Film “Thiên Nga Đen” miêu tả ‘Rối loạn Nhân cách Ranh giới’: chủ đề sức khỏe tâm thần gây ức chế và phân tán khán giả

Bộ film tuyệt hay Thiên Nga Đen (Black Swan) thì tôi đã xem chùa trên mạng không lâu hồi sau Tết rồi, lu bu tí tớn tận đẩu tận đâu nên rốt cục cho qua luôn, chẳng dành lời nào để giới thiệu về nó cả.

Thi thoảng cũng tình cờ đọc thấy đôi ba bình phẩm rên rỉ là film khó xem, ghê rợn, nặng nề, hoặc thậm chí tác giả nhiệt tình ‘nhặt sạn‘ như đánh giá mang hơi hướng học trò dễ thương dưới đây.

Có thể nhận thấy, sự đưa đẩy dữ dội giữa hiện thực, ảo giác và sự kinh dị đã khiến Thiên nga đen có gì đó thiếu hấp dẫn, làm người xem thấy mệt mỏi và nản lòng. Những cảnh cuối cùng của phim đã đem đến câu trả lời cho toàn bộ băn khoăn của khán giả. Nhưng khi ấy chắc chắn sẽ có người lại băn khoăn liệu điểm đến này có xứng đáng cho một chuyến đi quá dài.

Suy đoán chủ quan, ấn tượng của một bộ phận khán giả nước nhà về bộ film như vậy không thuần túy chỉ thuộc vấn đề sở thích, thẩm mỹ như kiểu thích dạng này chẳng mê nổi loại kia mà sâu xa, e chừng chủ yếu vì cái điệu rối loạn tâm thần được ưu tiên chú tâm phản ánh cực kỳ đậm đặc.

Diễn viên từng trải Natalie Portman- người thủ vai chính Nina- chẳng hổ danh với tấm bằng Tâm lý của đại học lừng danh Harvard, thông qua chỉ dẫn cụ thể cái gọi là rối loạn ám ảnh cưỡng bức (OCD) trong tính cách nhân vật cô hóa thân cũng như thực tiễn tác nghiệp của nghề diễn viên.

[Nói thêm, so sánh với bản gốc cuộc phỏng vấn, bài chuyển ngữ trên Vietnamnet hơi bị phóng túng; tự hỏi, đâu là ‘sự tự kỷ của nhân vật Nina‘, hơn nữa, tôn giáo và tâm linh không đồng nhất với nhau.]

Tính cách nhân vật Nina giả tưởng, song chân dung cuộc đời cô minh họa nhiều đặc trưng của một rối loạn tâm thần nghiêm trọng; đọc sách giáo khoa Tâm bệnh học của sinh viên ngành Tâm lý sẽ dễ dàng nhận ra đó là rối loạn nhân cách ranh giới (BPD), đúng như lời của nhóm viết kịch bản khi thổ lộ tiến trình chuyển Thiên Nga Đen từ sách lên film.

Do chất giằng xé gay gắt, diễn tả ngoạn mục- dưới góc độ nghệ thuật- cơn loạn thần sống động, đi kèm vài ba yếu tố hãi hùng quen thuộc (dù nó đích thị chẳng hề thuộc thể kinh dị) nên Thiên Nga Đen khá kén chọn người xem; ít nhiều cần khuyến cáo với những ai có tâm hồn ‘mong manh dễ vỡ’ hoặc cõi lòng đang muộn phiền, sứt mẻ, …

Chủ đề chính của bộ film liên quan tới độ căng thẳng tinh thần lạ thường và những diễn biến phức tạp của hành vi tự hủy hoại bản thân– vốn hay gặp ở đối tượng kiếm tìm tối đa sự toàn hảo.

Nhân vật chính Nina chịu sự khuynh loát, áp lực từ người mẹ rất muốn cài cắm ý tưởng vào đầu đứa con gái của bà rằng, chỉ thực sự an toàn cho Nina khi cô duy trì quan hệ gần gũi, gắn bó mật thiết với mẹ mình; thế giới bên ngoài đầy hiểm nguy, đe dọa. Nhằm gắng sức đạt tới sự toàn hảo, Nina cắt cứa thân xác và tự bỏ đói, cố súc xả mọi thứ ra ngoài khi ăn uống, cũng như hóa bối rối đâu là cảnh thật đâu là ảo ảnh…

Đối tượng mắc BPD hay sa vào những quan hệ mãnh liệt, bất ổn. Các cá nhân như thế có xu hướng nhìn mọi thứ hoặc trắng hoặc đen, rất dễ chung chiêng giữa yêu thương và ghét bỏ, cảm nhận điều gì đó tốt tất hoặc xấu tuốt. Họ thường thấy trống rỗng bên trong và truy cầu vô cùng gấp gáp các cách thức lấp đầy bản thân, lảng tránh cảm nhận bị ruồng bỏ. Hậu quả, họ quen thói lạm dụng chất (rượu chè, ma túy) và dính líu các rối loạn liên quan tới ăn uống.

Đa phần người mắc BPD học hỏi là thế giới không chút an toàn. Dẫu vậy, họ lại không được dạy các kỹ năng làm thế nào để điều hướng đời mình. Quan hệ cực kỳ xung khắc giữa Nina và bà mẹ trong Thiên Nga Đen thể hiện tương đối đặc trưng kiểu cá nhân đớn đau bởi BPD. Các cá nhân mắc BPD cũng có xu hướng biểu đạt về một hình ảnh cái tôi không chắc chắn. Họ thường xuyên nghĩ mình bị đối xử bất công, tàn nhẫn và gặp khó khăn khi phải gánh chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân.

Một số triệu chứng khác thuộc BPD:

  • Cảm thấy trống rỗng và buồn chán
  • Thường xuyên biểu lộ sự tức giận không chính đáng
  • Bị thôi thúc quá đáng vào chuyện tiền nong, lạm dụng chất và các quan hệ tình dục
  • Không chịu đựng nổi trạng thái cô đơn
  • Nguy cơ ngẫm nghĩ và dự tính tự sát rất cao, đồng thời còn có một số hành vi tự hủy hoại bản thân khác nữa.

Điều trị BPD khá khó khăn, đòi hỏi thời gian lâu dài. Một cách chăm chữa tên là Trị liệu Hành vi Biện chứng (DBT) được nhà tâm lý học, TS. Marsha Linehan khai triển, đã chứng thực độ thành công rất cao trong việc giảm thiểu nhiều hành tự hủy hoại bản thân.

DBT sử dụng một số kỹ thuật trợ giúp các cá nhân tìm ra con đường mới để giải quyết với những cảm xúc quá mạnh mẽ; bao gồm trị liệu nhận thức, thiền định và các kỹ thuật thư giãn.

Đối tượng tham gia trị liệu học hỏi được rằng, dù vẫn còn có các suy nghĩ tự sát hoặc hành hạ bản thân này nọ thì họ không buộc phải hành động theo chúng. Họ biết nếu dùng các kỹ thuật khác thì mình sẽ chống chọi, vượt qua ‘cơn bão lòng’. Trị liệu nhóm thường giữ vai trò hết sức quan trọng trong DBT. Thuốc men có thể hỗ trợ các cá nhân đương đầu hiệu quả với những cảm nhận trầm cảm và sợ hãi. Song điều chính yếu đáng quan tâm phải là sự thay đổi cách thức cá nhân tri nhận và đáp ứng với các sự kiện diễn ra trong đời.

Đây cũng là nội dung mà TS. Marsha Linehan, người vừa mới dũng cảm tâm sự câu chuyện riêng tư trên New York Times về những cuộc đấu tranh bà kiên trì tiến hành để chống lại rối loạn tâm thần khắc nghiệt.

Chia sẻ chân thành về khoảng thời gian nằm viện lòng thòng và những ý nghĩ lẫn dự tính tự sát của bà đem lại hy vọng tràn trề rằng, rối loạn tâm thần không thể ngăn cản người ta muốn sống một cuộc đời tốt lành.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top