Nói thêm về một nền tảng lập luận dạy học

(Bài này khởi thảo đã gần nửa tháng nay rồi mà giờ dây dưa mãi chưa chịu kết thúc)

Vụ thầy, trò đánh nhau trên lớp dẫu có bổ sung hay khai thác thêm thông tin mới để rồi sẽ càng làm tăng độ kịch tính hơn song rốt ráo thì chẳng thể khiến bản chất của câu chuyện khác đi được khi việc dạy trở thành công tác thúc ép, gán vào người học.

Đọc bài viết của một giảng viên Đại học Sư phạm ngậm ngùi thấu hiểu thêm; thậm chí, ngay cả các ý kiến bình luận mang tiêu đề “Bạo lực với học trò là tối kỵ” cũng không thoát ra khỏi tâm thế níu giữ cái bóng quyền lực của người thầy và còn đó nỗi khát khao thầm lặng về một môi trường học đường bị điều khiển, có kiểm soát.

Đây chính là lúc cần nói rõ ràng về điểm yếu trong phương pháp Makarenko vốn được ngành sư phạm Việt Nam cực kỳ xiển dương.

Trước hết, kiến thức về não bộ- thần kinh cho chúng ta biết rằng cách hay nhất để trừng phạt là không làm điều đó; khi trừng phạt, chúng ta tạo động cơ để sự trừng phạt quay lại, còn khi sự trừng phạt bị từ bỏ và không tiến hành thì chúng ta dễ nghiêng theo hướng làm vui.

Học sinh cần người kèm cặp mà vị ấy không biểu tỏ quyền lực trên chúng, không cố đạt được lợi lộc và thu vén riêng tư, là những người giúp các em học hỏi điều quan trọng, cả đời sống nghề nghiệp và đời sống cá nhân; đừng quên, chìa khóa của việc kèm cặp, dạy dỗ là quan hệ.

Cùng với thành công, phương pháp của Makarenko cần một môi trường được điều khiển và coi trọng uy quyền. Nhấn mạnh đến kỷ luật bản thân, Makarenko đòi hỏi tính cương quyết và tự kiểm soát ở cả giáo viên lẫn học sinh, và khuyến cáo giáo viên cần được huấn luyện để kiểm soát tông giọng, động dung khuôn mặt, và cử chỉ điệu bộ (mang tính diễn xuất). Với “giáo dục”, ông hàm ý việc đó không chỉ là truyền đạt kỹ năng và kiến thức mà còn phải rèn đúc nhân cách để cá nhân đồng nhất với tập thể (tr.397).

Ngoài ra, phương pháp của Makarenko dựa vào lời dạy của Lenin, Marx và Engels còn cho thấy rằng nó xa lạ với mọi người thời điểm đó. Giáo dục ở Nga luôn trung thành với đường lối truyền thống và lấy giáo viên làm trọng tâm; nó đi theo mô hình công ty. Makarenko tin rằng cần phải ra lệnh. Dù ông không có tập hợp các quy tắc chuyên biệt nào khi khởi sự song một nguyên tắc rõ ràng của ông là nguyên tắc nghiêm ngặt.

Một điểm then chốt trong việc giảng dạy mà Makarenko ý thức là khả năng nhận ra được tầm quan trọng của cảm xúc. Ông lưu ý, các giáo viên và nhà tâm lý trang bị đầy đủ kiến thức và nói bằng thứ ngôn ngữ thể hiện trình độ được đào tạo bài bản, không biểu lộ cảm xúc với trẻ em được xem như là các bộ từ điển bách khoa vô nhân tính: ứ tràn các thông tin song lại chẳng dính dáng gì tới đời sống thực tế hàng ngày. Đứa trẻ mà Makarenko làm việc là đối tượng mồ côi và ông nhận ra rằng trước khi được truyền tải kiến thức, chúng phải được chăm bẵm và trạng thái cảm xúc phải ổn định. Hơn nữa, các trẻ này không ý thức về bất kỳ quyền lực nào vì chúng vốn tự tung tự tác quen rồi khi sống lê la trên đường phố. Ông nhấn mạnh mối quan tâm của trẻ vào đất nước, sự biết ơn lâu dài, và tiềm năng để có hạnh phúc sâu xa. Ông muốn khiến trẻ cảm thấy tự hào về công việc chúng làm được và cho chúng cảm thấy bản thân cần thiết.

Tuy thế, Makarenko cũng thấy tầm thiết yếu của các mục tiêu ngắn hạn đủ để trẻ nhìn thấy ngay kết quả tạo ra và là động cơ để phấn đấu tiếp.

Makarenko thậm chí còn cảm thấy rằng dù động cơ nội tại là quan trọng thì điều ấy cũng khiến người ta ích kỷ. Ông thực sự cảm nhận rằng trừng phạt là yếu tính cho việc học hỏi. Ông không nhìn sự trừng phạt như thế kiến lập nên sự thống trị, chủ soái mà nghĩ rằng đấy là cách thức để cho trẻ cảm nhận về tình huống chúng sẽ có thể bắt gặp khi vào đời. Ông tuyên bố rằng mình chỉ trừng phạt những trẻ nào ông quan tâm và đảm bảo các học sinh của mình không điên lên khi ông làm điều đó.

Nghiên cứu gần đây chỉ ra, đánh phạt vào mông trẻ gây ra ba hành vi không đáng có ở trẻ phải chịu: sự không phục tùng ngắn hạn, không phục tùng về sau, và xung hấn; lĩnh vực nghiên cứu này khó tiến hành ở nhà bởi vì đánh phạt hiếm khi xảy ra ở trước bàn dân thiên hạ hay có mặt người lạ. Nó cũng khó thực hiện tại phòng thí nghiệm vì ngăn cấm gây đau cho đối tượng.

Một nghiên cứu khác với 2461 trẻ chứng tỏ, sử dụng thường xuyên việc trừng phạt thân thể trẻ (ví dụ, mẹ tét mông con hơn hai lần tháng trước) khi trẻ lên 3 thì có khả năng làm tăng lên nguy cơ cao hơn sự xung hấn khi trẻ 5 tuổi.

Thực tế, quan sát lâm sàng cho thấy người thành đạt nghề nghiệp có nét tính cách ám ảnh phát hiện ra rằng các phẩm chất thích ứng của họ giảm bớt đi trong bối cảnh không phải nơi làm việc. Họ là những người khó tính khi sống cùng vợ con và ít chấp nhận các nhân cách kiểm soát của bản thân đối với thuộc cấp ở công sở. Khi một nhu cầu ám ảnh cần kiểm soát xung đột ít nhiều với thế giới thực tế và người ta đành chối bỏ trạng thái kiểm soát thì thường liên quan tới nỗi niềm tức giận và lo âu.

Rõ ràng không quá khó hiểu khi những bất toàn, lộn xộn và nhố nhăng xảy đến hiện nay xung quanh càng dễ khiến nảy sinh ước ao trật tự hoàn mỹ và cảm giác thuộc về cái thời cuộc sống đơn giản xưa cũ đã một đi không bao giờ trở lại. Tiến trình lạc hậu và già cỗi với sự hiện diện bôi bác luôn nhắc nhở của nó về đạo đức quả thật là gánh nặng đau buồn cho nền giáo dục nước nhà.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top