Khi cơ thể ta ở tư thế nằm…

Bộ não chúng ta có thể xử lý sự tức giận hoàn toàn khác biệt phụ thuộc vào chuyện ta đang đứng hay nằm, theo một nghiên cứu trên Psychological Science; điều này cũng khởi tạo nhiều ứng dụng đáng lo trong nỗ lực hiểu biết chức năng của bộ não.

Các thực nghiệm về sự tức giận khi đo dấu hiệu điện não (dùng EEG) hoặc hoạt động thần kinh thay thế bằng xung điện từ (dùng TMS) đã phát hiện ra rằng, thùy trán trái (left frontal lobe) bị kích hoạt hơn hẳn thùy trán phải, mặc dù các nghiên cứu sử dụng máy chụp chức năng cộng hưởng từ fMRI không nhận ra sự khác biệt nào.

Hai nhà tâm lý tiến hành đề tài tự hỏi phải chăng bộ não có vẻ biểu hiện rất khác biệt như vậy qua EEG và TMS là vì những người tham gia thực nghiệm thường đứng thẳng, trong khi chụp fMRI thì đối tượng nằm duỗi lưng.

Nếu sự kiện trên phản ánh nét phân biệt chẳng đáng kể, đích thị lại tồn tại vài ba lý thuyết ẩn bên dưới. Chẳng hạn, lĩnh vực nghiên cứu về ‘nhận thức hóa thân’ (‘embodied cognition‘) phát hiện  thấy rất nhiều tương tác kỳ cục giữa cách thức tâm trí và bộ não xử lý các đáp ứng– phụ thuộc vào những khả thể của hành động.

Tỷ dụ, chúng ta tri nhận khoảng cách sẽ ngắn hơn khi có một công cụ trong tay và dự tính dùng nó, và  đeo ba lô nặng dễ khiến mình cảm thấy các ngọn đồi cơ chừng dốc đứng hơn.

Tức giận là thí dụ chính yếu cho việc ta cảm thấy bị thôi thúc để ‘làm điều gì đó’. Ở tư thế đứng, mình hầu như sẵn sàng tiến dần ngay tới điều gì gây khó chịu, hơn lúc mình nằm duỗi lưng; và các nhà nghiên cứu băn khoăn chưa rõ liệu các tư thế cơ thể này có phải đang tương tác với động cơ của bản thân chúng ta khiến thay đổi đáp ứng của bộ não.

Để kiểm tra giả định, hai tâm lý gia Harmon-Jones và Peterson đề nghị 46 đối tượng tham gia thực nghiệm viết một tiểu luận ngắn trước khi họ tiến hành đo điện não EEG.

Sau đó, những người tham gia thực nghiệm đeo tai nghe để nghe khi ai đó khác đọc tiểu luận của họ rồi đánh giá các đặc tính của tác giả như sự thông minh và năng lực cá nhân. Một số nằm lắng nghe, số khác thì nghe lúc đang đứng.

Điều mà các đối tượng tham gia thực nghiệm không hề hay biết là ‘kẻ đánh giá’ vốn được ghi âm sẵn trước, và trong khi một số người nghe bình luận ôn hòa, tốt lành về tác phẩm của họ thì số khác lại nghe ‘kẻ’ khác phỉ báng và đánh giá cay nghiệt đối tượng cũng như nhân cách của họ.

Phù hợp với lý thuyết ‘sẵn sàng đáp ứng’, khi những người tham gia thực nghiệm tức giận và đang ở tư thế đứng, thùy trán trái bị kích hoạt nhiều hơn hẳn so với thùy trán phải song khi họ tức giận lúc đang nằm, chẳng có sự khác biệt nào giữa hai thùy trán.

Như thế, các phát hiện cung cấp bằng chứng tư thế cơ thể tương tác với các tiến trình xử lý cảm xúc của bộ não, có lẽ phụ thuộc vào những hành động nào khả dĩ biểu hiện ngay lập tức.

Quan trọng hơn, thực nghiệm còn cho thấy các kỹ thuật khoa học thần kinh có thể đưa ra kết quả không giống nhau do đòi hỏi khác biệt ở tư thế cơ thể khi tiến hành các kiểm tra, đo lường.

Riêng phần tôi, đọc nghiên cứu này lại càng hiểu thêm tại sao để moi sạch và biết tuốt thông tin cần nắm vững ở đối tác, phụ nữ hay dùng chiêu ngủ với đàn ông; thực tế, phái mạnh có thể cắn răng chịu đựng nhục hình mà tuyệt không bao giờ khai báo trước kẻ thù gian ác, song họ đã dần dần phun ra hết lúc có hành vi tính dục với chị em. (Hy vọng, đây không phải là bí mật siêu phàm rỉ tai nhau trong giới đàn bà).

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top