Thực hiện trong hành động

[Ngỏ: Không biết có phải do nguyên nhân đứt cáp mà trầy trật mãi tối tới giờ vẫn không chèn cái ảnh minh họa vào nổi; thậm chí, bao bận năm lần bảy lượt máy báo mạng hư lên hỏng xuống để bài trơ lại tẽn tò, còn mình thì tiếp tục nhẫn nại cùng hy vọng dịp tới chắc may ra… xong việc.]

Dưới đây là các trích đoạn từ một trong 8 phần của luận văn Thực nghiệm tâm linh (Sadhana) do Rabindranath Tagore (1861-1941) soạn thảo; gồm: 1. Cá nhân và vũ trụ; 2. Ý thức về tâm linh; 3. Vấn đề cái ác; 4. Vấn đề cái ta. 5. Thực hiện trong tình yêu. 6. Thực hiện trong hành động. 7. Thực hiện thẩm mỹ. 8. Thực hiện vô biên.

Phần 6. này dựa trên cảm hứng của lời răn Upanishad— minh triết Ấn Độ: “Chỉ có giữa họat động ngươi mới sống lâu trăm tuổi” và được Tagore tái khẳng định lần nữa: “Niềm vui sống ấy, niềm vui làm việc ấy ở con người là tuyệt đối thực sự” (tr.131).

Có cái “niềm vui ở trong sáng tạo” (tr.128) như thế, theo Tagore, là vì hành động không tương phản với tự do; vì “chính bởi tâm hồn không thể tìm ra tự do ở nơi mình nên nó khao khát hành động bên ngoài”; chức năng của hành động cũng được Tagore chỉ ra cực kỳ sâu sắc:

Con người càng họat động và càng thể hiện những gì tiềm tàng ở mình, nó càng đưa cái xa xăm ‘phải đến’ lại gần. Nhờ sự thực hiện này, con người càng ngày càng trở thành phân biệt hơn và thấy rõ mình hơn dưới những phương diện càng ngày càng mới mẻ. Trong quốc gia, ngoài xã hội. Nhãn quan này họat động cho tự do. (tr.129).

Và như sẽ thấy, vì “đặc thù của sống là tự nó không trọn vẹn; nó cần phải biểu lộ” nên “ta phải ở nơi Người (vốn dĩ là chân lý) ở trong cũng như ở ngoài”; đây chính là cách tâm hồn Ấn tồn tại: “sự cân đối bình thản trong sức mạnh và trong sự giao hòa giữa nội tại và ngoại tại”, trái với người Tây phương “mải miết bành trướng ra ngoài trước hết” nên “say sưa quyền lực” (tr.135-tr.137).

Hoạt động, do đó, không chỉ có tác dụng riêng cho thân xác (vốn “không thể thỏa mãn với sự họat động kinh tế nội tại của mình và chỉ tìm được niềm vui trọn vẹn trong các cuộc ngao du ở bên ngoài”):

Tâm linh cũng thế: Nó không thể chỉ sống bằng các tưởng tượng và tình cảm nội tại của mình. Nó luôn luôn cần đến các vật ngoại tại, không những để nuôi dưỡng tâm thức nội tại của nó, mà còn để chăm chú vào hành động, không những để thu nhận mà còn để cho ra. (tr.134).

Mời thưởng thức chi tiết hơn về sự thực hiện trong hành động.

Bảo rằng con người chỉ hoạt động khi nào bị ép buộc phải họat động, là sai. Nếu một đằng là ép buộc thì đằng kia là hoan hỉ, một đằng hành động vì cần thiết, và đằng kia nó tiến hành sự thành tựu tự nhiên của nó.

Vì thế cho nên văn minh càng phát triển, con người càng gia tăng các nghĩa vụ của nó và cái công việc mà nó tự ý tự tạo cho mình.

Người ta tưởng chừng như thiên nhiên đã mang lại cho con người khá nhiều việc phải làm, và không chừng còn chết vì lam lũ mà lại phải đói phải khát, nhưng không! Con người đâu cho thế đã thấm tháp gì, nó đâu có muốn chỉ làm cái công việc mà thiên nhiên đã bắt nó làm mà thôi, cũng như bắt các thú bốn chân và các chim chóc, nó còn muốn phải hơn chúng nữa kia, ngay cả họat động!

Không một sinh vật nào được làm việc bằng con người; nó đã tiến đến chỗ tự cho mình trong xã hội cả một trường hành động rộng lớn, trong đó nó không ngừng xây dựng và phá hủy, nào làm luật và bỏ luật, nào chất đống các vật liệu, nào suy tư, tìm kiếm và đau khổ không ngừng. Trên địa hạt này, nó đã đánh những trận oanh liệt nhất, nó đã thắng được một đời sống luôn luôn mới mẻ, nó đã làm cái chết thành vinh quanh, và thay vì loại trừ được vấn đề này, khó khăn nọ, nó vẫn đảm nhận thêm những vấn đề mới, những khó khăn mới.

Nó đã khám phá ra cái chân lý rằng nó không trọn vẹn khi bị giam hãm trong cái lồng của bối cảnh của nó, rằng nó lớn hơn cái hình vóc nó hiện tại, và rằng đứng giậm chân một chỗ có thể là an nhàn hơn, nhưng sự ngưng trệ của đời sống tất hủy diệt cái chức vụ thực sự của nó và cái mục đích thực sự của đời nó.

R. Tagore. (2007). Thực nghiệm tâm linh. Như Hạnh dịch. Hà Nội: Nxb. Văn học, tr. 132-tr.133

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top