Với kết quả test, liệu tôi đã mắc rối loạn tâm thần XYZ?

Không còn là điều hết sức bí mật hoặc sự gì quá chừng xa xôi cho việc tiếp cận và sử dụng các trắc nghiệm tâm lý lâm sàng khác nhau, cả thông qua hình thức chúng ta tự âm thầm tiến hành trực tuyến trên mạng lưới điểm toàn cầu hoặc được ai đó hướng dẫn rõ ràng nhờ tài liệu, sách vở bằng giấy in. Người làm việc trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ chăm sóc khỏe tâm thần nói chung, nhất là mí bạn sinh viên mới ra trường, thừa tự tin hay tranh thủ xin xỏ test cũng như ưu tiên nhanh nhạy để tận dụng tối đa cơ hội xiển dương nghề nghiệp này như kiểu đang sở hữu một món hàng độc (sic).

Nên không lạ lẫm hay ngỡ ngàng lắm khi có cô gái còn rất trẻ viết thư bảo mình thuộc dạng xác suất rất cao mắc rối loạn lưỡng cực (bipolar disoder) sau khi tự làm trắc nghiệm trực tuyến bằng Anh ngữ; tuy thế, cô học trò trường phổ thông chuyên này cũng hiểu biết ít nhiều để chia sẻ thêm rằng mình không hoàn toàn nghiêm túc khi nhìn vào kết quả…

Trái lại, từng gặp bà mẹ trí thức cuống cuồng vì phát hiện cô con gái 19 tuổi đang bỏ bê học hành, suốt ngày ủ rũ và bất chợt khóc lóc sau khi thực hiện một số trắc nghiệm trực tuyến rồi thấy mình đạt tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn phân liệt cảm xúc (schizoaffective disorder).

Thực tế, một số trắc nghiệm trực tuyến là cực kỳ quá dễ gây lầm lạc. Có một sự khác biệt thông thường rất lớn giữa tri giác của một người về cách thức người đó là và những gì chúng ta gọi các tiêu chí lâm sàng cho một rối loạn tâm thần.

Nếu nhìn vào một câu hỏi kiểu như “Đôi khi tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc”, hầu hết người ta có thể nhớ lại thời điểm có liên quan, họ hạnh phúc hơn ‘bình thường’. Tuy thế, từ quan điểm lâm sàng, hạnh phúc tột độ tìm thấy ở rối loạn lưỡng cực là một triệu chứng nghiêm trọng đang khiến họ mất khả năng… Triệu chứng “tiêu sắm vô tội vạ” là ví dụ khác; một người trưởng thành lành mạnh có thể bị xem là mua đồ kinh khủng khi tiêu hàng trăm triệu đồng cho áo xống, trong khi với rối loạn lưỡng cực thì “tiêu sắm vô tội vạ” lại còn tệ hại hơn, tỷ dụ bệnh nhân vào viện để phẫu thuật y khoa và đã buộc người nhà đem đặt cạnh giường laptop màn hình lớn đặng cập nhật thông tin trên kênh truyền hình mua sắm.

Lựa chọn tốt nhất có thể nghĩ tới nhanh chóng là tìm kiếm lời tư vấn từ một chuyên gia sức khỏe tâm thần; hầu hết các nhà tâm thần học và tâm lý học có thể trả lời các câu hỏi và mối quan tâm của thân chủ mình chỉ trong vài phiên làm việc; điều này đặc biệt quan trọng nếu ta đang trải nghiệm các triệu chứng khiến hàng ngày cảm thấy càng khó khăn để sống hơn.

Nhân tiện, phân liệt cảm xúc là dạng kết hợp tâm thần phân liệt (schizophrenia) với một rối loạn cảm xúc (khí chất) như trầm cảm (depression) hoặc rối loạn lưỡng cực.

Thật không may như với tất các các rối loạn tâm thần và cảm xúc, chẳng có trắc nghiệm nào quen dùng để chẩn đoán hoặc khẳng định sự hiện diện của một rối loạn. Tôi đồ rằng kiểu test bà mẹ trí thức trên dễ chừng là dạng trắc nghiệm tự khai (self-report test) mà cô con gái tìm thấy trên mạng. Các kiểu lượng giá như thế mang nghĩa tầm soát về tính khả thể của một rối loạn, song có rất nhiều lý do cho thấy tại sao các test ấy không đáng tin cậy và thường mới đưa ra được các chỉ dấu rất thô sơ trên tiến trình lượng giá chuyên nghiệp mà thôi.

Quả đúng là giới chuyên môn sức khỏe tâm thần dựa vào các triệu chứng thân chủ tự khai để xác lập một chẩn đoán; tuy vậy, nhờ việc đặt các câu hỏi mà họ có thể làm rõ ràng và khám phá các trải nghiệm của bệnh nhân, rồi phán đoán các triệu chứng đã thu thập; các trắc nghiệm trực tuyến hoặc làm trên giấy in thì không đạt đến được vậy. Do đó, một số người có thể trả lời các câu hỏi đăng tải lên theo các cách dễ thêm vào một điểm số dẫn đến một vấn đề sức khỏe tâm thần, đơn giản bởi vì các cách thức họ diễn giải những gì được hỏi, hoặc ý nghĩa từ các lựa chọn đề nghị.

Hơn nữa, còn có vấn đề của việc chồng lấn các triệu chứng tâm thần. Rất nhiều chẩn đoán khác biệt có thể bao gồm trong một số khía cạnh mà cô nữ sinh viên trải nghiệm mắc phải. Tỷ dụ, trong khi tâm thần phân liệt gồm các ảo giác (các trải nghiệm cảm quan sai lệch) và hoang tưởng (các niềm tin lầm lạc) thì rối loạn trầm cảm nghiêm trọng đôi khi cũng chứa các triệu chứng nặng nề này. Các vấn đề khí chất (cảm xúc), như trầm cảm và lo âu, thường là các chẩn đoán tâm thần phức tạp. Chính sự rối rắm của các chẩn đoán tâm thần nên điều quan trọng là nữ sinh viên cần được lượng giá bởi một chuyên gia sức khỏe tâm thần có bằng cấp. Chẩn đoán chính xác thường rất khó khăn (và lắm khi bất khả), song cơ bản là biết liệu cô con gái có đang trải nghiệm một số triệu chứng ám chỉ tâm thần phân liệt hay không.

Thuốc dùng điều trị tâm trạng trầm uất thuộc dạng khác so với các loại dược lý sử dụng để điều trị các triệu chứng loạn thần, vốn không phải là nguyên nhân gây ra trầm cảm. Với những căn bệnh như tâm thần phân liệt và rối loạn phân liệt cảm xúc, thuốc men là bước cần thiết đầu tiên, và sẽ đòi hỏi chỉ định của một bác sĩ tâm thần học.

Thích đáng nhất vẫn là bác sĩ tâm thần chuyên khoa nên tôi đã khuyến cáo bà mẹ trợ giúp và động viên con gái mình hẹn gặp một bác sĩ tâm thần. Nếu cô ấy được chẩn đoán bởi một chuyên gia tâm thần thì ông bác sĩ này sẽ đưa ra các chỉ định hoặc đề xuất phương án điều trị phù hợp. Nếu không ổn, đây là thời điểm để thử tìm cách tiếp cận khác…

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top