Từ đợt triển lãm ở Văn Miếu tới cuộc biểu tình tại tượng đài Lenin

Tầm 11 giờ kém thì khu vực công viên trước Đại sứ quán Trung Quốc đã thưa hẳn người, duy nhất lố nhố nhóm nhỏ chưa đủ một tá đứng chỉ trỏ từ xa bên kia đường phía Cột Cờ.

Xe bus qua phố Trần Phú sau lưng tượng đài Lenin thấy tuyền là cảnh sát cơ động đứng cách quãng, còn các chiến sĩ áo vàng thì chụm lại cả cụm đông đảo đầu phố Hoàng Diệu.

… Ngay từ sáng sớm, từ chỗ chạy bộ trong khuôn viên Văn Miếu về, ngang qua ngã tư Cát Linh – Tôn Đức Thắng đã thấy lực lượng cảnh sát giao thông cùng công an phường và dân phòng triển khai làm nhiệm vụ.

Kịp chứng kiến một chiếc xe máy mang biển số 52 bị vị trung tá (hình như quân hàm cao nhất trong đội đó) đích thân ra chặn lại; chàng thanh niên da ngăm đen áo phông, quần lửng hơi ngạc nhiên, vẫn chưa dừng xe hẳn và tắt khóa… Chắc chắn sẽ có một lỗi nào đó được đưa ra, chắc chắn không kém là nếu chàng kia không mang ba lô nhằm hướng tiến rẽ qua Nguyễn Thái Học và tới điểm tập trung trước Đại sứ quán của Tàu thì khả năng cao là chẳng bị chef tuýt còi…

Cửa bán vé vào Văn Miếu đông nghịt người xếp hàng; sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, khu vực này càng rộn ràng, tấp nập, bất chấp điểm tập kết xe ô tô đưa đón du khách khai nồng mùi nước tiểu… Có vẻ chẳng nhiều bạn trẻ đến nơi này biết, đang ồn ào sôi động một cuộc biểu tình gần đó.

Nếu đưa chân đi thêm một quãng, quanh khu vực trước mặt Đại sứ quán Trung Quốc thì e chừng vô số vấn đề băn khoăn vẫn chưa thể trả lời nổi, ngay cả khi sự vụ tạm thời đã diễn ra mọi thứ cần thiết vào sáng hôm nay từ khoảng 8 giờ kém cho tới tầm hơn 10 giờ hết rồi (tung hô nhiệt liệt, phất cờ giăng biểu ngữ, đi tuần hành, hát tập thể, cảnh sát mặc áo giáp và mang lá chắn dùng dùi cui, chăng dây, lùa ép đối tượng tụ họp rời khỏi khu vực cần bảo vệ, loa chõ vào đám đông ì ì giải thích đường lối chính sách của đảng và nhà nước,…).

Người này kẻ khác rì rầm với nhau, thảng hoặc giọng ai vút lên giữa đám đông kiên trì đứng trong cơn nắng nóng mùa hạ; đôi chút co kéo bằng mồm giữa một vị mặc thường phục đeo băng Bảo vệ với người dân bức xúc chuyện Tàu ngang nhiên xâm lấn… Gì gì, tranh cãi khi đang thực thi công vụ là thất sách hẳn rồi.

Lại có chị kia tự dưng bỏ nhỏ vào tai cô nọ rằng cần nhờ cô í giúp tí chuyện, sau khi nghe cô này phát biểu một lời mạnh dạn, to tát. Thật ấn tượng sự nhạy cảm biết tự bảo vệ mình, cô gái lập tức gọi ngay bạn trai đến và họ khoác tay nhau trực diện thẳng thừng với điều lợi dụng, mờ ám của đối tượng lạ muốn gây rối.

Và nguy hiểm, tai họa ùa đến. Một phụ nữ xõa mớ tóc dài, mặt gầy, mang túi xách trên tay chợt bị xốc nách bất ngờ, mấy tay đàn ông lực lưỡng bê nguyên cả người nữ thanh niên lên khoang xe 113 màu xanh chật chội vừa đỗ xịch bên ngoài vỉa hè cổng vào Bảo tàng Lịch sử Quân đội. Ai chú ý theo dõi tất biết, trước đó chưa đầy mấy phút, bà này đã bị kéo lê và suýt chút nữa là xong màn tống giam khi cánh cửa một chiếc xe bóng loáng song che chắn kín mít vừa chợt đẩy cửa he hé…

Chiếm thêm lòng đường Điện Biên Phủ chật chội là 5 chiếc xe bus nối đuôi nhau trờ tới; duy nhất trên xe đến đầu là có người ngồi: hiện diện vài ba cái đầu tóc húi cua. Gợi nhớ kịch bản xử lý bạo động, giải tán đám đông bằng cách chở đi xa 10km nhân vụ tòa án Hà Nội xử tiến sĩ họ Cù.

Tập trung về đây rất nhiều các khuôn mặt thuộc đủ mọi lứa tuổi, giới tính, vùng miền, sắc phục, vị thế… Không thể không công nhận là một dịp hội ngộ biểu dương lực lượng của người dân Việt dưới bóng Cột cờ linh thiêng, nhằm tái khẳng định chủ quyền quốc gia và đồng thời vô hình trung, họ cũng âm thầm làm cuộc chia tay với biểu tượng Lenin bên trên đang hướng mắt nhìn đâu đó vô định.

… Sự kiện sáng nay phản ánh nỗi mong đợi đặt dấu chấm hết cho một sự lần lữa, phân vân. Dù còn sợ hãi và bất mãn, chính trên tinh thần ôn hòa dần tạo lập vững vàng ở lòng người và thể hiện ứng xử rõ ràng, khá phù hợp khi tương tác xã hội mà cái mục đích tối thượng của đường lối đấu tranh phi bạo lực thành tựu.

Một bằng chứng minh họa trạng thái duy lý về căn tính dân tộc, trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ và diễn trình hiện thực hóa truyền thông dân chủ.

Nhớ lời cụ Tản Đà về sự trớ trêu ‘lớn người- con trẻ’, lịch sử đất nước hình chữ S uốn mình bên bờ bể Đông nhất định cần tránh lặp lại nghịch lý tồi tệ khó lường thấu suốt của nỗi đau chia cắt lên rừng- xuống biển đặng nỗ lực hàn gắn mất mát, chia phôi để càng quyết tâm đồng lòng nhất trí, dốc sức nâng cao dân khí vì sự trường tồn, phồn vinh của quốc gia, dân tộc.

Từ  đợt triển lãm thư pháp ở Văn Miếu [nhân 100 năm Hồ Chủ tịch đi tìm đường cứu nước (đọc thêm)] tới cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại tượng đài Lenin, trình độ và kỹ năng chính trị của dân Việt đòi hỏi luyện tập nhiều.

Tiếp tục học hỏi kiến thức và kiếm tìm sự thật, tâm thế người tham gia góp phần tỏ lộ  tính chất đa dạng và khác biệt nhu cầu cần được tôn trọng trong một xã hội dân sự; hơn nữa, thật ngớ ngẩn kẻ chỉ muốn độc quyền yêu nước và cứ chực thích phân biệt đối xử vì quen thói so sánh hành vi của bản thân với hành vi của tha nhân.

Nhặt nhạnh vụn vặt cuối cùng. Trước lúc rời khu vực đại sứ quán Trung Quốc, tình cờ chứng kiến đoạn hội thoại giữa hai cậu bé con đứng cạnh điểm đỗ xe bus trên phố Trần Phú. Té ra, đứa bé 11 tuổi béo tốt hỏi chính xác anh bạn nhỉnh hơn cả về tuổi tác lẫn thân hình một câu: ‘Biểu tình là gì?’.

Không hài lòng với cách giải thích của anh bạn lớn tuổi đi cùng (cả hai mang cặp sách to nặng), cậu bé chờ một chàng trai khoác quân phục cảnh sát cơ động bước ngang qua để nêu thắc mắc lần nữa: ‘Chú ơi, biểu tình là gì?’. Nhân viên công vụ không hồi đáp ừ hử gì cả mà thản nhiên bước tiếp.

Đó là lý do vì sao sự kiện vừa kết thúc mà vẫn đề nghị lưu giữ câu hỏi biểu tình hay không

0 thoughts on “Từ đợt triển lãm ở Văn Miếu tới cuộc biểu tình tại tượng đài Lenin”

  1. Zozo đọc trên BBC Việt Nam thấy vụ xung đột giữa Trung Quốc và Viêt Nam có vẻ đang rất căng. Forum toàn những câu rất mạnh mẽ, thể hiện tính thần chống xâm lăng. Hôm nay còn nghe tin hacker 2 nước phá website của nhau… Trên báo chí Việt Nam thì khẳng đinh Trung Quốc đi vào vùng biển thuộc quyền của VIệt Nam, báo chí chính thống Trung Quốc thì nói ngược lại, rằng Trung Quốc vẫn hoạt động trên biển thuộc quyền của họ, Zozo thì vẫn tin là Việt Nam chẳng dại gì mà gây hấn với Trung Quốc trước, chỉ có điều theo khách quan thì bên nào đang nói đúng, ai đang xâm phạm ai? cơ sở pháp lý về luật biển quốc tế thì như thế nào, và các tổ chức quốc tế nghĩ thế nào về vấn đề này ạ.

    1. Blog Tâm Ngã, như bạn Zozo có thể nhận thấy ít nhiều lâu nay, không chuyên về giới thiệu và bình luận sự kiện chính trị; chủ đề này, nếu có ưu tiên nhắc tới thì cơ bản vẫn luôn được tiếp cận từ góc độ tâm lý học với những trích dẫn nghiên cứu đáng tin cậy của học giả nước ngoài.

      Những gì Zozo chia sẻ bên trên chứng tỏ bạn khá quan tâm theo dõi sát sao thông tin báo chí và cập nhật kịp thời tình hình đất nước.

      Cái hay của internet là mọi thứ dường như đều dễ dàng tìm thấy trên đó; vì thế, thách thức lớn nhất đặt ra với người sử dụng mạng lưới điểm toàn cầu lại nằm ở chỗ định hình đúng đắn thái độ và dè chừng sâu sắc động cơ tái xác lập– một cách vô thức hoặc hữu thức– quan điểm cá nhân, tổ chức, hội đoàn, cộng đồng, đất nước,… mình tham gia với tư cách thành viên.

      Câu hỏi Zozo nêu ra– vô hình trung– tạo điều kiện phản tư hết sức thú vị, hy vọng đủ sức thúc đẩy chính bạn tổng hợp và phân tích các cứ liệu thu thập được; qua đó, làm rõ ràng hơn căn tính cũng như lập trường và quan điểm chính trị- xã hội của bản thân Zozo.

      Trước hết là vấn đề quốc gia, dân tộc và rồi siêu việt vượt lên trên, sẽ đến lúc Zozo nhận ra lòng yêu nước lớn lao vĩ mô rất nhiều khi khởi đi từ tiến trình quan sát, ghi nhận chuyển biến tế vi của thân tâm mình; từ đó biết mình phải tự lựa chọn ý thức và hành động ra sao cho thật phù hợp.

      Đêm bình yên,

  2. Thực ra Zozo ít khi để ý chuyện chính trị lắm, nhưng vụ này nghe vẻ nghiêm trọng quá nên mới để ý. Rồi mới hôm nọ cả nước đi bầu cử, cả nhà Zozo có 3 phiếu bầu mà cuối cùng chẳng tự mình đi bầu được phiếu nào, hỏi ra thì mẹ Zozo bảo có một người quen sơ sơ – là người ứng cử, hỏi xin mẹ 3 phiếu, mẹ Zozo nghĩ bà ấy chỉ động viên bầu cử cho nên cũng ậm ừ đồng ý cho bà ấy đỡ mất lòng, nào ngờ bà ấy lấy luôn 3 phiếu đấy đi bầu cho bản thân lúc nào không hay….chưa hết Zozo còn nghe được tin xã bên cạnh mình có tổng số phiếu bầu lớn hơn số lượng người được quyền đi bầu của cả xã! Chuyện nọ sọ chuyện kia, Zozo cũng hay thấy là về già các cụ ông thì rất nhiệt tình chuyện chính trị, còn các cụ bà thì lại thích đến chùa chiền chơi.

    Và cuối cùng đọc bài của chú, Zozo lúc nào cũng cảm thấy vốn từ vựng của mình bị thiếu.

    1. Vâng, ở Việt Nam hiện nay thì ‘chính trị‘ là từ vô cùng ghê gớm và dễ bị hiểu nhầm cực kỳ, đồng thời còn tạo cảm nghĩ nhồi sọ, gây phiền toái nhất nên đa phần dân chúng tìm cách tránh né hoặc chỉ mơ màng nhắc tới cho… nó lành.

      Nhân tiện, với những chi tiết sống động Zozo ví dụ khiến câu hỏi rất thực tế buộc phải đặt ra: người ta sẽ như thế nào khi bằng chứng xác đáng nào đó chợt thách thức những niềm tin bấy lâu ấp ủ, mến yêu?

      Trong tâm lý học, động cơ để giải quyết các ý tưởng xung đột nhau gọi là ‘sự bất hòa nhận thức‘ (cognitive dissonance); nó dẫn ta tới việc thử cố sức xử lý sự mâu thuẫn, trái ngược theo cách sao cho thỏa mãn về mặt riêng tư, cá nhân mình nhất, hơn là tương hợp sâu xa với thực tế.

      Hy vọng, hiện tượng tự dưng các cụ ông mê chính trị còn cụ bà ham lên chùa tuyệt chẳng hề phản ánh trình độ khôn ngoan, từng trải nhằm hạn chế tối đa tình trạng bất hòa nhận thức tác oai tác quái đâu nhỉ (!).

      Chủ quan tôi thấy, người trẻ vẫn không ngừng dấn thân quyết liệt; ngay cả lúc họ sử dụng các thông điệp điện tử- nhờ thụ hưởng công nghệ hiện đại- như dùng điện thoại di động nhắn tin, tạo web, checkmail, phản hồi trên blog,v.v… thì không thể phủ nhận là họ đích thực chú tâm quan sát cũng như khao khát tương tác cộng đồng.

      Và dẫu thông điệp của họ chẳng hề có ‘thông tin‘ chi thì sự hiện diện của họ (lắm khi không kể với ai điều gì cả đâu mà cơ bản muốn bảo cho người khác biết rằng họ đang ‘ở đấy’ thôi, đang trực tuyến, ‘đến rồi’,..) e chừng tỏ lộ tha thiết mong mỏi kết nối xã hội.

      Bảo trọng,

  3. Người ta sẽ như thế nào khi bằng chứng xác đáng nào đó chợt thách thức những niềm tin bấy lâu ấp ủ, mến yêu?

    Cái mà Zozo trải qua:

    – Cảm thấy khó chịu với cái bằng chứng đó

    – Vẫn khó tin bằng chứng đó là sự thật, tức là vẫn cố tìm cách chứng minh bằng chứng đó là giả hoặc nếu có là thật thì nó cũng chỉ tạm thời thôi, niểm tin của mình sẽ thắng lại một ngày nào đó

    – Cảm thấy thất vọng, ngán ngẩm nếu niềm tin vẫn bị thua cái bằng chứng đó ngày này qua ngày khác

    – Tìm cách nào đó để tiếp tục củng cố niềm tin của mình, mặc cho cái bằng chứng kia thế nào

    – Cảm thấy luẩn quẩn

    1. Những gì Zozo trải qua rồi thổ lộ ra cho thấy, dường như bạn đang gánh lấy tâm trạng khá căng thẳng và bất mãn vì những niềm tin kèm hành vi ứng xử thực tế, cơ chừng không phù hợp với mong đợi của bản thân chút nào; chính nó là động cơ thúc đẩy ta giảm thiểu xung đột giữa chúng.

      Cái ước muốn điều hợp những niềm tin và ứng xử khó gắn kết với nhau ấy dẫn dắt ta đi tới lựa chọn giải pháp tự biện hộ- bằng vô vàn cách thức phong phú- thậm chí, kỳ cục nhất.

      [Tưởng cũng nên biết, trong tâm lý học, khái niệm ‘sự bất hòa nhận thức‘ nêu trên nảy sinh sau khi nghiên cứu hiện tượng sùng bái vật thể bay (UFO cult).]

      Có vẻ để điều hợp các vị thế xung đột và làm chính mình dễ chịu hơn hẳn, đòi buộc người ta hoặc thay đổi hành động (từ bỏ sự sùng bái), hoặc thay đổi niềm tin khác cho xứng đáng, phù hợp (có thể sự tiên tri, ước đoán là trắc nghiệm của lòng tin?).

      Một lần nữa, nỗi sợ đổi thay biểu hiện thành trạng thái quyết liệt kháng cự lại, càng khiến mối quan hệ giữa cảm xúc, hành vi và ý nghĩ thêm thiếu nhất quán, giằng xé, dây dưa, hỗn loạn hơn; chung quy, người ta chỉ muốn tiếp tục duy trì trạng thái hài lòng, dễ chịu, chấp nhận được với chính bản thân mình mà thôi.

      Cảm thông cùng vướng bận dai dẳng của Zozo,

Leave a Reply to zozo Cancel Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top