Thuật ngữ Tâm thần phân liệt (Schizophrenia) là sáng tạo vào năm 1908 của nhà tâm lý và tâm thần học Thụy Sĩ Eugen Bleuler (1857-1939), nhằm mô tả một rối loạn trước đó được biết tới với tên gọi “dementia praecox” (sa sút tâm trí sớm) do Emil Kraepelin định danh. [tham khảo]
Bleuler sử dụng thuật ngữ “schizophrenia” để chỉ sự chia chẻ nhân cách, ngõ hầu phản ánh sự kiện có một sự phân ly cơ bản giữa các chức năng khác nhau như trí nhớ, nhận thức, cảm xúc mà thông lệ là chúng tích hợp ở người bình thường.
Ông cũng đưa ra 4 chữ ‘a’ nổi tiếng tóm tắt bản chất tâm thần phân liệt và các khía cạnh cốt yếu của rối loạn.
Xin nhắc lại cụ thể:
‘affect’ (cảm xúc): những cảm xúc buồn nản hoặc không thích ứng, thiếu phù hợp với hoàn cảnh/ tình huống.
‘autism’ (tự kỷ): sự tách mình khỏi xã hội– thích sống trong thế giới huyễn tưởng hơn là tương tác với cộng đồng xã hội một cách phù hợp.
‘ambivalence’ (tính nước đôi trái ngược): giữ thái độ và biểu hiện cảm xúc xung khắc, đối kháng với người khác và với chính bản thân; thiếu hụt động lực và giải nhân cách hóa (depersonalization).
‘associations’ (các liên kết): các ý nghĩ liên kết mơ hồ, rời rạc nên khiến từ dùng lẫn lộn/ ý tưởng lung tung/ rối loạn tư duy.
Bleuler kiên định rằng, các dấu hiệu căn bản và khác biệt vừa nêu mới xác định và tạo thành bản chất tâm thần phân liệt còn các triệu chứng hiển nhiên như ảo giác (hallucinations) và hoang tưởng (delusions)– vốn là các triệu chứng hàng đầu của tâm thần phân liệt, theo Schneider— chỉ giữ vài trò ngoại biên và không quan trọng.
Giờ nếu ta có mô hình ABCD về tâm lý học với 4 miền chính là Affect (cảm xúc), Behavior (hành vi– các khía cạnh xã hội), Cognition (nhận thức) và Desire (ước muốn– động cơ/ động năng) thì dễ thấy cách thức 4 chữ a của Bleuler phủ lấp lên 4 miền tâm lý học như thế nào; hơn nữa, người mắc tâm thần phân liệt dường như đều gặp trục trặc ở mỗi miền.
* Cảm xúc (affect): hướng trực tiếp với miền cảm xúc và các cảm xúc thiếu thích đáng là phần cơ bản của hội chứng tâm thần phân liệt.
* Tự kỷ (autism): dù tên gọi ít nhiều không chính xác, nghĩa tự kỷ đã bắt chụp được những sự trở ngại mang tính xã hội và hành vi của người mắc tâm thần phân liệt.
* Tính nước đôi trái ngược (ambivalence): ở đây có những xung khắc và nhập nhằng liên quan tới những gì ai đó ước muốn; với chính mình và với những người khác; thiếu hụt động cơ/ động cơ xung đột là dấu hiệu của chiều kích này.
* Các liên kết (associations): các trụ đỡ về mặt nhận thức là quá rõ ràng– tư duy hỗn độn và các ý tưởng lung tung đều thể hiện bản chất của nhận thức.
Ngoài ra, một số triệu chứng âm tính như việc mất năng lực trải nghiệm niềm vui thú (anhedonia) thì phù hợp với miền cảm xúc (affection), còn sự thiếu vắng động lực để theo đuổi các mục tiêu đáng giá (avolition) có thể xếp vào miền tính nước đôi trái ngược (ambivalence) hoặc ước muốn (desire) theo sự sắp đặt bên trên.