ tham gia những hoạt động tích cực, cùng phấn đấu hướng đến tiêu chí Thanh niên chuẩn.

Việc tiêu thụ đủ tác động để tạo nên một ảnh hưởng tới cuộc sống chúng ta đến độ nó trở thành căn tính bản thân. Chúng ta không chỉ dùng việc tiêu thụ đặng cấu trúc các căn tính riêng có mà còn sử dụng nó để quy nạp các căn tính của những kẻ khác. Các sản phẩm diễn bày các căn tính của chính ta thông qua ý nghĩa gắn kết với chúng. Nói khác, ta dùng các sản phẩm biểu tượng hóa một vài phẩm chất nhằm gửi đi thông điệp tới tha nhân mà đồng thời chúng ta cũng sở hữu các phẩm chất ấy. Đôi khi, việc tiêu thụ có thể gây ra ảnh hưởng hết sức độc hại tới các căn tính chúng ta, do bởi khiến mình cảm thấy mặc cảm tự ti hoặc không tương xứng.

Nhìn dưới góc độ sản phẩm truyền thông như thế, rõ ràng câu chuyện đòi hỏi phải tìm hiểu cả các tiêu chí lượng giá tác động đến căn tính của người tiêu thụ.

Điều ai cũng thừa biết là hành vi, ứng xử của con người là hàm số của nhân cách và môi trường, ít nhiều gợi liên tưởng quay về mối liên hệ chặt chẽ giữa việc tiêu thụ với căn tính của ai đó vậy; tức khi tiến hành đánh giá căn tính kẻ khác, các đánh giá dựa vào có thể bị ảnh hưởng bởi những gì người đó tiêu thụ, nghĩa là sản phẩm mang chứa ý nghĩa khó chối bỏ nổi. Clip ‘Thanh niên chuẩn’ cho ví dụ miễn phí về cách thiên hạ học hỏi thông qua tiếp thị và quảng cáo biểu tượng nào mang lại giá trị cho thanh niên thời đại mới và thứ gì thì không đạt được thế.

Ngoài ra, cái sự chuẩn mực chắc chắc phản ánh nền tảng phát triển, yếu tố cá nhân và mối quan hệ của người ta trên tiến trình tương tác liên nhân cách. Bởi vậy, trong một nền văn hóa xoắn bện sâu xa với sự tiêu thụ thì hiển nhiên mọi thứ chúng ta sở hữu dẫn tới việc diễn bày chúng ta như con người; thực hành này có thể chẳng hề độc hại chi song nó vẫn dễ dàng khiến chúng ta thể hiện sự khó chịu và bất mãn với các căn tính của bản thân. Tự hỏi bao nhiêu người trẻ mà clip Thanh niên chuẩn nhắm vào khi xem nó để thay đổi bản thân nhớ biết rằng điều quan trọng họ đang đề nghị phải thay đổi điều gì và tại sao. Nếu tuyệt không có điều gì sai trái hoàn toàn với những gì chúng ta đang thay đổi thì tại sao cần làm thế?

Vấn đề vừa nhắc chính là một ý nghĩa mà chúng ta học hỏi khi trẻ tuổi: những gì là căn tính cho một con người ‘đẹp’; bi hài thay, điều học hỏi này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự tiêu thụ các chân dung truyền thông về các thân hình và tính cách đẹp; câu chuyện dài kỳ như dạng phim truyền hình nhiều tập ấy đa phần là phi thực tế và khó đạt đến được, chí ít dẫn người ta đến chỗ kiến tạo các căn tính bao gồm cả các cảm nhận, quan điểm tiêu cực về độ hấp dẫn riêng có của chính bản thân mình…

Với hằng hà sa số các clip, đa phần các sản phẩm này đưa tới các câu chuyện khó bắt mắt và lưu giữ tâm trí thiên hạ kéo dài quá ba ngày; chúng thu hút sức chú ý vì truyền thông đại chúng muốn thế, chính quyền và các nhóm lợi ích cũng như mạng lưới xã hội bảo chúng nên thế. Do vậy, chúng dần nghiêng sang chiều hướng giải trí và đùa tếu so với các đối thủ cạnh tranh, bởi nếu không như vậy thì mình sẽ hoặc tri nhận chúng như là điều khẩn cấp hay thích ứng, hoặc mối quan tâm hồi đầu của mình sẽ chóng tàn tạ, tiêu tan. Clip Thanh niên chuẩn, bất chấp chức năng và lời khẩn cầu, kêu gọi của nó đã không thoát ra khỏi sự thật trần trụi của truyền thông hiện đại: chú ý tới các câu chuyện trong mỗi một phương tiện biểu đạt là thứ phù du, chốc lát mà thôi.

Clip Thanh niên chuẩn còn có thể dạy cho những ai làm truyền thông bài học cay đắng về các lỗi lầm tư duy quen phạm phải mà người trong cuộc lắm lúc khó ngờ. Tỷ dụ, việc gán nhãn mang tính định kiến: cách thức người ta gán nhãn một vị thế có thể tạo nên sự đánh giá đối tượng thành kiến về vị thế; kiểu gọi một vị thế, chức vụ “dựa trên khoa học” thì không nhất thiết việc ấy tạo nên sự thật, hoặc đối ngược lại, gọi một vị thế “thô tục” không nhất thiết làm mất được hiệu lực của nó đâu.

Lời cuối, đa dạng không thuộc trạng thái của sự khác biệt, bởi tự bản chất, nó nằm nơi tính chất động năng kìa. Song, đó là một câu chuyện khác rất dài chưa thật thuận tiện trình bày lắm ở đây…

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top