Câu chuyện này có thể độc giả đã biết ít nhiều mà nội dung tóm tắt sơ sài như sau.
Josh Bell đang chơi violin trên bến xe điện ngầm ở Washington DC. Rất ít người đứng lại lắng nghe vì anh là gã trai bình thường đứng gần cạnh một cái thùng rác. Kỳ thực, Josh Bell được đánh giá là một trong những nhạc công thể hiện nhạc cổ điển hay nhất thế giới. Mới vài đêm trước, cuộc trình diễn của anh bán sạch vé và người ta phải bỏ hàng trăm Mỹ kim để có cơ hội được thưởng thức tiếng đàn tuyệt vời của một danh cầm.
Điều chi làm nên sự khác biệt giữa sân khấu nơi Josh Bell được chào đón nhiệt liệt, và bối cảnh anh đang kéo đàn chốn đấy? Anh là gã hành khất chơi nhạc để cố kiếm vài xu lẻ bố thí trên ga điện ngầm? Hay là người nằm trong số những nhạc công thiên tài nhất thế giới?
Gì tạo nên khung định hình ở đây vậy?
Liệu chúng ta có lưu tâm chú ý tới quà tặng tưởng thưởng và đặc ân huyền nhiệm xảy đến mỗi ngày?
Mình tạ ơn vì màu sắc lung linh trong bồn tắm xà phòng thơm tho, hay cáu kỉnh vì những chiếc bát đĩa dính dầu mỡ sau bữa tối đạm bạc phải lau rửa?
Các nhà tâm lý học gọi đó là sự “đặt để tri giác” (perceptual set); từ dùng mang tính lâm sàng khác thì gọi là “định kiến chứng thực” (confirmation bias). Đó là khuynh hướng ai đó tìm kiếm hoặc biểu đạt thông tin theo cách xác nhận, chứng thực những khái niệm tiền định của chính bản thân họ.
Nếu tôi tin thế giới đầy những kẻ tầm thường thì tôi sẽ truy quét môi trường xung quanh và tất tìm thấy bằng chứng khẳng định điều ấy. Tôi ngóng xem rồi xác nhận mỗi điều bé mọn nhìn thấy, và sẽ đặt để thái độ cho ngày, tuần lễ, tháng năm trong tương lai. Chắc tôi dễ trở thành kẻ tuyệt vọng và trầm uất.
Mặt khác, khi tin con người tử tế thì tôi sẽ phát hiện ra và lưu tâm tới những người ngọt dịu và những điều tốt đẹp họ làm cho tha nhân.
Rốt cục, bạn lựa chọn nhìn thấy những gì hôm nay?