Thấy gì qua huyền thoại ‘nhà tâm lý có thể đọc vị tâm trí kẻ khác’?

Chưa cần tốt nghiệp rồi vừa không ngừng bổ túc kiến thức lẫn kỹ năng vừa mò mẫm hành nghề, chỉ mới gặp mặt hoặc nghe nói mình học Tâm lý thôi là có vẻ dễ khiến thiên hạ hay bạn bè quen biết nghĩ ta thừa sức xem tướng, coi bói, rành chuyện này chuyện nọ hay giỏi đến mức đọc vị được tâm trí họ.

Các bình phẩm suýt xoa thường kiểu ‘Nè, nói chuyện cẩn thận nghe, vì nhà tâm lý học ở đây có thể đoán biết những gì bọn mình suy nghĩ đó’. Khởi sự ấy có thể là tấm lòng thán phục chân thành hoặc lời đùa tếu vô tư; rằng nhiều người nghĩ làm một nhà tâm lý học thì sở hữu quyền năng ghê gớm: dễ dàng khám phá những gì kẻ khác che giấu. Tin tắp lự (đáng ngờ vực vô cùng) là người này có khả năng mở cái đầu ta và nhìn thấy những gì nằm trong đó.

Điều ấy không chỉ là niềm tin sai lầm duy nhất từng nghe về công việc tâm lý học. Còn nhiều nhiều vô kể. Chúng gây phấn khích đến độ đủ khiến ta một ngày muốn nhặt nhạnh rồi đặt cái tên: những trò mèo tâm lý; dù lắm lúc dùng giải lao, buồn cười vui vẻ phết song đôi khi trở thành vấn đề quan ngại thực sự.

Chẳng hạn, nghĩ tới cách một thân chủ cảm nhận khi anh ta tiếp cận tham vấn tâm lý và nghĩ về nhà trị liệu như thể vị này đã biết tuốt các suy tư của mình đến độ không cần thiết dành nhiều thời gian kể lể, mô tả cảm xúc bản thân: ‘Quái lạ, nhà tâm lý này cứ hỏi đi rồi hỏi lại mãi. Tại sao? Chẳng phải ông này biết mọi thứ chỉ đơn giản nhìn vào mình thôi mà? Có lẽ tay nghề ông này không giỏi lắm, hoặc có thể đây chưa là dạng trị liệu xịn, hoặc tự thân cái môn tâm lý học e có vấn đề chăng! Đúng thế, tâm lý học đích thực đồ đểu giả; chỉ tổ làm tốn thời gian và tiền bạc!’

Nghiêm túc mà nói, rất quan trọng việc cần có ý tưởng thực tế những gì người ta có thể và không thể mong đợi khi làm việc với một nhà tâm lý, và đôi khi có thể bảo vệ họ khỏi cảm giác bị lừa dối. Vì vậy, phải nói to lên và rõ ràng (nếu ai đó cảm thấy quá thẳng thừng thì mong được cảm thông) rằng nếu nghĩ một nhà tâm lý biết mỗi một suy nghĩ của mình chỉ nhờ quan sát thì ta đã sai.

Làm thế nào những trò mèo tâm lý này lại có thể khởi lên rồi lớn nhanh dễ dàng đến thế? Chúng không thể sinh ra từ sự rỗng không. Hãy thử gắng tưởng tượng xem chúng từ đâu tới. Khi trò mèo về ‘nhà tâm lý thấu thị’, khả năng cao giữ vai trò lý giải ở đây là khái niệm “vô thức” (unconscious). Nhờ Freud nghiên cứu, hầu hết người làm tâm lý biết ý nghĩa của từ đó; bất chấp vài khác biệt giữa các trường phái phân tâm học, tất cả đều tán đồng rằng nó là điều trong tâm trí mà chúng ta không nhận ra được. Freud làm việc dựa trên khái niệm này; ông nghĩ một bệnh nhân có thể cải thiện sức khỏe tâm lý nhờ dần nhận biết nền tảng vô thức trong các cảm xúc của bản thân. Vậy nên ông đặt để điều ấy như là mục tiêu trị liệu và gắng giúp các bệnh nhân của mình nhìn thấy những gì nằm bên dưới bề mặt đời sống ý thức. Đấy là điều nhà phân tâm học vẫn còn làm việc cho tới ngày nay.

Chẳng nghi ngờ chuyện một người không làm tâm lý phát hiện bao điều huyền bí ở đây. Được giúp đỡ để nhìn ra điều nằm sẵn trong tâm trí mình dù nó vốn chẳng hề rành mạch gì thì nghe ra như sự bói toán vậy. Và người ta dễ nghĩ những ai có thể giải mã cảm xúc của họ giỏi đến thế khác chi thầy phù thủy có phép lạ. Kỳ thực, không bí hiểm gì cho cam; nó đơn giản là vấn đề của kỹ năng.

Các kiểu dạng công việc thảy đều cần những kỹ năng chuyên biệt. Một thợ may áo quần giỏi việc ướm đo, chọn vải, cắt và ráp vá.  Anh ta sẽ cho điều ấy là tự nhiên và không hề nghĩ rằng việc may vá là chuyện gì to tát lắm, dù với không ít cánh đàn ông ấy thật bất khả vì họ không hề có kỹ năng.

Nhà tâm lý cũng cần các kỹ năng chuyên biệt. Công việc là trợ giúp và để trợ giúp, nhà tâm lý phải giỏi giang trong việc lắng nghe và thấu hiểu mọi người tốt hơn… thường dân. Do vậy sự thật kém lãng mạn hẳn đi: các nhà tâm lý học đơn giản tập trung chú ý vào những gì nghe được và nhìn thấy, và biết các lý thuyết có thể lý giải mọi chuyện liên quan. Lý thuyết và trải nghiệm giúp nhà tâm lý học lưu ý tới các chi tiết nhỏ nhặt mà hầu hết mọi người không hay nhìn ra và thậm chí còn thấy chúng thú vị, và nhà tâm lý giúp người ta nghĩ về những ý nghĩa bị giấu kín.

Song khoan, đợi chút nhé: nếu dừng tại đây, người ta chắc đúng khi tin rằng một người được đào tạo bài bản có thể đọc vị tâm trí họ. Người ta dễ phát biểu dạng: “Ồ, chỉ là do học hành chăm chỉ và nghiên cứu thấu đáo thôi ư? Nên kẻ không nhiều trải nghiệm thật khó, còn chuyên gia được đào tạo ngọn ngành thông tỏ có thể thực sự đọc được suy tư của mình chứ nhỉ.’

Anh ta không thể đâu. Điều giảng dạy cốt lõi trong đào tạo tâm lý là không có nhà tâm lý được đào tạo hoàn hảo nhất cũng như lý thuyết tốt nhất trên thế giới thì không thể chứng thực sai sót. Sự thật, kết quả tốt nhất một nhà tâm lý giỏi có thể thành tựu là chọn lựa nhiều đầu mối rồi tìm ra một cách lý giải cung cấp vài ý nghĩa liên quan nhất.  Song sẽ luôn luôn có điều gì đó không khít khớp, phù hợp.

Con người ta vốn phức tạp, phức tạp hơn lý thuyết nhiều, và mình phải luôn sẵn sàng thay đổi các giả thuyết của bản thân. Thử làm một bước tiến xa hơn: mình không thể đưa ra bất kỳ diễn giải nào có sẵn vì chẳng những con người phức tạp mà họ còn luôn tiến hóa, thay đổi rồi phát triển theo nhiều cách thức mới mẻ nữa. Ví von khi nghĩ về điều này là đừng ‘phải lòng’ bất kỳ chẩn đoán nào, ngay các chẩn đoán sát hợp và làm ta say mê ghê gớm. Một nhà tâm lý giỏi nhất thiết phải luôn giữ một không gian tự do trong lòng để anh ta có thể khai sinh các giả thuyết mới.

Lý do khác để mọi người có những niềm tin sai lầm về nhà tâm lý: các nguồn không luôn luôn đáng tin cậy. Nghĩ về cách các nhà tâm lý được mô tả trên phim ảnh và truyền hình nhiều tập thì tất rõ. Các nhà tâm lý là sự nhào trộn từ sự kiện và hư cấu; ngay cả khi lấy cảm hứng bởi công việc của một nhà tâm lý thực thì nhiều điều trong đó vẫn thừa yếu tố bịa đặt, dựng chuyện. Và mình thường quên mất một bộ phim là một bộ phim, và một bộ phim có thể không bao giờ mô tả thực tế đúng như nó là, chưa nói nhiều lúc gây phản cảm và buồn chán…

Hy vọng những câu từ trên thuyết phục ai còn mơ hồ, hoài nghi  và mong sẽ ngày càng ít đi người sẽ cảm thấy bị lột trần trước một nhà tâm lý.

Lời cuối. Chỉ nghĩ thôi sẽ buồn cười ngay chuyện có thể đoán biết trúng phóc tất cả các câu trả lời trong chương trình truyền hình Ai Là Triệu Phú nhỉ mà không phải đầu tư học hỏi, tích lũy kiến thức lẫn cóc cần ai trợ giúp téo tẹo gì cả.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top