Kết nối: trầm cảm, vô cảm, rung cảm và thấu cảm

Đây có lẽ là tin mới nhất về tự tử vừa thấy trên trang mạng nước nhà.

Nó nhắc nhở tôi cần kíp quay lại trường hợp cô giáo quyên sinh nghi do bị trù úm.

Qua thông tin đăng tải, cuối năm ngoái cô giáo từng nằm viện điều trị trầm cảm (depression); xin lưu ý, ở đây không tập trung đánh giá hay bàn luận gì về nguyên nhân dẫn đến cái chết mà chỉ dựa vào tiền sử mắc trầm cảm để tiện dịp giới thiệu tí chút– dưới góc độ chuyên môn– rối loạn hay gặp này, đồng thời góp phần giúp bạn đọc hiểu thêm về hiện tượng tự sát.

Trước hết, đừng quên rằng trầm cảm là căn bệnh thực sự và nó gây tổn phí lớn vì làm quan hệ trục trặc, gia đình khốn khổ và đánh mất sự năng sản trong công việc; tuy vậy phải khẳng định rõ ràng, khả năng điều trị trầm cảm là rất cao.

Mọi người thi thoảng cảm thấy buồn bã, ‘rầu rĩ’; đôi khi vì điều này nọ, đôi khi chẳng có lý do chi cả. Chúng ta cũng thường hay đối phó bằng cách trò chuyện với người thân hoặc bạn bè, song rồi nhận thấy không ai giúp được. Tâm trạng trầm uất khiến cảm xúc mình thay vì khá lên sau vài ngày thì lại cứ trì kéo hàng tuần, sang tháng và quấy nhiễu cuộc sống.

Các tiêu chí để nhà tâm thần học, tâm lý gia và chuyên viên sức khỏe tâm thần khác dùng chẩn đoán trầm cảm là DSM (DSM-IV-TR).

Theo đó, một người đang trải qua giai đoạn trầm cảm điển hình nếu anh/ chị ấy trải nghiệm 1 tới 2 thứ triệu chứng thuộc danh sách kèm theo dích dắc 4 điều khác, diễn tiến hơn 2 tuần lễ liền.

  • Một sự xuống tinh thần và tâm trạng buồn bã dai dẳng
  • Mất hứng thú, trở nên vô cảm, lãnh đạm (apathy) với các họat động mà trước đây đa phần hứng thú, quan tâm
  • Giấc ngủ trục trặc– mất ngủ, tỉnh giấc sớm quá, hoặc ngủ li bì gần như mỗi ngày
  • Năng lượng sụt giảm hoặc mệt mỏi
  • Những thay đổi đáng chú ý trong sự ngon miệng hoặc thể trọng (tăng hoặc giảm cân ghê gớm)
  • Thiếu khả năng tập trung, suy nghĩ hoặc do dự, không quả quyết
  • Các triệu chứng sinh lý của trạng thái thao thức, bồn chồn hoặc thấy mình đờ đẫn, rã rời
  • Cảm nhận tội lỗi, đồ vứt đi hoặc vô vọng
  • Hay nghĩ tới nghĩ lui chuyện chết chóc, tự sát hoặc dự tính tự sát

Có thể tìm hiểu nhiều thông tin chi tiết, hữu ích hơn ở đây.

Nghiên cứu chỉ ra sự khác biệt ở người mắc trầm cảm trong nhìn nhận về sự ghét bỏ, căm hờn.

Dưới góc độ xã hội chung nhất, có thể nói, trầm cảm kéo theo tự sát vốn là hậu quả của sự từ bỏ ước muốn kết nối (connection) mà động cơ sâu xa nằm ở trạng thái tê cứng vì sợ hãi trước hiện thực có vẻ chứa đựng quá nhiều nguy cơ đứt gãy, thấy mình vô giá trị, chẳng đáng được yêu thương (love) hoặc không thuộc về (belong) nơi chốn, nhóm hội, cộng đồng nào.

Dám chấp nhận để mình được nhìn thấy thấu suốt, ý thức rằng tính dễ bị tổn thương (vulnerability) là điều nên gắng sức học hỏi để thích nghi trong cuộc sống va đập phức tạp ngày nay, tinh thần dũng cảm bây giờ được hiểu bằng khả năng tự tin để kể câu chuyện đời mình theo một cách riêng.

Từ rung cảm (sympathy), giao hòa với niềm đau nỗi khổ tới năng lực thấu cảm (empathy) chắc chắn không xa, càng thôi thúc người ta quyết tâm hành động để bao dung và muốn trợ giúp cho người khác cũng như bản thân sẵn sàng chịu đựng khó khăn, thử thách trong đời mà tuyệt không hề chán nản, buông xuôi.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top