Lắng đọng tâm lý từ bi cõi trần của vị Phật Quán Thế Âm

Một tuần sau Lễ hội Quán Thế Âm

Như sơ lược, truyền thống Phật giáo Tây Tạng nhìn Avalokitesvara là vị Bồ tát (Bodhisattva: người khát khao đạt được Phật tính [Buddhahood] vì sự lợi lạc của chúng sinh; tâm Bồ đề [Bodhichitta, hay còn gọi là ‘”tâm trí tỉnh thức”: ước nguyện của một vị Bồ tát khát khao đạt được Phật tính vì sự lợi lạc của tất cả chúng sinh]) thị hiện cho lòng từ bi (compassion) của tất cả các vị Phật– hiện đã tồn tại hoặc sẽ tồn tại mãi mãi.

Người Tây Tạng xem đức Dalai Lama như dạng hóa thân (incarnations) của Phật Quán Thế Âm (Avalokitesvara), người mà mật chú (mantra) “Om Mani Padme Hung được các Phật tử Tây Tạng khắc cốt ghi tâm, và luôn nổi bật trang trọng trên các kinh luân, cờ phướn cầu nguyện, chạm vào các viên đá mani khắp miền Trung Á.

Mật chú này mang nhiều nghĩa khác nhau, song đa phần nó dạy rằng Om diễn đạt cho thân thể, phát ngôn và tâm trí của người tu tập; Mani nghĩa là “ngọc quý” trong Phạn ngữ và biểu đạt pháp từ bi; Padme tương tự “hoa sen” (“lotus”) thuộc Phạn ngữ và thể hiện ý ‘trí huệ’ (wisdom); và Hung biểu hiện tính bất khả phân (indivisibility). Do đó, nghĩa tổng quát của Om Mani Padme Hung là tâm trí, ngôn từ và thể xác bình thường của chúng ta có thể được chuyển hóa thành thể xác, ngôn từ và tâm trí giác ngộ của vị Phật bằng con đường từ bi và trí huệ không gì cản ngăn nổi.

Theo câu chuyện, xa xưa Avalokitesvara đã bộc lộ một cảm nhận khôn cùng về lòng từ bi và trí huệ đối với tất cả mọi chúng sinh (sentient beings). Trong ngài, tẩy sạch vị kỷ và thể hiện nỗi niềm cảm hứng siêu việt của tinh thần từ bi, hỷ xả. Đến gặp vị thầy tâm linh của mình, đức Phật Amitabha (Adiđà), ngài thành khẩn nguyện rằng kể từ nay, ngài sẽ liên tục duy trì lòng từ bi và làm việc không ngừng ngõ hầu giải thoát tất cả chúng sinh khác khỏi sự khổ đau (suffering). Sâu thẳm lời nguyện, ngài tuyên bố hễ nếu còn nảy nòi một suy tư ích kỷ nào thì “cầu cho đầu con bị cắt bẻ thành mười mẩu… và cầu cho thân xác con bị chia tách muôn ngàn phần nhỏ.”

Sau thề nguyền này, ngài đã trải qua thời gian dài làm việc, những mong đem lại lợi lạc cho chúng sinh. Ngài du hành khắp nơi, ban pháp cho mọi người và nỗ lực giải thoát họ khỏi nỗi khổ đau.

Ngài dành thời gian thiền định để phát triển lòng từ bi hơn nữa, và khi nhìn ra nỗi khổ đau nơi nơi của thế giới thì lòng ngài đẫm lệ xót thương. Sau nhiều năm tinh tấn chí thành, ngài cảm thấy ”kiệt sức sau những cố gắng không ngừng”, vì thế, ngài dừng lại và “bước vào thiền định đặng hồi phục thân tâm”.

Sự kiệt sức như vậy chứng tỏ ngài đã chạm đến một giới hạn cá nhân. Tức có thể nói, ngài đặt để một ranh giới và tạm gián đoạn.

Suốt kỳ nghỉ dưỡng, cảm giác kiệt sức còn tồn đọng lại, ngài quán sát tình hình và nhận ra rằng mặc dù ngài đã trợ giúp cho rất nhiều thì hiện vẫn có vô kể chúng sinh khác đang trải qua các kiểu thức khổ đau khó tưởng tượng hết được. Khi thấu suốt sự khổ đau cực đại bất tận đến vậy, ngài thấy không thể chịu đựng…

Nhìn câu chuyện qua lăng kính tâm lý, thấy rằng lúc Avalokistesvara đang cảm nhận nỗi niềm từ bi chân thật thì một số ưu tư bản thân vẫn còn cư trú trong lòng ngài.

Điều ấy cơ chừng giống hệt hoàn cảnh hầu hết chúng ta phát hiện ở ngay chính mình. Chúng ta có thể cảm thấy một số cảm hứng từ bi, song mối quan tâm xoay quanh bản thân tiếp tục thiết lập định dạng bản chất căn cơ của những kiêu mạn (egos). Chúng ta cảm thấy lòng từ bi chân thật dành cho tha nhân, song tự sâu thẳm bản năng, những mối quan tâm xoay quanh bản thân cứ còn là những yếu tố quyết định cách thức chúng ta trải nghiệm thế giới.

Nên chi, khi tạo tác những nỗ lực từ bi mạnh mẽ thì chính vô số cơ chế đối phó và sự phòng vệ của bản ngã xô đẩy làm cho lòng từ bi bị giới hạn, và các cảm giác xoay quanh cái tôi tại phần cốt lõi của bản ngã đã bất ngờ bao phủ với quyền lực đe dọa hết sức mãnh liệt.

Xem xét tất cả những nỗi khổ đau làm tan vỡ trái tim Avalokitesvara. Cảm nhận là mọi nỗ lực của ngài không thật đủ đầy, ngài khóc than thống thiết, “Quyền năng dành để gì đây? Ta không làm được gì cả cho chúng sinh. Tốt hơn cho ta là bản thân được hạnh phúc và bình yên.”

Lời nguyền trước đây ứng nghiệm, đầu ngài chia thành mười mẩu và thân thể ngài tách ra một ngàn phần nhỏ. Hiểu một cách tâm lý, lúc này dung lượng và năng lực nội tâm của sự thực hành lòng từ bi bấy lâu trở nên xung đột với việc duy trì cốt lõi vị ngã của con người ngài. Tất cả những giới hạn và ranh giới xưa kia bị phá hủy, mở toang; lòng từ bi của ngài xé nát bản ngã cũ càng.

Thầy của ngài, đức Phật Adiđà, xuất hiện đúng lúc để làm tâm ngài yên ổn và lành lặn. Đức Phật Adiđà chuyển hóa mười mẩu của cái đầu cũ thành mười khuôn mặt mới nhìn thấu suốt mọi hướng. Như một biểu tượng cho sự thị hiện hài lòng luôn ở cùng ngài, đức Phật Adiđà cho Avalokitesvara một cái đầu thứ mười một sáng rực– là hóa thân của riêng Phật Adiđà. Thân thể mười ngàn mẩu nhỏ của Avalokitesvara được đức Phật Adiđà chuyển hóa thành một thân thể mới với một ngàn cánh tay; mỗi một cánh tay có một con mắt trong lòng bàn tay. Nơi từng chứa một bản ngã với cốt lõi quan tâm vị kỷ thì nay ngự trị thức nhận mở rộng chan hòa căn bản của lòng từ bi.

Tại thời khắc chúng ta bật lên chống lại những giới hạn bản thân và căng dài các cơ chế đối phó với điểm sụp gãy, chúng ta có một sự lựa chọn. Chúng ta có thể đặt để một ranh giới, hoặc có thể lựa chọn để đẩy bật vượt lên các giới hạn trước đây. Nếu chưa sẵn sàng, việc bật lên, vượt qua các ranh giới cũ có thể hoàn toàn gây hại. Trong trường hợp đó, các nỗ lực tâm linh hoặc đậm chất từ bi thay vì đưa tới sự rơi rụng của bản ngã lại khiến cho nguồn năng lượng vị kỷ tại trung tâm bản ngã mạnh mẽ hơn rất nhiều– so với quyền lực nội tại của lòng từ bi.

Thực tế, có rất nhiều người như thế, những người thúc đẩy bản thân họ đi quá xa và quá sớm trong thực hành thiền định, trong những bài luyện tập tâm linh khác, hoặc trong công việc họ muốn giúp đỡ tha nhân. Sau khi bị lấn át hẳn và ngập tràn bởi các trải nghiệm tiêu cực của sự thiếu sót, suy nhược thì họ buông thả luôn niềm cảm hứng từng có. Nhằm tránh thoát khỏi việc tái lập trải nghiệm tiêu cực ấy, họ chọn một cách tiếp cận bảo thủ và hạn chế hơn rất nhiều.

Avalokitesvara không bao giờ trải nghiệm thêm lần nào nữa sự thiếu sót, suy nhược vừa nêu, dù theo một cách thức hết sức khác biệt. Ngài đã không tỏ ra quá bức bách hoặc non nớt trong việc đẩy bật nhằm vượt qua giới hạn của bản thân. Một khi đã nỗ lực đủ lâu dài công việc nội tâm nhằm phát triển lòng từ bi, quyền năng do lòng từ bi chân thật mang ngài vượt qua chính mình. Cũng đừng quên chuyện ngài đã thực tập dưới sự hướng dẫn của người thầy Amitabha. Khi chạm tới điểm sắp vượt qua các ranh giới trước đây, điều quan trọng là có những sự trợ giúp từ bên ngoài phù hợp nhằm đưa mình băng qua những khổ nạn, khốn khó…

Khi chạm tới giới hạn và chưa tích lũy đủ các nguồn lực nội tại hoặc có được những sự trợ giúp bên ngoài nhằm siêu việt trên giới hạn đó, quan trọng là cần đặt để một ranh giới và chờ đợi cho đến lúc chúng ta đã sẵn sàng vượt qua nó. Các quyền năng tại trung tâm bản ngã thật đáng giá, và chúng ta phải chuẩn bị để đáp ứng cùng chúng. Khi sẵn sàng rồi, việc đối đầu với những giới hạn bấy lâu cung cấp một cơ hội đầy sức mạnh cho chuyện chuyển hóa tích cực. Quan điểm bản ngã thực tế thì tựa quan điểm về vũ trụ từng được nhìn nhận phổ quát trước Copernicus. Chúng ta tưởng tượng và cảm thấy rằng mình là trung tâm của mọi thứ. Trong những khoảnh khắc đấy, khi chúng ta cho phép lòng từ bi mang chúng ta vượt qua những ranh giới do bản ngã đặt để, chúng ta thả bỏ, rời đi khỏi viễn tượng này.

Viễn tượng chúng ta thu lượm được chính là sự biểu tượng hóa thông qua thân thể mới của Avalokitesvara. Khi chấm dứt cắm chốt vào viễn tượng riêng có của bản thân, chúng ta có thể nhìn thấy nhiều điều từ các quan điểm khác nhau. Thay vì cứng nhắc cực đoan, cách tiếp cận của chúng ta trở nên uyển chuyển và linh động.

Mười khuôn mặt mới của Avalokitesvara thoảng hoặc được xem như là biểu tượng hóa cho năng lực của ngài trong việc nhìn hết sức thấu cảm, đầy tràn lòng từ bi tất cả mọi nỗi khổ niềm đau ở mỗi chiều kích, phương hướng mà không bị đè bẹp, áp đảo. Khuôn mặt thứ mười một của ngài biểu tượng hóa tâm trí đã giác ngộ mà nó hồi quy sự thấu cảm về với sự khôn ngoan, trí huệ. Hàng ngàn con mắt của ngài chứng tỏ năng lực từ bi chứa đựng sự thức nhận mênh mông. Khi chúng ta không giới hạn cách tiếp cận của mình khuôn theo duy mỗi viễn tượng bản thân, chúng ta có khả năng để nhìn nhận sự vật, điều chuyện từ các viễn tượng khác. Thân thể với rất nhiều cánh tay biểu tượng năng lực to lớn đủ giúp tha nhân hết sức bao quát trong bất kỳ cách thức cần thiết nào. Hàng ngàn con mắt trong lòng bàn tay của ngài khẳng định sự trợ giúp này là không thể chia lìa hoặc được nâng đỡ ngay lập tức do khởi đi từ sự thấu thị đầy từ bi của ngài.

Câu chuyện về Avalokitesvara cũng có thể được nhìn nhận như tính biểu tượng hóa của những gì xảy đến mỗi lần chúng ta bật lên rất từ bi vượt qua ranh giới thâm căn cố đế.

Mỗi lần chúng ta phờ phạc, bức bối quá mức, hụt hẫng, kiệt sức, hoặc cảm thấy bị áp đảo nặng nề, chúng ta có thể tạm dừng lại vào mỗi khoảnh khắc đó để nhận ra rằng chúng ta có một sự lựa chọn.

Chúng ta có thể để mặc bản thân mình dính mắc vào, kéo lùi sâu bên trong thế giới của cái tôi, thậm chí giữ khoảng cách giữa mình với những người khác và cho phép các cảm xúc tiêu cực như giận dữ, tuyệt vọng, không xứng đáng, hoặc tự thương hại nắm quyền kiểm soát.

Hoặc trong khoảnh khắc ấy, chúng ta có thể tạo nên quyết định tâm lý để lựa chọn sự từ bi. Chúng ta có thể lựa chọn để giữ cho trái tim mình luôn mở rộng và không ngừng thấu cảm với những người khác.

Như câu chuyện về Bồ tát Quán Thế Âm chứng thực, tạo nên lựa chọn đấy không hề làm mọi thứ đột nhiên chuyển biến dễ dàng liền. Chúng ta có thể vẫn còn tiếp tục thất bại, trượt rớt. Song rồi chính tự thân sự thất bại, trượt rớt, yếu kém ấy trở thành hành trình của sự tiến bộ, triển nở trong việc nhìn nhận tha nhân và thế giới dưới những con mắt của lòng từ bi.

Nhân tiện, cũng nên biết rằng, con đường trở thành bậc Bồ tát thường được xem trọng bậc nhất trong truyền thống đạo Phật. Từ khía cạnh tâm lý học của Carl Jung, Bồ tát có thể được nhìn nhận như dấu hiệu, nhân vật giải quyết những đối nghịch giữa đời sống tâm linh và đời sống vật chất vốn được biểu đạt trong nghịch lý Puer (tuổi trẻ vĩnh cửu; một cấu trúc tâm lý mang chất mẫu rập khuôn) / Senex (nguyên tắc nam tính thâm căn cố đế mang chất mẫu rập khuôn) hoặc Puella (dạng thức nữ tính của Puer)/ Seneca (dạng thức nữ tính của Senex).

Trên hành trình bồ tát, người ta thay vì tìm cách siêu việt trên thực tiễn của thế giới vật chất thì vẫn ở vậy bên trong nó ngõ hầu phục vụ những người khác. Trong đạo Phật, trực giác thấu triệt bản chất tinh túy là sự hóa thân vào thế giới bằng mỗi một hành động mang tính sáng tạo.

Bồ tát còn có thể liên quan tới khả năng nắm bắt, xử lý áp lực căng thẳng giữa hai thế giới: thế giới khát vọng tâm linh và những đòi hỏi của đời sống vật chất thông thường. Nhờ hạnh trực giác thấu triệt thấm sâu vào bản chất sáng tạo, vị Bồ tát khai thác nguồn lực hiệu nghiệm của tầm nhìn và năng lượng sống còn. Một vị Bồ tát lựa chọn sống với nghịch lý của việc hiểu biết sâu sắc bản chất ảo ảnh của thế giới đang chung đụng, song vẫn ước ao nỗ lực tồn tại ở trong nó…

Lời cuối. Về tâm lý của sự từ bi. Các nền văn hóa truyền thống phương Đông xem từ bi là cốt tủy để giải phóng tâm trí chúng ta khỏi quyền lực của những thứ xúc cảm phá hoại như sợ hãi, giận dữ, ghen tỵ và thù hận (Goleman, 2003).

Từ bi không chỉ là một tiến trình làm cột trụ chống đỡ cho việc xây dựng các quan hệ củng cố xã hội với những người khác mà còn có tiềm năng lớn lao trong việc chữa lành tâm trí và thân xác chúng ta. Từ bi thuộc về cách thế sống cởi mở đối với nỗi khổ đau của chính mình và những ngước khác, theo một phương thức không phòng vệ và không đánh giá. Từ bi cũng bao hàm một ham muốn làm giảm nhẹ khổ đau, những nhận thức hướng tới am hiểu nguyên nhân gây khổ đau, và những hành vi, ứng xử– hành động với lòng từ bi. Do vậy, nó là một sự nối kết, tập hợp của các động cơ, cảm xúc, suy tư và ứng xử phơi bày nổi bật tình thương yêu và sự tử tế.

Phát triển mô hình từ bi liên kết giữa các khái niệm hóa từ đạo Phật về tâm trí con người với khoa học thần kinh hiện đại, nhiều công trình nghiên cứu của tâm lý học phương Tây chỉ ra rằng chúng ta tất thảy đều là những sinh thể tương thuộc nhau rất mãnh liệt, trên tiến trình không ngừng của việc cùng điều chỉnh với nhiều mức độ phức tạp; khám phá vai trò cốt tủy của sự tha thứ và tội lỗi trong sự từ bi, chỉ ra bằng cách nào mà những điều này có thể dính dáng trong các vấn đề tâm lý; rằng, từ bi cho chính mình và với những người khác có thể thực sự khó khăn nếu không có các quan hệ mang tính trợ giúp từ nhỏ ngõ hầu đem lại độ hiệu lực về mặt cảm xúc và cung cấp các khung tham chiếu lẫn sự hướng dẫn để hiểu biết, tích hợp và điều chỉnh tình cảm– những cơ hội học hỏi này có thể được tái thiết lập trong trị liệu bởi một tiến trình hữu hiệu thông qua những cảm xúc của bệnh nhân, đặc biệt với những đối tượng thiếu vắng sự chỉ dẫn và nâng đỡ của bố mẹ…

——————————————–

* Nguồn trích dẫn:

1. Gilbert, Paul. (ed) (2005). Compassion: Conceptualisations, Research and Use in Psychotherapy. New York, USA: Routledge

2. Ladner, Lorne. (2004). The Lost Art of Compassion: Discovering the Practice of Happiness in the Meeting of Buddhism and Psychology. New York, USA: HarperCollins

3. Preece, Rob. (2006).The Wisdom of Imperfection: The Challenge of Individuation in Buddhist Life. New York, USA: Snow Lion Publications.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top