Xem “Breakfast at Tiffany’s”: cười trên những phù du, ảo ảnh của đời sống

Tôi thích chuyển ngữ bộ film là “Điểm tâm với Tiffany” nhằm bao trọn ý tưởng không chỉ dùng bữa sáng với thức ăn cho dạ dày, tại cửa hàng thời trang sang trọng; bởi với việc dung nạp thêm những hình ảnh, ý tưởng và sự ham muốn tinh thần như thế càng lý giải cho nỗi đau dằn vặt ám ảnh khôn nguôi năm tháng làm người.

Xem film, vô tư thấm thía cái gọi là “Giấc mơ Mỹ” (American Dream). Đất nước ấy vĩ đại vì đủ sức bao dung, tạo điều kiện cho mọi ao ước được ấp ủ, nảy nở rồi thành tựu. Không có ai đáng trách cứ ở trên đời, chí ít chỉ vì họ quyết chí đổi thay thân phận, từ bỏ quê nhà để kiếm tìm ấm no, giàu có và hạnh phúc.

Khi miêu tả kỹ lưỡng, chau chuốt xã hội Hoa Kỳ những năm gắng gượng hồi sinh, tưng bừng lột xác sau thời khủng hoảng, khốn khó thì dường như đạo diễn cố tạo hiệu ứng an ủi nhân tâm, đồng thời, gợi nhắc ít nhiều khéo léo về sự vô thường và kết cục tất yếu cho sự đuổi theo bất tận những thú vui hoa lệ.

Bằng khả năng diễn xuất thượng thặng của cô đào lừng danh Hepburn cộng với tài dàn dựng, phân cảnh lớp lang, bài bản như đèn cù kéo quân lung linh của sắp đặt và âm nhạc, bộ film là ẩn dụ cổ điển thú vị về cách định hình các nét tính cách (“persona”: mặt nạ); mỗi một nhân vật, dù chính hay phụ, đều góp phần tôn lên tấn trò hề của sân khấu cuộc đời.

Cử chỉ gắn vào ngón tay áp út cái nhẫn của cô Holly Phù Phiếm vào gần cuối film tuyệt nào phải là dấu hiệu viên mãn, kết thúc có hậu đã “tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống“; đúng hơn, câu chuyện diễm tình lôi kéo mê say về yêu đương đôi lứa tươi trẻ gây háo hức vọng động khó quên cũng không thể xóa nổi phản ánh sâu xa về hệ lụy buộc ràng của sự thông minh bị vô minh dẫn dắt– do cuống cuồng hướng tới vòng xoáy thôi thúc mãnh liệt của dục vọng thường nhật.

Nhìn từ góc độ đó, trông mắt lắng tai nhìn – nghe tuyệt tác điện ảnh để cười tế nhị trên những phù du của cõi ta bà; thông cảm, sẻ chia với dự tính ngậm ngùi cố đóng vai người tốt và mức độ xã hội mai mỉa làm tha hóa lòng người; nhất là, chẳng nên phá lệ quá lố với sự gán nhãn người phụ nữ là ẻo lả, dễ bị cám dỗ như cách kịch tác gia W. Shakespeare mớm lời nhân vật trong vở Hamlet xa xưa.

—————————-

* Trần tục ngoại đề: Sáng cuối tuần se lạnh mưa rơi Hà Nội, mời chọn lựa một thực đơn điểm tâm.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top