Tâm linh, sức khỏe tâm thần và giới trẻ

Mọi truyền thống tâm linh đều nhấn mạnh rằng đời người là một cơ hội duy nhất và có một tiềm lực ghê gớm mà thường ta không hề ngờ tới. Nếu bỏ lỡ cơ hội mà kiếp này cống hiến cho ta để chuyển hóa bản thân thì rất có thể phải mất một thời gian vô cùng tận nữa ta mới có một cơ hội khác. (Mỗi ngày trầm tư về sinh tử, sđd, tr.187).

Nhà Phật nói đại ý, được sinh làm người còn khó khăn hơn là một con rùa mù cứ một trăm năm mới ngoi lên mặt biển một lần và đút được cái đầu của nó vào chiếc vòng gỗ cứ nổi lềnh bềnh, nhấp nhô theo sóng.

Ngày nay, nghiên cứu khoa học cho thấy, bất kể sự khác biệt trong niềm tin và các lễ nghi thuộc các tôn giáo lớn trên thế giới thì tâm linh luôn có tác dụng tăng cường sức khỏe tâm thần.

Theo đó, với chức năng là nét nhân cách thì người có trình độ tâm linh thường giảm thiểu cảm nhận về cái tôi của bản thân và thể hiện mức cởi mở và kết nối sâu xa hơn với phần còn lại của vũ trụ. Đáng chú ý, tần suất tham gia các họat động tôn giáo cũng như sự trợ giúp từ giáo đoàn không mang mấy ý nghĩa trong mối quan hệ giữa nhân cách, tâm linh, tôn giáo và sức khỏe.

Về lợi lạc sức khỏe, nghiên cứu đã phát hiện tác dụng cụ thể: sự nâng đỡ từ tôn giáo và tâm linh góp phần cải thiện thành tựu sức khỏe cả ở nam lẫn nữ đang phải đối phó với các trạng thái bệnh lý mạn tính.

Liên quan tới sự phát triển của giới trẻ thì những kết quả ban đầu vén lộ cách thức họ nhìn nhận tâm linh thuộc về các hành vi, cảm xúc và quan hệ tích cực.

Cụ thể, các đáp ứng với câu hỏi “Điều gì có ý nghĩa đối với một người trẻ tâm linh?” chứng tỏ dứt khoát các hành vi tâm linh của họ gắn kết với sự phát triển cá nhân và xã hội, bao gồm:

  • Có mục đích
  • Có sự ràng buộc với nhiều kết nối, tính cả kết nối với một quyền năng tối cao hơn (đặc trưng là Thượng Đế), con người và thiên nhiên
  • Có một nền tảng thân – tâm an lạc; hòa trộn niềm vui, trạng thái đủ đầy, năng lượng và bình yên
  • Có niềm tin vững chắc
  • Có lòng quả quyết (self-confidence)
  • Có sự thôi thúc hướng tới đạo đức, luân lý; chẳng hạn, động cơ làm điều đúng và nói sự thật.

Điều này gián tiếp lý giải tại sao một cuộc trao đổi, trò chuyện ý nghĩa có thể đem lại hạnh phúc.

Mặt khác, không khó hiểu tí nào khi các nhà sinh thái học hiện đại chia sẻ điểm tương đồng với Phật tử ‘nhìn thấy thế giới qua một bông hoa’:

Mỗi chúng ta lớn lên trong mối giao hội với những người khác, phụ thuộc và không thể chia tách khỏi nhau. Nỗ lực định vị một mẩu tí xíu không thể xâm phạm của cái tôi bên trong bất kỳ ai (hoặc đích thị, trong bất kỳ thực thể nào) thì chẳng hề giống như việc tìm thấy một hột rắn đặc trong một quả mơ. Điều ấy tựa việc bóc củ hành vậy: chúng ta là những lớp xếp trong những lớp, không có gì ở trung tâm. Hoặc, tựa xoáy nước trong một dòng sông, mỗi chúng ta dẫu có thể định dạng và nổi bật song kỳ thực, không có ‘chúng ta’ liên tục vẫn còn nơi chốn nào cả: chỉ là một mẫu hình dòng chảy chuyển động liên lỉ, bởi mọi người đều cấu thành toàn thể từ thứ, món, chất liệu phi ngã (non-self stuff) mà tất thảy cứ đang rời đi, băng qua. Với Phật tử và nhà sinh thái học, rốt ráo chúng ta là phụ tùng thay thế vốn được kiến tạo nhờ thu dọn từ đống thải bỏ của vũ trụ, mà các thành phần nguyên tử và phân tử ‘chúng ta’ được vay tạm nhất thời, và hậu quả là chúng sẽ bị tái chế.

Do vậy, sự tồn tại của chúng ta không phải là hiện tượng riêng biệt và có thể tách lìa. Lòng từ bi đích thực, theo nghĩa đau đớn cùng (sufffering with), nên được làm dịu bớt– thực tế là không thể chối bỏ– khi không ai làm người đón nhận duy mối quan tâm của riêng anh/ chị ấy…

Đứng trước quan điểm tương tức, liên thuộc giữa các sinh thể và môi trường như thế, một thái độ định kiến và cố chấp quả thật là phản động. Tâm bệnh học cho biết, định kiến có thể là nguyên nhân gây ra trầm cảm ở các mức độ xã hội, bên trong mỗi cá nhân và quan hệ liên nhân cách.

Và yêu thương, như lời bài hát thấm đẫm chất tâm linh và trị liệu, chính là sự chăm nom và tử tế với nhau giữa những chúng sinh cùng chịu đựng nỗi khổ niềm đau dằng dặc.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top