Trên xuống, dưới lên, và cái nền nên đặt ở đâu thì vừa

Vào tháng Giêng năm 1919 tại một cửa hàng sách ở thành phố Munich (Đức), nhà xã hội học Max Weber thuyết trình trước một nhóm sinh viên cánh tả. Cầm trong tay chỉ có 8 tấm giấy ghi chép nhỏ, buổi nói chuyện của Weber hôm ấy với các thuật ngữ được trao đổi, trong đó đề cập ‘đạo đức của sự thuyết phục’ (Gesinnungsethik) và ‘đạo đức của trách nhiệm’ (Verantwortungsethik), đã trở thành tác phẩm kinh điển của khoa học chính trị. Mãi sau Đệ Nhị Thế Chiến thì ‘Chính trị như một nghề nghiệp’ (‘Politics as a vocation’) mới được dịch ra tiếng Anh.

Tối nay khoan tạm bàn về những gì chứa trong ý tưởng ‘thuyết phục, hậu quả, và hành động chính trị’ mà Weber xiển dương, bởi có vẻ bà Phó Chủ tịch phường Bãi Cháy (TP. Hạ Long) Lê Thị Hiền từng nói ‘con điên này’ với cô bán rau mấy hôm trước, hình như vẫn còn muốn họp báo rồi truy người phát tán clip do bà tự quay… Và vì ý kiến trả lời phỏng vấn của ông Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận Xã hội và Truyền thông Đại chúng với báo Lao Động nghe vừa lùng bùng vừa chung chung nên thiển nghĩ, ở đây tôi nên nêu ra “giá trị của tính trung lập” (value neutrality). Trong lịch sử, nó từng được dùng cùng lối kiểu để tạo khoảng cách giữa xã hội học (sociology) và chủ nghĩa xã hội (socialism) cũng như khỏi nỗ lực chính trị hóa lý thuyết xã hội (Gouldner, 1970). Proctor (1991) khi phân tích khoa học xã hội Đức quốc trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, khẳng định rằng khái niệm này tham gia vào tranh luận triết học tại thời điểm chủ nghĩa xã hội nổi lên ở châu Âu. Proctor cho rằng, giá trị của tính trung lập phục vụ cho hai chức năng tách biệt song liên quan nhau; một mặt thì các nhà xã hội học dùng nó như một công cụ để bác bỏ nỗ lực của những nhà Marxist muốn chính trị hóa lý thuyết xã hội; mặt khác, ‘chủ nghĩa xã hội khoa học’ (scientific socialism) trở thành một trong những mục tiêu nhắm đích phổ biến nhất cho việc chăm nom khoa học xã hội ‘không trung lập’ hoặc ‘định kiến’ (biased). Xã hội học cũng được tuyên bố trung lập nhằm tránh sự buộc tội rằng nó chỉ đơn giản là một từ khác trỏ chủ nghĩa xã hội (Procter, 1991). Dù đồng ý hay không với các chi tiết của lập luận trên, điểm dễ làm cho cuộc sống hiện đại bị chi phối bởi một hệ tư tưởng của khoa học mang tính hợp lý, khách quan, có giá trị, và khoa học được thể chế hóa ấy đã sử dụng ý thức hệ này tựa một thiết bị gác cổng nhằm loại trừ những thứ không ưa thích. Những ai bị coi là thiếu logic hoặc phi lý, chủ quan hay đầy ứa giá trị (value laden) bị làm cho mất giá, và bị đặt hẳn ra ngoài lĩnh vực khoa học. Tuy nhiên, như Thomas Kuhn (1962) chỉ ra, một hệ tư tưởng chủ soái như vậy cốt nhằm phục vụ việc làm mờ nhòe đi tính khả thể của các quan điểm khác mà thôi. Khi khoa học dần bị thể chế hóa hơn và gắn chặt thêm với sự bảo trợ của chính phủ, đã nảy sinh nhu cầu phân biệt ‘khoa học tốt’ mí ‘khoa học xấu’…

Giờ thì chúng ta chuyển sang giới thiệu tí chút về sự đánh giá về mặt đạo đức (moral judgment) và việc ra quyết định. Ai từng tìm hiểu ít nhiều, chắc dễ công nhận rằng, các nguyên tắc đạo đức vốn rất cứng rắn [nhớ chứ, khái niệm ‘mệnh lệnh tuyệt đối’ (categorical imperative) của I. Kant]. Thực tế đời thường thì người ta quen chống chọi đặng quyết định điều gì đúng, sai; đôi khi họ đối mặt với nghịch lý bởi các nguyên tắc đạo đức phức tạp khiến nảy sinh các đòi hỏi mang tính xung đột. Các quyết định chất chứa căng thẳng giữa các nguyên tắc đạo đức có thể gây xung đột về mặt nhận thức và kích hoạt bất đồng giữa con người với nhau. Rốt ráo, các biến thể nhỏ bé trong bối cảnh giữa các tình huống dễ khởi tạo mưu mẹo giúp cân bằng tính cạnh tranh của các lực lượng đạo đức và dẫn tới việc ra các quyết định thiếu nhất quán về mặt nguyên tắc. Tâm lý học có khái niệm ‘mềm dẻo về mặt đạo đức’ (moral flexibility): mọi người bị thúc đẩy mạnh mẽ để tuân thủ và khẳng định niềm tin đạo đức của họ trong các phán đoán và lựa chọn; họ thực sự muốn làm cho đúng, họ đích thị muốn làm điều đúng song bối cảnh tác động ghê gớm đến độ mà niềm tin đạo đức bị thử thách trong một tình huống nhất định (Bartels, 2008). Các vấn đề tâm lý về đạo đức hay nhấn mạnh tới khả năng giải quyết các phán đoán về công lý (justice), các quyền (rights) và phúc lợi (welfare) liên quan tới cách mọi người nên đối xử với nhau (Turiel, 1983). Đánh giá đạo đức thường chú vô các diễn trình hành động bắt phải gây ra một số tác hại, đặc biệt là việc mất mạng hoặc tổn thất về thể chất khác, mất tài sản hợp pháp, mất quyền riêng tư, hoặc các mối đe dọa về quyền tự trị. Đánh giá đạo đức cũng có xu hướng khởi phát không chỉ hành động của chính mình mà cả những người khác nữa. Người ta phân biệt được giữa việc làm một điều gì đó không khôn ngoan cho lắm với một việc làm gớm ghiếc về mặt đạo đức, và biết đánh giá rằng một cái gì đó, nếu liên quan tới đạo đức thì thường mang các tính năng đặc thù. Chúng ta sẽ trở lại vụ ‘con điên này’ và thảo luận chi tiết hơn những gì đã nêu trên vào một hôm đẹp giời, thuận duyên. Yên an.–

(chuyện chưa hết, thuận duyên đăng tiếp)

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top