Film họat hình ‘Paprika’: sự phối màu dựng trộn cõi tiềm thức, đời thực và niềm hạnh phúc

Paprika— bộ film hoạt hình Nhật Bản mới xem này thật đẹp và thật hay, các khuôn hình bắt mắt vừa phối màu truyện tranh tuyệt vời vừa dựng trộn tiết chế kịch bản hợp lý; bố cục tính cách nhân vật dắt díu theo kiểu mơ hồ hư- thực- chết- sống, bối cảnh đặc thù trinh thám – hình sự đi kèm nhịp điệu chuyện kể xàng xê, ồn ã niềm vui thú đời thường.

Tuy khai thác chủ đề tâm lý trị liệu có vẻ thực tế ăn khách ở xứ Phù Tang– cụ thể là việc khám phá thế giới tiềm thức khá rối rắm–, song đạo diễn lừng danh Satoshi Kon (1963- 2010) đã xóa nhòa không – thời gian của chốn bệnh viện trì ứ, nặng nề ở nơi văn minh, đô hội hiện đại bằng nụ cười trẻ con, tinh nghịch manga- anime cùng cái nhìn tình tự mát lành, cổ xưa rất người.

Phản ánh thành tựu ngành chụp ảnh não bộ-thần kinh và thiết kế máy thông minh, phần mềm can thiệp vào giấc mơ người bệnh trong phim Paprika quả tác động suy tư viễn tưởng sâu xa lẫn gây nên cảm nhận đương thời hốt nhiên miên man cho khán giả về chính bản chất nhân loại.

Lần nữa, bất ngờ nhìn thấy hàng lọat khái niệm liên quan tới Phân tâm học như ‘động cơ’, ‘chuyển dịch/chuyển dịch ngược’, ‘vô thức/ tiềm thức’, ‘niềm tin’, ‘ranh giới’, ‘tuổi ấu thơ’, ‘phóng chiếu’, ‘loạn thần’, ‘huyễn tưởng’, ‘đồng nhất hóa’, ‘phòng vệ’, v.v… lại được hiển thị.

Vô số chi tiết trong phim nhấn mạnh chức năng định kiến của tiềm thức nhờ sử dụng trắc nghiệm đo lường; kích thích quan điểm ‘huyền bí tính cách người‘, điều tối thượng xác lập nó không phải do lựa chọn tốt hoặc xấu mà là giữa thành tựu ngắn hạn hay dài hạn mà thôi; ngoài ra, bộ phim- vô hình trung- tái khẳng định chìa khóa hạnh phúc nằm trong tiềm thức: yếu tố cực kỳ quan yếu để được hạnh phúc là có sự kết nối cá nhân với cộng đồng người rộng lớn hơn. [Khái niệm ‘tiềm thức’ trong bài báo được hiểu là lĩnh vực tinh tế và  tri nhận được, một hợp chất bao chứa những định kiến, nét tính cách, trực giác và xúc cảm nội tại của chúng ta.]

Cuối cùng, xem phim họat hình Paprika của cố đạo diễn Nhật Bản tài ba vừa mất vào cuối tháng 8 năm ngoái, tôi còn vụt nhớ tới hội chứng tâm lý- thần kinh kỳ lạ mang tên ‘anosognosia‘; chân tay người mắc căn bệnh này bị liệt song họ lại chối bỏ rằng tay chân mình chẳng gặp trục trặc chi hết.

Một số chuyên gia còn diễn giải hội chứng này như dạng thức phòng vệ của Freud nhằm chống trả tổn thương xúc cảm do bị liệt; một khi thấu đạt tột cùng biểu hiện liệt của mình, người đã mắc hội chứng này sẽ càng đau đớn thêm với sự tăng lên các triệu chứng trầm uất.

Tiềm thức và thông tin mang tính đe dọa kiểu thế, thực tế vẫn cứ tiếp tục hiện hữu giữa đời thực chúng ta chứ đâu phải chỉ tìm thấy trong một bộ film họat hình siêu tưởng Nhật Bản hấp dẫn.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top