Thương lợn, thương người biết mấy

Hình như mấy hôm rồi thịt heo lên giá hay sao í mà thấy khắp nơi dân tình khốn đốn nhặng xị cả lên, bởi chi không biết chứ thực phẩm dưỡng nuôi thân xác ắt hết sức thiết yếu; chả thế dù chẳng thân thuộc giò đùi, tai heo, xương má hàm gì đó đi nữa thì cổ nhân đã xác quyết ‘dĩ thực vi tiên/ thiên’ (quần chúng lấy cái ăn làm đầu). Tiện thể, nhớ bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước nhà từng phát biểu ‘người ta ăn của dân không từ thứ gì các đồng chí ạ’. Cũng lạ, cái chữ dùng khiếm chỉ mà đã trỏ ý rõ ràng: ‘người ta’; còn ai vô trồng khoai chốn này.

Thói thèm thuồng đêm ngày vị quen, miệng nhắc, tay ấn bàn phím kể lể kèm chóp chép chọp chẹp về các chế phẩm từ con ủn ỉn khiến dòng nghĩ đẩy sang ý tứ từ một bài báo ngoại quốc: đâu là sự phân biệt con người với con lợn? E chỉ là sự hiện tồn của *các ký ức mang tính tiểu sử* do chúng ta tạo dựng bản ngã chính mình. Dẫn lời của John Stuart Mill trong tiểu luận sáng giá mang tên ‘Utilitarianism’ (1861) rằng thà làm một kẻ bất mãn hơn là một con lợn thoải mái, và rằng như Socrates khó chịu thay vì đóng vai tên ngu ngốc hân hoan, bài báo cho biết lợn thì có nhận thức (conscious) nghe. Tựa chúng ta rứa, lợn sở hữu các trải nghiệm nội tâm; song chúng tự ý thức (self-awareness), biết sự tồn tại của chính mình, có một ‘cái tôi’ (‘I’) bên trong? Nhiều bằng chứng khẳng định một số động vật tự ý thức: tinh tinh, cá heo, voi, thậm chí chim ác là (magpie). Hết thảy mấy loài này đều qua được bài trắc nghiệm gọi là ‘cái gương soi’ về tự ý thức; theo đó, nếu mình đặt chúng trước một cái gương sau khi bôi một đốm đỏ lên trán chúng thì chúng sẽ phản ứng bằng cách cố xoá chỗ đấy đi. Chúng cơ chừng nhận ra chính mình bởi sự phản ánh. Các khoa học gia suy luận, mấy loài thế chia sẻ điều giống năng lực của chúng ta về tự ý thức. Chưa nói, trẻ nhỏ có thể vượt qua bài kiểm tra gương đâu tầm khoảng 18- 24 tháng. Tức, y như tinh tinh, ở độ tuổi ấy thì các nhóc tì hồ như đã có cảm nhận sơ khai về bản ngã. Và giống nhiều động vật khác, trẻ mới sinh ra có thể ghi nhớ nhiều điều. Đấy là bằng chứng trí nhớ bắt đầu từ trong bụng mẹ, vì chúng nhận ra các âm thanh nghe thấy ở bào thai, tỷ dụ giọng nói của mẹ mình…

Con lợn, thịt heo, thú xơi ngon lành cành đào các chế phẩm từ loài gia cầm đem lại khoái khẩu (đừng quên chứ, từ đây còn có cả món giả cầy). ‘Dân dĩ thực vi tiên/ thiên’. Tin cập nhật là Tết này thịt heo giá đắt kinh khủng, vì vậy hẳn không ít nhà hụt hẫng và mong đợi ngậm ngùi. Các em múp míp, bụ bẫm chắc sẽ bị bao kẻ bẹo má, véo tai để phần nào nguôi ngoai nỗi niềm thiếu thốn. Treo bức tranh lợn vừa nhắc nhở vinh thân phì gia, vừa tựa liệu pháp ‘cá gỗ’ nuốt nước miếng trừ bữa. Thương quá hà. Chịu khó nghe thêm chuyện bên Tây sử dụng một phương pháp học sâu (deep learning) gọi là ‘Counting CNN’ để tăng độ chính xác khi đếm lợn tại các nông trang đó. Hầu chuyện cuối cùng an ủi nhé. Tròn trịa một thập niên rồi, thiên hạ làm thực nghiệm về việc lợn tìm hiểu những gì một tấm gương phản ánh và sử dụng nó đặng có được thông tin. Cụ thể, khi đặt một cái bút trước gương, các chú heo con động đậy như đang nhìn thấy mình trong đó; sau khoảng 5 tiếng đồng hồ với gương, các con lợn được cho thấy một bát thức ăn quen thuộc có thể nhìn thấy trong gương nhưng ẩn sau một hàng rào che chắn. Kết quả, 7/8 chú heo tìm thấy bát thức ăn trong khoảng 23 giây nhờ rời khỏi gương và đi vòng quanh tấm chắn. Các chú lợn ngây thơ cho thấy cùng nhìn phía sau gương. Lợn định vị bát thức ăn nỏ phải bởi mùi, chẳng có sự ưu tiên khu vực để bát thức ăn và cũng chẳng đi tới khu vực đó khi nhìn thấy bát thức ăn ở chỗ khác. Để sử dụng thông tin từ gương và tìm thấy bát thức ăn, mỗi chú heo phải quan sát các dấu hiệu từ môi trường xung quanh, ghi nhớ chúng và hành động của chính nó, suy ra mối quan hệ giữa những thứ quan sát, ghi nhớ được, và hành động tương ứng. Khả năng ấy cho thấy khả năng lượng giá của lợn. Kết quả thực nghiệm có thể tác động nhất định tới việc thiết kế chuồng trại nuôi lợn và rồi còn có thể đem lại phúc lợi cho lợn (pig wellfare) tốt hơn nữa. Lợn ơi lợn à.–

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top