Vấn đề chậm nói, hội chứng tự kỷ và những gì bố mẹ thực sự muốn khi trị liệu ngôn ngữ cho trẻ

Nếu hỏi – đáp này không phải là sự ủy quyền viết hộ, nhầm tên, lỡ lời thì nó quả thật minh họa khá trêu ngươi cho thành ngữ  “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng“; đồng thời, còn khiến ta bần thần quan ngại trước thực trạng chuyên môn và chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần của nước nhà.

Con trai tôi đã 3 tuổi. Hồi nhỏ, cháu phát triển bình thường, ít quấy khóc. Tuy nhiên, cháu chậm nói, khoảng 2 tuổi cháu mới bập bẹ được vài từ, đến nay cũng chỉ nói được những câu ngắn, chưa đầy đủ. Khi nói chuyện, cháu cũng thường cúi gằm mặt.

Tôi có nghe nói đến việc trẻ chậm lớn có thể mắc bệnh tự kỷ. Nhưng ông bà nội và chồng tôi lại ra sức phản đối, cho rằng cháu phát triển bình thường, rằng tôi “trù úm” con. Vậy một đứa trẻ như thế nào thì bị tự kỷ?

***************************************

Tự kỷ là những rối loạn phát triển của não. Trẻ tự kỷ sẽ giảm khả năng hoà nhập xã hội, kém giao tiếp, thường lặp đi lặp lại một hành vi. Các biểu hiện có thể là chậm nói, cúi gằm khi giao tiếp, sợ tiếp xúc với người lạ, chỉ chơi một trò chơi, ngồi một góc nhà.

……

Với các biểu hiện chậm nói, cúi gằm mặt của con chị, rất có thể cháu đã mắc bệnh tự kỷ. Tuy nhiên, hai vợ chồng chị có thể đưa cháu đến Khoa Tâm thần của Viện Nhi T.Ư để được khám và tư vấn cụ thể hơn. Bệnh viện sẽ kiểm tra điện não đồ, chẩn đoán xem con chị có bị tự kỷ hay không. Các bác sĩ cũng giúp anh chị hiểu hơn về bệnh tự kỷ và có chương trình điều trị cho cháu.

……

Cần thấy ngay rằng, độ tin cậy và tính thuyết phục hoàn toàn của một tuyên bố, phát biểu thường thì không thuần túy chỉ dựa trên mỗi nội dung nêu ra mà còn phụ thuộc vào cả cách trình bày, thể hiện ý tưởng, quan điểm nữa.

Ngoài hạn chế nhất định ở kỹ năng biểu đạt, truyền thông trên phương tiện báo mạng đại chúng, tôi e phần trả lời ít nhiều sẽ gây hoang mang, tạo áp lực lớn từ phía đối tượng trực tiếp tiếp nhận.

Mặt khác, đi vào phân tích  cụ thể càng khó chấp nhận được. Tỷ dụ điển hình là tự thân chậm nói (speech delay) không phải luôn chứng tỏ trẻ mắc tự kỷ, mặc dù đó là một trong các triệu chứng đáng chú ý nhất ở trẻ nhỏ mắc tự kỷ; thực tiễn lâm sàng khẳng định, các rối loạn và vấn đề sức khỏe khác cũng thấy xuất hiện triệu chứng chậm nói.

Khi tự kỷ là nguyên nhân gây chậm nói (vài lưu ý), đứa bé có các biểu hiện chậm lụt phát triển đầy ý nghĩa và nhiều thiếu hụt liên quan khả năng truyền thông và tương tác xã hội.

Sự phân biệt quan trọng giữa những biểu hiện chậm nói do tự kỷ so với các trạng thái bệnh lý khác là sự hiện diện kèm theo của các triệu chứng tự kỷ nữa.

Như vừa trình bày, nên chăng hết sức cẩn thận xem xét hiện tượng chậm nói trong một bối cảnh rộng lớn hơn– từ nhận thức tới giao tiếp, truyền thông– thay cho việc vội vàng và tắc trách gán nhãn liền rồi không quên thủ thế bằng câu thòng ‘tuy nhiên’ giữa trời…

Nhân đây, xin giới thiệu câu hỏi liên quan mà phụ huynh thi thoảng dễ nêu thắc mắc: Liệu có thể dạy ngôn ngữ ký hiệu (sign language) cho đứa con chậm nói của tôi không?

Hầu hết bố mẹ khi nghe rằng sử dụng các cử chỉ có thể trợ giúp phát triển ngôn ngữ nói ở trẻ nhỏ thì đều sợ là các cử chỉ (gestures) sẽ thay thế những từ ngữ mất thôi. Cơ chừng, kết quả nghiên cứu không ủng hộ cho nỗi sợ đó.

Một nhóm tác giả lần đầu tiên cung cấp tóm lược về các cử chỉ và tiến trình phát triển chúng.

Có hai kiểu ngôn ngữ cử chỉ: trực chỉ (deictic) và biểu đạt (representational).

Các cử chỉ trực chỉ thì thuộc tiếp xúc hoặc ở ngoài xa và chúng được trẻ dùng để quy về, kêu gọi sự chú ý tới, hoặc ngụ ý biểu thị một đồ vật hay sự kiện nào đó. Các cử chỉ tiếp xúc đòi hỏi sự tiếp xúc giữa trẻ và người lớn (đẩy tay người lớn ra để bảo ‘không’) song các cử chỉ ngoài xa không yêu cầu sự tiếp xúc (chỉ hoặc chạm tới).

Các cử chỉ biểu đạt mang bản chất ngữ nghĩa (semantic). Chúng có thể là các cử chỉ vốn dính dáng tới đồ vật, đối tượng hoặc được xác định về mặt văn hóa, thường quy về một hành động, khái niệm mang tính văn hóa hoặc xã hội (ví dụ, bảo ai im lặng đi!).

Các cử chỉ trực chỉ xuất hiện lần đầu khoảng 7-12 tháng, còn các cử chỉ biểu đạt nổi lên gần sát  giai đoạn 12 tháng tuổi.

Nhóm tác giả nghiên cứu cho thấy, dùng các cử chỉ ở trẻ nhỏ là một chỉ báo tốt cho sự phát triển ngôn ngữ về sau. Các cử chỉ có thể phân biệt giữa trẻ phát triển bình thường và trẻ gặp trục trặc, chậm lụt ngôn ngữ vào khoảng độ 9-12 tháng; thậm chí, chúng còn có thể phân biệt giữa trẻ gặp các chậm trễ phát triển này nọ như hội chứng Down và Tự kỷ. Trẻ thể hiện giao tiếp bằng cử chỉ tiền ngôn ngữ tốt vào 14 tháng thường có sự nhận thức tốt hơn hẳn vào 24 tháng và 42 tháng– so với các đối tượng không thể hiện được thế.

Do vậy, lượng giá các cử chỉ có thể giúp phân biệt một kẻ ‘biết nói muộn’ so với một đối tượng thực sự chậm phát triển ngôn ngữ. Hơn nữa, sự chơi đùa, đóng vai mang tính biểu tượng (đòi hỏi các cử chỉ) không chỉ liên quan các kỹ năng nhận thức mà còn dự báo các kỹ năng ngôn ngữ khác về sau. Các cử chỉ góp phần quyết định lớn lao từ việc giả vờ uống cho tới việc báo hiệu chúc ngủ ngon thông qua khép mắt lại và áp tay vào đầu.

Tiếp theo, nhóm tác giả thảo luận hành trình phát triển của cử chỉ và số các hành vi nằm trong sự dùng các cử chỉ được xem là quan trọng. Trẻ phát triển bình thường 12 tháng tuổi dùng một cử chỉ/ phút, 18 tháng dùng hai, và 24 tháng dùng 5 cử chỉ/ phút.

Kiểu cử chỉ cũng thay đổi cùng với sự phát triển. Trẻ 12 tháng tuổi chủ yếu dùng các nguyên âm bập bẹ (vocalizations) hoặc cử chỉ, 18 tháng bắt đầu có thêm từ, và 24 tháng đa phần dùng các từ.

Các cử chỉ riêng biệt, đặc thù cũng là những dấu hiệu, chỉ báo quan trọng cho sự phát triển đúng chuẩn tắc. Chẳng hạn, biết chỉ trỏ (pointing) liên quan với sự phát triển ngôn ngữ tốt hơn, nhất là với lượng từ vựng dễ tiếp thu, lĩnh hội.

Phạm vi, tầm mức mà một cử chỉ thể hiện chức năng giao tiếp cũng giữ vai trò quan trọng, đến độ càng nhiều ‘dự tính’ gắn cùng vào cử chỉ thì càng thành tựu hơn trong sự phát triển ngôn ngữ.

Một dấu hiệu đáng ghi nhớ khác trong giao tiếp, truyền thông là khi các cử chỉ đi kèm với mắt nhìn chằm chằm (eye gaze) và bập bẹ phát âm. Thực tế, sự phát triển chuẩn tắc chúng ta mong đợi, kỳ vọng ở trẻ chuyển từ mắt nhìn chằm chằm và phát âm bập bẹ sang các cử chỉ và phát âm bập bẹ, rồi mới tới các cử chỉ và các từ.

Tức là, ngôn ngữ đi theo một lộ trình phát triển, có các âm tiền ngôn ngữ này và các chuyển động cơ (motor movements).

Vậy, làm thế nào các nhà trị liệu ngôn ngữ (speech therapists) lượng giá cử chỉ đây?

Hiện tại có 2 công cụ chuyên nhắm vào các cử chỉ: bộ công cụ Phát triển các Thang đo Hành vi mang tính Biểu tượng (CSBS-DP; Wetherby and Prizant, 2002) và Dạng Cử chỉ, Từ và các Bảng kiểm Phát triển năng lực Giao tiếp MacArthur-Bates (CDI; Fenson et al., 2002).

Như thế là, qua những gì giới thiệu, chúng ta biết rằng sử dụng các cử chỉ ở trẻ nhỏ đem lại các thành tựu tốt đẹp hơn rất nhiều. Song, liệu điều đó cũng hàm ý việc dạy các cử chỉ cũng đem lại thành tựu tốt đẹp?

Hầu hết nhà nghiên cứu trả lời ‘vâng’. Ví dụ, dạy các cử chỉ cho thấy cải thiện lên hẳn sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ mắc tự kỷ. Ngoài ra, dạy các cử chỉ cho trẻ nhỏ còn góp phần phát triển tốt hơn ngôn ngữ theo một số nghiên cứu (chẳn hạn, ở đây). Và mặc dù vẫn có tranh cãi xung quanh vấn đề này, song chưa có bằng chứng thực nghiệm nào khẳng định việc dạy các ký hiệu cho trẻ sẽ làm chậm khả năng nói.

Có thể nhìn việc học ngôn ngữ ký hiệu như là dịp chúng học thêm một ngôn ngữ khác nữa ở nhà. Đừng quên rằng, có một khoảng thời gian lặng yên trước khi cả hai ngôn ngữ nổi lên, xuất hiện.

Trong khi bình tâm chờ đợi, mời xem vidéo dễ thương quay cảnh một đứa bé 12 tháng tuổi học sử dụng ký hiệu.

Thiết nghĩ, cũng cần tìm hiểu xem những gì bố mẹ trẻ thực sự mong muốn khi con mình tham gia trị liệu ngôn ngữ.

Nghiên cứu chỉ ra sự khác biệt giữa bố mẹ và nhà trị liệu ngôn ngữ trong các kỳ vọng liên quan tới việc điều trị.

Theo đó, các tác giả khẳng định hy vọng bố mẹ tập trung vào những thay đổi thuộc các khía cạnh cảm xúc và xã hội lúc giao tiếp, trong khi mục tiêu của các nhà trị liệu lại quan tâm hơn tới các khía cạnh hành vi và/hoặc y khoa; bố mẹ muốn con mình thể hiện sự gần gũi ở trường Mẫu giáo, còn mục tiêu của nhà lâm sàng lại đặt vào việc trẻ nói các câu hoàn chỉnh.

Nghiên cứu cũng cho biết, các đo lường không phải là tất cả mà các nhà lâm sàng cần lưu tâm tới cả bố mẹ trẻ nữa, rằng mục tiêu của nhà lâm sàng nên tập trung hơn tới khía cạnh xã hội và cảm xúc trong giao tiếp, truyền thông.

Rõ ràng, khó mà không tán đồng, nhất trí cao với đề nghị này khi nghĩ về và cố gắng vận dụng vào bối cảnh nước nhà Việt Nam.

0 thoughts on “Vấn đề chậm nói, hội chứng tự kỷ và những gì bố mẹ thực sự muốn khi trị liệu ngôn ngữ cho trẻ”

  1. Xin hưởng ứng bạn vì bài viết này. Tôi nghĩ là bạn hiểu một cách cơ bản về sự khác nhau giữa hai hiện tương: chậm nói và tự kỉ. Thật đáng tiếc là có rất nhiều cháu được gắn bệnh tự kỉ mà lại không phải như vậy. Tôi được nghe kể rằng các cháu chỉ được gặp nhà trị liệu ngôn ngữ trong vòng 15 đến 30 phút rồi qua bác sĩ chẩn đoán bệnh. Đối diện với câu hỏi “Tại sao con tôi bây giờ bình thường mà trước đó lại bị cho là tự kỉ?” Bác sĩ Việt Nam trả lời “Thì càng tốt, con bạn đã khỏi bệnh”.

    Thêm nữa, làm gì có điện đồ não để chẩn đoán bệnh tự kỉ? Mình tưởng tượng trường hợp cha mẹ của cháu kia ngơ ngác trong bệnh viện hỏi “Bác ơi, thế phải đến khoa nào để làm điện não đồ?”

    1. Tuy hội chứng phổ Tự kỷ là rối loạn tâm thần khá phức tạp cả ở góc độ chẩn đoán lẫn điều trị cũng như hậu quả phát sinh từ nó xét dưới góc độ tâm lý- xã hội không hề đơn giản chút nào, song đúng là khó phủ nhận hiện trạng tệ hại thật quá dễ gây cảm giác đau lòng…

      May mà trên đời vẫn còn nỗi niễm bức xúc như bạn TN,

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top