Bất an, bất mãn, bất công, và bất lực: xung hấn bị động còn kéo dài

Vụ việc tương tự đã từng xảy ra ba năm trước, cùng nơi chốn; hàm ý một cái gì vừa như sự bắt chước và lặp lại thừa thãi nhờ lợi thế truyền thông hiện đại, vừa bộc lộ rõ ràng xu hướng ứng xử bạo lực tựa cách đối phó với những bất mãn tràn bờ, phản ánh bất công xã hội sâu sắc, và nói nhiều hơn cùng hết thảy chúng ta về trạng thái bất lực nên xung hấn bị động hẳn còn kéo dài chưa dứt.

Giáo dục, điển hình bởi thiết chế trường học, trở thành điểm hút của hậu quả trở về chỗ khởi phát. Không đơn giản là tâm lý cá nhân thiếu khả năng nhận diện, kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc bản thân (dùng chữ cho thiệt xịn xò: ‘trí tuệ cảm xúc’) mà nghiêm trọng hơn, những câu chuyện tương tự thế này chứng tỏ ranh giới đã bị bỏ mặc, coi thường, và xâm lấn ở cả đôi bên; đồng thời, nhầm nhọt với sự xứng đáng liên quan sát sườn nhân phẩm nội tại, lòng tham vi tế khiến người ta nghĩ mình mặc nhiên được quyền khiến sân si thêm phần ghê gớm. Các giải pháp công nghệ như cài đặt máy quay hoặc quẹt thẻ điện tử ở cửa, cổng nào thay thế được ưu tiên vun bồi yếu tính đạo đức đòi buộc thể hiện qua hành động, ứng xử đúng đắn. Khi không gian riêng tư và công cộng trộn lẫn, nhập nhằng thì căn tính người lẫn lộn giữa hậu trường tập luyện với sân khấu biểu diễn. Giáo viên mất quyền sở hữu lớp học và chủ động vai trò; phụ huynh lo lắng, ám ảnh, và bất an thường xuyên vì vậy, ‘dài tay’, ‘mở miệng’, nhìn ngó… Bộ phận quản lý giáo dục e chừng lúng túng, mất khả năng đối phó tạm thời, thậm chí, đôi khi tê cứng, hoảng sợ. Luôn thế, trong trạng thái đe doạ (dù thực tế hay tưởng tượng), nhu cầu an toàn đẩy mọi người căng thẳng (phản ứng ‘chiến/ biến’ đặc trưng stress) và chỉ lo toan bảo bọc bản thân, rất khó suy tư sáng tạo, thấu cảm với tha nhân, tâm thế đâu dễ nghĩ tới viễn cảnh lành mạnh, ý hướng lớn lao, bền vững dài hạn…

Câu chuyện xảy đến tại quê nhà lần nữa, chứng tỏ chú tâm ‘(vì một) thành phố đang sống’ là quan điểm giá trị hơn nhiều cụm từ mỹ miều rêu rao ‘thành phố đáng sống’. Vô hình trung, nó tiếp tục sỉ vả thầm lặng với lời kêu gọi sáo rỗng ‘tôn trọng sự đa dạng và khác biệt’. Bởi rốt ráo, đa dạng vẫn hãy còn là chữ dùng mô tả xã hội chúng ta đang chung đụng với toàn bộ những khác biệt vô vàn của bản dạng người (identity). Tuy thế, khi nói về yêu cầu quản lý sự đa dạng, những gì đích thị chúng ta cần quản lý là vô số những bản dạng xung khắc, phức tạp mà tất cả chúng ta mang chứa trong lòng mình. Một cách sỗ sàng, sự thật trần trụi ấy liệu có thúc đẩy những ai đảm trách, đương nhiệm khiêm cung học hỏi công vụ, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn, và lần hồi góp phần chuyển hoá xã hội theo hướng tương tác bất bạo động, từ bi, và trí tuệ. Lần nữa, nghe chăng lời tâm tình da diết của bậc thức giả uyên thâm và nhà hoạt động xã hội siêu tuyệt Phan Châu Trinh ‘chi bằng học’ để giáo dục tìm thấy con đường khai sáng lẫy lừng, quốc gia hùng mạnh, quê hương hưng thịnh, lòng người hoan hỉ, trong ấm ngoài êm.–

T.B: Bài báo khai thác thêm chút chút từ gợi hứng bên trên.–

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top