“Học tập suốt đời”– lời mời gọi dấn thân lập đức

Từ hôm nay, khởi đầu “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” (02- 08.10.2011) lần đầu tiên tại Việt Nam, nhắm tới cả nhận thức ở người học lẫn nguồn lực của các cơ sở cung ứng giáo dục.

Nghiên cứu chỉ ra, một tổ chức bắt đầu tạo ra văn hóa học tập trong các thành viên thì sự thành công của tổ chức sẽ được xét đoán bằng ý nghĩa của việc học tập đã thay đổi đối với họ đến mức nào?

[Sutherland, Peter. (biên tập) (2001). Việc học tập của người lớn: Hợp tuyển (tham khảo). Nguyễn Bá Học dịch. Hà Nội: Nxb. Y học, tr.295].

Xem vidéo, hiểu hơn sự đa dạng trong cách tiếp cận cũng như lối nhìn nhận mối quan hệ giữa việc dạy và việc học.

Và hiện tại, tuổi trưởng thành chậm tới hơn do thời gian dành cho việc học được kéo dài thêm ra.

Băn khoăn, nếu hình dung trên nền tảng truyền thống lâu đời của dân tộc Việt là mục tiêu đỗ đạt– xưa để ra làm quan vinh thân phì gia, nay có chân biên chế nhà nước với danh phận đi kèm việc giữ chức vụ quản lý ở cơ quan đình đám nào đó– thì để quảng bá việc học tập suốt đời, xã hội cần thay đổi nhận thức những gì ở người học cùng với thể thức triển khai trong cộng đồng ra sao.

Cứ như ở xứ Hoa Kỳ tân tiến là thế, mà họ buộc phải thừa nhận sự thật chẳng có gì bí mật rằng hầu hết các trường đại học chỉ lớt phớt chạm tới cái gọi là “giáo dục tự do” (“liberal education“), rằng họ không hề cho sinh viên ấn tượng cần biết nhiều tới nội dung luân lý, đạo đức hoặc nhân văn (đối lập với “phương pháp” như tư duy phản biện và phân tích lý tính), bởi thế nên họ không cho sinh viên ấn tượng rằng, giáo dục thuộc về việc biết mình là ai và mình có thể làm được gì.

Không những thế, bầu không khí phải phép và nuông chiều ở trường đại học còn mở rộng thêm giai đoạn vị thành niên, khi nó phục vụ như chiếc cầu nối giữa chuyện là một cậu bé con vui chơi và sự làm ra vẻ những trách nhiệm nghiêm túc của một người lớn.

Charles Murray, tác giả cuốn Real Education (2008) tuyên bố lớp vôi vữa lỗi thời cho hầu hết mục tiêu nền giáo dục tuyên bố phục vụ.

Những sinh viên đến trường nhằm kiếm tìm một công việc mang tính kỹ thuật có thể được phục vụ tốt lên hẳn nhờ một nền giáo dục tập trung và cô đọng hơn với thời gian ít nhiều khoảng 4 năm và không đòi hỏi “trải nghiệm nơi cư trú”.

Murray kết luận rằng “giáo dục tự do” (hoặc “giáo dục khai phóng” hay “giáo dục tổng quát“,v.v…) gồm sự chính xác chắc thực trong việc dùng ngôn ngữ và kiến thức thực tế về những gì đòi hỏi phải có cho những sự lựa chọn mang tính đạo đức, sau này có thể được lưu giữ cho những ai lãnh trọng trách ở các vị trí chính trị, trí thức và kinh tế gia của đất nước.

Các tác giả của cuốn sách Rethinking Education in the Age of Technology (2009) lưu ý cần phân tách giữa việc đến trường (schooling) và học tập (learning). Theo họ, “đây là thời điểm các nhà giáo dục học và các nhà hoạch định chính sách cần bắt đầu suy nghĩ lại để giáo dục tách khỏi việc đến trường“. Họ cũng nhấn mạnh chuyện rằng, “hầu hết thay đổi trong cách thức người ta thu lượm được kiến thức đều đang diễn ra bên ngoài trường học“.

Hai tác giả cuốn sách tuyên bố rằng, xã hội Hoa Kỳ đã chuyển hệ từ mô hình học nghề (apprenticeship model) sang mô hình giáo dục của thời đại nhà trường dạy phổ quát (universal schooling era). Hiện tại, chúng ta đang chuyển mình sang hệ hình mới: thời đại của học tập suốt đời (lifelong learning).

Điều này đang thu đạt những thay đổi lớn lao liên quan tới trách nhiệm, kỳ vọng, nội dung học thuật, sư phạm, lượng giá, nơi chốn, văn hóa và quan hệ.

Các tác giả nhấn mạnh, trường học địa phương sẽ không bị thay thế mà sẽ đóng vai trò của những sự lựa chọn mới như các trung tâm học tập dựa vào cộng đồng (community-based learning centers)– việc học sinh và người lớn cùng làm việc bên nhau,  học ở nơi làm việc, học ở nhà và học trên trường ảo “sẽ giúp chúng ta suy nghĩ lại về vai trò chủ đạo của nhà trường công lập bậc học 12 lớp“.

Đến đây, xin đề cập tới lối tiếp cận học vì niềm đam mê (passion-based learning).

Tác giả mô tả đây là một cách học “ý thức về sự kinh ngạc. Thực sự nhìn sâu vào thế giới với sự ngạc nhiên và mang cảm nhận kỳ thú đối với những thứ mà chúng ta đích thực muốn học hỏi mọi điều.”

Một kiểu khác để nói về giáo dục dựa trên đam mê là, dĩ nhiên, khuyến khích học viên dấn thân (engagement). Có rất nhiều bằng chứng cho thấy, học viên, nhất là học viên lớn tuổi đang ngày càng có vẻ rã rời, ngại ngần khiến dẫn tới các kết quả kém.

Trong đời sống công việc, nếu ta đam mê điều gì đó, dấn thân hết mình vì nó, chắc chắn ta sẽ tựu thành kết quả tốt đẹp hơn hẳn. Điều này càng đúng với bối cảnh giáo dục.

Trước khi dừng, tôi muốn quay trở lại với cuốn sách đã dẫn từ đầu.

Đối tượng cuốn sách nhắm tới là học viên người lớn (cả tuổi truyền thống lẫn tuổi trưởng thành: trên 25), được xem xét ở quá trình học tập và các chiến lược học tập.

Dưới đây, là 3 vấn đề nghiên cứu chỉ  ra về mối quan hệ giữa giáo dục, việc làm và cuộc sống của người lớn:

1. Các mối quan hệ mà những người lớn tạo ra giữa tham gia học tập với các khía cạnh khác trong cuộc sống của họ.

Giáo dục đóng vai trò trung tâm, nó là công cụ duy nhất giúp tạo nên ý nghĩa toàn bộ cuộc sống của chúng ta.

2. Các cách mà theo đó những người trưởng thành sử dụng học vấn và liên kết nó vào các khía cạnh khác của cuộc sống rất đa dạng, luôn thay đổi và có nhiều mặt.

Họ có thể liên kết học tập với công việc, với cuộc sống gia đình với các hứng thú lúc rảnh rang hoặc với một số trong các lĩnh vực này, hoặc họ có thể thấy không cần thiết liên kết với bất kỳ lĩnh vực nào. Các cách mà theo đó họ nhìn nhận những liên kết này sẽ thay đổi theo thời gian và trong việc tham gia học tập của họ cũng thay đổi.

3. Chìa khóa để hiểu rõ bằng cách nào những người lớn sử dụng và xác định vị trí giáo dục chính là nhận thức rằng về cội rễ đó là cảm quan của chúng ta. (sđd, tr.294- tr. 295)

Nói thêm chút xíu ngoài lề. Đây vốn là cuốn sách tôi chọn đọc từ lúc mới ra Hà Nội hồi 8 năm trước.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top