J. Soi (29): Dạy trẻ gì đây ta thử hỏi…

Đưa trẻ đến trường, định hướng lớn lên?
Đưa trẻ đến trường, định hướng lớn lên?

Hôm nay là Ngày Khai giảng năm học mới; riêng tại Hà Nội do mưa kéo dài nên có trường hoãn lại sáng mai, có nơi tổ chức Lễ trong nhà xe.

Lâu nay khá quan tâm vụ ‘tự do học hỏi“, nhân đọc thấy mấy chia sẻ trẻ lên tiếng, diễn giải ý nghĩa lễ khai giảng càng cảm nhận cái sự ‘giáo dục cưỡng bức’ quả không hề đơn giản tẹo nào; bởi kiểu gắn nó với chuyện phản ánh dân trí đất nước, đưa ví dụ từ các nước Đông Á có nền giáo dục tiên tiến, chương trình ở Anh quốc, đi vào chi tiết miễn phí khi thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992,  đặc biệt nó buộc cha mẹ phải có trách nhiệm với con cái và góp phần phát triển đất nước, và bao giờ cũng thế, làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo, v.v…

Câu chuyện học hành của trẻ hôm nay dội ngược lại là thu nhập không đủ sống của bố mẹ, với 20% lao động nhịn ăn một bữa/ ngày; thậm chí, nhìn sâu rộng hơn sẽ thấy rõ tầm mức toàn cầu do đã được quy định ở điều 28 của Công ước về Quyền Trẻ em, thể hiện niềm tin sắt đá của UN rằng mỗi trẻ em có quyền được giáo dục cưỡng bức (điều 7), tất thảy có vẻ chứng tỏ rằng hầu hết các nhà lãnh đạo chính trị gắn chặt việc phổ cập, đưa trẻ đến trường như là con đường hướng tới tương lai tốt đẹp hơn, và ngay tại Việt Nam thì các bản Hiến pháp từ 1946 đến Hiến pháp 1980 đều khẳng định chắc như đinh đóng cột thế, chưa nói có dấu tích từ truyền thống dân tộc (nhân tiện, nếu thích tham khảo thì cần nhớ điều 42 Dự thảo sửa đổi thay thế điều 59 có nội dung đang bàn).

Vậy, dạy gì cho một đứa trẻ? Không chút nghi ngờ chi cả, rằng trung thực, dũng cảm và trái tim rộng mở là ba điều quá chừng đẹp đẽ, tuyệt hay mà trẻ em cần được giáo dục. Song lần nữa, tại sao cứ chăm chắm và nhất thiết phải giáo dục trẻ em?

Liệu đi học lớp 1 có đúng là vinh dự, là nhiệm vụ của những trẻ em 6 tuổi?

Hỏi thêm Google, biết có một cuốn Sổ tay Đạo đức Tiểu học (2009) của tác giả Vũ Xuân Vinh do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành; ngồ ngộ nên mò ra một hiệu sách chuyên bán lẻ ở phố Giảng Võ đọc cọp xem nó thế nào.

Bài 1 mang tên “Em là học sinh lớp 1” được tác giả biện luận bởi những lý do sau:

  •  Thể hiện niềm vui sướng, tự hào, hãnh diện em được đi học lớp đầu tiên của cuộc đời cắp sách đến trường để học kiến thức văn hóa và học làm người.
  •  Thể hiện quyền được đi học.
  •  Như một thông điệp nói với mọi người hãy chú ý tới mình, vì “Em là học sinh lớp 1”, em mới bắt đầu đi học đây!

Bài học tiếp tục với câu dẫn: Đã là học sinh lớp 1 thì em phải làm gì ?

  • Phấn khởi cắp sách đến trường, đến lớp trong bộ quần áo sạch sẽ, gọn gàng.
  • Bạo dạn, vui vẻ làm quen với các bạn trong tổ, trong lớp. Khi gặp các thầy giáo, cô giáo lễ phép chào.
  • Tự hứa em sẽ cố gắng chăm, ngoan xứng đáng là học sinh lớp 1.
  • Yêu trường, yêu lớp.

Sau đó là một đoạn in nghiêng:

Bài học mở đầu “Em là học sinh lớp 1” như một khúc dạo đầu tiên đưa em đến trường để bắt đầu bước vào ngưỡng cửa của học vấn, của tri thức nên em phấn khởi, tự hào, hãnh diện “Em là học sinh lớp 1”.

Cuốn Sổ tay được quảng cáo “… đã nhận được rất nhiều lời tán thưởng vì có sự chọn lọc những tình huống, các mẫu truyện ngắn và bài học rút ra cho các em có thể nhận biết và những phương pháp hệ thống và diễn giải từ đơn giản, dễ hiểu giúp phụ huynh, giáo viên dễ dàng nắm bắt và giúp các em học tập tiến bộ hơn. …… là nguồn tư liệu bổ ích cho phụ huynh, giáo viên nhằm giúp các em phát triển kỹ năng sống cơ bản. ”

Đọc xong mấy món này, thở hắt cái vì chợt gợi liên tưởng Tập bài giảng Đạo đức cho các anh chị lớp trên mới gần đây thôi…

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top