Hiểu biết đúng mức Tâm lý học Tích cực

Hoa cúc trắng giục lòng anh yêu em thầm lặng, mùa thu rồi đồi núi trập trùng xanh
Hoa cúc trắng giục lòng anh yêu em thầm lặng, mùa thu rồi đồi núi trập trùng xanh

Mục tiêu chủ yếu của Tâm lý học Tích cực (Positive psychology) là để ý đến những gì người ta nên làm nhằm giành được và duy trì điều kiện hạnh phúc tốt nhất; bởi nỗ lực không ngừng đặng hiểu biết rồi trợ giúp phát triển các phẩm chất dẫn tới sự hoàn mãn bản thân hơn nữa.

Các chỉ dấu Tâm lý học Tích cực

Là một khoa học, Tâm lý học Tích cực nghiên cứu đáng tin cậy về các trải nghiệm tích cực và các nét tính cách cá nhân tích cực; một lĩnh vực quan tâm tới trạng thái an lạc (well-being) và sự vận hành tối ưu, với các ý định nhắm tới mở rộng tiêu điểm của tâm lý học lâm sàng vượt trên sự đớn đau khổ sở.

Tâm lý học Tích cực chỉ rõ người gặp trục trặc, phiền muộn muốn nhiều thỏa mãn hơn, cần sự hài lòng và niềm vui chứ không chỉ giúp họ giảm bớt nỗi niềm buồn bã, lo lắng. Niềm tin ở đây là những người khốn khổ như thế muốn tạo dựng sức mạnh chứ không thuần chỉnh lý nhiều điểm yếu đuối ở họ. Thuật ngữ “Tâm lý học Tích cực” được cựu chủ tịch Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ là Martin Seligman tạo ra năm 1998.

Tâm lý học Tích cực tập trung vào những điều căn bản sau:

  • Dành mối quan tâm vào các trải nghiệm cá nhân như trạng thái an lạc/ hạnh phúc, sự trôi chảy, niềm vui, tinh thần lạc quan và hy vọng riêng tư.
  • Để ý đến cá nhân phát triển lành mạnh, đặc biệt chú tâm vào các phẩm hạnh, nét tính cách mạnh mẽ như dũng cảm, tính kiên gan bền chí, tâm trí cởi mở và sự khôn ngoan.
  • Mục tiêu hướng tới là định dạng, nghiên cứu và nâng cao các phẩm chất trên nhằm cải thiện các trải nghiệm tích cực chủ quan và các nét tính cách thích nghi của các cá nhân (Robbins, 2008).

Tâm lý học Tích cực dựa trên nền tảng của lý thuyết nhân văn là chính. Giả thuyết cốt yếu của nguyên tắc này, như cách tiếp cận Nhân văn vậy, chú tâm vào việc khuyến khích tiềm năng của con người. Nó ý thức rằng người ta có thể và thể hiện sự thích nghi, phù hợp với đời sống với những phương thức sáng tạo cao nhất nhằm cho phép họ cảm thấy đời sống tốt lành. Trong bối cảnh ấy, tâm lý học tích cực có mối quan tâm bức thiết vào việc phát hiện những công việc và điều đúng đắn với cá nhân cũng như cách thức họ lựa chọn sống, làm việc và quan hệ với người khác.

Cụ thể như ở tầm mức cá nhân, tâm lý học tích cực nói về các nét tính cách tích cực của bản thân: năng lực yêu thương và thiên hướng nghề nghiệp, dũng cảm, các kỹ năng liên nhân cách, mối nhạy cảm thẩm mỹ, kiên gan bền chí, sự thứ tha, tính độc đáo, sẵn lòng đón nhận tương lai, tâm linh, tài năng lớn và khôn ngoan, minh triết. Với tầm nhóm, nó đề cập tới các phẩm hạnh và thiết chế thôi thúc các cá nhân hướng tới tinh thần công dân, thói quen trách nhiệm, năng lực nuôi dưỡng, vị tha, sự lễ độ, khiêm cung, khoan dung và đạo đức nghề nghiệp tốt hơn.

Các giả định của Tâm lý học Tích cực

Giả định căn cốt nhất của tâm lý học tích cực là con người thiện lương và hoàn hảo xác thực, chắc thật như đủ mớ rối loạn và phiền muộn vậy; do đó, cần được các nhà thực hành sức khỏe tâm trí chú ý đến đúng mức, ngang bằng.

Nguyên tắc của tâm lý học tích cực quan tâm chủ yếu vào việc xiển dương đời sống thiện lành.  Một đời sống tốt lành hướng về các phẩm chất bên trên đa phần là tiền đề để sống ổn thỏa ở đời. Các phẩm chất xác định đời tốt lành là những thứ làm đời sống chúng ta phong nhiêu, làm cuộc đời đáng sống và củng cố thêm các tính cách mạnh mẽ.

Seligman (2002) quan niệm cuộc sống tốt đẹp là sự tựu thành của 3 yếu tố:

  1. Kết nối tích cực với những người khác hoặc trải nghiệm cá nhân tích cực;
  2. Các nét tính cực riêng tư; và
  3. Các phẩm chất điều chỉnh cuộc sống.

Kết nối tích cực chỉ các khía cạnh hành vi chúng ta thể hiện sự liên hệ tích cực với những người khác; đó là các trải nghiệm cá nhân bao gồm năng lực yêu thương, tha thứ, và sự hiện diện bởi những liên hệ tâm linh, hạnh phúc và thỏa mãn đời sống khiến mình trợ giúp rồi kiến tạo nên cảm nhận về mục đích, ý nghĩa sống sâu xa hơn trong đời.

Các nét tính cách cá nhân tích cực có thể chứa đựng một số điều như cảm nhận về tính nhất quán, có khả năng sáng tạo, và sự hiện diện các phẩm hạnh như lòng dũng cảm và tính khiêm cung.

Các phẩm chất điều chỉnh cuộc sống là các thứ cho phép mình điều chỉnh hành vi hàng ngày theo cách có thể giúp chúng ta hoàn thành các mục tiêu. Một số phẩm chất như vậy có thể kể như cảm nhận về tính cá nhân hoặc tự trị, mức độ cao về năng lực kiểm soát bản thân lành mạnh và sự khôn ngoan dẵn dắt hành vi.

Theo tâm lý học tích cực, đời sống tốt lành cũng phải bao gồm cả quan hệ với tha nhân và xã hội như một tổng thể vẹn toàn.

Một mục tiêu thiết yếu của những gì thuộc về phong trào tâm lý học tích cực nằm trong chính giả thuyết đẩy mạnh các yếu tố cho phép cá nhân mau lớn và thành đạt nhờ khuyến khích sự thay đổi điểm trọng yếu vào tâm lý học, từ mối lo lắng gắng tu sửa những điều tồi tệ chuyển thành nhấn mạnh hơn việc khám phá và xây dựng các phẩm chất tích cực.

Điều vừa nêu đặc biệt thích ứng với bối cảnh trị liệu, khi các nhà tâm lý học tích cực dễ dàng tán đồng rằng vai trò của nhà trị liệu không đơn giản làm nhẹ bớt, giảm thiểu các phiền muộn, đớn đau cũng như giúp con người ta thoát khỏi các triệu chứng bệnh học mà cơ bản còn phải hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho trạng thái tràn đầy, hoàn mãn và thân -tâm an lạc– vốn không chỉ cống hiến cho một mục tiêu phổ quát trong quyền lợi chính đáng, thiết thực riêng tư mà còn phục vụ như một chức năng phòng ngừa của các lớp đệm chống lại tâm bệnh xảy đến về sau, thậm chí, giúp hồi phục bệnh tật nữa.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top