Mệt mỏi khi làm việc quá mức: nhìn kỹ để hiểu rõ

Thường chúng ta cho rằng một người lao động “mệt mỏi khi làm việc quá mức” (burn-out) là người đã miệt mài với công việc trong một thời gian dài. Một công nhân trải nghiệm trạng thái mệt mỏi khi làm việc quá mức dễ bị kiệt sức về mặt cảm xúc.

Các cá nhân này thể hiện động cơ thấp và thiếu năng lượng dành cho công việc (Spector, 2008). Tuy thế, thực tế có nhiều kiểu mệt mỏi do làm việc quá mức.

Bảng kiểm của Maslach (MBI) là thang đo hay được sử dụng nhằm xác định sự mệt mỏi khi làm việc quá mức, đã chia hiện tượng này thành 3 thành phần:

  • Kiệt sức về mặt cảm xúc (emotional exhaustion): thấy mệt lử, phát ngán về công việc (có thể dẫn tới chuyện bỏ việc, vắng mặt khỏi công ty).
  • Sự tan rã nhân cách (depersonalization): đang tiến triển một trạng thái nhẫn tâm, không thèm để ý đến, thậm chí có thái độ thù địch đối với người khác (thân  chủ hoặc đồng nghiệp).
  • Thể hiện bản thân yếu kém đi hẳn (reduced personal accomplishment): thấy mình không hoàn tất nổi bất kỳ điều gì khi làm việc; điều này dẫn tới một trạng thái thiếu vắng động cơ và tiến hành sự vụ kém cỏi.

Một thang đo khác là Bảng hỏi Kiểu phụ Lâm sàng về Burnout (BCSQ-36) cũng chia hiện tượng này thành 3 loại:

  • Dạng “điên cuồng” (frenetic) mô tả các đối tượng quá hoài bão và dấn thân đến độ hy sinh sức khỏe và đời sống riêng cho công việc.
  • Dạng “không cảm thấy thách đố, thách thức” (underchallenged) mô tả các đối tượng thờ ơ, vô cảm và chán ngán công việc, người không tìm thấy sự phát triển cá nhân trong công việc đang làm.
  • Dạng “mòn mỏi” (worn-out) mô tả các đối tượng xao nhãng, chểnh mảng luôn cảm thấy ít khả năng kiểm soát được kết quả công việc và những nỗ lực không được đánh giá đúng mức.

Trong một nghiên cứu do một trường đại học ở Tây Ban Nha tiến hành (2011) với 409 người lao động đã khám phá ra rằng, những đối tượng nào làm việc trên 40 giờ/ tuần thì rất dễ mắc nguy cơ thuộc dạng “điên cuồng” cao nhất.

Họ phát hiện, ban quản trị và người quản lý hay bị mệt mỏi vì làm việc quá mức dưới dạng “không cảm thấy thách đố, thách thức” nhất, so với các bộ phận giảng huấn (teaching) và nghiên cứu.

Nhóm tác giả nghiên cứu vừa nêu còn chỉ ra, người lao động có trên 16 năm phục vụ thường dễ sa vào dạng “mòn mỏi”, so với các đối tượng làm việc chưa được 4 năm.

Như thế, cần chú ý rằng, dạng “điên cuồng” dính dáng tới số giờ làm việc mỗi tuần. Dạng “không cảm thấy thách đố, thách thức” thì liên quan với kiểu nghề nghiệp, còn dạng “mòn mỏi” phản ánh hiệu quả cộng dồn theo thời gian với đặc thù của một tổ chức, công ty nào đó.

Có hai phương thức xử lý khá rõ ràng để làm giảm thiểu sự mệt mỏi khi làm việc quá mức.

Một là đi nghỉ dưỡng (Fritz & Sonnentag, 2006), dù biết rằng sau vài tuần không đi làm thì khi trở về nhiệm sở, cảm nhận về sự mệt mỏi thái quá này thường quay trở lại.

Thứ hai, các giám sát viên (supervisors) cung cấp sự hỗ trợ cảm xúc cho người lao động thông qua phản hồi tích cực (positive feedback) và các cuộc trao đổi, thảo luận về những khía cạnh tích cực trong công việc (Kahn, Schneider, Jenkins-Henkelman, & Moyle, 2006).

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top