Tiếp theo, mình làm gì đây?

anh hùng, người nổi tiếng và nhân vật lớn lao
anh hùng, người nổi tiếng và nhân vật lớn lao

Thời điểm bây giờ chúng ta cần những anh hùng thực sự. Và cũng tiện dịp để nhìn nhận, định nghĩa lại khái niệm, danh xưng này; nhất là khi người nổi tiếng, nhân vật lớn lao (vĩ nhân, vị thánh) và anh hùng chẳng hoàn toàn trùng khớp với nhau.

Tin tức thời sự cho biết tang tóc đang kéo dài trong lòng dân tộc. Và câu chuyện thực tế không hoàn toàn chỉ dừng ở các hình ảnh, con số báo chí cập nhật đưa lên về diễn biến tình hình cùng mức độ người chết, kẻ bị thương. Bởi vì tai ương cuộc đời vẫn cứ hiện diện đầy bất trắc khắp nơi…

Không như những ca từ nhớ nhung ngọt ngào hay ngợi ca tiếc nuối dĩ vãng hoặc vô vàn khúc quân hành giục giã tạm biệt quê hương, chúng ta cần có những anh hùng khác để lưu giữ tâm trí tỉnh táo bằng sự suy xét thấu đáo; người cảm thấy dưới đôi chân mình trộn lẫn máu xương và nước mắt chứ không phải là tượng đất sét bị gãy đổ; người anh hùng ấy không thuộc dạng múa may, kỹ xảo hay nằm trong nghị viện, chính quyền.

Chúng ta cần người anh hùng của từng khoảnh khắc thoáng qua; không tạo dáng trước máy quay, tuyệt không hề đạo diễn, viết sẵn kịch bản hoặc cố thành dân trang điểm chuyên nghiệp với lịch sử… Chỉ thuần túy là sự thật.

Những người anh hùng của chúng ta hôm nay ở đâu, làm thế nào chúng ta có thể giơ tay sờ chạm để tái khẳng định sự hiện hữu đích thị của họ trong đời sống hàng ngày?

Ngày qua ngày, trong nỗi niềm hoài nghi ít nhiều thấm sẵn thất vọng tràn trề, chúng ta nhận ra mình bất lực nghiến răng ken két để thi thoảng trông chừng sự biến chuyển chậm chạp của nền tảng tồi tệ và sự ù lì, chẳng chịu dịch chuyển ra ánh sáng tiến bộ; vô hình trung, dần cộng đồng kết tạo nên biết bao trò ca cẩm miên man và vô vàn cơn ác mộng về đêm dính dấp chất keo tập thể.

Vậy nên, chúng ta tìm kiếm anh hùng từ bầu trời, trong phim ảnh, truyện tranh, trên truyền hình, từ thực tế, ở những nơi chốn chưa chắc xảy ra như thế giới kinh doanh, v.v…

Chúng ta cần anh hùng khác, và lúc này, các anh hùng hết sức khỏe khoắn không hề nhắm đến việc xiển dương bản thân đây, kia đang nuôi dưỡng niềm tin từng mòn vẹt của chúng ta rằng hãy còn người tốt làm những việc thiện lành, những người khiến chúng ta cảm thấy thoải mái hơn về đồng loại.

Bởi vì sự lớn lao cần được nghĩ khác đi. Như những đứa trẻ, chúng ta có thể tỏa sáng; thay vì nói về ai đó, chúng ta đang buộc phải nói tới chính mình. Không phải là đối tượng ái kỷ tự yêu mình thái quá để mụốn làm người lớn lao, nổi tiếng, chúng ta cần nhìn vào sự lớn lao ẩn chứa trong lòng. Đời sống trên cõi trần thì ngắn ngủi, và nhiều người khao khát, mong mỏi thành nhân vật quan trọng theo nhiều cách thức riêng biệt.

Khi chăm chú hết mực, chú tâm ghê gớm vào đời sống những người khác, chúng ta đã đánh mất yếu tính độc đáo, đặc thù của chính chúng ta đến nhường nào: lớn lao nhờ con đường vang danh lừng lẫy, nhờ thành tích thể thao, nhờ ngồn ngộn tiền bạc, nhờ bịp bợm dối lừa, …

Động năng thôi thúc con người ta về sự phẩm giá, lòng tự trọng– cho tính lớn lao, cao quý– sẽ là mũi khoan lệch tâm khi chúng ta lý tưởng hóa những người khác giống như các nhân vật nổi tiếng, lừng danh, hoặc khi chúng ta cảm thấy đặc biệt bởi những lý do loạn chức năng, bất thường. Hãy cứ thử nhìn vào cách thức mình hoặc ai đó mình yêu quý thì có thể phát hiện ra sự lớn lao, cao quý của chính họ.

Theo nhà phân tâm Heinz Kohut, tất cả trẻ nhỏ lý tưởng hóa thật tự nhiên bố mẹ mình. Rốt ráo ra, trẻ em thì bé xíu và không tự lo liệu được, còn bố mẹ chúng lại to cao và thừa khả năng. Chẳng mấy chốc, chúng cảm thấy thoải mái về sự ‘lớn lao’ của bố và mẹ. Trẻ lành mạnh lý tưởng hóa bố mẹ mình và cảm thấy lớn lao cũng như an toàn hơn bởi sự ủy nhiệm, qua người thay thế ấy. Rồi đến tuổi học đường, chúng tiếp tục lý tưởng hóa các bậc sinh thành. Khi tiến trình này bị ngăn chặn, như bị lạm dụng hoặc bỏ rơi, sự phát triển của trẻ có thể gây tổn thương trầm trọng. Ở giai đoạn vị thành niên, trẻ khởi sự nhìn thấy những đứt vỡ ở bố mẹ và chỉ trích. Song cô cậu bé đã nội tâm hóa cảm nhận về sự đặc biệt thông qua tiến trình ủy nhiệm rồi. Bố mẹ rất quan trọng.

Dù tốt hơn và thường thì dễ tồi tệ hơn, chúng ta mang nhu cầu lý tưởng hóa vào đời ngay khi đã trưởng thành. Chúng ta phóng chiếu vào thầy cô giáo, huấn luyện viên, người hướng đạo, các vận động viên, nghệ sĩ và chính trị gia. Trong khi thật tự nhiên khi khâm phục, ngưỡng mộ ai đó, chúng ta cũng tự làm giảm giá trị khi ứng xử vậy. Đó là câu chuyện hai mặt của một đồng tiền. Họ lớn lao/ chúng ta khó ngang bằng thế. Chúng ta đạt tới cảm nhận về sự lớn lao thông qua ủy nhiệm khi ngưỡng mộ họ.

Cho dẫu thế, đừng quên lớn lao không đồng nghĩa với danh tiếng, tên tuổi; đó là phương trình xưa cũ và sai lệch. Tìm thấy sự lớn lao ở đâu ư? Ngay chính trong thực tế của việc sống cuộc đời riêng mình. Các ví dụ minh họa cho sự lớn lao thì bất tận; mỗi một cá thể xác định bởi những thách thức chúng ta đương đầu. Đích thị, chúng ta được đánh giá không phải do những gì xảy đến với mình mà hơn thế, từ những gì chúng ta tiến hành với thân phận đang là.

Sự lớn lao lắm lúc cần đo lường đơn giản vậy thôi. Ý thức, nhận ra đời mình thực sự có ý nghĩa. Khi chúng ta thay đổi vì điều tốt đẹp hơn, chúng ta thay đổi thế giới. Và đó là sự lớn lao.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top