Vụ ‘Tiến sĩ giảng bài văng tục’: thôi thế thì thôi…

Chắc TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh- Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh khó tưởng tượng vụ việc “chỉ là buổi trò chuyện, ngồi trao đổi như uống café” lại nổ bùng ghê gớm tựa ‘cơn bão trong chén trà’.

Quyết ấy không phải là vụ vạ miệng, lỡ lời vì vị tiến sĩ, trưởng khoa luôn đầy tự tin, cảm thấy hài lòng với nhiệm vụ “được đặt hàng nói chuyện ấn tượng“.

Dư luận thị phi bao giờ cũng thế, cứ vô tư hay cố tình ý kiến tới lui, mở rộng thu hẹp, ngược xuôi thuận nghịch đủ cả: học viên khen ngợi; điểm lại những lời giảng; cố gắng lý giải nguyên nhân sinh viên ngủ gục; quan ngại sẽ biến giảng đường thành nơi đầu đường xó chợ; là văn hóa gây sốc; chúng em “luôn kính yêu Thầy“; đa số độc giả ủng hộ; chắc ông này “say rượu, chán đời“; đánh giá cao; đuổi việc; ước làm học trò,…

Thậm chí, trang mạng đưa tin, bàn thảo hăng hái nhất vài tiếng đồng hồ nữa sẽ tổ chức buổi trực tuyến toàn cầu: bài giảng TS Lê Thẩm Dương và đổi mới dạy học.

đây là cập nhật tình hình.

Tôi cũng đã xem hết video clip và thấy rằng cách giảng dạy của TS Dương là hấp dẫn. Thầy Dương giảng hầu như là thoát ly khỏi giáo án. Chứng tỏ đây là một giảng viên cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và cũng đã từng đứng trước những học viên kể cả trẻ tuổi và lớn tuổi học về thạc sĩ.

Chính trong clip quay lại việc TS Dương thể hiện bài giảng từ cách đi đứng, đi lại đã thể hiện cái tác phong, thần thái rất là tự tin. Điều đó, nó sẽ giúp lôi cuốn được sinh viên, nó tác động đến tất cả các sinh viên đều phải chú ý đến người thầy, xem là người thầy đang giảng về cái gì, chứ không có hiện tượng sinh viên, người ngó chỗ này, người ngó chỗ kia, hay là ngủ gật còn thầy đứng trên bục giảng thì tự thầy nói…

Thực sự là tác phong, thần thái để bao quát lớp của thầy Dương là rất tốt. Nếu như thầy nào cũng làm được như thế thì sẽ thu hút được sinh viên vào học tập tốt.

Wow, lập luận khôn ngoan, dẫn dắt khéo léo và ngụy biện tinh vi.

Không khó nhận thấy là thầy Dương khá điêu luyện trong việc bộc lộ ngôn ngữ hình thể, thâm niên giảng dạy càng giúp thầy thoải mái điều khiển buổi trao đổi. Điểm mạnh ấy cơ chừng hóa thành điểm yếu bất ngờ, bởi thái độ.

Gây nên hiệu ứng trái chiều, tưởng chừng phi lý thế thì ngoài tác động của diễn biến tiêu cực từ xã hội và thực trạng giáo dục còn phải thấu suốt đặc trưng truyền thông.

TS Lê Thẩm Dương không chỉ quen văng tục, ông còn nói được và làm tốt; ở chừng mực nào đó, bản thân vị TS này minh họa thuyết phục cho những gì ông mong mỏi học viên lĩnh hội, thực hành.

Quả thật, ông trình bày lưu loát và sở hữu năng lực thấu cảm (empathy); nôm na thì là ông biết nên nói gì, cần nắm bắt xác đáng điều chi và đại khái đoán định rõ ràng tâm tư, ước muốn, hành vi người nghe.

Dùng tạm thuật ngữ tâm lý học: “thấu cảm ý niệm” (conceptual empathy).

Thực tế, đơn giản lắng nghe ai đó nói và ghi nhận giọng điệu, cử chỉ của họ không thôi thì chưa đủ độ khởi lên sự thấu cảm. Hết sức vô thức hoặc ý thức, chúng ta phải liên kết những gì mình nhìn thấy và nghe được với những ký ức, ý tưởng và sự tưởng tượng để tạo nên ý nghĩa về nó…

Ai đó bảo bạn về những suy tư và cảm nhận của cô ta. Bạn hồi tưởng các trải nghiệm tương tự mà bạn hoặc người gần gũi với bạn từng có trong quá khứ, rồi bạn xem xét những gì giông giống và khác biệt giữa bản thân và đối tượng mình đang nói với, bạn tưởng tượng những gì đang diễn ra trong tâm trí cô ta. Đấy là kiểu cơ bản của thấu cảm ý niệm.

Hầu hết chúng ta dấn thân vào dạng thức thấu cảm này mọi lúc. Và dĩ nhiên, thấu cảm ý niệm luôn luôn đạt ngưỡng chừng mức giới hạn thôi.

Chúng ta không thể chắc chắn hoàn toàn rằng mình đang tưởng tượng thậm chính xác lối cách ai đó đang cảm nhận. Dựa vào những gì thấy và nghe, chúng ta đang hình dung tâm trí của đối tượng; chúng ta nào đang trực tiếp tri nhận nó.

Tin vui từ phát hiện qua nghiên cứu, rằng thấu cảm ý niệm cải thiện được khi ta nỗ lực thực hành, luyện tập. Vì đây là khuynh hướng tâm lý tự nhiên khi nhìn mọi thứ từ viễn tượng quen thuộc của bản thân mình, cơ chừng rất đặc biệt hữu ích cho việc tưởng tượng các dạng thức cực đoan của những trạng thái tâm lý.

Để nâng cao khả năng thấu cảm ý niệm, chúng ta phải vun bồi sự tưởng tượng. Khi thấu cảm với những trạng thái tâm lý không quen thuộc, thường đắc dụng nếu dành thời gian tưởng tượng những gì có thể sống động bên trong làn da người khác, thấy thế giới qua đôi mắt của cô ta. Khi người ta khởi sự dành thời gian đặng vun bồi tưởng tượng mang tính thấu cảm, họ thường nhận ra đấy là công việc vui thích và thú vị.

Nói thêm chút lý thuyết. Một dạng thấu cảm khác được các nhà nghiên cứu gọi là “thấu cảm cộng hưởng” (resonant empathy).

Sâu xa, chúng ta là những tạo vật xã hội. Chúng ta cộng hưởng ngay lập tức với cảm xúc của những người khác như dây đàn guitar cộng hưởng với sợi dây kế bên, nằm cạnh ngõ hầu hòa điệu thành một giọng chung.

Vô vàn nghiên cứu hỗ trợ quan điểm rằng ngay từ hồi thơ bé, cảm xúc và thậm chí, sự phát triển thần kinh trong não bộ chúng ta chịu ảnh hưởng đầy quyền năng của những tương tác đáp trả, vọng lại với con người và thậm chí, với các động vật có vú xung quanh. Lớn lên, chúng ta cộng hưởng thật tự nhiên với các cảm xúc của những gì xảy ra đây đó. Tỷ như độ căng của một cảnh trong film, chẳng hạn.

Với thấu cảm cộng hưởng, mình đang đáp ứng với điều gì đó diễn ra ở người khác; với những sự phóng chiếu (projections), mình đang đáp ứng với những gì thuộc vô thức bản thân mà người này gợi nhắc ra. Do vậy, để sử dụng thấu cảm cộng hưởng hiệu quả, mình nhất thiết phải nhận thấy được các khuynh hướng theo về phóng chiếu của chính mình trước đã…

… Giờ xin quay lại vụ việc tiến sĩ Lê Thẩm Dương. Bên cạnh kiến thức trao truyền tâm huyết, những tràng cười rộ lên sảng khoái và sự chấp nhận mạnh mẽ của học viên thì cuộc giảng bài, nói chuyện về quản trị kinh doanh mang phong cách văng tục tự nhiên của TS Dương– vô hình trung– hàm ý hơi hám kích dục và nghiêng phần ích kỷ.

Tôi thực sự đau buồn khi tìm hiểu về câu chuyện dính đến một vị giảng viên đại học khá nổi tiếng và giỏi giang.

Ông quan tâm da diết phục vụ tha nhân, hay ông ưu tiên cố biểu tỏ hoành tráng cái tôi to đùng? Liệu đây chỉ là ví dụ thảng hoặc về một con người cay đắng, hay mình có thể nhìn sâu hơn vào câu chuyện này để thấy ra nhiều điều đáng quan ngại chung hơn về những vị thế xã hội đang dần thầm lặng tha hóa?

Một tờ báo chuyên ngành Kinh tế học chưa lâu có đăng tải nghiên cứu cho là mạng xã hội khuyến khích sự rộng lượng.

Lời cuối. Thiệt tình, tôi thấy thương ông Dương. Thành tâm cầu chúc ông thỏa ý nguyện cả trên con đường hoạn lộ, sự nghiệp chuyên môn lẫn đời sống gia đình; mong hạnh phúc và bình yên cho ông ở chặng đời dài dằng dặc phía trước.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top