Chính tả là câu chuyện đi đúng lề đường quy định

Những ý nghĩ nặng trịch như nổi khổ đau từ dòng sông Mịch La đổ tràn vào ngày Thất Tịch
Những ý nghĩ nặng trịch như nổi khổ đau từ dòng sông Mịch La đổ tràn vào ngày Thất Tịch.

Câu chuyện chính tả vì thế, không thể không là mối ưu tư của cả lề trái và lề phải, thậm chí, cho những ai xàng xê, lơ lửng rưa rứa nữa.

Dưới góc độ cảm nhận cá nhân, có vài lưu ý đáng giá:

  1. Tôi không hồi tưởng trạng thái ngữ pháp được dạy ở trường;
  2. Tôi nhớ mãi rằng nên dùng dấu phẩy (,) khi mình cảm thấy cần tạm thời ngừng nghỉ, bởi với riêng tôi, việc thở đủ đầy thật vô cùng sung sướng;
  3. Tôi háo hức việc học hỏi, ghiền đọc song việc đã lâu chẳng rờ tới, ngó ngàng liếc mắt chi các văn bản, tác phẩm chuyên ngành viết bằng tiếng Việt nỏ có nghĩa bản thân lơ là, lơi lỏng hay buông thả nguyên tắc “viết đúng chính tả trước đã !”.

Hệ quả nảy nòi từ mấy dẫn dụ nêu trên là khá thú vị về sau xen lẫn nguy cơ nhãn tiền. Chẳng hạn, giờ nếu làm ngay bài thi chính tả chưa chắc tôi viết đúng 100%, tuyệt không sai téo tẹo tèo teo lỗi lầm, sai lạc nào; song thách đấy, đố mà xảy ra vụ tôi quên kết thúc câu bằng dấu chấm (.).

Lòng tự dặn lòng, mình không tranh giành làm hàng với ai hay cố thể hiện ý tưởng nào đó cực kỳ xuất sắc, độc sáng đến độ chả thèm coi ra gì các nguyên tắc chính tả. Ở Hà Nội mà vội vội vàng vàng thì e chất chồng tội nợ thêm thôi (là thiển nghĩ thế).

Khi giao lưu trên mạng, nhất là fb, tôi rất rất để ý cách người ta gõ xuống và trình bày văn bản, dù đó là status chỉ nhõn một, hai từ; cái note lê thê và tê mê tham vọng tưởng chừng thu tóm sự thật rốt ráo thôi- rồi- còn- chi- đâu- em; lời hồi đáp thiết tha tình thương mến thương; các thể loại thơ ca hò vè, văn vẻ xuôi ngược; hoặc đôi khi là dòng phụ đề minh họa dựa góp (caption?)  cho bức hình nóng bỏng, thấu thị tuốt tuột, v.v…

Đó là lý do tại sao tôi ngại đọc các bác, các anh chị lớn tuổi Việt kiều hoặc quốc nội; liếc thấy lỗi chính tả là lượn ngay và luôn cho nó lành, không thèm theo dõi tiếp, thậm chí, lắm khi ám ảnh đến độ khó buộc đôi chân ngoái lại chốn từng tình cờ rảo qua.

Vẫn còn niềm vui bên đời nên truyền thông cùng bạn trẻ là lủ khủ dịp may âm thầm ngộ ra lắm thứ hay ho; tỷ dụ, cơn cớ nào mấy đứa hay chọn phím “j” (báo hại đọc tin nhắn tốt lành mà nhịp tim vọt lên đột ngột), hoặc sợ ghê gớm nếu nhìn thấy kiểu sáng tác văn phong đề cao cá tính, quen vứt sọt rác mất tiêu các con chữ ngây thơ trung lập (“lun”, “nhìu”, v.v…).

Tôi quan niệm, điều tối thiểu khi sơ giao là thái độ tương kính. Hầu như ý tưởng kỳ cục, cực đoan, giời ơi đất hỡi mấy tôi đều gắng chịu đựng, chấp nhận được, song thiệt là trần ai khiến thằng tôi đây đau đớn khôn xiết tựa bất chợt nhá phải cục sạn (vừa làm đau răng loét lưỡi, vừa tăng cường độ chướng tai gai mắt), khi người viết hậu đậu tự bôi bẩn, xõa bày loang lổ không gian dành tặng cho mình tung tẩy, diễn đạt, do cứ thoải mái con gà lung tung lang tang đủ thứ chấm phẩy, ngắt thả vô tội vạ, đôi lúc còn hơi khí lạm dụng, gáy nổ đùng đoàng ò- ó- o và vãi đạn cấp tập luôn.

… Gợi hứng cho tôi xí xọn ở đây là chia sẻ tâm tư bi hài.

Nói luôn, mới đọc đoạn chapeau đã ớn lạnh. Quả chẳng thèm coi độc giả ra gì… Liệu tương đồng, cùng vấn đề khi xếp vụ viết “xe bus” thay cho “xe buýt” vào cùng rọ, chung nhóm với “chứng kiến” bằng “nhìn thấy” ?

Wow, điện thoại vừa nháy sáng. Tôi phải bắt kịp chuyến bus, kẻo lỡ dịp tham dự chương trình giới thiệu Artist’s Book: “một loại hình nghệ thuật đương đại mới ở Việt Nam”.

Nhân tiện, nhẽ nào việc nhắn tin nhoay nhoáy (mobile, twitter, chat chit trực tuyến) đang tàn phá, làm băng hoại, xói mòn ngữ pháp tiếng Việt ?

Hic, trót phận đa đoan nên hốt nhiên, buồn ghê là buồn; tôi thiệt.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top